ỨNG XỬ
VỚI QUÁ KHỨ NHÌN TỪ DI SẢN
Nguyễn Thị Hậu
1.
Thách thức lớn nhất đối với những quốc gia đang phát triển như Việt
Nam là trong quá trình hiện đại hóa phải bảo toàn và khẳng định được bản
sắc văn hóa của mình. Do áp lực toàn cầu hoá về kinh tế và hội nhập văn
hóa, áp lực phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đời sống... các quốc
gia này đua nhau phát triển bằng quy hoạch hạ tầng cơ sở đồ sộ nặng nề,
xây dựng những công trình “nghệ thuật kiến trúc hiện đại” không tạo nên
sự khác biệt. “Bộ mặt mới” như thế đã làm biến mất đặc trưng văn hoá
các đô thị và bản sắc văn hoá truyền thống ở vùng nông thôn.
Tình trạng đó bắt nguồn từ nhận thức: một đất nước văn minh hiện đại
phải có những công trình thể hiện sự phong phú đa dạng của di sản văn
hóa chứ không chỉ là những công trình thể hiện sự giàu có về kinh tế.
Từ nhận thức các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thông
qua chính sách của nhà nước và công trình nghiên cứu khoa học, cần được
phổ biến và giáo dục để trở thành ý thức của chính quyền và người dân,
thể hiện bằng những hành xử đúng của cộng đồng và các nhà quản lý trong
việc gìn giữ di sản văn hóa.
Tuy nhiên, ở nước ta do nhiều nguyên nhân như hoàn cảnh lịch sử chiến
tranh và “đấu tranh giai cấp” lâu dài, định kiến phân biệt sắc tộc và
văn hóa vùng miền từ nhận thức và trình độ quản lý xã hội, sự hiểu biết
không đầy đủ về các loại hình và giá trị di sản các thời kỳ lịch sử khác
nhau, việc xây dựng quy hoạch phát triển địa phương chưa mang tầm chiến
lược… đã gây ra hậu quả là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể bị biến
dạng và phá hủy ngày càng nhiều hơn.
2.
Trong lý thuyết nghiên cứu về văn hóa, di sản được gọi là “ký ức tập
thể” vì nó xác định khung cảnh sống của một cộng đồng, tính hợp thức về
bản sắc văn hóa và là cơ sở để phát triển xã hội. Di sản văn hóa không
chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật đồ sộ hay cảnh quan thiên nhiên
hùng vĩ, nó còn là “nơi chốn” thân thuộc gắn bó với cộng đồng nói chung
và con người cụ thể. Di sản có sự biến đổi qua thời gian vì
cộng đồng dân cư duy trì và (làm/góp phần) biến đổi nó.
Vì vậy bên cạnh giá trị vật chất di sản còn là ký ức của mỗi cộng đồng
trong từng giai đoạn lịch sử. Giá trị cao nhất và linh hồn của di sản
chính là ở đó.
Mặt khác, di sản không chỉ có một “ký ức tập thể” mà đó còn là sự hòa
nhập của những khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn, của ký ức những cá nhân
thuộc về những hoàn cảnh, giai tầng, tập quán xã hội... khác nhau, nhất
là ở đô thị. Đụng chạm đến di sản là đụng chạm vào nơi mong manh nhất
của tâm hồn và tình cảm con người, đó là ký ức. “Mỗi thời đại đều có
cách thích ứng của mình với quá khứ” nên việc tôn trọng ký ức của cá
nhân, cộng đồng khác nhau thể hiện ứng xử tử tế với di sản và lịch sử.
Tích lũy qua thời gian, giá trị nhiều mặt của các công trình di sản là
khách quan nhưng đánh giá giá trị và từ đó ứng xử với di sản thế nào thì
hoàn toàn chủ quan. Tính nhân văn của xã hội loài người thể hiện ở việc
luôn có xu hướng tìm hiểu quá khứ và từ đó quý trọng quá khứ. Các di
tích khảo cổ học nằm sâu dưới lòng đất được khai quật và nghiên cứu,
nâng niu trưng bày trong bảo tàng dù chỉ còn “những mảnh vỡ”; các công
trình vĩ đại của những nền văn minh cổ xưa nay chỉ là phế tích đổ nát
vẫn được bảo tồn và trùng tu... bởi vì tất cả chứng tích ấy mang lại sự
“hồi tưởng lịch sử” mạnh mẽ, bù đắp cho sự “thiếu hụt” của tính toàn vẹn
hay tính mỹ thuật do thời gian và do con người. Giá trị lịch sử là yếu
tố quan trọng nhất đòi hỏi các thế hệ sau phải tôn trọng và bảo vệ di
sản văn hóa.
Trong
một “quá khứ gần” thì ký ức về di sản chưa thể toàn vẹn trong việc nhìn
nhận các giá trị di sản. Nó như những hạt tinh thể lấp lánh, mang tính
cá thể vì mỗi cá nhân có sự nhận biết, kỷ niệm, tình cảm, sự gắn bó...
với nơi chốn sinh sống, nơi chốn đã qua khác nhau. Nhưng nếu di sản được
bảo tồn và lưu truyền thì những ký ức cá nhân dần dần kết thành “ký ức
tập thể” đồng nhất, bền vững và trong suốt như khối kim cương, quá khứ
của “loài người” trở thành một phần trong mỗi con người.
Sự phát triển của xã hội loài người không thể thiếu tài sản vô giá này
từ quá khứ!
3.
