KHÔNG BIẾT UỐNG - MÀ “HẦU RƯỢU” NGUYỄN QUANG SÁNG

Nguyễn Thị Ngọc Hải
ghi nhanh

 

Tôi tìm nhà Nguyễn Quang Sáng mới dọn sang Quận 7 để hóng chuyện ông đang viết kịch bản cho phim nhiều tập về Thủ tướng Võ Văn Kiệt.  Vốn mê đọc ông Sáng viết về Nam bộ.

Đang lơ ngơ dòm số nhà thì  Lưu Trọng Văn đi qua bảo: “Sắp tới rồi đấy. Chắc đang lượn xe đạp. Bên này đường rộng, ông ấy thể dục”.

Nhưng may khi tìm vào nhà, Nguyễn Quang Sáng đã chờ sẵn ở cái bàn tiếp khách kê ngoài hàng hiên nối với  sân nhỏ gần cổng. Một tay cắp chai rượu với cái chén (“đồ nghề “ của ông?) tay kia chiếc ấm trà nhỏ:

Tôi chán cô, không biết uống. Thì ấm trà đây.

(Bạn ông, toàn cỡ rượu và tài như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Tuân, Thu Bồn… ông viết đâu đó: “Cái nhóm chúng tôi như một chùm lá trên cành, mấy năm gần đây lác đác từng chiếc rơi….Tôi đi trên đường phố, vắng những người bạn. Đường Saigon xe cuồn cuộn, mà tôi thấy thưa vắng quá”…. Nay rút sang tận Quận 7 vắng vẻ, xa bạn, chắc buồn lắm?)

 Thấy tôi lăm lăm bút sổ, ông Sáng cười :”Đặt tên cho cô “nhà văn Kim Chỉ” được không? Anh có đọc cuốn cô viết ông Hoàng Đạo. Ông ấy khoe.”

- Ý anh nói em viết toàn ký sự nhân vật, chăm chỉ ghi chép thôi, không có tài chứ gì? Người không uống rượu, chắc là nhạt lắm, viết lách gì…

- Bậy. Uống nước đi.

Phải tranh thủ. Vậy là, tôi trà để “hầu rượu” ông, vào câu chuyện. Nhưng dàn câu hỏi chuẩn bị của tôi (lý thuyết phỏng vấn dạy thế) bị vứt toẹt khi ông bảo, đang viết tiểu thuyết về …gái miền Tây.

… “Nhà ở đây xa, có nhiều thời gian cho công việc. Bên này được cái nó yên. Lưu Trọng Văn cách mấy trăm thước quẹo qua quẹo lại. Sáng, chiều tôi chạy xe đạp. Xe mắc tiền nhất của Nhật 3 triệu rưỡi. Chạy nhẹ nhàng. Bữa nào đi đâu sớm thì nghỉ chạy.

Bối cảnh chính miền Tây vì viết gái miền Tây. Kể chuyện tôi ra Quảng Ngãi xứ cũng đâu có gì. Một anh bạn hỏi, biết trồng cây gì tiền nhiều không? Trồng…cây điện. Dung Quất chưa có gì. Mở đường, có điện. Hỏi thêm câu nữa mới hay - có cột điện cho “người ta” đứng đường. Nhiều gái miền Tây. Giàu để nuôi gái. Quảng Ngãi Tết nộp tới 1-2 tỷ nuôi gái Cần Thơ. Mỗi đứa mang về Tết cả chục triệu. Tụi tui đóng thuế đó. Nghe thật xấu hổ.

Lý do gì? Trần Mỹ Hà đi quay phim “Đờn Kìm” về nói: Con gái bỏ xứ đi. Nó xếp hàng xuống tàu như “binh đoàn” vậy. Xưa miền Tây ruộng đất đủ ăn, không ai giàu lắm, không ai đói. Quan trọng nhất là ít học. Trường ít, giao thông xa vời. Không có trường nghề… Lui cui đi cấy gặt làm cỏ mướn chèo ghe bán khóm ổi, nghề bình thường gái miền Tây. Rồi sau nhu cầu con gái, xà bông tắm nước hoa son sơn móng tay ngày xưa làm gì có. Xuất hiện chiếc ghe bành ky như siêu thị lưu động về đậu bến sông. Con gái nhìn thèm. Muốn có phải đi Saigon.

