MUÔN MẶT SÀI GÒN
Hẻm
phố Sài Gòn
“Một
ngõ vắng xôn xao, nằm trong lòng phố lớn…”
(Trần
Quang Huy) Sài Gòn có hàng trăm con đường mặt tiền sôi
động suốt ngày đêm, thể
hiện nhịp sống khẩn trương không một phút giây ngừng lặng của đô
thị lớn nhất nước. Và cũng như tất cả những thành phố khác trên thế
giới, phía sau những con đường là hàng ngàn ngõ hẻm, đan nhau như mạng
nhện, cài nhau như chân rết…tạo thành những không gian sống tương
đối tĩnh lặng của hàng triệu cư dân. Hẻm Sài Gòn cũng có nhiều lọai
khác nhau, nhưng chỉ cần một lần bạn bước chân vào đó là có thể nhận
thấy dường như ngõ hẻm Sài Gòn không giống ở bất cứ nơi đâu. Hẻm ở các quận trung tâm thành phố là khu vực đô
thị đã hình thành hàng trăm năm. Đó là những hẻm
tráng xi măng bằng phẳng sạch sẽ, tương đối thẳng, thường là
hẻm cụt.
Dân cư đa phần là công chức, nhà cửa xây dựng khá ổn định,
kiến trúc hài hòa.
Những ngôi biệt thự nhỏ, vài căn nhà phố, một hai ngôi nhà cao tầng
nhưng tất cả đều mang vẻ trầm lặng sau những bức tường cũ loang lổ vôi
và những cánh cổng sắt tróc sơn mỗi lần đóng mở kêu kin kít. Nhiều hẻm
yên tĩnh đến mức hầu như không có ai đến đó dán các tờ quảng cáo, các số
điện thọai dạy kèm học
thêm khoan cắt bê tông…
Trong hẻm rợp mát giàn bông giấy, bông hòang anh… những cành hoa rực rỡ
trên nền lá xanh mướt vươn ra từ sau song sắt trên cao.
Có lần nào đó bạn hãy rẽ vào một hẻm nhỏ để tránh con đường ầm ào
như cơn lũ ngòai kia. Đi xe chầm chậm trong hẻm bạn sẽ thấy lòng chợt
bình yên lạ lùng.
Hẻm ở các khu vực khác dân cư đông đúc đến từ nhiều tỉnh thành, có gia
đình đã vài đời ở Sài Gòn nhưng cũng có người chỉ ở nhà thuê. Trong hẻm
nhà cửa lô xô ra vào, nhà trệt nhà lầu chen nhau. Gác gỗ mái hiên mạnh
nhà nào nhà nấy chìa ra che mát hẻm nhỏ. Giống như đường làng quanh co,
hẻm cũng có nhiều ngõ ngách rộng hẹp bất ngờ, có khi chỉ đủ cho một xe
máy đi cũng có khi phình rộng tạo thành một khỏang sân cho lũ trẻ chơi
đùa. Có hẻm vẫn còn có ngôi chùa nhỏ, ngày rằm mùng một tiếng mõ nhẹ
nhàng mùi nhang thơm vẫn len vào từng ngôi nhà. Mỗi sáng đầu hẻm có xe
bán hủ tiếu, bánh mì, cà phê quán cóc vài chiếc ghế nhựa…Cha mẹ đưa con
đi học, đi làm hay ghé ăn sáng uống cà phê. Dù vội đến đâu họ cũng dành
thời gian đọc qua vài tờ báo rồi chuyền nhau
những tin quan trọng. Bàn tán trao đổi sôi nổi mươi phút rồi ai nấy vội
vã bước vào một ngày mưu sinh. Ban ngày thỉnh thỏang có vài gánh hàng
rong tiếng rao len lỏi trong ngoằn nghèo hẻm vắng. Chiều tối hẻm lại tấp
nập người về. Tiếng xe máy, tiếng trẻ con í ới, tíếng thăm hỏi nhau,
tiếng động bếp núc quen thuộc…Hẻm như một tổ ong khổng lồ mà mỗi nhà là
một ngăn nhỏ, gắn bó với nhau, ấm áp tình người… Hẻm chợ thì có ở khắp nơi. Thường chợ trong hẻm
chỉ đông vào buổi sáng đến trưa thì tan. Hàng thịt cá hàng rau hàng trái
cây đủ cả, cũng không thể thiếu vài sạp quần áo giày dép. Chợ cho dân cư
trong những hẻm quanh đấy, người bán người mua quen thuộc nên xưng hô dì
cháu thân tình, bán mua dễ dàng nhanh chóng, hiếm khi thấy cãi cọ qua
