Cho ngày 30-4:
Chuyện bây giờ mới kể
Ngô Thảo
Thời gian là cỗ máy mài vô tình và tàn nhẫn đối với ký ức cá nhân.Trong
biển thông tin hỗn loạn và nhiều kênh hôm nay, ký ức lại càng gặp nhiều
thách thức thường trực và dữ dội. Một cách cổ sơ và thủ công cưỡng chống
lại sự bào mòn vô tình và tàn nhẫn ấy là tìm dịp nhắc lại, thường xuyên
nhắc lại.
Trong dịp tháng 4 này, là người còn lại của đội hình đông đảo những
người lính làm văn nghệ đồng hành cùng các Binh, Sư đoàn ào ạt lao về
phương Nam mùa Xuân 1975, giờ nhìn lại, một số rất nhiều những con người
tài hoa dạo ấy đã thành người thiên cổ.
Sau
tết Ất Mão,Văn nghệ Quân đội được mật lệnh cử các nhà văn xuống các đơn
vị, chuẩn bị cho tình hình mới. Từ nhiều năm, mỗi nhà văn đã có những
đơn vị thân quen như gia đình, họ từng đi về trong nhiều chiến dịch lớn:
Hồ Phương & Hữu Mai, Nguyên Ngọc & Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và Xuân
Thiều, Thu Bồn và Phạm Ngọc Cảnh, Nam Hà và Xuân Sách, Mai Ngữ, Hải Hồ,
Ngô Văn Phú, Văn Thảo Nguyên, Vương Trí Nhàn, Lê Thành Nghị… Cầm trịch ở
nhà chỉ còn Chủ nhiệm Vũ Cao và Phó là nhà văn Từ Bích Hoàng. Nhà thơ
Thanh Tịnh những ngày này trầm lặng trong tâm trạng khá nặng nề.
Cuộc hội ngộ lịch sử đầu tiên là cuối tháng 3, khi Thành phố Huế vừa
được giải phóng. Theo trực thăng bay dọc Quốc lộ 1, chúng tôi chứng kiến
quang cảnh hào hùng của những đoàn quân đi trên nhiều phương tiện khác
nhau như dòng nước chảy một chiều về hướng Nam. Cùng chuyến bay là Hồ
Phương, Phạm Ngọc Cảnh, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Hồng Duệ. Những
người theo các đơn vị có mặt sớm hơn là Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải,…
Cả đội hình theo các đơn vị vượt đèo Hải Vân còn đầy dấu tích các trận
chiến đấu, và quân tư trang vất ngổn ngang, để vào Đà Nẳng vừa được giải
phóng. Nguyên Ngọc là người được gặp lại bà mẹ và gia đình sớm nhất.
.Bửa tiệc đúng nghĩa đầu tiên là được tổ chức ở nhà mẹ Nhà văn, cũng là
lần đầu tiên, các nhà văn miền Bắc biết mùi vị đặc biệt, tuyệt vời của
món Mì Quảng. Cũng ở đây, có cuộc hội ngộ
của Văn nghệ Quân đội với các
bạn văn của Quân khu V do Nguyễn Chí Trung làm thủ lĩnh (nhà văn Nguyên
Ngọc đã được điều ra Bắc từ cuối 1974 , Thu Bồn đưa vợ con ra từ 1969):
Bùi Minh Quốc, Nguyễn Bảo, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Phục, Thái Bá
Lợi, Trần Vũ Mai, Cao Duy Thảo, Ngô Thế Oanh, Ngân Vịnh, Từ Quốc Hoài,
Thanh Quế,Vũ Thị Hồng… Những năm trước, Khu V đã có mấy văn nghệ sĩ hy
sinh: Dương Thị Xuân Quý (8/3/1969 – vợ Bùi Minh Quốc), Chu Cẩm Phong –
Trần Tiến 1/5/1071), Phương Thảo. Nguyễn Mỹ, Nguyễn Hồng, Hà Xuân
Phong…. Trung Trung Đỉnh bấy giờ đang ở với đơn vị bộ đội địa phương
trong rừng Tây Nguyên, phải sau giải phóng cả tháng mới biết tin để tìm
về.
