◄ Về trang đầu
Công An Nhân Dân
15-11-05
Nguyễn Hữu Quý
Nhìn lại tình hình sáng tác văn học
trong năm 2005
Năm 2005, theo cách nhìn của tôi, văn học Việt Nam có 4 sự kiện - nhân
vật nổi bật nhất. Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII;
Tổng kết cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam với 4 tác giả
được giải A là Xuân Đức (Bến đò xưa lặng lẽ), Đào Thắng (Dòng sông mía),
Trần Văn Tuấn (Rừng thiêng nước trong), Mạc Can (Tấm ván phóng lao); Đỗ
Hoàng Diệu với tập truyện ngắn "Bóng đè"; Nguyễn Ngọc Tư với truyện
“Cánh đồng bất tận”.
Đại hội Nhà văn đã thành công tốt đẹp theo như đánh giá của BCH Hội
nhưng vẫn để lại cho ta những điều đáng suy nghĩ như: Chất lượng nhiều
bản tham luận thấp, nhạt, chán; kết quả bầu cử không đạt như dự định.
Sau hai lần lúng túng bỏ phiếu, BCH chỉ có 6 /15 người. Sau Đại hội thì
việc tổ chức các hội đồng chậm và theo dư luận thì "Hội đồng vừa đông
vừa già".
Trong 3 tác giả đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết, theo tôi Xuân Đức,
Trần Văn Tuấn và Đào Thắng xứng đáng hơn. Tôi đã đọc "Tấm ván phóng dao"
của Mạc Can, nó chỉ được nửa phần đầu, nửa phần sau quẩn quanh, hơi rối.
Văn loằng ngoằng, đọc khá mệt và có lẽ chỉ đọc được một lần mà thôi.
Không khí văn chương được khuấy lên chút ít với cái tên Đỗ Hoàng
Diệu, tác giả tập truyện ngắn "Bóng đè". Người khen, kẻ chê. Khen Đỗ
Hoàng Diệu nhất có lẽ là nhà văn Nguyên Ngọc và Phạm Xuân Nguyên. Trong
bài "Hiện tượng bóng đè", Phạm Xuân Nguyên viết: "... Đọc vào truyện của
Đỗ Hoàng Diệu thì thấy chị dùng người nữ và chuyện dục tính như một bộ
mã để gửi đi một thông điệp của mình cho cuộc sống này... Bóng đè, cái
truyện đứng tên chung cả tập là rất tiêu biểu. Nó đầy tượng trưng, đầy
ám ảnh. Nó là cả một thời đại, một lịch sử, một thân phận lớn.
Nguyễn Hòa thì không nghĩ thế. Trong "Sáng tác Bóng đè, phê bình nói
mớ", anh viết: "... Trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Đẹp, Đỗ Hoàng Diệu
khẳng định, sex chỉ là cái vỏ, chỉ là phương tiện giúp chị chuyển tải
một thông điệp khác. Nhưng một khi cái đọng lại lúc đọc xong tác phẩm
chỉ là sự ngổn ngang của những sự cương cứng lên... thì thông điệp mà
tác giả ngỡ đã đem tới cho người đọc chỉ còn là một ngộ nhận, một ngụy
biện...".
Nguyễn Chí Hoan thì thẳng thừng chỉ ra: "Chuyện tình dục, tình yêu
bao giờ mà chẳng sống còn quan trọng, tuy nhiên bao giờ cũng hỏng khi
định gán cho khía cạnh khoái cảm đó một chiều kích mục đích - ý nghĩa
hay tệ hơn như ở đây, định dùng nó như một môi trường trung gian/ vật
môi giới cho việc nhận thức những chủ đề phức tạp đòi hỏi nhiều tri thức
khác nhau như chủ đề về lịch sử nòi giống hay bản sắc văn hóa v.v... Cả
hai đồ án truyện nói trên đã đổ kềnh đổ càng vào trận đồ những cái
giường ngủ mà nó định sắp đặt để làm cái thang lên Trời".