lại. Những hẻm chợ này may mắn còn giữ lại ít nhiều “văn hóa chợ xưa”,
nơi mà quan hệ bán mua không chỉ là tiền hàng mà còn là tình nghĩa giữa
những con người. Có những hẻm chợ nổi tiếng lâu đời vì tập trung
bán các món ăn hay các quán nhậu bình dân, đồ ăn ngon, giá rẻ, người
mới đến Sài Gòn, người xa Sài Gòn trở về thường hay tới đó, cám giác là
lạ quen quen níu giữ nỗi nhớ của nhiều người… Dọc nhiều con đường ở khu vực Chợ Lớn thỉnh
thỏang ta vẫn gặp vài chữ Hán đắp nổi “Vĩnh An lý”, “Nghĩa An hạng”…Đó
là những hẻm cổ của người Hoa, “lý, hạng” chỉ một đơn vị cư trú như một
làng, một xóm. Nhà cửa thường hẹp bề ngang mà sâu hun hút, chật và tối,
ngay cửa ra vào dán mảnh giấy đỏ có hàng chữ Hán cầu mong sự bình an
sung túc… Trong mỗi ngôi nhà là “tam, tứ đại đồng đường”. Dân cư trong
“lý, hạng” phần lớn có họ hàng với nhau do cùng nguồn gốc từ một bang,
tỉnh Trung Hoa di cư sang từ thủa xa xưa. Hẻm của người Hoa thường là
các xóm nghề thủ công. Cũng có khi cư dân làm cùng một nghề nào đó vì
người Hoa thường giúp đồng hương việc làm như mình. Được hình thành ngẫu nhiên từ đường mòn của làng
cổ, hay từ vịệc san lấp ruộng hay kinh rạch trong quá trình cư trú tự
phát của cư dân – phần lớn là người nhập cư, hay được quy họach theo
từng ô phố bàn cờ mang nét đặc trưng của đô thị… mỗi con hẻm Sài Gòn đều
có một “đời sống” riêng, là một “tiểu không gian văn hóa” riêng biệt kết
tinh bởi sự đa dạng của nguồn gốc, lối sống, nếp sinh họat của dân cư
trong hẻm. Tuy nhiên, cũng có những nét chung, đó là đường hẻm mặc nhiên
là không gian công cộng. Nơi ấy mọi người có thể sử dụng khi cần thiết
nhưng cũng là nơi sinh họat chung, liên kết mọi thành viên trong hẻm với
nhau. Hẻm cũng có thể là cái sân của nhà biệt thự trong hẻm phố, là hàng
hiên của nhà nhỏ trong hẻm xóm ngoằn nghèo. Hẻm – như không gian mở rộng
của từng ngôi nhà riêng biệt. Không gian văn hóa riêng – chung trong hẻm
không bị cắt rời mà linh họat kết nối với nhau, như người Sài Gòn phóng
khóang cởi mở trong giao tiếp mà vẫn tôn trọng khỏang riêng tư của mỗi
con người.
Hẻm ở Sài Gòn là một phần quan trọng của “cơ thể” thành phố sống động,
cả về không gian địa lý và không gian văn hóa. Từ những mạch máu lớn nhỏ
này ngày lại ngày hàng triệu con người hòa mình vào thành phố, như dòng
máu đỏ mang lại sinh khí trẻ trung, năng động và tạo nên bản sắc văn hóa
Sài Gòn.
Chợ Cũ Sài Gòn
Từ một, hai năm trước, cũng vào dịp cuối năm đã xôn xao cái tin Chợ Cũ
Sài Gòn sẽ bị giải tỏa. Trước tết Đinh Dậu cũng vậy, nhưng lần
này thì tin tức có vẻ chắc chắn rằng sau tết sẽ không còn Chợ Cũ nữa…
Không chỉ những tiểu thương buôn bán ở đây, những người quen đi chợ này
mà nhiều người Sài Gòn đã bần thần và luyến tiếc một địa chỉ, một địa
danh lưu lại giai đoạn khởi lập đô thị Sài Gòn, cũng là một cái chợ có
“thương hiệu” lâu đời về thức ăn tươi ngon và thực phẩm công nghệ “xịn”
như rượu, đồ hộp, bánh ngọt, sau này là băng đĩa nhạc phim ngoại nhập...
