ĐÔI LẦN SỐNG CHẬM

Tùy bút

Nguyễn Thị Hậu

 

Ánh sáng thị thành

“Người thành phố” nào mà chẳng có một nhà quê, bởi vì dù có sống cả đời ở đô thành thì nơi đó cũng đã từng là “nhà quê”.

Cứ tưởng sinh ra, lớn lên và sống cả đời ở thành thị thì nhà quê chỉ còn qua lời kể trong ký ức của ông bà cha mẹ. Nhưng không, nếu chú tâm một chút thôi, mỗi ngày trên đường phố đều có thể nhận ra vài dấu tích của một “nhà quê” trước khi trở thành đô thị.

Đó là những con hẻm được hình thành từ đường mòn của làng xưa, hay do san lấp ruộng ao, kinh rạch mà thành. Lúc đầu ngoằn nghèo càng đi sâu càng mất hút, trong hẻm còn cây da cây gòn cổ thụ, dưới gốc có ngôi miếu nhỏ ngày rằm mùng một có nhang đèn của người trong xóm. Thành phố mọc lên, hẻm thành đường, cây da cây gòn có khi còn đó nhưng miếu thờ biến mất hồi nào không ai biết. 

Đó là ngôi chùa cũ kỹ, mái ngói tường gạch rêu phong. Ngày hai lần tiếng mõ se sẽ  theo mùi nhang thơm nhẹ nhàng lan xa. Tháng đôi lần cửa tam quan rộng mở nhưng ngày thường chùa cũng không vắng lặng… Người trong làng hay sang chùa có khi chỉ để ngồi trên bậc thềm rợp mát thỏang hương hoa ngâu. Một ngày kia làng thành phố. Xóm làng thay đổi nhanh đến chóng mặt. Những mảnh vườn nho nhỏ, hàng cây trứng cá trong sân nhà ai dần biến mất, những ngôi nhà tường gach lầu cao lần lượt xuất hiện. Ngôi chùa vẫn ở đó nhưng ngõ nhỏ thành đường xe cộ qua lại ngày đêm, quang cảnh chùa xưa trông lạc lõng trên phố mới. Dân phố khá giả hơn,  chùa được sửa sang cho xứng với vị trí “mặt tiền”. Chỉ sau vài tháng ngôi chùa như mới xuất hiện, rực rỡ màu sơn vàng chói từ trong ra ngòai, nền gạch bông bóng lóang.

Đấy là những chợ nhỏ tuần đôi lần bán ít cá thịt và nhiều hơn là rau trái. Rồi không biết từ lúc nào thành cái chợ hẻm họp hàng ngày vào buổi sáng. Hàng thịt cá hàng rau hàng trái cây đủ cả, cũng không thể thiếu vài sạp quần áo giày dép. Chợ cho người nay nhưng vẫn giữ nhiều nếp xưa, người bán người mua quen mặt thuộc tính xưng hô dì cháu thân tình, bán mua dễ dàng nhanh chóng hiếm khi phải trả giá qua lại.

***

Khác với miền Trung và miền Bắc,  ở Nam bộ có một số tỉnh có đơn vị hành chính là huyện Châu Thành. Trong dân gian, châu thành được hiểu là nơi dân cư đông đúc, thịnh vượng, chốn đô hội văn minh. Từ nửa cuối thế kỷ 19 dần dần được hiểu là vùng phụ cận, vùng ven của thành phố, thị xã…  Vị trí địa lý hiện nay của các huyện Châu Thành đều nằm sát các tỉnh lỵ bởi vì lúc đầu, “châu thành” chỉ các trung tâm hành chính của chính quyền. Sau đó các “tỉnh lỵ” thành lập trên một phần diện tích của “châu thành”, phần còn lại trở thành huyện Châu Thành. 

 Đây chính là nơi xuất hiện và lan tỏa những yếu tố đô thị của quản lý hành chính, phương thức kinh tế và văn hóa, lối sống; là nơi “dự trữ” cho quy hoạch mở rộng của quá trình đô thị hóa: từ thị trấn, thị xã  “nâng cấp” lên thành phố, cũng là nơi thể hiện sự giao thoa lối sống nông thôn và đô thị, qua nghề nghiệp, đời sống vật chất và tinh thần.

Khi châu thành trở thành đô thị, ngoài “tòa bố” (như tòa nhà Ủy ban nhân dân bây giờ) được xây dựng ở vị trí trung tâm phía trước có quảng trường nhỏ. Rồi công trình công cộng mọc lên: rạp chiếu phim, rạp hát… Đó là những nơi vào buổi tối luôn sáng đèn rực rỡ. Đô thành không thể thiếu những ngọn đèn đường, lúc đầu thắp bằng dầu sau bằng điện. Ở Sài Gòn dân cư quen gọi nhà máy điện Chợ Quán là “nhà đèn” vì từ khi có nhà máy này thì hầu hết những con đường ở đô thành Sài Gòn, thậm chí ở xa hơn như Biên Hòa, Lái Thiêu đều có đèn đường, khi trong nhiều hẻm còn chưa có đèn điện trong nhà.