Nhưng có nhiều cô gái miền Tây đi lên bằng con đường của mình. Tôi viết truyện cô gái đi dọn dẹp nhà thuê, rồi nhiều mối, thành công ty nhỏ dọn nhà thuê. Làm ăn thành công. Nhiều con đường làm ăn, về quê xây nhà cho má…

Sở dĩ tôi đi nhiều, đi được gần hết miền Tây còn gì? Đồng Tháp, Tân Châu, Sa D9éc, Cao Lãnh, Mỹ Tho tất nhiên rồi. Long An đi qua. Đặc biệt Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Chắc Băng… Đi được vậy do có Công ty SIM xe Attila tài trợ miền Tây 100 cây cầu, mời tôi làm khách. Chứ tiền đâu mà đi. Có cái may, thời chống Pháp, U Minh, Đồng Tháp tôi ở đó cả rồi….”

Tôi hỏi, vậy “Cánh đồng hoang” còn giống xưa không? Đẹp không? Nó làm cho cả thế giới nghẹn ngào…?

Nguyễn Quang Sáng như ngạc nhiên:

Đẹp hoang sơ vẫn vậy. Đồng Tháp Mười mênh mông nước đâu có gì? Cánh đồng hoang tôi cũng mới về. Cánh đồng nước vẫn thế thôi… Nước có lên mênh mông đó. Còn cây cỏ lác bưng đế, nay tàu chạy một hồi hết sạch.

Nhưng đổi mới, xây dựng đô thị vẫn không ảnh hưởng gì sao? Nhiều thứ tiếc lắm chứ?

Ông Sáng:

“…Xây dựng đã bao nhiêu đâu mà tiếc? Đô thị hóa chưa được nhiều, chỉ có lối sống đô thị đã tràn ngập thôi… Bi kịch chỗ đó. Trụ sở cơ quan rất to đẹp. Sân bãi mênh mông. Đất nó nhiều quá. Thay đổi: Xưa kháng chiến 9 năm, không có xuồng máy. Đêm xuồng đi qua trai gái hò thật hay mênh mang sông nước. Nay máy chạy không ai hò nữa. Xưa hoạt động, đi mũi Cà Mau phải hai ngày xuồng. Con nước ròng là táp vô chờ nước lớn mới đi. Nay có obo, tàu cao tốc chạy mấy tiếng, cũng ẹo ẹo lả lướt như Honda. Tiếc thì cứ tiếc. Nhưng đời sống phải lên, hiện đại. Nhưng văn hóa quan trọng. Kẹt cái đó. Đời sống văn hóa - giáo dục chưa lên. Mừng thấy trẻ đi học nhiều. Nhưng mùa nước chết luôn Đồng Tháp Mười. Khó khăn đâm lười. Lớp 4 lớp 5 bỏ học. Làm cái gì?”

Nguyễn Quang Sáng kể, ông chèo xuồng giỏi lắm. Xưa chèo suốt đêm từ Cà Mau xuống Chắc Băng, nay tàu chạy mấy tiếng đồng hồ. Hôm rồi làm phim, ông chèo ào ào trên sông Hậu.

Về kịch bản phim nhiều tập về Thủ tướng Võ văn Kiệt, ông  cho biết:

“Tôi đã từng làm một phim về Võ Văn Kiệt. Cách nay lâu lắm rồi. Lê Văn Duy đạo diễn. làm xong, cất. Chính ông Kiệt không cho chiếu. Ông bảo người như Ông Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn hồi đó còn chưa có phim, ông bắt cất.

Theo tôi, sách về Võ Văn Kiệt nhiều tập dày đã xuất bản, nhưng nhiều tập hợp bài viết nhận định nghiên cứu có tính chính trị chứ chưa có sách về con người cuộc đời cụ thể. Thật tiếc quá.”

Nguyễn Quang Sáng viết phim về Thủ tướng Võ Văn Kiệt theo những gì ông nhớ. Vì đã từng tiếp xúc, uống rượu, nghe chuyện với Thủ tướng nhiều. “Nhớ trong đầu thôi. Không ghi chép gì”.

..“Tôi chọn khoảnh khắc thời điểm ông Kiệt từ TW đi tàu không số về nhận chức bí thư Quân khu 9, lúc Hiệp định Paris đình chiến. Ở miền Tây lúc đó ông Thiệu xuống tuyên bố vẫn chiến tranh, không theo Hiệp định. Mà mình có lệnh đình chiến. Mình đình, nó chiến, bị lấn chiếm. Ông Kiệt chủ trương đánh lại. Người ta nói ông đi xiếc trên dây, bên dưới không có bảo hiểm, té là té luôn. Vì làm sai lời TW. Tôi viết lại câu thoại trả lời rất hay của ông: Tôi làm theo mệnh lệnh của đất và dân. Mà đất và dân là thiêng liêng nhất. Nếu TW kỷ luật, tôi đứng ra chịu.