Đạo quân văn nghệ đông đảo bám xe các cánh quân hầu hết đã có mặt ở
thành phố Sài Gòn trong ngày 30-4. Hợp lưu ở đây còn có cánh Văn nghệ
Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam, gồm những Nguyễn Trọng Oánh, Thanh
Giang, Võ Trần Nhã, Triệu Bôn, Văn Lê, Trần Mạnh Hảo, Trần Ninh Hồ,
Nguyễn Ngọc Mộc, Phạm Đình Trọng…Ngoài ra còn một lực lượng đông dảo các
văn nghệ sĩ dân sự và thuộc các quân binh chủng như Đỗ Chu, Phạm Tiến
Duật, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo,… các đơn vị ở Trung ương Cục
Miền Nam.
Trong ngày vui lớn của dân tộc, các nhà văn quê miền Nam gặp lại gia
đình, người thân, vẫn không quên những đồng đội không trở về. Nhà văn
Nguyên Ngọc giử lời hứa với người bạn cùng trở lại chiến trường hơn 12
năm trước, đi tìm cháu Nguyễn Trang Thu, người con gái của nhà văn
Nguyễn Ngọc Tấn- Nguyễn Thi với chị Bình Trang, sinh 1954, ngày nhà văn
lên tàu tập kết, bấy giờ đang ở với bà ngoại.. Rôì Trang Thu đã gặp lại
người mẹ từ miền Bắc trở về. Nhưng cuộc đoàn tụ hình như không êm đềm
như ao ước. Nhiều chuyện buồn liên tục xảy ra trong gia đình nhà văn
Liệt sĩ - Anh hùng. Có một lần, nhà văn Thanh Giang đã mời bà Thành Thị
Du, mẹ nhà văn từ Nam Định vào Sài Gòn. Nhưng chuyến xích lô đưa người
mẹ ôm bó hoa đi theo những con phố mà bà nghĩ là in dấu chân cuối cùng
của con trai, nhưng hoa héo mà không biết đặt ở đâu. Cho đến nay, nơi hy
sinh của nhà văn vẫn không xác định được. Nấm mộ trong nghĩa trang Liệt
sĩ là mộ gió, ghi ngày hy sinh 24-5-1968, cùng ngày với Lê Anh Xuân- Ca
Lê Hiến! Gia đình nhỏ của Nguyễn Thi- bút danh lấy tên người con trai
này- nhiều năm vẫn tồn tại trong khó khăn, và không bao giờ đoàn tụ được
với những người thân.
Trở lại những cuộc hội ngộ nhờ ngày 30-4 năm ấy. Sau những phút giây
bàng hoàng, ngây ngất như trong mơ, một giấc mơ dài của hàng mấy chục
năm xa cách, là một hiện thực trần thế, với biết bao hệ lụy phải đối
diện, và cần ngay cách cách xử lý. Thời gian xa cách quá lâu, hoàn cảnh
sống quá khác. Những người mẹ, người con, người vợ bao năm vì người ra
đi mà bị truy bức, o ép, thậm chí tù đày, tra tấn, không phải ai cũng
giử được kiên trung. Giờ người đó trong phe chiến thắng trở về, với hai
bàn tay trắng, vài bộ áo quần cũ trong ba lô. Nếu chẳng may có vài bà
con từng làm việc cho phía bên kia, cũng không thể có cách gì cứu đỡ.
Nhìn nhau, gặp lại, cay đắng trong bất lực. Rõ ràng, chỉ riêng tình cảm
là không thể níu giữ, khi trong xa cách đã hy vọng và tin tưởng, mọi khó
khăn vật chất trong cuộc sống sẽ được giải quyết ngay khi người chiến
thắng trở về. Sau niềm vui ngày tái ngộ, cả hai phía, bỗng bàng hoàng
nhận ra, một điều gì đó thật thiêng liêng, đã giúp họ vượt lên mọi
nghịch cảnh chiến tranh vừa cất cánh bay biến khỏi cuộc sống hiện thực.
Cũng trong tâm thế đó mà có hàng vạn đôi lứa chứng kiến những cái chết
khác nhau của những tình yêu ngỡ rất lý tưởng, mà lỗi không phải tại một
bên.