Ở nước ta đặc biệt trong những năm gần đây đã có nhiều công trình kiến
trúc thuộc sở hữu tư nhân và sở hữu của tổ chức như các tôn giáo, sinh
hoạt văn hóa của cộng đồng như tín ngưỡng, lễ hội... đã biến mất, nều
còn tồn tại thì thay đổi và biến dạng rất nhanh! Điều này ngoài sự bất
cập của việc đề ra chính sách và thực thi chính sách văn hóa của nhà
nước còn do “sự đứt gãy” về văn hóa trong cộng đồng: một thời gian dài
trong và sau chiến tranh, các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng,
các công trình nghệ thuật “thời phong kiến thực dân” đã không được quan
tâm, thậm chí bị phá hủy; nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng như lễ hội,
tín ngưỡng truyền thống ở các địa phương... bị xóa bỏ hoặc phải sinh
hoạt “bí mật”.
Chính vì vậy, khi được “phục hồi” thì các di sản vật thể có hình thức
hiện đại hóa theo kiểu “hoành tráng, rực rỡ”, hoặc có vẻ “truyền thống”
nhưng là đặc trưng văn hóa của quốc gia khác. Còn văn hóa phi vật thể
thì lại phục hồi nguyên dạng sinh hoạt của hàng chục hàng trăm năm trước
và tất nhiên không còn phù hợp với cuộc sống ngày nay, gây ra sự phản
cảm và nhận thức sai lệch về giá trị; hoặc biến đổi tiêu cực vì bị lồng
vào đó sinh hoạt mang tính chất “buôn thánh bán thần”. Những “di sản”
như vậy làm sao có thể trở thành “ký ức tập thể” quý giá như khối kim
cương để làm giàu cho hiện tại và tương lai?
Chính sách bảo tồn văn hóa của thế giới và các quốc gia đang thể hiện
nhận thức tình trạng nguy ngập của di sản văn hóa. Đó là việc thúc đầy
và hỗ trợ cho các dự án bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể;
việc khẩn trương nghiên cứu lập hồ sơ công nhận di sản văn hóa các cấp,
thực hiện tổng điều tra di sản văn hóa ở địa phương và quốc gia, khảo
sát lại những di sản đã được xếp hạng để cập nhật thực trạng và giải
pháp bảo tồn, ban hành nhiều quy định, quy chế cho các ngành liên quan
đến di sản văn hóa… Đặc biệt quá trình quy hoạch chỉnh trang đô thị cũ
hay xây dựng đô thị mới đều đặt vấn đề bảo tồn di sản văn hóa lên
hàng đầu.
Tất cả những cố gắng đó đều nhằm một mục tiêu: Bảo tồn di sản gắn liền
với việc bảo vệ đời sống tinh thần của cộng đồng thông qua việc nâng
cao kiến thức và sự hiểu biết cho người dân, phát huy giá trị di sản
gắn liền với kinh tế di sản, đưa cộng đồng tham gia và trực tiếp được
hưởng lợi từ việc bảo tồn di sản. Bởi vì di sản văn hóa cần được coi
là một loại “vốn xã hội”, có giá trị văn hóa - tinh thần đồng thời cũng
có giá trị kinh tế - vật chất. Giá trị kinh tế của di sản văn hóa cần
nhìn nhận trong một phạm vi
rộng, tầm vĩ mô chứ không chỉ là nguồn lợi của một nhóm lợi ích hay một
địa phương. Cần lưu ý là “lợi nhuận” từ việc khai thác giá trị di sản
văn hóa cũng như khai thác mọi nguồn tài nguyên khác, đảm bảo cho sự
phát triển bề vững.
4. Vậy, để có thể “sửa sai” và đừng tiếp tục những ứng
xử và hành vi sai lầm, thậm chí là tội ác đối với di sản văn hóa, những
kinh nghiệm nào của các quốc gia thành công trong việc
phát triển “kinh tế di sản” mà
chúng ta có thể ứng dụng?
Có thể kể đến vài kinh nghiệm quan trọng sau.
- Tạo dựng hình ảnh cảnh quan cho khu vực di sản văn hóa, nơi lưu giữ
những giá trị kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa đặc thù của một
thời. Nơi đây giữ vai trò truyền tải thông điệp của quá khứ đến hiện
tại, thông điệp của cộng đồng cư dân đến những cộng đồng khác. Sự tồn
tại của di sản trong cảnh quan phù hợp góp phần làm tăng giá trị của cả
khu vực và là điểm nhấn cho cả vùng.
-Tăng cường không gian công cộng để tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, qua
đó truyền tải ý nghĩa và giá trị di sản đến với cộng đồng, tạo thói quen
và ký ức cho cộng đồng về di sản văn hóa.
- Phát triển du lịch địa phương, các dịch vụ cho du lịch, các nghề thủ
công, sinh hoạt văn hóa, lễ hội, thậm chí cả lối sống nếp sống của cộng
đồng cũng là một sản phẩm du lịch.
- Gia tăng giá trị bất động sản tại khu vực di sản văn hóa, bởi sự thu
hút khách du lịch và phát triển hoạt động thương mại dịch vụ cho du
lịch. Ngày nay khu vực trung tâm đô thị, trung tâm tôn giáo của một
vùng... là nơi lưu giữ đậm đặc các giá trị văn hóa đồng thời còn mang
lại cho bất động sản giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần.
- Tôn vinh những người sở hữu hay có quyền sử dụng, quản lý khu vực di
sản mà thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Những cá nhân,
tổ chức này được cộng đồng quý trọng và thừa nhận là người giàu có về
tiền bạc đồng thời có phẩm chất văn hóa cao.
- Truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa và
phát hiện hành vi hủy hoại di sản. Khi cần bảo vệ di sản và cứu vãn giá
trị di sản văn hóa thì truyền thông có trách nhiệm kêu gọi dư luận xã
hội, đồng thời phản ánh những tiếng nói của công luận một cách khách
quan và toàn diện.
Sài Gòn 21.5.2019
|