Chợ Cũ là nơi đầu tiên tôi biết ở Sài Gòn. Khi chiếc xe khách đưa chúng
tôi vào đến thành phố đã quá nửa đêm, không liên lạc được với gia đình
nên tôi đã ở lại một công sở ngay đầu đường Hàm Nghi - Tôn Thất Đạm.
Sáng sớm hôm sau tôi thức giấc vì tiếng rao “bánh mì đây, bánh mì nóng
giòn đây…”. Từ trên lầu cao nhìn xuống thấy những người bán bánh mì đi
xe đạp chở đằng sau một cần xé lớn phủ kín, chạy thong thả dọc theo
đường phố. Thỉnh thoảng dừng lại mở tấm phủ lấy bánh ra bán. Lạ nhất khi
nhìn thấy những chiếc bánh mì dài nhỏ như chiếc gậy, sau này biết đó là
bánh mì baguette. Tò mò xuống đường mua bánh, chiếc bánh còn nóng hổi,
vỏ dày vàng ruộm, ruột đặc, thơm phức mùi bột và thoảng mùi bơ… Bên kia
đường những cửa tiệm mở cửa từ lúc nào, tiệm Như Lan sáng đèn đã nhiều
người lui tới. Trên đường Hàm Nghi có những em nhỏ trong bộ đồng phục
quần/váy xanh áo trắng và nữ sinh trong bộ áo dài trắng… Trên một con
đường nhỏ hàng quán bắt đầu nhộn nhịp, là một cái chợ như những cái chợ
khác tôi từng biết nhưng vẫn khác, nhiều màu sắc, nhiều loại thức ăn cây
trái hơn, và lần đầu được nghe giọng Sài Gòn nhiều như thế, dung dị như
thế.
Sau này nói chuyện với bạn bè, đọc mấy cuốn hồi ký thấy nhiều người lần
đầu vô Sài Gòn bị choáng ngợp bởi nhà cao đường rộng, xe máy xe hơi, đồ
tiêu dùng và quần áo sang trọng… tôi lại nhớ cảm giác đầu tiên của buổi
sáng hôm đó khi ngắm nhìn khu Chợ Cũ. Với tôi, Sài Gòn là một thành phố
của những con người bình dị. Cảm giác này hơn 40 năm đến hôm nay vẫn
không thay đổi.
***
Chợ Cũ, nguyên thủy là chợ Bến Thành ven kinh Chợ Vải (kinh Lớn), nơi
đây là một trong vài bến ghe tàu của Thành Gia Định “tụ tập hàng trăm
thức hàng hóa, dọc bến sông thuyền buôn lớn nhỏ nối liền nhau”. Sau khi
Pháp chiếm Nam Kỳ một thời gian, ngôi chợ này được xây dựng dãy nhà
lồng, người Pháp gọi là Marché de Saigon. Thời gian sau kinh Chợ Vải lấp
đi thành đại lộ, đến đầu thế kỷ 20 chợ Bến Thành Mới
được xây dựng ở gần nhà ga xe lửa thì khu chợ này thành Chợ Cũ.
Nhà lồng không còn nên hàng hóa bán ở nhà mặt tiền hay dựng sạp ngay
lòng đường.
Hơn một thế kỷ Chợ Cũ vẫn tồn tại và bình thản thực hiện chức năng buôn
bán của nó, đồng thời tạo dựng thương hiệu, uy tín trong lòng “người Sài
Gòn” từ chất lượng hàng hóa đến những quán ăn ngon nổi tiếng mà giá cả
rất phải chăng. Thương hiệu ấy có được từ việc nhiều cửa hàng tiệm ăn
buôn bán gia truyền, lấy chữ tín làm đầu, coi khách hàng như người thân…
Bởi vậy nhiều người đi chợ này từ đời mẹ đến đời con cháu. Có một thời
kinh tế khó khăn nơi đây không thoát khỏi dịch hàng giả hàng nhái, nhưng
rồi Chợ Cũ nhanh chóng trở lại vị thế “độc tôn” hàng chất lượng cao từ
những “thùng đồ” nửa vòng trái đất gửi về, rồi hàng từ tàu biển, xuất
khẩu lao động, hàng nhập bằng nhiều con đường.
Sáng đầu năm mới dạo quanh khu chợ, phía sau dãy kiot dựng tạm vài năm
nay vẫn là ngôi nhà buôn bán lâu năm và vài cái hẻm nhịp sống bình yên
khác hẳn sự nhộn nhịp ngoài kia. Chợ Cũ cũng như Sài Gòn, đằng sau sự
hào nhoáng ồn ào dễ làm choáng ngợp là sự thâm trầm lắng đọng mà chỉ
những ai thật hiểu và yêu thành phố này mới có thể nhận ra.
