NHÂN 15 NĂM NGÀY MẤT CỦA NHÀ THƠ THU BỒN

                                                     

Chỉ có thể là... Thu Bồn

Ngô Thảo

                                      

                                      Rồi mai mưa gió qua đây

                                     Anh còn ở với cỏ cây, em về.

            Vậy là đã 15 năm với bao ngày mưa tháng gió đi qua,trên câu thơ bạn bè chọn khắc ở mặt sau bia mộ Nhà thơ. Trong hàng ngàn câu thơ hào sảng, khí phách, chúng tôi chọn một câu thơ khiêm nhường, khoan dung, biết người, biết ta, vì nó thể hiện một nét tính cách của Nhà thơ khi còn sống.

              Những ngày này năm trước, sau khi được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật,tại quê hương, xã Điện Thắng- Điện Bàn- Quảng Nam, vào ngày giố lần thứ 14, đã có một đêm tưởng niệm thật hoành tráng và xúc động. Trong đông đảo quan khách, bạn bè, người thân và bà con quê nhà có Bí thư và Chủ tịch 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, UV TƯ, Phó Ban Tổ chức Trung ương Hà Ban, Nhà văn Nguyên Ngọc  nhiều năm là Thủ trưởng trực tiếp của Nhà thơ ở chiến trường Khu V, đông dảo các bạn bè văn nghệ. Góp vào chương trình văn nghệ sôi động là các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật  Quảng Nam và Đội Cồng chiêng Kon Tum, nơi nhiều năm Thu Bồn đã gắn bó cả trong chiến tranh và hòa bình.Nhiều  bài thơ Thu Bồn được ngâm, nhiều bài hát phổ thơ Thu Bồn được trình diễn chen giửa các màn múa hát và Cồng Chiêng. Nhiều kỷ niệm về Nhà thơ được mấy người bạn cùng thời kể lại để thấy tính cách và tầm vóc, sự gắn bó của Nhà thơ với đất nước, với quê hương. Cả ngàn khán giả đã về dự đêm tưởng nhớ nhà thơ tài năng của một vùng quê nổi tiếng can trường trong mấy cuộc chiến tranh. Chỉ có thể là tài năng Thu Bồn mới có sức tập họp tự nguyện ấy.

