Dưới Ngọn Cờ Hồng, Hot Girl Dẫn Hot Boy Đi Ăn Hot Dog

Nguyễn Minh

 

Gần đây, tôi có nhận được thư của GS Trần Hữu Dũng, “lão trang chủ” của viet-studies, trong đó viết nguyên văn như vầy:

“Khi nào rảnh, anh viết một bài “tố” giùm tôi cách VN xài mấy chữ: hot girl, hot boy, showbiz…! Mỗi lần đọc mấy chữ này là tôi muốn điên lên!”

Tôi thì không điên như trang chủ, nhưng “cung kính bất như phụng mạng”, bèn có bài viết dưới đây.

Báo chí Việt Nam, cả mới lẫn cũ, tôi đọc khá nhiều, thấy rằng từ xưa không có hai từ hot girlhot boy. (Hot dog thì có!)

Báo trước 1945 không có.

Báo miền Bắc trước 1975 đương nhiên không có.

Báo miền Nam trước 1975, ngay cả những tờ lá cải, chuyên đăng dạng tin “ăn chè Nhà Bè”, “Mai Lệ Huyền giựt chồng”, cũng không có.

Báo thời bao cấp và đầu kỳ đổi mới vẫn không có.

Hình như từ hot girl mới xuất hiện từ đầu thế kỷ 21, cùng với sự ra đời của báo mạng. Thoạt tiên chỉ có hot girl, về sau boy đòi… bình đẳng giới, nên có thêm hot boy. Hai từ này thường được dùng như một dạng title, đặt trước tên người.

Theo tôi hiểu, hot girl tức là gái đẹp, nhưng không nghề ngỗng gì, nhà báo chẳng biết gọi các cô này là chi, đành gọi hot girl. Có lẽ nhiều hot girl cũng mặc cảm về điều ấy, nên cố gắng đá lấn sân, đi đóng phim hoặc ca hát, để được danh xưng là diễn viên hay ca sỹ.

(Xin được mở ngoặc là tôi không có ý chỉ trích các hot girl. Một cô hoa hậu từng nói, đại ý rằng sắc đẹp cũng là tài năng. Ngẫm ra không sai. Người có năng khiếu về một lĩnh vực nào đấy, đó là trời cho, không do khổ luyện, song ta vẫn khen là tài. Vậy người có sắc đẹp, cũng do trời cho, tại sao không phải tài năng? Sắc đẹp là “vốn tự có”, là lợi thế thiên phú. Biết tận dụng vốn ấy là giỏi, có gì đáng chê?)

Vấn đề là tại sao không dùng tiếng Việt, mà phải bê nguyên một từ tiếng Anh?

Tiếng Việt vốn rất phong phú. Ngoài gái đẹp, người đẹp, còn có mỹ nữ, mỹ nhân, giai nhân, tố nữ, tú nữ, vv và vv. Có thể dùng một trong những từ này thay cho hot girl hay không?

Hà Nội ngày xưa có “tứ mỹ” là cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai, cô Bính Hàng Đẫy. Nói theo ngôn ngữ hiện giờ, bốn giai nhân ấy chính là hot girl chứ gì nữa?

Nhưng không, những chữ như giai nhân hay mỹ nhân luôn gợi lên một vẻ gì rất khuê các, phong nhụy, “êm đềm trướng rủ màn che”, còn hot girl lại gợi lên sự…phồn thực, ngồn ngộn, dùng thay thế nhau không ổn.

Thế chả lẽ lại dịch là gái nóng?

Ai lại làm thế? Hot dog còn chưa nỡ dịch ra chó nóng, huống hồ là các hot girl “trí như bạch tuyết, thân như ngọc”!

Chữ người đẹp có lẽ vẫn ổn nhất, tuy chữ đẹp vẫn chưa diễn tả được ý hot.

Báo giới không dùng chữ người đẹp, chắc vì nó thường quá, nôm quá, không cool. Thời hiện đại, kỷ nguyên 4.0, chắc phải dùng hot girl mới gọi là hội nhập, bắt kịp xu hướng?

Cũng như khi viết về thời trang, phải giữ nguyên retro, vintage, mix-match, fashionista…dịch tiếng Việt làm chi cho chúng bảo mình quê?

Ở đây phải thừa nhận một điều: Việc nhập khẩu vô tội vạ ngôn ngữ nước ngoài dường như là thói quen của nhiều người Việt, trước hay nay đều vậy.

Thời xưa, còn chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, ta nói đi pit-xin (piscine) thay vì đi hồ bơi, xem xi-nê (ciné) thay vì xem chớp bóng, sa-tô-đô (chateau d’eau) thay vì thủy đài hay đài nước…Nay đã sửa được mấy chữ trên, thì lại sinh ra vụ hot girl, hot boy, và trăm thứ bà giằn khác.

Nói cho cùng, tuy nghe chướng thật, tuy có làm “lão trang chủ” nhà tôi phát điên thật, nhưng việc các chữ hot boy, hot girl lan tràn trên phương tiện truyền thông chỉ là chuyện nhỏ mà thôi. Câu hỏi chính yếu là tại sao các cô các cậu ấy lại được “lên sóng” nhiều như vậy, chứ không phải nhà báo dùng chữ gì để gọi họ.

Năm 1966, ngay giữa đỉnh cao chiến tranh, Đảng ta đã làm được một việc đáng khen là tổ chức một cuộc hội thảo lớn, nhằm mục đích giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

Ngày nay, giữa thời bình, chẳng lẽ Tiếng Việt không cần trong sáng hay sao?

À mà quên, dân mà không mê hot girl, hot boy nữa, nó lại đòi hỏi cái khác thì bỏ mẹ!

Thôi cứ vậy đi!

 

Nguyễn Minh

Adelaide, tháng 8, 2019

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 24-8-19