TÌNH NGHĨA SÀI GÒN Tạp bút
Nguyễn thị Hậu
Sài Gòn đâu có dửng dưng
Bạn tôi từ Mỹ về Sài Gòn thăm gia đình, mới trở qua bển vài bữa bạn đã
than nhớ Sài Gòn quá. Nhưng
nỗi nhớ của bạn kèm với nỗi
lo cho
gia đình người thân bạn bè
đang sống ở Sài Gòn với những thân quen êm ái cũ cùng những bất
an hiện hữu mỗi ngày: cướp giật, giết người, lừa đảo… Tôi ra công tác Hà
Nội, bạn bè cũng hỏi: Sao dạo này Sài Gòn ghê vậy? Cứ đi ra đường là
được dặn phải cho túi vào cốp xe, không nghe điện thoại, chạy xe coi
chừng có ai chạy theo thì hãy rẽ ngay vào hàng quán mà ngồi tránh… Hình
như Sài Gòn ngày càng vô cảm, chuyện nhà ai nấy biết?
Những chuyện bạn bè lo lắng là có thật ở Sài Gòn.
Là một đô thị lớn nhất nước, Sài Gòn cũng là nơi chứa đựng trong nó sự
phức tạp nhất nước, bởi nguồn gốc thị dân và sự biến động dân cư diễn ra
hàng ngày, bởi ngành nghề và những cách kiếm sống đa dạng của người dân
nơi đây…
Ở nông thôn đơn vị tụ cư chính là làng nông nghiệp, con người
trước hêt sống trong gia đình sau đó mở rộng ra dòng họ, rồi xóm giềng;
tiếp theo là làng xã; sau cùng mới ra xã hội. Giao tiếp ở nông thôn
trong dựa trên cơ sở biết rõ về nhân thân của nhau, phần lớn người ta có
quan hệ huyết thống hoặc thân sơ dưới nhiều hình thức, do đó quan hệ xã
hội ở nông thôn khá “kín”. Ở
đô thị không như vậy. Những khái niệm như họ hàng, láng giềng…không có
nhiều ý nghĩa như ở nông thôn. Môi trường đô thị tuy chật hẹp về không
gian nhưng đông đúc về mật độ và các mối quan hệ xã hội thì rất “mở” vì
người ta hầu như không biết nhân thân của nhau. Điều này đã tạo nên sự
khác biệt là người thị thành quan hệ với nhau trong vai trò,
bổn phận xã hội mà họ đang đảm nhận. Họ cư xử dựa trên luật lệ
quy tắc hoặc những mối quan tâm chung. Từ đó những biểu hiện tình cảm,
trách nhiệm giữa cư dân đô thị cũng có sự khác biệt.
Ở Sài Gòn những “người dưng” liên hệ với nhau bằng sự phân công xã hội mỗi
người một ngành nghề. Trong công chuyện làm ăn thỏa thuận được thì tiến
hành mà không thì chia tay vui vẻ hẹn lần khác. Đã nhận lời thì làm
“chết bỏ” không cò kẻ một hai. Sự “sòng phẳng” và chữ Tín trong công
việc chính là thể hiện trách nhiệm với nhau, có vậy thì quan hệ mới lâu
dài.
Có khi trong một tổ dân phố hay cùng
một chung cư người ta sống cạnh nhau hàng năm trời “lạnh lùng” không trò
chuyện, thậm chí không biết nhiều về nhau. Nhưng khi hữu sự thì mọi
người đều chung tay giải quyết. Đi trên đường phố thỉnh
thoảng nghe những câu nhắc nhở “chân chống kìa anh ơi”, “tắt đèn xinhan
chị ơi”, “cháu nhỏ rớt dép kìa”, “coi chừng dây thun quấn bánh xe”…
Người nhắc phóng xe đi không đợi lời cám ơn, người được nhắc giật mình
xem lại và vội nói với theo câu cám ơn. Thấy người với người đâu có dửng
dưng.
Một lần tôi chạy xe giữa trưa nắng như nung. Dừng đèn đỏ ở ngã tư, một anh
cởi trần mình xăm trổ chằng chịt đang đứng nép vào bóng râm của cái cây
nhỏ xíu, nhìn qua kiếng chiếu hậu thấy phía sau có chị kia chở con nhỏ,
thế là ảnh
đi
tới ra ngoài nắng nhường chỗ
mát cho hai mẹ con.
Cháu nhỏ khoanh tay lễ phép “con cám ơn chú!”.