Theo tôi, Đỗ Hoàng Diệu đang cố làm một cái gì đó để bứt ra khỏi
những tác phẩm non nớt trước đó của mình, cố tạo ấn tượng mạnh bằng cách
viết đầy tính dục (không có gì mới mẻ) nhưng cái nhìn của chị về quá
khứ, hiện tại và cả những dự cảm tương lai nữa là thiếu công bằng, u
tối, ít cân nhắc và có phần cực đoan. Hiện tại, chưa thể gọi Đỗ Hoàng
Diệu là một tài năng, một hy vọng lớn của nền văn học Việt Nam.
Giá trị văn chương đích thực không phụ thuộc vào những lời khen chê
của ai đó mà chủ yếu thể hiện ở chất lượng nội dung, nghệ thuật và sức
truyền cảm của tác phẩm trong lòng người đọc. Nói cách khác, cái hay nằm
ngay trong tác phẩm mà truyện "Cánh đồng bất tận" của nhà văn trẻ
Nguyễn Ngọc Tư là một ví dụ. Theo tôi thì đó là
một trong những truyện hay của văn học Việt Nam 5 năm đầu thế kỷ 21.
Với tác phẩm ấy, Nguyễn Ngọc Tư đã vượt được
lên mình, bộc lộ rõ tài hoa thiên bẩm của người cầm bút. Nguyễn Ngọc Tư
cũng viết chuyện ấy đấy chứ, nhưng sao mà nó mang ý nghĩa xã hội sâu sắc
và nhân văn đến vậy. Một người đàn bà dám đi hiến thân cho một ông quan
hàng xã đâu phải vì ham muốn xác thịt mà chỉ muốn cứu đàn vịt, nguồn
sống duy nhất của hai đứa trẻ. Ngay cả chuyện của những người đàn bà đa
tình dám bỏ quê, bỏ nhà để đi theo tiếng gọi của tình ái dù không phải
hoàn toàn đúng cũng nói lên được những điều gì đó về tâm hồn con người
vốn sâu thẳm và phức tạp vô cùng, về những khao khát yêu thương, đùm bọc
chia sẻ. Cả cái chuyện trở thành thanh nữ của đứa bé gái, những biến đổi
sinh lý của cậu con trai trong truyện tác giả viết cũng đầy sự chân thực
tinh tế và xúc động.
Nguyễn Ngọc Tư cũng viết về cái xấu. Phũ phàng
biết bao, ghê gớm biết bao cái cảnh người cha chứng kiến cảnh con gái
mình bị làm nhục. Nhưng sau những dòng văn quằn quại ấy là thông điệp mà
Nguyễn Ngọc Tư muốn gửi đến chúng ta: Trong cuộc sống này những người
tốt, những người vô tội chưa chắc đã được sống đàng hoàng, được đền đáp
xứng đáng, được hưởng hương vị ngọt ngào của cuộc đời. Xã hội phải thiết
lập sự công bằng và phải biết bảo vệ, nâng niu cái tốt. Cũng cần nhớ
rằng kẻ xấu, cái ác vẫn còn nhởn nhơ, có mặt mọi nơi.
"Cánh đồng bất tận" là một truyên ngắn nhuần
nhụy chất Nam Bộ viết về cuộc sống ở đồng bằng sông Cửu Long mà tầm kích
của nó đã vượt ra khỏi vùng sông nước mênh mông ấy để tới với nhiều bạn
đọc trong và ngoài nước. Một tác phẩm mà người viết nếu không có tài và
không đắm mình vào cuộc sống khó có thể viết được.
Nếu được chọn người có tác phẩm văn học xuất
sắc nhất Việt Nam năm 2005, tôi sẽ chọn nữ nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư
với "Cánh đồng bất tận".
