CHỈ CÒN MỘT NGÀY LÀ ĐẾN THÁNG NĂM*

 

Nguyễn Thị Hậu

 

Những ngày cuối tháng Tư, Sài Gòn nắng nóng, ban ngày ngột ngạt nhưng chiều xuống không khí dịu hẳn. Người đổ ra đường, đi ăn, đi nhậu, đi cà phê.... hàng quán đông đúc ồn ào. Những ngày nghỉ lễ sắp đến, thành phố sẽ vắng hơn như được nghỉ ngơi để qua tháng Năm lại tiếp tục vòng quay bất tận của cuộc sống một đô thị lớn nhất nước.

 

Tháng Tư Sài Gòn luôn là cái tháng nóng bỏng, không chỉ là thời tiết mà còn là những vấn đề xã hội. Năm nay sức nóng của truyền thông và mạng xã hội tháng Tư dồn vào thông tin về những thanh “củi gộc” đang chuẩn bị tiếp tục bị cho vào “lò” chống tham nhũng, về phong trào #metoo của các nữ nhà báo, phóng viên chống lại sự lạm dụng và quấy rối tình dục nơi công sở. Và hình như đã có phần dịu hơn những năm trước là “sức nóng” của ngôn từ sử dụng trên “hai lề” truyền thông phải trái khi nhắc về ngày 30/4 hơn bốn mươi năm trước.

Bao nhiêu năm đã qua hay nhiều năm nữa về sau, đối với người VN chúng ta ngày 30/4 mang ý nghĩa lớn nhất là ngày kết thúc chiến tranh. Chiến tranh kéo dài đến đâu cũng chỉ là hiện tượng nhất thời. Trước và sau chiến tranh là cuộc sống hòa bình, bất cứ người nghèo khó vất vả hay giàu sang sung sướng thì cũng mong ước được sống trong hòa bình, mong muốn chồng con anh em mình không phải ra chiến trường, không bị tên bay đạn lạc...  Trên khắp đất nước ta có biết bao nhiêu nghĩa trang của những người lính, của dân thường đã chết trong những năm dài chiến tranh, có những người đã ra đi đúng thời điểm hòa bình chạm vào cửa ngõ Sài Gòn. Tất cả họ chưa từng được hưởng một giây phút hòa bình cho đến khi sang thế giới bên kia, ở đó họ có bình yên mãi mãi?

 

***

               Nếu thật lòng mong đợi những điều tốt đẹp cho thành phố ta đang sống, không thể không nhận thấy sự đổi thay, mà đôi khi vì gần gũi quá nên không nhận ra. Bốn mươi năm qua, mỗi ngày đi về dọc ngang qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè tôi không để ý sự thay đổi từ từ của nó. Tôi cứ mải ước mơ về những thành phố có sông có cầu đẹp đẽ nơi trời tây. Đến một ngày nhìn lại con đường quen thuộc bỗng giật mình.

Từ dòng kênh sau gần trăm năm là kênh nước đen và những xóm nhà lá san sát trên mặt nước lầy rác hôi thối nay đã thành dòng sông nhỏ bờ kè có khoảng xanh bãi cỏ, hàng cây, ghế đá, dụng cụ thể thao, hàng rào cao để an toàn và ngăn việc đổ rác bừa bãi. Vỉa hè rộng rãi đủ làm đường đi bộ tập thể dục mỗi sáng mỗi chiều. Những chiếc cầu mới xây mới sửa nối liền hai con đường Hoàng Sa, Trường Sa tả hữu uốn lượn theo bờ kênh. Nhà mặt tiền khang trang hơn, quán xá cũng nhiều hơn… Kênh đã thông, thủy triều lên xuống mỗi ngày sẽ cuốn đi những ô nhiễm rác rưởi, giữ được “con kênh xanh xanh” nếu như từng người ý thức được việc giữ gìn môi trường sống chung.

Quá khứ thành phố không chỉ là hình ảnh “hòn ngọc Viễn Đông” còn là những khu nhà lá kênh đen chằng chịt khắp vùng Sài Gòn, Chợ Lớn. Cũng đừng quên vùng ngoại ô “đám lá tối trời” đêm đêm nhìn về quầng sáng nơi trung tâm thành phố mà ước ao bao giờ có được. Khi công bằng với quá khứ thì sẽ công bằng nhìn nhận hiện tại bởi vì “hoài cổ” rất khác với “nệ cổ”, phải không?