Trời Sài Gòn bỗng
như
dịu mát hơn…
Trên facebook thỉnh thoảng có
tấm hình về một bà già đơn chiếc bán bánh trái, một em bé đánh giày cơ
nhỡ, một hoàn cảnh khó khăn… Lập tức được chia sẻ và nhiều người tìm đến
giúp đỡ bằng cách mua giùm hay “của ít lòng nhiều” san sẻ. Và còn đó
hàng ngàn bình nước miễn phí trong những ngày nắng nóng, hàng chục quán
cơm từ thiện trên đường phố hay trong bệnh viện… Ai đã qua được cơn ngặt
nghèo rồi thì nhường xuất cơm tình nghĩa đó cho người khác “ngặt hơn
mình”… Cứ như vậy những bữa cơm “Thạch Sanh” mỗi ngày được nhân lên, tất
cả đều từ sự đóng góp và nhường nhịn của “bá tánh”.
Vào mùa thi đại học, Sài Gòn có hàng ngàn nhà trọ miễn phí, giá rẻ cho thí
sinh và người nhà từ các tỉnh về trú ngụ, cũng có hàng trăm quán cơm, xe
bánh mì, xe hủ tíu sẵn sàng không lấy tiền bữa ăn của phụ huynh hay thí
sinh nghèo.
Những
“chuyện nhỏ Sài Gòn” diễn ra hàng ngày, quen thuộc đến nỗi báo lá cải
đầy rẫy ở thành phố này không coi đó là chuyện “giật gân”
mà chỉ
“câu khách”
bằng chuyện cướp
giật lừa đảo.
Bên cạnh những chuyện bất an khiến người ta lo lắng, Sài Gòn còn vô vàn câu chuyện
để người ta tin rằng,
nghĩa tình ở Sài Gòn
không mất đi đâu, nó sẵn sàng hiện ra từ
bất cứ ai và bất cứ lúc nào. Mở lòng với Sài Gòn sẽ nhận được nhiều điều
tử tế vì Sài Gòn không dửng dưng và lạnh lùng như những thông tin
thường thấy trên báo chí.
Sài Gòn việc thiện từ tâm
Có
lẽ Sài Gòn là nơi việc làm từ thiện phổ biến và đa dạng nhất.
Ngay từ cuối những năm 1980, trong khi đang phải gồng mình vượt qua biết
bao thiếu thốn khó khăn, hậu quả của một thời bao cấp “ngăn sông cấm
chợ”, Sài Gòn đã là nơi đầu tiên xuất hiện và phát triển phong trào xây
dựng “Nhà tình nghĩa”, tiếp đó
là “Nhà tình thương” dành cho những gia đình nghèo khó. Từ đó Sài Gòn là địa
phương luôn đi đầu trong phong trào “xóa đói giảm nghèo”.
Những năm gần đây hoạt động từ thiện ở Sài Gòn ngày càng nhiều hơn.
Không kể phong trào của các tổ chức, đoàn thể cơ quan nhà nước… thực
hiện giúp đỡ đồng bào các nơi khi gặp thiên tai bão lụt, ở Sài Gòn còn
có rất nhiều nhóm bạn từ mạng xã hội kết với nhau trong một hoạt động từ
thiện vào dịp nào đó. Những nhóm này hầu như chẳng biết nhau ngoài đời,
chỉ kết friends trên
facebook, dù có người quan
niệm đó là những người bạn “ảo” nhưng những đóng góp của họ - đơn giản
nhất là qua tài khoản ngân hàng - là rất thật. Và từ việc làm hữu ích họ
đã trở thành những người bạn ở ngoài đời.
Tôi có nhiều
bạn bè là doanh nhân, chỉ là doanh nghiệp nhỏ thôi nhưng các bạn luôn có
những chuyến đi về vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo... Mỗi chuyến đi
là vài tấn gạo, mấy trăm cuốn tập, quần áo lạnh giày dép cho trẻ nhỏ,
không quên một số phần học bổng cho học sinh nghèo. Tự đi tiền trạm tìm
hiểu tình hình cụ thể rồi tự lái xe chở đồ, tự phân phát tận tay người
cần giúp... Có anh chị còn thường xuyên đến những vùng thiếu nước để
khoan giếng, mang lại nguồn nước sạch cho người dân sử dụng, giúp họ có
điều kiện sinh hoạt thuận lợi hơn
để
giảm thiểu bệnh tật phát sinh do điều kiện sống mất vệ sinh. Việc làm
bình thường “có đáng kể gì đâu” của họ đã thực hiện từ nhiều năm nay
cùng với
sự đóng góp ít nhiều của bạn bè, người thân.