Văn Nghệ Trẻ
(Đăng lại trên
Sài Gòn Giải Phóng,
Nhân Dân,
Tuổi Trẻ)
4-11-05
Nguyễn Ngọc Tư: "Tôi viết trong nỗi
im lặng"
Vừa mới ra mắt,
truyện dài Cánh đồng bất tận của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư đã thu hút
được sự quan tâm của độc giả. Ngay lập tức Hãng phim Việt cũng đã tìm về
Cà Mau để mua bản quyền tác phẩm này để làm phim với số tiền là 15
triệu. Dưới đây là cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
* Với truyện dài Cánh đồng bất tận,
phải chăng chị đang muốn tạo ra một sự thay đổi cho mình?
- Bạn có thấy sự thay đổi à? Thật ra,
tôi muốn vượt qua chính mình, tôi muốn thử, mình mà viết thế này, thế
kia thì có được không?
* Việc bắt người cha tận mắt chứng
kiến cảnh con gái mình bị làm nhục trong Cánh đồng bất tận có quá phũ
phàng cho cái gọi là "nhân - quả"?
- Phũ phàng, nhất là với đứa con gái. Cô
ấy không hề có tội. Nhưng tôi nghĩ, người sống tốt chưa chắc được đền
đáp, chưa chắc nhận lại những ngọt ngào. Cũng như người xấu vẫn nhởn nhơ
ra đó... Báo ứng, đến với người ta hoặc cách này, hoặc cách khác...
* Chị từng tâm sự rằng, sáu tháng
viết xong Cánh đồng bất tận khiến cho mình kiệt sức. Liệu điều này có
làm mất đi hy vọng từ phía đọc giả về những cuốn truyện dài mà chị sẽ
tiếp tục trình làng trong nay mai?
- Sáu tháng quả là khá lâu với một
truyện không... dài. Nhưng đó là tác phẩm "quá với", nó ngoay ngoắt với
cái phong cách đèm đẹp, hiền hiền quen thuộc của tôi. Sự vật lộn để vượt
qua chính mình làm tôi mệt mỏi.
Mà, tôi cũng mong bạn đọc đừng vào những
tác phẩm dài hơi, tôi không nghĩ mình đủ sức để làm, tôi mau chán lắm.
* Thực ra nông thôn Việt Nam đang có
những sự chuyển biến lớn lao, chứ không đơn thuần là một vẻ đèm đẹp,
hiền hiền như chị từng khai thác. Chị có nghĩ rằng mình cần dấn ngòi bút
của mình theo như hướng của Cánh đồng bất tận đã làm được: vật vã, khốc
liệt, nhưng điều đọng lại sau cùng vẫn là tính nhân bản sâu sắc?
- Điều đó còn tùy thuộc vào những gì mà
cuộc sống nông thôn mang đến cho tôi. Nếu những cái đẹp quá ấn tượng,
quá cảm động, tôi lại quay về với mảng đề tài đó.
Có thể suy nghĩ thế này quá dễ dãi,
nhưng viết về những vẻ đẹp của cuộc sống, tôi thấy thanh thản, thoải mái
hơn...
* Chị nghĩ như thế nào khi có người
cho rằng chị bị ảnh hưởng của nhà văn Sơn Nam và Cánh đồng bất tận mang
hơi hướng của Mùa len trâu, tuy được khoác vẻ hiện đại và thời sự hơn?
- Tôi muốn hỏi là Mùa len trâu nào, văn
học hay điện ảnh?
* Chúng ta đang bàn đến lĩnh vực văn
học...
Tôi chỉ được đọc tác phẩm văn học, và
thấy mình kém xa (và cũng không giống) nhà văn Sơn Nam, nhất là sự hiểu
biết thấm đẫm về Nam Bộ. Tôi cũng tham khảo tác phẩm của ông rất nhiều,
nhất là mỗi khi "bí" về phong tục, về lịch sử, văn hóa của vùng đất
này...
* Bán bản quyền Cánh đồng bất tận cho
Hãng phim Việt, chị không sợ phim ảnh làm biến dạng tác phẩm của mình
như có người đã từng than vãn sao?