Thanh Tịnh là nhà thơ tiền chiến duy nhất suốt phần đời còn lại chung
thủy với màu áo lính, 30 năm “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”, năm
1946, từ Huế về họp Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, do Chủ tịch
Hồ Chí Minh triệu tập, rồi ở lại, lên Việt Bắc tham gia kháng chiến, về
hưu với quân hàm Đại tá. Ngày ấy ra đi để lại người vợ trẻ và hai người
con, có đủ trai gái. Nhưng từ mấy năm trước, đã biết, để bảo vệ con, bà
đã tái giá với một sĩ quan VNCH. Phảng phất dư âm, bài thơ
Mòn mỏi từng được in trong
Thi nhân Việt Nam: Ngựa hồng đã
đến bên hiên/ Chị ơi, trên ngựa chiếc yên vắng người. Hai người con
phải mấy năm sau mới gặp lại. Nhà thơ lại trở về Hà Nội sống cho đến
cuối đời.
Nhà văn Nguyễn Khải đã tìm gặp được người cha với gia đình bà vợ cả đã
di cư từ 1954. Bóng dáng cuộc gặp, theo lối viết bám rất sát chuyện
thực, được thể hiện trong vở kịch
Cách mạng được đoàn kịch Điện ảnh và Kịch nói Quân đội dàn dựng.
Nhưng thay vì được hàn gắn, nhiều nhân vật thấy bóng dáng mình trong
kịch lại thấy mặc cảm nặng nề hơn. Khoảng cách trong gia đình không dễ
khỏa lấp. Nguyên Ngọc, Thu Bồn có mẹ già, nhưng là những người lính tại
ngũ, với nhiều nhiệm vụ tiểu phỉ Phun Rô, tham gia sản xuất ở Tây
nguyên, Quảng Nam, chiến đấu ở hai đầu biên giới, nên cũng không có điều
kiện gần gũi, săn sóc những bậc sinh thành, đã một đời chờ đợi. Mối tình
đẹp được gìn giữ và nhiêu người bồi đắp trong chiến tranh giữa Thu Bồn
và nữ bác sĩ Đỗ Thị Thanh Thu, với kết quả là hai người con trai có vóc
dáng thật đẹp đã dần nguội lạnh, hai con trai nhiễm chất độc da cam, Hà
Thảo Nguyên phải bẻ gập chân tay bó bột để khỏi dị tật ngay khi sinh
trong rừng, cũng chính Bác sĩ ấy đã chăm sóc cho cháu những phút cuối 16
năm sau ở Bệnh viện Trung ương Quân đội. Hà Thảo Nguyên sinh ở Làng Ho –
Quảng Bình 1969, cũng bị tâm thần phân liệt, không có khả năng lao động.
Nhà thơ có thêm hai lần chung sống dài ngày với hai người nữa, nhưng
không dám (hay không thể) có con.
Trong tập
Dĩ vãng phía trước
(2012),
tôi có ghi lại lời kể của nhà văn Nguyên Ngọc, nhân chứng hiếm hoi
còn lại của thế hệ chống Pháp, năm nay vào tuổi 90, chuyện của một nhà
điêu khắc, bạn ông, nhưng mang tâm trạng của không chỉ một người: Cậu ấy
là nghệ sĩ thôi, chẳng chính trị gì đâu, nhưng nói nghe thật đau: Mấy
mười năm xa cách mẹ và em gái, mình đã luôn nhớ và nghĩ về họ với biết
bao yêu thương đằm thắm. Tưởng gặp lại nhau, sẽ là những ngày đoàn tụ ấm
áp, đầy tình yêu thương. Anh đã về, mọi việc diễn ra đúng như ao ước.
Mấy mẹ con ôm nhau mà khóc. Nhưng ở với mẹ chỉ đầm ấm trọn ngày thứ
nhất. Sang ngày thứ hai đã thấy khó chịu. Có những điều trái ý nhau.