Có những thứ tuy cũ nhưng còn có giá trị hơn nhiều thứ mới.
Bến cũ ngày giáp Tết
Qua cầu Xóm củi (còn gọi là cầu Chà và vì khu vực này xưa có nhiều người
gốc Ấn), quẹo phải sát chân cầu đi cặp theo kênh Tàu Hũ là đường bến
Bình Đông. Đi mãi đi mãi… tới đường bến Mễ Cốc. Đi hòai đi hòai… đến
đọan kênh Tàu Hũ gặp Rạch Cát thì hết đường. Đọan bến Bình Đông phía bên
quận 5 quận 6 là đại lộ Đông Tây, còn bến Mễ Cốc phía bên kia là Phú
Định – một làng cổ thuộc xóm lò gốm Sài Gòn xưa. Ngỡ ngàng khi gặp một
nhà quê yên bình đến thế. Đám dừa nước rậm rạp, trên chiếc ghe nhỏ bếp
cà ràng đỏ lửa chiều, khói quẩn trên ngọn dừa cao cao in bóng xuống dòng
kinh… Vùng này còn mấy cây cầu sắt cũ từ thời Tây, chênh vênh mỗi cây
mỗi kiểu, lót ván gập ghềnh, nay chỉ dành cho người đi bộ. Chắc không
lâu nữa sẽ thay bằng những cây cầu bê tông vững chắc
nhưng vô hồn bởi chúng rất giống nhau, ngang bằng, đơn điệu.
Hồi xưa, trên bến kinh này từ trước ngày rằm tháng chạp ghe chở “ông lò”
(bếp lò đất) đã về. Ngày 23 cúng ông Táo nhà nào nhà nấy đốt than trong
ông lò mới cầu mong cho nhà cửa luôn ấm êm, hạnh phúc. Sau ngày Ông Táo
những “ông lò” cũ đem đặt ngòai vườn, dưới gốc cây hay ven hàng rào… lâu
ngày ông lò hóa thổ, trở về với đất, như con người… Những chiếc ghe lớn
chở than đước ngày nào cũng cặp bến, lái mua than cả cần xé chở đi khắp
thành phố cũng có mà người mua lẻ vài ba ký cũng có. Mấy anh bán than
mặt mày đen nhẻm, đôi mắt như biết nói, mải miết vác than chọn than tốt
cho người mua. Còn ghe chiếu nữa, chất đầy chiếu bông chiếu trắng đương
bằng những cọng lát tròn bóng thơm mùi gió chướng mùi đất phèn miền Tây…
Trưa vắng khách văng vẳng câu vọng cổ nghe buồn chí xứ “chiếu này tôi
chẳng bán đâu, tìm cô không gặp… tôi gối đầu mỗi đêm…”. Mấy năm rồi vắng
bóng ghe than ghe chiếu… mà phải thôi, bây giờ ở thành phố còn mấy nhà
chụm than bếp lò, mấy nhà còn trải chiếu Cà Mau…
Sau 23 tháng chạp là ghe trái cây về san sát, chuyển hàng lên bến khỏi
cần bắc ván làm cầu. Nhưng độc đáo nhứt ở bến Bình Đông là chợ mai, tắc
kiểng dài suốt con đường. Không hiểu sao nhìn chợ hoa Tết bao giờ cũng
thấy buồn… nghĩ đến trưa 30 chợ hết, tiếc hoa, thương người trồng hoa,
tội người bán hoa… Từ năm ngóai ghe kiểng về không đậu bên kia vì bến
Hàm Tử đã giải tỏa làm đại lộ Đông Tây. Năm nay bến Bình Đông là bến
chính. Đọan đường hẹp lổn nhộn ổ gà, dãy nhà phố một trệt một lầu mái
ngói thâm đen tường vôi loang lổ. Tầng trệt còn buôn bán mà những cánh
cửa gỗ xộc xệch trên lầu hình như đã lâu lắm không được mở ra…
Bạn bè ngồi lai rai trong quán nhỏ, nhìn qua bên kia nhà cao tầng đại lộ
8 làn xe vun vút chạy, nhìn lại bên này cầu cũ, kinh đen, nhà xưa, ghe
nhỏ… Rồi tránh nhìn nhau. Cảm giác như thấy người thân yêu xa dần mà
không có cách gì niu giữ…
|