       Chăm lo kinh phí cho ngày giỗ và đêm văn nghệ, một phần là do mẹ con chị Đỗ Thanh Thu và con trai Hà Băng Ngàn. Nhà văn Nguyên Ngọc đã kể lại những gian truân, cách trở để đôi bạn trẻ cùng quê tìm lại được nhau sau mấy năm xa cách vì đất nước bị cắt chia. Vốn là bạn học từ nhỏ ở quê, cả hai cùng tham gia trong đội văn nghệ của Trường.từng cùng sắm vai trong mấy vở kịch. Nhưng rồi năm 1954, Hiệp định Geneve tạm thời chia đôi đất nước. Thu Bồn theo đơn vị bộ đội tập kết ra Bắc. Chị Thu ở lại tiếp tục hoạt động. Ngay từ đầu, những hoạt động đòi hòa bình, thống nhất đã bị đàn áp thẳng tay. Chị Thu bị bắt vì tham gia biểu tình . Mặt hoa da trắng, lại ăn nói linh hoạt, đang ở tuổi trưởng thành, dù trong tù, chị vẫn là mục tiêu săn đón của nhiều anh lính Cộng  hòa háo sắc. Có lẻ vì cạnh tranh nhau, mà chị tìm ra kẻ hở để trốn thoát. Ở quê không thể, chị theo xe đò trốn vào tìm người thân ở Sài Gòn. Lại móc nối hoạt động, chị tham gia vào Đội biệt động của Thành phố. Còn Thu Bồn năm 1955 tập kết ra Bắc, lần lượt học Trường Sỉ quan Lục quân, rồi Đại học Sư phạm, chuyển sang Trường Tuyên huấn – Báo chí cho chiến trường B. Năm 1960, anh thuộc lớp văn nghệ sĩ đầu tiên trở lại chiến trường, cùng đi với Nguyễn Chí Trung, Thanh Giang,…Năm 1962, Khi Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tấn- Nguyễn Thi vào chiến trường, thì Tiểu ban Văn nghệ của Khu V được củng cố. Cùng làm một nhiệm vụ, cùng ở một chiến trường, và hình như cùng một nhóm lãnh đạo, mà có hai khối: Một bên là của Quân Giải phóng Khu V, một bên là của  Ban tuyên giáo Khu Ủy với Phan Tứ, Chu Cẩm Phong- Trần Tiến, Bùi Minh Quốc- Dương Hương ly, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Khắc Phục, Thanh Quế…Khi tình hình hơi ổn định, có thể về vùng giáp ranh công tác, Thu Bồn đưa một tấm ảnh nhỏ có hình một cô gái nhờ Nguyên Ngọc có dịp về công tác hỏi thăm tin tức người trong ảnh. Mấy lần đi, nhưng sau 1954, làng quê dưới thời chế độ mới, đã có quá nhiều biến động, mãi mấy năm sau, mới có một người quen chỉ cho nơi ở của bà mẹ cô gái trong ảnh. Nhờ đó mà biết địa chỉ chị Thu ở Sài Gòn. Nhiều phen thư từ đi lại, chẳng dễ dàng gì, nhưng cuối cùng họ đã nhận ra là không thể thiếu nhau. Nể tình tác giả Bài ca Chim Chơrao, đích thân Bí thư Khu ủy Võ Chí Công phải liên hệ với Thành ủy Sài Gòn xin cho chị Thu về Khu V công tác, rồi lo đám cưới cho hai người. Mọi chuẩn bị về vật chất như gạo thịt, gà, bánh kẹo  mua từ vùng giáp ranh đã xong, nhưng lễ cưới sắp bắt đầu, thì một trận bom tơi bời làm tanh bành tất cả . Căn cứ lập tức di chuyển. Một tuần sau trở về, Thủ  trương cơ quan tuyên bố, coi như đám cưới đã tổ chức xong, cho hai người về ở với nhau.Những năm đó, rừng Khu V đã bị rãi  chất độc diệt cỏ. Lính tráng ngây ngô, uống nước suối đổi màu mà không biết hậu họa. Cháu Thảo Nguyên sinh ra đã bị chân tay vẹo vọ. Mới sinh đã bị Bác sĩ bẻ ra bó bột cho bình thường. 16 năm sau, ở Bệnh viện Quân đội 108  Hà Nội, chính vị Bác sĩ ấy đã điều trị bệnh máu trắng cho Thảo Nguyên, nhưng lần này thì bất lực.Năm 1969, khi chị Thu có bầu cháu thứ 2, sau khi Thu Bồn bị thương, cả hai được đưa con ra Bắc.Thu Bồn đục lỗ ba lô để cõng Thảo Nguyên, còn chị Thu thì:  Ba lô đằng sau là ba lô Nhà nước/ Ba lô phía trước là ba lô nhà…em..Nhưng chưa ra đến cửa rừng thì chi Thu sinh cháu Băng Ngàn ở Làng Ho, Tây Quảng Bình.Ảnh hưởng chất độc Da cam, nay gần 50 tuổi, Hà Băng Ngàn vẫn không có khả năng học tập và làm việc, May còn mẹ săn sóc , cả những ngày bị lên cơn vật vả.Có lẻ , không có thời nào, không có một đất nước nào như ở nước ta, bao nhiêu tình yêu đẹp đẽ lại sản sinh ra những sinh linh không hoàn chỉnh, những bông hoa…ác nhiều đến thế. Đó là hàng vạn  con người dị dạng muôn vẻ vì ảnh hưởng chất độc da cam. Nhà thơ Liên Nam khi ra Bắc cũng có một người con bị bại não.Có nhiều lý do khi một cuộc tình bắt đầu rất đẹp , đã không duy trì được bền lâu sau chiến tranh. Những người con bị chất độc  cũng là một ám ảnh nặng nề. Sau này, dẫu có yêu và lập gia đình vài lần, nhưng nỗi ám ảnh và mặc cảm đó làm cho nhà thơ sợ cả  có con.

         Ngoài 10 Trường ca, 10 tiểu thuyết, Thu Bồn còn các tập thơ ; Tre  xanh ( 1969),Mặt đất không quên ( 1970),Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên ( 1992), Tôi nhớ mưa nguồn (1999), Đánh đu cùng dâu bể ( 2001). Có khá nhiều mỹ  nhân từng là nguồn cảm  hứng  cho tác giả làm nên những bài thơ tình tha thiết. Cũng có nhiều giai thoại xung quanh từng bài thơ. Đều là do bạn bè thân thiết kể lại, nhưng là những người nhiều khả năng tưởng tượng, nên không phải ai cũng nói đúng sự thật. Mà sự thật trong tình cảm, cũng như trong  thơ là những điều không phải bao giờ cũng rạch ròi. Tạm biệt Huế là một trong số đó.