- Không. Tôi nghĩ điện ảnh có ngôn ngữ
riêng, cách thể hiện riêng. Phía tôi thì đã làm hết mình, họ thể hiện
thành công hay không là việc của họ.
Mà, tôi ít khi quan tâm, có thể tôi
không yêu mến đến mức sùng bái tác phẩm của mình (như thói đời "văn mình
vợ người").
* Thử tưởng tượng nhà văn Nguyễn Ngọc
Tư sẽ thế nào nếu như rời khỏi môi trường sống hiện nay của mình? Chị đã
từng nghĩ đến điều này chưa?
- Tôi đã nghĩ rồi... Và tưởng tượng mình
giãy chết như con cá bị bắt ra khỏi nước.
* Ngôn ngữ trong văn chị là một ngôn
ngữ thấm đẫm văn hóa Nam Bộ. Tôi chợt nhớ đến chuyện có những nhà văn
luôn mang theo mình một cuốn sổ tay để ghi chép lại những từ hay bắt gặp
trong cuộc sống để khi cần thiết sẽ ứng dụng vào tác phẩm của mình. Chị
có "cách học" nào đại loại như vậy không?
- Không, tôi nghĩ cách học đó chỉ dành
cho người ngoại vùng. Tôi từng biết cố nhà văn Nguyễn Thi đã dùng cách
này, tôi đọc qua quyển Năm tháng chưa xa của ông, thấy kinh ngạc
và thán phục về tài ghi chép.
Riêng tôi, ngôn ngữ, không khí Nam Bộ đã
thấm vào tôi từ môi trường sống. Bây giờ muốn gột bỏ cũng không dễ...
* Tôi nhớ có lần chị tâm sự: "Trước
khi viết truyện ngắn đầu tiên, tôi đơn thuần là một cô gái nông dân, bỏ
dở học hành, ở nhà nấu cơm nuôi ông ngoại, chăm sóc vườn rau, chiều
chiều cắt rau cho má đi bán chợ đêm". Mỗi người có cách lý giải khác
nhau về việc đến với văn chương của mình. Còn chị?
- Lúc đầu chỉ viết để giải tỏa cảm xúc
cho nó nhẹ người đi, nhưng sau này thấy cái nghiệp mình đeo đuổi nặng
trĩu, đầy nợ nần. Viết vì mình là Nguyễn Ngọc Tư.
* Những người tiếp xúc với chị đều
nói rằng chị không phải là người hoạt khẩu. Điều này đã bao giờ gây khó
khăn cho chị chưa?
- Đôi khi. Nhiều người bảo tôi lạnh
lùng, khó gần, thậm chí là kênh kiệu. Buồn cười, tôi quê mùa đến nỗi
nhiều lúc đi đâu, gặp ai bạn bè phải theo để nói đỡ cho tôi. Mới biết,
thật thà cũng là cái tội thật không hiểu nổi... Trong giao tiếp đã vậy
khi nói về văn chương, với tôi là một cực hình, quả là tôi không đủ
trình độ để lý luận về nó.
* Có những độc giả cứ gặp tên Nguyễn
Ngọc Tư là mua sách. Liệu điều này có tạo nên một sức ép tâm lí nào cho
chị không?
- Có, tôi xấu hổ, vì đôi khi giá trị
cuốn sách ấy chẳng đáng gì so với tấm lòng người yêu mến. Sẵn đây tôi
xin cúi đầu nhận lỗi với những độc giả đã từng mua sách của tôi mà trong
đó toàn là tác phẩm... đã in rồi. Tôi cũng ray rứt, băn khoăn. Và tôi
cũng nhẹ dạ hám tiền. Ôi !...
* Ở Mỹ, có một giáo sư kinh tế mê văn
học nước nhà và yêu văn chương của chị. Ông đã lập trang web "Văn hóa &
Giáo dục", trong đó có hẳn một "tủ sách" Nguyễn Ngọc Tư. Chị đón nhận
tin này như thế nào?