Ánh sáng thị thành từ “cái đèn treo ngược mà vẫn cháy” như một dấu chỉ của văn minh đối với vùng quê hay nơi phố chợ. Những buổi đầu sức quyến rũ của thành thị bắt đầu từ ánh đèn đường, của rạp hát rạp phim, rồi nhà hàng quán cà phê. Có ánh sáng đèn điện đời sống ở đô thành như dài hơn mà cũng vội vàng hơn, không còn nhớ giờ gà lên chuồng, không thức giấc bởi tiếng gà gáy sáng. Đêm hay ngày người ta phụ thuộc vào chiếc đồng hồ, hối hả theo nó mà vẫn bị thúc giục đến mệt nhoài. Người ta đi làm theo “giờ hành chính”, theo tiếng còi tầm, nhốt mình trong những hộp kín để khi bước ra ngoài thì chói mắt vì ánh sáng mặt trời. Đôi lúc giật mình nhìn mảnh trăng thượng tuần bỗng nhớ một nhà quê mới đó mà đã thành xa lắc…

Từ ngoại ô nhìn vào thành phố, cái quầng sáng đêm đêm cứ rực lên, cuốn hút bao lượt người đổ vào, đổ vào… Người tứ xứ nhập cư lần lượt trở thành người thành phố.

***

Người trong hẻm nhà lá, xóm chợ hay người trên phố chuyển mình thành thị dân. Buổi đầu vẫn giữ những nghề kiếm sống từ lâu đời: nông nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ… Rồi thương mại kinh doanh và các nghề dịch vụ phát triển. Bộ mặt đô thị thay đổi không chỉ là đường phố, đèn điện, nhà cao tầng mà còn là gương mặt thị dân, điển hình là tầng lớp công chức (làm việc trong bộ máy quản lý của chính quyền hay những nghề như nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư...). Tuy buổi đầu còn ít ỏi nhưng đó là tầng lớp có học thức của thời đại mới. Trường học, bệnh viện, rồi thư viện, bảo tàng, báo chí, in ấn… những thiết chế văn hóa đô thị lần lượt xuất hiện và trở thành một phần không thể thiếu của đời sống thị thành. Vậy nhưng đời sống tinh thần truyền thống vẫn như mạch nguồn trong lòng đất. Lễ Kỳ yên ở đình hay cúng rằm mùng một ở chùa được lưu truyền cho đến ngày nay.

Ánh sáng ngọn đèn điện ngoài đường phố hay nơi công cộng và ánh sáng cây đèn dầu nhỏ trên bàn thờ ông bà trong mỗi gia đình là hai nguồn sáng góp phần tạo nên diện mạo đô thị và thị dân ở buổi đầu khởi lập.

 


 

Buổi trưa trong quán cà phê

Thỉnh thoảng, buổi trưa ra quán café ăn cơm văn phòng. Nói là ăn cơm nhưng chủ yếu là ngồi với bạn bè, “tám” đủ chuyện để xả  xì-trét, lấy sức cho buổi chiều và cho vài hôm sau nữa.

Cũng thi thoảng, buổi trưa ra quán café, ngồi một mình, có khi ăn cơm có khi không, nhưng bao giờ cũng kêu ly café đá, nhâm nhi. Đọc một cái gì đó, nghe một cái gì đó, và gõ trên máy tính một cái gì đó, như bây giờ chẳng hạn.

Sài Gòn mấy bữa nay nắng rát người, mặt đường hực lên hơi nóng, oi bức quá thể… Ngồi trong phòng máy lạnh nhìn ra dường như ngoài đường mọi thứ đều uể oải: cây im không một ngọn gió, người trùm kín mít, xe phóng nhanh thế mà vẫn không thoát được cái nắng, đứng dưới bóng râm ven đường cũng không thấy mát hơn chút nào…Giờ này không muốn làm gì, chỉ muốn làm biếng, trôi đi đâu thì trôi, mà mắc vào đâu thì mắc, dưới gầm cầu hay dười giề lục bình cũng được nhưng hy vọng không bị mắc dưới kênh đen mà ở dưới sông Sài Gòn, đoạn gần ra đến cửa biển Cần Giờ thì càng hay.