         Như một cơ duyên. Tháng 5 này trở lại Huế, nhà văn Tô Nhuận Vỉ nhắn tôi, phải nhất thiết gặp một người.Người đó nhiều năm nay đã định cư ở Pháp, đã có gia đình.Nhưng 35 năm trước là nguồn cảm hứng để nhà thơ làm bài Tạm biệt Huế, chắc chắn là một trong những bài thơ hay về xứ sở này.Hơn hai kiếp lưu lạc của nàng Kiều,rời Huế vô Sài Gòn, lấy chồng ở Đà Lạt, chồng mất đột ngột, một mình nuôi hai con,giờ đều đã trưởng thành trên đất Pháp. Mấy năm gần đây, mỗi năm về Huế mấy tháng để săn sóc Bà Mẹ giờ đã 95.Đó cũng là thời gian chị cùng chồng mới là một cựu Đại tá quân đội Pháp dạy tiếng Pháp miễn phí cho một số học sinh, sinh viên, như một việc thiện nguyện. Có lần nhà cháy, nhiều khi trắng tay, vậy mà , buổi trưa gặp nhau ở một quán nhỏ ở Huế, có sự chứng kiến của nhà văn Tô Nhuận Vĩ, nhà thơ-kts Hồ Minh Tâm, nhà báo NguyễnVăn Tám ở VTV, nữ sĩ Lê Thanh My  Chủ tịch Hội VN An Giang và tất nhiên có cả chàng Đại tá võ vẻ vài câu tiếng Việt rất chịu khó chăm sóc cô vợ trẻ đẹp,  người ấy quyết định chuyển cho tôi, tờ giấy nhỏ, mực phai, giấy rách, nhưng còn nguyên vẹn bài thơ xưa Thu Bồn đã chép tặng mình. Bài thơ  có tên :  Bởi vì em. Tặng Minh Châu và Huế cùng những ai yêu Huế . 8-1983. So với bài  Tạm biệt Huế  được công bố sau này, tác giả có sửa chữa và biên tập cho dễ in hơn. Bài thơ được hoàn thành  Đêm 6-8-83, một đêm không ngủ. Đó là thời gian Thu Bồn cùng mấy người bạn về Huế.  Hội Văn nghệ Huế cử một nghệ sĩ nhiếp ảnh dẫn các văn nghệ sĩ đi tham quan các di tích và chụp ảnh. Mới ngoài 20, gương mặt rạng rỡ, nụ cười thần tiên, đôi mắt luôn biết nhìn thấu lòng người, và một vóc dáng cao lớn mà bất cứ ai được đi bên cạnh cũng có thể ngẫng cao đầu. Một người say cái đẹp và hoạt khẩu như Thu Bồn đã không bỏ lỡ cơ hội để được trò chuyện và tiếp cận nữ nhiếp ảnh trẻ trung ,hấp dẫn. Họ có ba ngày say sóng bên nhau, khi đi tham quan các lăng tẩm, đền đài của Huế,thù tạc cùng các bạn văn nghệ sĩ xứ Thần kinh. Buổi sáng chia tay, Thu Bồn trao tay cho Minh Châu bài thơ làm sau một đêm không ngủ. 1993, mười năm sau, Thu Bồn cùng mấy người bạn Nguyễn Tiến Toàn, Trần Công Tấn có dịp trở lại thăm Huế, rất nhiều Hướng dẫn viên Du lịch đã đọc cho khách tham quan nghe bài thơ như một cách giới thiệu những vẻ đẹp của Huế. Con sông giùng giằng, con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.Nhưng bóng dáng  người xưa đã biệt tích. Trong bản thơ viết tay tặng Minh Châu  có những câu như một  lời tiên tri :                

                       Xin chào Huế một lần anh đến

                       Để ngàn lần anh nhớ hư vô

                       Em rất thực nắng thì mờ ảo

                      Xin đừng nhầm em  với Cố đô

 

                      Tạm biệt Huế với Châu là vĩnh biệt

                      Hải Vân ơi xin Người đừng tắt ngọn sao khuya

                     Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng

                     Anh trở về hóa đá phía bên kia

 

         Dẫu đã 15 năm tác giả yên nghỉ trong nấm mộ đá hoa cương có rất nhiều kỷ vật  bạn bè tứ xứ gửi theo trong Nghĩa trang Thành phô HCM, nhưng bài thơ  Bởi vì em- Tạm biệt Huế  vẫn hiện diện trong lòng những người yêu thơ, yêu Huế. Chỉ bởi vì đó là …Thu Bồn.

        Sau khi được Giải thưởng HCM về văn học và nghệ thuật, ước gì ở Trường học nơi quê nhà Điện Thắng có một phòng lưu niệm những di vật và tác phẩm của Nhà thơ lớn của quê hương.

                                                                 HN 10-6-2018

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 18-6-18