 Chắc chắn còn nhiều điều làm ta bức xúc, chưa thể hài lòng nhất là về đời sống tinh thần, nhưng cũng cần nhìn thấy những điều mới mẻ. Sự thay đổi của những dòng kênh, tòa nhà hay cây cầu xa lộ, những khu đô thị mới ở ngoại thành… giá trị vì đó là kết tinh công sức của biết bao nhiêu con người thầm lặng lao động dù cuộc sống còn quá nhiều vất vả. Chúng ta quý trọng những đổi thay dù nhỏ là vì những con người đó.

Nếu tính đời người bắt đầu từ khi đủ tuổi dựng vợ gả chồng để sinh thành một thế hệ mới, thì hơn bốn mươi năm qua đã hai thế hệ hậu chiến ra đời và trưởng thành. Nhìn con cái lớn lên và cũng phải giải quyết những vấn đề của thế hệ chúng, có lẽ cũng “gay go, ác liệt” không kém gì cuộc chiến của thế hệ chúng ta, bạn biết không, tôi bỗng nhận ra rằng, nếu chỉ mãi nhìn về một thời quá khứ thì khác nào chúng ta tự giam mình trong “bảo tàng viện” không thấy gì ngoài ký ức một bên “vàng son” một phía “hào hùng”. Do vậy cũng cần quý trọng những gì hiện hữu mỗi ngày, đó là cuộc sống của các con ta, và vì chính chúng ta đang sống.

Nhưng điều gì ngăn cản chúng ta cùng nhìn về tương lai, phải chăng đó là cách chúng ta nhìn về quá khứ?

***

Sau hơn bốn mươi năm nhiều người đã nhận thấy, hòa hợp hòa giải thực sự là một con đường dài và khó khăn. Chính sách của bên thắng”, thái độ của “bên thua chỉ là bề nổi/mặt sáng của con đường này. Mặt khuất là tâm thức, căn cốt “thắng thua, được mất” từ những triều đại phong kiến đã tồn tại lâu dài qua nhiều thế hệ. Nếu luôn chỉ nhìn thấy một phía của quá khứ thì đâu còn đủ bình tĩnh để  nhìn thấy hiện tại và tương lai chung của đất nước này. Dù muốn hay không thì thắng/thua là kết cục của hầu hết những cuộc chiến. Xem xét toàn diện xã hội hai bên (không chỉ về quân sự, chính trị) sẽ nhìn nhận được nhiều kinh nghiệm rất hữu ích. Tất nhiên, “khép lại quá khứ” nhưng lịch sử cần minh bạch, khoa học, nếu không thì những gì trong quá khứ rất có thể sẽ lặp lại ở tương lai.

 

Thay đổi tâm thức thực sự coi trọng con người vì con người phải được bắt đầu từ giáo dục: sự nhân văn không chỉ là những điều tốt đẹp của truyền thống mà còn phải nhận ra những “góc khuất” của lịch sử, những sai lầm của quá khứ để đừng lặp lại. Thành tựu thì mỗi triều đại đều có sự độc đáo riêng vì thể hiện sự phát triển xã hội của thời đại đó, nhưng sai lầm của các triều đại thì thường giống nhau, đều bắt nguồn từ sự thiếu hụt nhân văn,văn hóa. Giáo dục sự nhân văn là để nhận ra cái xấu cái ác trong mỗi con người, để hiểu rằng lòng nhân ái khoan dung sẽ làm thay đổi suy nghĩ và hành xử của con người chứ không phải là sự căm hận và trả thù. Cái ác có thể là phương thức nhanh chóng để giành được quyền lực, của cải nhưng không thể giữ được lâu dài, bởi vì gieo mầm độc ác thì sẽ gặt hái tai họa.

 

Bao giờ sẽ đến một tháng Tư khác, một tháng Tư  mà mỗi người đều hiểu ngày cuối cùng phải qua và chúng ta sẽ thanh thản bước qua tháng Năm – tháng của tương lai, chứ không còn đau đáu ở mãi tháng Tư của quá khứ tan hoang đất nước và lòng người. Một quá khứ mà chúng ta mong muốn khép lại... Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu...  như lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói. 

 

Mỗi năm khi ngày ba mươi tháng Tư đến tôi luôn tự nhủ, ngày mai sẽ là tháng Năm…

 

Sài Gòn 29.4.2018

 

(* theo tựa đề một tiểu thuyết của Thuận “Chỉ còn bốn ngày là hết tháng tư”)

 

 

 

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 29-4-18