Bỗng nhớ đến việc ai đó nhắn vô điện thọai mình (đùa hay thật cũng chả biết): “cần bán nhà ở trung tâm Phú Mỹ Hưng, có 3 mặt nhìn ra sông, giá 1 tỷ VND, miễn trung gian”. Sao rẻ thế nhỉ, với vị trí như thế thì rẻ quá, dù 1 tỷ với mình là số tiền rất xa lạ… không hình dung được là bao nhiêu và như thế nào. Nhưng vì ai mua đất mua nhà cũng đều nói số tiền từ vài tỷ trở lên nên mình nghĩ 1 tỷ là rẻ. Nghĩ mãi nghĩ mãi, thậm chí còn thì thầm với con gái “giá mẹ có tiền…”. Con gái cũng ngơ ngẩn một hồi rồi bảo: chắc là họ bán cái ghe đấy mẹ ạ, đậu giữa sông thì 4 mặt là sông, còn đầu sát bờ thì có 3 mặt sông còn gì? Ừ nhỉ, thế mà nghĩ không ra.

Nhưng bỗng ước gì có tiền mua ngay chiếc ghe ấy (gíá một tỷ thì ghe chắc còn tốt) để thực hiện ước mơ từ xửa xưa là được lang thang trên những con sông miền Tây Nam bộ. Đầu tiên là từ cửa Cần Giờ đi vào đến ngã ba Nhà Bè sẽ lại phân vân như người xưa “Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Bây giờ theo sông Đồng Nai ngược lên đến Cù Lao Phố đã là một vùng đô thị rồi, không còn một thương cảng sầm uất như thủa xa xưa… Ngược lên nữa đến Cù lao Rùa thuộc đất Bình Dương, nơi xưa kia có những ngôi nhà cổ tuyệt đẹp ẩn mình trong vườn trái cây sum sê quanh năm. Bây giờ nghe nói đất đai nơi ấy các đại gia về mua vườn lập villa hết rồi. Thôi thì đi ngược nữa lên qua thác Trị An đến vùng Đồng Nai thượng  vậy… “rừng đã cháy và rừng đã hết”. Ở đó ta như nhiều người bỗng dưng “không chốn nương thân”.

Thôi thì theo sông Sài Gòn vào đất Gia Định vậy. A, đã không muốn ở thành phố mới mua ghe đi lang thang, vậy còn vô đây chi vậy? Kẹt xe ngập đường do trời mưa do triều cường do trời mưa kết hợp với triều cường chứ không phải do con người. Đằng nào cũng lội cũng bơi, vậy… ở ghe là đúng nhất rồi còn gì. Mỗi khi “phố bỗng là dòng sông uốn quanh” thì mình đã có sẵn ghe bơi tung tăng cho bà con nhìn thấy tức chơi, ở trên ghe mình còn nhóm bếp cà ràng nướng cá khô sặc trộn gỏi xoài dưa leo, ngồi nhâm nhi nhìn bà con dắt xe chết máy lội bì bõm… thiệt là một “thú vui tao nhã”…

Nhưng mà muốn thực hiện ước mơ mua ghe để có thể trở thành “người sang trọng có thú vui tao nhã” như thế thì phải có tiền, tức là phải đi làm vì mình không đủ tài để “bỗng dưng giàu có” như người khác. Tức là bây giờ phải đứng lên, trả tiền café, lao ra ngoài trời nắng hầm hập để về cơ quan, chịu đựng tất cả những gì có thể chịu đựng được, làm những gì phải làm, để kiếm tiền mà sống và… mơ ghe.

Có lẽ khi mình kiếm đủ tiền thực hiện ước mơ mua ghe, Sài Gòn của mình vẫn chưa hết những “dòng sông uốn quanh” để mình được “sống trên du thuyền” như người “sang trọng, tao nhã”.

Thôi mình đi về đi làm đây.

 



Xách vali lên và đi đâu đó...

Lâu lắm tôi mới lại về một “nhà quê” dù nơi này là một huyện ngoại thành chỉ cách Sài Gòn khoảng 70 km.

Homestay đơn giản, là ngôi nhà một lầu của một cặp vợ chồng lớn tuổi, chồng người Đức vợ quê ở ngay đây. Hai anh chị về đây làm cái homestay này đã hơn 10 năm, chỉ có hai phòng đôi, khách lúc nào cũng có thường là khách Tây vì nơi này gần vài di tích thời chiến tranh. Sự đơn giản và sạch sẽ của phòng ngủ, phòng khách chung và cái bếp nhỏ cũng là một kiểu “Tây” chứ khách Việt thì thích, và phải có, những tiện nghi sang trọng hơn.

Khi anh lái xe đưa tôi đến nơi, anh nghi ngại nhìn ngôi nhà rồi hỏi: phải đây không chị? Khi tôi xác nhận và chào anh, kéo vali đến mở cửa hàng rào, anh vẫn còn ngồi trong xe nhìn ra như e ngại điều gì cho tôi. Chủ nhà ra đón – ông tây già quần cụt áo thun, hỏi tên tôi rồi đưa tôi vào nhà, tôi quay lại vẫy tay chào, anh mới yên tâm lái xe đi.

Một bầy mèo không biết bao nhiêu con và ba con chó sủa nhặng lên chào đón tôi. Ngôi nhà rộng rãi. Mái nhà ngói khung cửa gỗ màu trắng, kế bên là nhà bếp và phòng ăn chung lợp lá dừa dày dặn. Xung quanh xanh ngát vườn cây. Mặt tiền là một “tỉnh lộ” nhưng hầu như không có xe hơi chạy qua, thỉnh thoảng có vài chiếc xe máy. Chỉ một đoạn nữa là đến bờ sông Sài Gòn... Từ trưa đến chiều mùi gió sông qua những vườn cây tràn về, trong lành, dịu mát... Sự yên tĩnh mang lại một nỗi buồn dịu dàng như khi ta phải chia tay một người thân yêu...

Chị chủ nhà xởi lởi, nhiệt tình. “Ít khi tụi tui nhận khách Việt, lần này sao gặp được chị, hay quá...”. Cứ sau một ngày tôi làm việc, chiều chị chở tôi đi vòng vòng trên chiếc xe máy không biết loại gì và thời nào, nhưng ngon lành, đạp là nổ và không chết máy giữa đường, như chị vui vẻ nói khi thấy tôi hơi ngần ngại. Cách nhà chỉ khoảng vài trăm met là một “thị tứ” nhỏ xíu quanh một ngã tư, chợ nhỏ, siêu thị cũng nhỏ, nhưng có tới hai cây xăng và vài quán cà phê rộng rãi, màn hình TV lớn, loa lớn, ‘tối chủ nhật có chương trình hát với nhau” và “tất cả các trận von cup” – như quán dán thông báo. Kể mà ở đến chủ nhật thế nào cũng ra đây hát, lâu rồi không karaoke từ Hoàng hôn màu lá tới Tôi ru em ngủ đến Phượng buồn rồi Chim trắng mồ côi... 

Dọc con đường là vài tiệm tạp hóa, quán ăn: cháo gỏi gà vịt, bánh xèo, phở bò... Tô phở bò ngon quá, bò vàng nhà nuôi, hai ba ngày mổ một con, vừa nấu phở vừa bán thịt tươi, có cả bò tơ nữa... Bữa về sẽ ghé mua mang về nhà. Bò vùng này ngon nổi tiếng (như có chị kia nói trong đám nhậu: bò trên em rất ngon! làm nhiều anh ngẩn ngơ)

Trưa trưa đứng nắng tiếng vọng cổ từ nhà ai vẳng tới, đúng là một làng quê Nam bộ. Chiều tối thì bolero chiếm lĩnh không gian một vùng nông thôn đã bắt đầu đô thị hóa, sau một ngày với đủ thứ bề bộn người ta cũng cần “thả lỏng” cả tinh thần và thể chất. Nhưng sáng sớm, rất sớm, lại vang tiếng “loa phường” về những chuyện luôn luôn phải nghe mà thường xuyên không muốn hiểu. May mà homestay ở chỗ này ngược gió nên không nghe rõ tiếng loa. Còn tôi, cả ngày làm việc thường gắn headphone nghe tình ca... những hẹn hò thoáng qua, anh đến rất vội, anh rất gần với em... như chưa hề rời xa...

Buổi sáng hay chiều mát thả bộ trên đường lang thang ra tới “thị tứ”, đi trên lề đường lát gạch mà thảm hoa vàng trong vườn nhà ai vẫn chờm ra che kín, chim sâu lách chách, lá dừa lá xoài xào xạc, lại thêm mấy con chó cứ lẽo đẽo đi theo (người tuổi tuất), thoang thoảng ngai ngái mùi chuồng gia súc quen thuộc như thời xa xưa... Chỉ vài ngày ở “nhà quê” nhưng đã mang lại cho “người thành phố” một sự an yên còn hơn là “thiền”, để một lần nữa có thể bình tâm “nhìn theo đường hun hút còn xa, xin cám ơn những điều đã qua...”

Một lần tôi đã viết “Cuộc sống thì không có bảo hành. Nhưng khi nó đóng một cánh cửa thì sẽ mở ra một cánh cửa khác”. Đúng vậy, mỗi ngày sẽ là một ngày mới, miễn là mình biết từ chối “sống mòn”...

 

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 7-1-19