Chẳng hạn, bà cụ không thể chịu được, khi con trai đã có tuổi mà ra
đường mặc bộ áo quần cháo lòng, không được là kỹ. Và quan trọng hơn, bà
không thể hình dung được đứa con được học hành tử tế, mấy chục năm đi
làm cách mạng, giờ về chỉ là anh cán bộ không chức, không quyền, không
quân lính. Mà bà cụ là cơ sở của ta đấy. Cô em gái cũng thất vọng về ông
anh. Họ quen đánh giá con người bằng chức vụ, của cải. Cả hai, người
nghệ sĩ là anh đều không có. Có một sự vỡ mộng thật sự về nhau. Mà đau
đớn là mẹ và em, cũng như hàng triệu người thân ở lại miền Nam, chịu
đựng tù tội, truy bức, chờ đợi và hy vọng như thế là phải, là quá bình
thường. Sự đoàn tụ thực tế là
như thế đó. Ngày chiến thắng, niềm vui chung là lớn lao, nhưng ngay
những người còn được trở về cũng có niềm đau, không nói nên lời. Đã có
lúc, anh nghĩ, giá như trong mấy mươi năm chia cách, Mẹ và Em có mệnh hệ
nào, ngày về, không được gặp, hẳn mình sẽ đau đớn vô cùng. Nhưng đó là
nỗi đau có thể gào khóc thật to mà không xấu hổ; không nói chính trị
đâu, niềm đau ấy có thể chen cảm giác tự hào, vì họ đã hy sinh cho ngày
thống nhất. Nhưng đằng này, người thân thì gặp, nhưng đã trở nên xa lạ.
Mẹ mình như đã được thay bằng một người khác. Nhiều lần tôi tự hỏi: Có
phải đây là người mẹ xưa của mình không? Và em gái nữa? Có lẽ không
phải. Nhưng dứt khoát được như thế đã là may. Không, mà vẫn phải. Một
gia đình, còn thế, nói gì cả quốc gia.
Trong hồi ký Đường Trần của
nhà báo Trần Tố Nga, người nổi tiếng vì là nạn nhân chất độc da cam nhờ
mấy mươi năm nay là công dân nước Pháp, nên khi hàng triệu nạn nhân chất
độc da cam ở Việt Nam đã chịu thua trong mấy lần khởi kiện các công ty
hóa chất Mỹ, thì riêng chị, với sự trợ giúp pháp lý của nước Pháp, và
mấy luật sư tự nguyện, đã mấy lần buộc một số công ty hóa chất Mỹ phải
cử luật sư tham gia đối chất. Cuốn
Đường Trần cũng như cuốn sách
viết bằng tiếng Pháp trước đó được xuất bản với mục đích có tiền theo
đuổi vụ kiện. Qua hồi ký, người đọc được biết cuộc đời một học sinh miền
Nam được tập kết ra Bắc, học xong Đại học, tự nguyện trở về Miền Nam
tham gia chiến đấu. Do nhiệm vụ yêu cầu, dầu học khoa Hóa, Đại học Tổng
hợp Hà Nội, chị trở thành nhà báo chiến trường. Lấy chồng, sinh con,
cũng như một số đồng đội, có gia đình trong vùng Việt Nam Cộng hòa kiểm
soát, gửi con về cho bà ngoại nuôi. Mà không phải chỉ nuôi con cho một
cháu. Chị bị bắt, sinh con trong tù, Bà ngoại cũng vào thăm nuôi. Bởi
gia đình bà có nhiều con cháu tham gia phía kháng chiến. Con gái bà -
tức mẹ của Trần Tố Nga là Chủ tịch Hội Phụ nữ Giải phong, mất tích trong
một trận càn lớn. Cha chị đã mất trong kháng chiến chống Pháp. Vậy mà
ngày Giải phóng trở về, các cơ sở làm ăn chỉ để thăm nuôi con cháu tù
tội đều bị tịch thu, cải tạo. Cả một đàn con cháu trở về, để giữ vững
lập trường, đã không ai đứng ra bảo vệ được. Cay đắng hơn, sau mấy mươi
năm chịu đựng nghi ngờ, mẹ và
cha Trần Tố Nga mới được xác minh là hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Không tìm thấy sự bình yên sau nhiều năm tận tụy và luôn hoàn thành tốt
các nhiệm vụ được giao - có thời là Hiệu trưởng trường Marie Curie –
Trần Tố Nga đã định cư và lập lại gia đình mới ở Pháp. Việt Nam, vẫn là
chốn đi về, và làm nhiều việc thiện cho những người Việt còn nghèo khổ.
Đâu phải chỉ người phía bên kia mới phải tìm nơi định cư ở nước ngoài.
Vấn đề thống nhất sẽ còn nhiều khó khăn là vì thế. Một cái gì thật là
của Việt Nam, thật là của văn học, mà sao những người viết cứ né tránh
mãi !
NGÔ THẢO
Tác giả gửi cho viet-studies
ngày 21-4-22
|