Anh bạn là nhà văn nhiều người biết tiếng, miệt mài viết và cũng miệt
mài trên chiếc mô tô đi đến nhiều tỉnh tặng học bổng cho học
sinh
giỏi nhà nghèo. Tiền học bổng do anh quyên góp từ bạn bè, thậm chí có
lần anh còn “ăn mày” tận nước Mỹ trong dịp anh qua thăm gia đình. Bạn bè
thương quý tặng anh khi thì chai rượu, khi thì cây bút đắt tiền, có khi
cả máy lapptop, máy chụp hình... anh đều bán đấu giá để “sung quỹ” học
bổng.
Nhờ đó
anh đã giúp được bao nhiêu em học sinh qua được lúc khó khăn để có thể
tiếp tục học hành.
Mỗi năm vào
đầu tháng tám con gái tôi và bạn bè tổ chức mua bánh trung thu, lồng đèn
tặng cho bệnh nhi trong Bệnh viện ung bướu hay đi tặng quà cho thiếu nhi
mấy xã nghèo ở huyện Cần Giờ. Chỉ một dòng thông báo ngắn gọn trên
facebook thôi đã nhiều người
“nhào vô” hỏi thăm, đóng góp, rồi hẹn nhau cùng đi mua bánh cùng đi tặng
quà. Một tuần tất bật, một ngày chung tay chia sẻ chút niềm vui cho
những em nhỏ không may cũng là một ngày có ích cho các bạn trẻ.
Nhiều người cho rằng
phải
từ sự sung túc hơn về kinh tế thì Sài Gòn mới thương người, giúp người
được. Nói vậy thì chưa thỏa đáng. Nếu
không
coi việc giúp người là chuyện cần làm và làm được thì việc từ
thiện không thể như “chuyện thường ngày”
ở Sài Gòn. Tích xưa
của vùng Gia Định kể về ông Thủ Huồng làm Nhà Bè ở ngã ba sông, để sẵn
gạo nước cho người đi ghe xuồng
ghé
lại sử dụng khi lỡ con nước,
khi mưa bão... là một điển hình cho tính
cách “bao đồng” nhưng “thương người như thể thương thân” của người Gia
Định. Nhưng không phải chỉ có người giàu mới giúp người cơ nhỡ,
ở
Sài Gòn có thể nhìn thấy nhiều người chẳng sung túc gì vẫn có thể giúp
người khốn khó hơn mình, bởi vì họ không ngại khi mình chỉ giúp được một
chút, vì họ tin nếu nhiều người giúp một chút sẽ được một kết quả lớn.
Thực tế là như vậy.
Hoạt
động từ thiện ở Sài Gòn thường đáp ứng những nhu cầu thực tế và cấp
bách. Từ bữa cơm ly nước miễn phí đến những thùng tiền quyên góp cho trẻ
khuyết tật trong các siêu thị không bao giờ vơi, từ việc hàng ngày sửa
xe miễn phí cho người khuyết tật, người bán vé số… đến những
gia đình nghèo khó
khi có người qua đời được cơ sở mai táng giúp “quan tài từ
thiện”… Trong nhiều lễ tang
– thể theo nguyện vọng của người vừa mất – tiền phúng điếu được gia đình
đóng góp vào quỹ từ thiện của phường, hội...
Từ lịch sử và điều kiện tự nhiên của vùng đất phương Nam, lưu dân nhiều
nơi vào Nam bộ đều có hoàn cảnh giống nhau nên ở vùng đất mới họ phải
đùm bọc giúp đỡ nhau, không giúp người thì ai sẽ giúp mình khi gặp khó
khăn, họ suy nghĩ giản dị vậy thôi.
Sài Gòn luôn tạo cơ hội cho mọi người, vì vậy phần lớn những người đến
làm ăn sinh sống ở đây khi có điều kiện cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác
như một lẽ tự nhiên. Khi những người tâm thiện gặp nhau, tự giác gắn
kết, lại biết cách tổ chức thực hiện công việc “từ gốc đến ngọn”, rành
mạch sòng phẳng các khoản thu chi… nên những hoạt động thiện nguyện ở
Sài Gòn ngày càng lan tỏa.
Sài Gòn mùa giáng sinh
Từ đầu tháng 12 thời tiết Sài Gòn mát dần dù đã bắt
đầu vào mùa nắng gắt. Không phải là sự mát ẩm của mùa gió chướng mà lẫn
trong gió lại có chút khô lạnh, nhất là sáng sớm và chiều tối. Nhiệt độ
thấp nhất cũng chỉ khoảng 18,
19 độ thôi nhưng với người Sài gòn, đây là thời tiết
“lý tưởng” để có dịp khoác lên mình những chiếc áo lạnh đủ màu đủ kiểu –
loại áo trước nay chỉ để bán cho người lâu lâu đi nghỉ ở Đà Lạt hay
người miền Trung về quê dịp Tết. Nhớ
lại
hồi cuối năm 1975, lần
đầu tiên sau hàng chục năm Sài Gòn và Nam bộ mới có một đợt không khí
lạnh tràn vào. Năm đó, ai bán áo lạnh thì “trúng mùa” vì được
nhiều người
mua mang
ra
Bắc.