- Tôi muốn nói thêm cho rõ, không phải
là một người Mỹ, ông ấy là người Việt, quê quán ở Mỹ Tho, Tiền Giang.
Tấm lòng của ông làm tôi cảm động muốn chết. Dường như công sức mà ông
bỏ ra không phải nhỏ...
* Viết về mảnh đất mình đang sống, có
bao giờ chị tìm hiểu xem: vậy chính con người nơi ấy đón nhận tác phẩm
của chị như thế nào?
- Tôi không biết. Nghịch lý là tôi
viết về nông dân mà người nông dân chưa bao giờ có điều kiện đọc. Tôi
viết trong nỗi im ắng. Không phản hồi. Không khen. Không chê bai.
* Nhưng tôi nhận thấy rằng, tác phẩm của
chị - cũng bằng một cách thức thầm lặng, đã và đang từng bước chiếm lĩnh
được sự yêu mến của nhiều người. Tôi nghĩ đó là một niềm hạnh phúc, và
còn là sự khích lệ cho những trang viết mới tiếp tục ra đời "trong nỗi
im ắng" như chị vừa tâm sự. Độc giả chắc chắn chờ đợi những trang viết
ấy. Cảm ơn chị.
Vietnam Net
2-11-05
Nguyên Ngọc: Còn nhiều người cầm bút
rất có tư cách
Văn học ta không yên đâu. Nó đang
quẫy cựa, hình như ngày càng mạnh mẽ, cả quyết liệt hơn nữa, để nói về
cái thế giới mà nó biết là không hề đơn nghĩa, tuyến tính, tất định này,
và nói cũng bằng một ngôn ngữ đa nghĩa, đối thoại, dân chủ, ngày càng
dân chủ hơn. Và như thế là đáng mừng.
Còn nhiều người cầm
bút rất có tư cách
Không chỉ là thể loại
Câu hỏi đặt ra là: Tiểu thuyết ta đang ở
đâu?
Nhưng trước hết, thế nào là tiểu thuyết?
Đối tượng ta định nói đến cụ thể là những cái gì? Bởi vì, chẳng hạn
những tác phẩm gần đây của Nguyễn Bình Phương, rõ ràng là tiểu thuyết và
của một tác giả có lẽ vào loại đáng chú ý nhất hiện nay, thường không
dài hơn những cái ta vẫn quen gọi và coi là truyện ngắn bao nhiêu. Còn
"Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư,
đang rất được dư luận chú ý, và công khai được gọi là truyện ngắn, thì
lại không ngắn hơn lắm so với các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương.
Vậy cái nào nên coi là truyện ngắn, cái nào là truyện vừa, cái nào là
tiểu thuyết? Cái nào là đối tượng của vấn đề ta đang muốn nói đến?
Thực ra, trong "dư luận" vẫn thường gặp
trường hợp người ta bảo "cái truyện ngắn này rất tiểu thuyết", "đậm đầy
chất tiểu thuyết", còn cái truyện dài kia, dài thế nhưng "chẳng tiểu
thuyết tí nào", "rất nhạt tính tiểu thuyết". Và cái cảm giác "đậm, nhạt"
đó không phải là không có căn cứ. Tức là quả có một cái gọi là "tính
tiểu thuyết", "chất tiểu thuyết". Và tôi nghĩ đó mới chính là điều quan
trọng ta cần và muốn nói đến.
Vấn đề này đúng ra không mới. Đặc biệt
Milan Kundera, nhà tiểu thuyết nổi tiếng và cũng là nhà lý luận về tiểu
thuyết đặc sắc, đã nhiều lần nói đến chuyện này. Theo ông, tiểu thuyết
không chỉ là một thể loại (trong các thể loại văn học), mà là một giai
đoạn, một cấp độ mới trong tư duy nghệ thuật của con người về thế giới.
