Người Việt Vui buồn nghề thông dịch Ngọc Lan/Người Việt WESTMINSTER, California (NV) – Có người nhận xét, “Đã sống ở Little Saigon thì tiếng Anh trở thành một loại… xa xí phẩm.” Điều đó có lẽ không ngoa, bởi vì, từ bệnh viện, trường học, ngân hàng, đến sở cảnh sát, tiệm bán xe, nơi bán nhà, chỗ bán… hòm… đâu đâu cũng có người nói tiếng Việt, không ai cảm thấy có trở ngại gì khi mình “mù” tiếng Anh. Tuy nhiên, thoát ra khỏi “lãnh địa vàng” này, thì tiếng Anh lại ít nhiều trở thành nỗi lo cho nhiều người, nhất là khi bước vào bệnh viện, tòa án, hay phải đối diện với những vấn đề chẳng đặng đừng liên quan đến tai nạn xe, gọi bảo hiểm, thẻ tín dụng bị đánh cắp… Dù vậy, đã sống ở Mỹ, thì hình như không có trở ngại nào là không thể giải quyết! Người bị hạn chế về tiếng Anh chỉ cần nói “Vietnamese” hay khá hơn chút là “I need a Vietnamese interpreter” thì hầu như mọi thắc mắc của họ sẽ được giải quyết. Dĩ nhiên, người góp phần giải quyết nỗi lo cho người không rành tiếng Anh không ai khác hơn là những người làm nghề thông dịch, thông qua các trung tâm dịch thuật. Lý do làm thông dịch Một điều khá thú vị khi tiếp xúc với những người đang làm nghề thông dịch tại đây là việc trở thành một thông dịch viên chưa bao giờ là ước mơ của bất kỳ ai khi bước chân vào đời. Trái lại, họ đến với công việc này trong những dịp rất tình cờ. Chị Angelina Hà Montecito, một thông dịch viên đang làm việc toàn thời gian tại bệnh viện Stanford ở miền Bắc California, cho biết, “Khi còn ở Việt Nam tôi học sư phạm Pháp Văn, khi qua Mỹ tiếng Anh có lọng cọng chút nhưng được cái là tôi dạn dĩ, nên mỗi lần mấy người Việt trong xóm đi bác sĩ thì hay nhờ tôi đi theo để thông dịch, dù lúc đó phải cầm theo cuốn tự điển.” Năm 1981, chị Hà khởi sự cho việc xây dựng cuộc sống trên quê hương mới bằng cách đi học nghề y tá. Sau 18 tháng học, tốt nghiệp, chị đi làm được đúng… 10 ngày. “Công việc của một y tá khi đó nặng nhọc quá, tôi không kham nổi,” chị Hà cho biết lý do. Không làm y tá, nhưng chị lại sử dụng kiến thức y khoa học được để thông dịch giúp cho những người lớn tuổi xung quanh không rành tiếng Anh, như một thú vui. Đến khi việc thông dịch trở thành một nhu cầu cấp thiết, mang tính chuyên nghiệp, thì chị ghi tên vào những trung tâm dịch thuật để khi các văn phòng bác sĩ cần người thông dịch thì chị tới giúp. Từ năm 1996, chị trở thành nhân viên chính thức của bệnh viện Stanford, bệnh viện đầu tiên của Mỹ có hẳn một trung tâm thông dịch với hơn 100 ngôn ngữ khác nhau. rong khi đó, cơ duyên để chị Siu Williams đến với nghề thông dịch cũng rất đơn giản, “Trước tôi phụ trách tiếp thị cho hai công ty, đến khi về hưu, phần thì thích ngôn ngữ, phần cũng từng làm thông dịch viên thiện nguyện, nên tôi ghi danh theo học để lấy chứng chỉ hành nghề thông dịch y khoa (Certified Medical Interpreter).” Nói là làm thông dịch y khoa, nhưng thực sự chị Siu làm thông dịch trong nhiều lãnh vực khác nhau, từ bệnh viện, văn phòng bác sĩ, văn phòng luật sư, đến những buổi thẩm định sức khỏe tâm thần, những cuộc họp giữa hội đồng giáo dục với phụ huynh có con em bị bệnh tự kỷ… Đến nay, chị Siu, hiện đang sống ở vùng Bắc California, cũng theo đuổi công việc này được sáu năm. Với anh Khánh Vũ thì thông dịch là nghề anh đã theo đuổi nhiều năm ở Úc trước khi sang Mỹ định cư. “Khi qua Úc, tôi chọn nghề thông dịch đơn giản vì tôi thích chữ, gặp chữ nào không biết là đi tìm hiểu, đó là yếu tố đầu