Cùng với tiết trời se lạnh là sự xuất hiện những khu
vực bán hàng hóa lễ Noel, nhất là ở quanh các nhà thờ: cây thông
xanh, giấy trang kim trắng vàng lấp lanh, dây bóng đèn nhấp nháy, những
gói quà nhỏ xíu, thiệp Giáng sinh rực rỡ…
Bây giờ
trên đường phố
đã
xuất hiện Già Santa Claus
trong
bộ quần áo
mũ đỏ rực rỡ
mà
trước đây
hình ảnh của ông chỉ có mặt nơi nhà hàng, khu thương mại sang trọng,
dáng người bệ vệ trong chiếc áo choàng, vai vác túi quà lớn, miệng cười
tươi sau chòm râu trắng xóa… hấp dẫn không chỉ con nít mà cả người lớn,
bởi ông là biểu tượng của sự vui vẻ và ấm áp của ngày lễ trọng. Sài Gòn
còn là nơi từ lâu luôn có
nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc nên cũng từ Noel, thành phố
bắt đầu trang hoàng bước vào mùa kinh doanh, du lịch đón tết Tây kéo dài
đến Tết ta – thời gian lễ hội của cả thành phố.
Giống như nhiều thành phố phương Tây, Sài Gòn cũng
có một (trong nhiều) biểu tượng đô thị (urban
symbolism) là nhà thờ.
Kiến trúc đặc sắc của nhiều nhà thờ góp phần
tạo nên diện mạo đô thị Sài Gòn trong ký ức bao thế hệ.
Người Sài Gòn chỉ cần đi quanh quận Một đã được hưởng tất cả
không khí nhộn nhịp và trang trọng của lễ Noel không khác gì nước ngoài.
Bởi vì, khác với nhiều đô thị trong nước, khu vực trung tâm Sài Gòn có
nhiều nhà thờ cổ xưa và đẹp nhất được xây dựng từ nửa sau thế kỷ 19. Cứ
lấy Nhà thờ Đức Bà làm tâm điểm, bán kính khoảng 2 km thôi sẽ có những
nhà thờ nổi tiếng như Tân
Định, Chợ Quán, Huyện Sĩ, khu tu viện đường Tôn Đức Thắng… Theo địa giới
hành chính ngày nay có một số nhà thờ thuộc quận khác nhưng vẫn là vùng
đất Sài Gòn xưa sớm có người cư trú.
Bên cạnh khu trung tâm có những nhà thờ trang hoàng
rực rỡ là nơi du khách đổ về, nhiều người lại muốn đến những xứ đạo ẩn
sau phố phường đông đúc. Những ngày này đi đến khu Ông Tạ, Chí Hòa hay
Xóm mới, khu quận 8 hay Thủ Đức, vùng Tân Bình – Tân Phú, gần hơn thì có
xóm đạo dọc đường ven Nhiêu Lộc - Thị Nghè…
Ở những nơi này đường ngõ chăng đèn kết hoa rực rỡ, đêm Giáng
sinh cạnh hang đá với Đức Mẹ và Chúa Hài đồng là sân khấu ngoài trời cho
chương trình văn nghệ của người xóm đạo. Có thể cảm nhận khắp nơi là sự
bình yên, thân thiện và chia sẻ của những người anh em trong mùa Giáng
sinh và mừng năm mới.
Mấy năm nay mùa Noel về với không khí se lạnh hơn trước. Trên đường phố đã xuất hiện “ông già Noel” chạy xe
máy giao tặng quà cho trẻ em và cả người lớn. Dịch vụ này phát triển vài
năm gần đây mang lại niềm vui cho nhiều người. Nhưng quanh năm ở Sài Gòn
có biết bao “ông bà Noel” vẫn thầm lặng những chuyến đi thiện nguyện
mang đến vùng lũ lụt thiên tai từng bao gạo, cuốn tập, góp mỗi tấm áo
gói mỳ cho người cơ nhỡ, vẫn đón nhận và chia sẻ cơ hội kiếm sống cho
hàng triệu người nhập cư…
Ở Sài Gòn, mỗi năm ngày Chúa
giáng
sinh là một dịp để nhắc nhớ tinh thần tương thân
tương ái giữa đồng bào không phân biệt tôn giáo, vùng miền. Bởi vì, nếu
không như vậy thì đâu còn là Sài Gòn nữa…
|