Rồi mấy anh em ở Khu ủy nói, nếu anh bị kỷ luật, chúng tôi sẽ chịu cùng với anh. Ông đánh xong, mở ra cái mới, các nơi học theo, ào ào tấn công đến năm 1975. Còn nhiều chi tiết hay lắm. Ông Kiệt xử mấy việc: Hồi anh em lính miền Bắc vô cả sư đoàn, không còn tiền phát lương ăn. Ông lệnh, phát lương cho lính miền Bắc, vì tin anh em miền Nam không có tiền cũng không bao giờ chịu  đói. Xưa không ai ăn con cá thòi lòi đầy mương rạch, mặt xấu như mặt quỷ, bộ đội người Nam bắt chặt đầu bỏ nấu canh chua, kho. Ông Kiệt ăn cơm, hỏi sao cá không có đầu? Nhà bếp giải thích: Mặt nó xấu, chặt bỏ rồi anh Sáu, nhưng bụng nó tốt… (Nay nó là đặc sản miền Tây rồi).

Tôi thích cách ông cư xử với văn nghệ sỹ. Hồi đó giải tán văn công vì không còn tiền nuôi. Ông Kiệt hạ lệnh tập hợp anh em về. Lý do ông bảo: “Một nhà chính trị diễn thuyết ai nghe. Mà văn công về, thiên hạ lội nước ào ào đi xem.” Tôi “cắt lát” tính cách ra ông Kiệt. Một câu nói hay nữa này. Khi  ông Nguyễn Bá Thanh hỏi “Bí quyết thành công của người lãnh đạo là gì?”  Ông Kiệt trả lời: Là không sợ…mất ghế….”

Ông Sáng bảo, khó nhất là tìm ai đóng ông Kiệt. Nghệ sỹ nổi tiếng cũng không thiếu. Nhưng mà làm sao “diễn ra” được ông Kiệt, chứ diễn thế nào …“cứ thấy nó không à”.

***

Xong cuộc nói chuyện, tôi “hầu rượu” thế nào uống sạch ấm trà mà chai rượu của ông Sáng vẫn còn. Quay ra nói chuyện sáng tác, tôi hỏi sao thiên hạ “ganh tỵ” bảo “ông Sáng chơi không mà vẫn có sách ra”. Ông cười:

“Tôi viết nhanh lắm. Cánh đồng hoang, ấp ủ nuôi chi tiết từ năm 1966 đến năm 1978 vì biết mình làm chưa được, chỉ miền Nam mới có đồng nước. Dạo còn ở miền Bắc, người ta có xuồng cô gái ngồi, phải móc kéo vào, giả quá không làm được, để về Nam làm, không vội vàng. Nhưng khi viết, khi đưa bà xã đi đẻ ở Từ Dũ về viết chỉ một tuần. “Chiếc lược ngà” năm 1966 mùa nước, ván kê trên ghe viết trong buổi sáng.

Viết máy không hứng. Giấy trắng cái bút nó thật…  Viết là chép ra cái đã nghĩ. Tôi vừa đi xe vừa nghĩ. Uống rượu cũng nghĩ. Viết trong đầu. Tôi ghét nhất cái vụ cứ nói văn học không có tác phẩm tầm cỡ ngang thời đại. Biết thế nào là tầm cỡ? Cuộc sống là sự chuyển biến quá nhanh. Mà viết, là hình ảnh và cảm xúc đọng lại lòng anh lâu mới có được. Anh chạy không kịp, không nhuần nhuyễn. Thứ hai nữa có cái khổ chưa gỡ ra được: Viết văn để sống không nổi. Phải làm nhiều nghề khác để sống. Mà viết văn, không tập trung là thua.”

Ông bảo còn nợ lớn, phải viết về hai lần đều đi bộ từ Nam ra Bắc trong chiến tranh. Năm 1966 còn khỏe, đi vào Nam chiến đấu và năm 1971 bệnh đi ra. Bệnh cũng đi bộ. Biết bao chuyện, mà viết khác mọi người mới được.

Khi tiễn tôi ra cổng, ông Sáng chắc thấy bộ dạng lôi thôi (tôi ngồi sau lưng anh xe ôm đến đón) liền gọi giật lại :

Khoan hãy đi. Đưa máy ảnh đây anh bấm cho một kiểu cảnh cô “đi cày “.

Thật tiếc là chiếc máy ảnh cũ ấy đã mất tự hồi nào sau nhiều phen dọn nhà, khi có smartphone là không ai cần nó nữa. Thế là mất luôn những tấm hình quý tự tay ông Sáng chụp cho..

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 29-1-18