tiên. Thứ hai là tôi thích về y học, tôi thích tìm hiểu những gì liên quan đến cơ thể mình, mình muốn tìm hiểu tại sao lại bệnh này bệnh kia. Thứ ba là sự sẵn lòng giúp những người cần giúp đỡ. Đó là những lý do để tôi đi học làm thông dịch trong lãnh vực y khoa,” anh Khánh cho biết. Sang Mỹ năm 1995, anh Khánh không nghĩ đến chuyện tiếp tục với công việc này bởi vì “Tôi nghe nói ai sang Mỹ cũng phải học tiếng Anh ít nhất sáu tháng, nên nghĩ đâu ai cần thông dịch.” Trong khi đó ngành nail với những cơ hội kiếm được nhiều tiền có sức thu hút anh hơn. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm “lăn lộn” trong thị trường nail, anh Khánh thấy mình không còn thích hợp với việc ngửi mùi hóa chất của tiệm nữa, không chỉ vậy “tụi bạn bè ngày trước gặp lại, họ nhìn mình không có vẻ tôn trọng, tôi cũng tự ái, thế là bán tiệm nail ở Florida, về California, và lên internet mày mò tìm kiếm thử công việc thông dịch, rồi sau đó đi làm kiểm tra và được nhận đi làm.” Nhưng để có thể làm thông dịch cho bệnh viện thì anh Khánh phải ghi danh đi học một khóa học 18 tháng để có chứng chỉ thông dịch y khoa, trước khi được những trung tâm dịch thuật có hợp đồng với các bệnh viện, văn phòng bác sĩ, thuê mướn. Công việc của người thông dịch bệnh viện Cả chị Hà, anh Khánh, và chị Siu đều là những người có chứng chỉ thông dịch y khoa sau khi tham dự những khóa huấn luyện do một số trường đại học cộng đồng mở. Theo chị Hà, từ năm 2005, chính phủ Hoa Kỳ bắt buộc các bệnh viên phải có thông dịch viên cho những người không sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, vì “sau một thời gian dài nghiên cứu, bệnh viện Stanford cho rằng việc hiểu rõ và đầy đủ những trao đổi giữa bác sĩ và bệnh nhân sẽ góp phần đưa đến phương pháp trị liệu tốt nhất, bởi vì nếu bệnh nhân không hiểu bệnh tình của họ thì họ sẽ không biết tại sao họ phải uống thuốc này, tại sao phải dùng phương pháp điều trị kia, thì sẽ đưa đến việc trị liệu không thành công,” chị Hà giải thích một cách đơn giản. Chính từ nhu cầu này, nên “mỗi khi khi có một bệnh nhân gốc Việt đến thì tôi hay đồng nghiệp cũng đứng sẵn đó. Luật bắt buộc như vậy. Nếu bệnh nhân có thể trả lời thẳng được những câu hỏi của bác sĩ thì mình vẫn để tự họ nói chuyện với bác sĩ. Chỉ khi có những từ bệnh nhân cần giúp thì mình sẽ giải thích,” chị Hà giải thích thêm về nhiệm vụ của người thông dịch trong bệnh viện. Cũng theo chị Hà, “có nhiều trường hợp con cháu bệnh nhân nói chuyện với bác sĩ nhưng không muốn cho cha mẹ họ biết bệnh tình, nhất là tin xấu, nên họ không dịch lại. Bác sĩ không đồng ý điều này vì luật là bệnh nhân phải được hiểu rõ bệnh tình của mình. Khi đó tôi sẽ là người thông dịch cho bệnh nhân.” “Dĩ nhiên, bệnh nhân nào yêu cầu không cần thông dịch thì mình sẽ ghi vào hồ sơ để tránh mọi sự rắc rồi về sau, và mình không cần phải xuất hiện nữa trong những lần khám của bác sĩ,” chị Hà nói thêm. Với chị Siu hay anh Khánh, những người làm nghề thông dịch “tự do,” không phụ thuộc hẳn vào một cơ quan nào, chỉ làm “freelance” thì khi nơi nào có nhu cầu thông dịch, họ sẽ được mời đến để giúp cho những người không rành tiếng Anh. Ngoài việc đến nơi dịch trực tiếp, những người làm công việc thông dịch còn có thể thông dịch qua điện thoại hay ngồi trước màn hình dịch cho các chuyên khoa (Video Medical Interpreter – VMI) Nhận xét về công việc thông dịch, chị Angelina Hà cho rằng, “Thật sự không đơn giản chỉ là công việc mình biết hai thứ tiếng là dịch được, tại vì thông dịch thứ nhất phải có bộ nhớ, thứ hai là cần có sự uyển chuyển, mình không được quyền sửa lời nói của bác sĩ, mình phải nói đúng, nhưng vấn đề hiểu để giải thích cho đúng với người cần thông dịch lại là chuyện khác, nghĩa là bản thân mình nghe thì hiểu hết, nhưng chưa chắc mình có thể dịch lại cho người kia hiểu đủ.” Vui buồn nghề thông dịch Thông dịch không đơn giản chỉ là giỏi tiếng Anh, rành tiếng Việt là có thể hành nghề một cách thoải mái, mà như anh Khánh nói “thông dịch cũng có những trường hợp cam go làm mình mất ăn mất ngủ.” “Có bác sĩ gốc Ấn Độ, Châu Phi, Trung Quốc… nói tiếng Anh rất khó nghe, mà nhiều ông lại nói nhanh hoặc nói tiếng ồ ồ nữa, rồi có lúc nói trên điện thoại cũng nghe không rõ như khi nói chuyện trực tiếp, rồi cũng có bệnh nhân chửi thề, chê bai bác sĩ tùm lum hết, trong khi mình có trách nhiệm phải chuyển tải hết thông điệp giữa hai bên để họ có thể hiểu nhau,” anh Khánh nêu lên một trong số những khó khăn có thể gặp trong công việc. Để giải quyết những tình huống như thế, theo anh Khánh, “nếu sau một đôi lần yêu cầu người nói nhắc lại mà mình cũng không thể nghe được thì mình cứ mạnh dạn đề nghị đổi người thông dịch khác, hoặc với bệnh nhân nói chuyện thô lỗ, mình cũng sẽ nói cho bác sĩ biết để chấm dứt cuộc nói chuyện.” Đó là chưa kể người Việt nói giọng địa phương rất nhiều, họ nói tiếng Việt mà mình không hiểu họ nói cái gì nữa. “Trong những trường hợp đó, mình phải có những bước để hiểu họ thì mới có thể dịch cho họ. Đó cũng là những khó khăn của nghề thông dịch,” anh Khánh nói. Với chị Hà thì, “Nghề này ‘bực’ nhất là khi mình phải dịch lại những câu đại loại như “Tôi xin lỗi, tôi không thể làm được gì hơn cho bà” trước khi bệnh nhân rút ống hay chuyển qua nhà chờ đợi. Ai làm thông dịch viên bệnh viện đều gặp những tình cảnh này. Mình ngồi đó để dịch lại từng lời bác sĩ như trường hợp này nên rút ống hay không, nếu rút ống thì bệnh nhân sẽ sống được bao nhiêu ngày, hay rút ra thì tắt thở liền… Mà gia đình Việt Nam thì vẫn quan niệm còn nước còn tát… đó là những lúc thật sự khó khăn cho mình, bởi vì việc gửi đến người ta một tin không tốt thì ai lại không buồn.” Để đối phó với những trường hợp như thế, bệnh viện gửi những người thông dịch đi học những lớp về tâm lý, đi gặp cố vấn tâm lý để biết cách giới hạn cảm xúc cá nhân trong công việc. Chị Siu Williams trò chuyện trong lúc chờ bác sĩ đến để thông dịch cho một bệnh nhân, “Điều khiến tôi cảm thấy vui với công việc này là giúp được cho những người lớn tuổi không thông thạo tiếng Anh hiểu rõ được bệnh tình của mình, biết cách bác sĩ sẽ điều trị như thế nào, hiểu rõ họ phải uống thuốc ra sao để khỏi bệnh.” Cũng theo chị Siu, “Nhu cầu cần thông dịch viên ngày càng nhiều, nhưng người muốn theo nghề này cần phải có bằng cấp, phải đi học, phải qua sự huấn luyện tất cả những qui luật của nghề thông dịch về việc tôn trọng sự bảo mật, thông tin của bệnh nhân, hay có những qui tắc phải theo mà nhiều người không được huấn luyện một cách chuyên nghiệp thì lại không biết.” “Là một khách hàng hay bệnh nhân thì ai cũng có quyền yêu cầu có thông dịch nếu như thấy mình không hiểu rõ hết mọi điều bằng tiếng Anh, vì đó là chính sách của Hoa Kỳ. Hãy cứ mạnh dạn nói ‘Vietnamese’ hay ‘I need a Vietnamese interpreter’ sẽ có đường dây kết nối quý vị với người thông dịch tiếng Việt,” anh Khánh đưa lời khuyên
|