Tư duy đó xuất hiện và chỉ có thể xuất hiện khi con người bước vào thời
kỳ hiện đại, cũng tương tự như trong vật lý vậy, khi vật lý cổ điển được
vượt qua và tư duy khoa học đạt được đến tư duy vật lý hiện đại, cụ thể
là khi tư duy cơ giới được vượt qua và xuất hiện quan niệm về tính bất
định của thế giới. Tiểu thuyết là nghệ thuật về sự bất định của cuộc
đời, về sự phi chân lý độc tôn, về tính đa nguyên chân lý của thế giới.
Văn học đạt đến tư duy tiểu thuyết là khi nó nó từ bỏ niềm tịn về tuyến
tính nhân quả, về tính tất định của cuộc đời, và hiểu ra rằng ở đời có
vô số chân lý cùng tồn tại đồng thời, chẳng cái nào "phải" hơn cái nào,
chẳng cái nào là chính, là tuyệt đối, tối cao, độc tôn.
Đương nhiên nhận thức đó về sự bất trắc
ở đời đã tiềm ẩn từ xa xưa trong nghệ thuật, nhưng trước đây nó chỉ được
coi như những tai nạn ngoại lệ lẻ loi. Còn bây giờ đấy là "quy luật phổ
biến". Bất định là phổ biến. Tiểu thuyết, nói theo cách nào đó, chính là
cuộc dò tìm mãi mãi cái bất định vô tận đó của số kiếp con người. Có một
thời kỳ văn học "dạy" cho con người những chân lý tuyệt đối, độc tôn.
Còn bây giờ, với tiểu thuyết, văn học nói với con người rằng chẳng hề có
chân lý tuyệt đối nào cả, cuộc đời là một mớ chân lý tương đối "mà những
con người chia lấy cho nhau" (lời M. Kundera). Và đó chính là văn học
hiện đại, đó là văn học đã được hiện đại hoá.
Trên cơ sở một quan niệm như vậy, tôi
muốn thử đặt lại câu hỏi đã nêu ở đầu bài này một cách khác: văn học ta
đã hiện đại hóa được đến đâu? Đặt và thử xem xét Bảo Ninh, Nguyễn Huy
Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc
Tư, Mạc Can, Nguyễn Xuân Khánh, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn
Ngọc Thuần, Châu Diên, Võ Thị Hảo, Đỗ Hoàng Diệu... (tôi kể một cách
ngẫu nhiên, không theo thứ tự nào hết) đang đứng ở chỗ nào trong bối
cảnh đó. Tôi cho rằng cách nhìn như vậy có ích hơn, bởi vì nếu văn học
phải phát triển thì chính là nó cần phát triển theo hướng đó. Nó biết
nhìn cuộc đời, và giúp cho người ta nhìn cuộc đời theo một cách khác
hơn, đỡ cơ giới đi, hiện đại hơn, "người" hơn, "đời" hơn. Văn học càng
ngày càng chân thật hơn.
Văn học có thể làm gì được cho cuộc đời?
Theo tôi, nó chẳng làm được gì to tát lắm đâu, ngoài việc đề nghị với ta
một cách nhìn về nhân tình thế thái, đặng mà sống ở đời. Tôi muốn nhìn
văn học không phải theo "đề tài" nó đề cập, cũng không phải theo sự đóng
góp của nó bao nhiêu vào chuyện chống tiêu cực xã hội, càng không phải
theo mức độ tác dụng "giáo dục đạo đức" của nó (như có người đang la ó
lên bây giờ sau cái truyện của Đỗ Hoàng Diệu)... Mà là theo sự thay đổi
được bao nhiêu, sự chuyển động như thế nào trong cách nó đề nghị nhìn
thế giới.
Chuyện "xếp loại"
Một anh bạn tôi, là nhà lý luận văn học,
vừa rồi có nói với tôi một nhận xét thú vị: có một cách phân biệt một
người viết vẫn "cũ", và một người viết đã "mới": cái mới thì rất khó
"xếp loại", thậm chí không xếp loại được. Tôi nghĩ đó là một ý kiến rất
tinh tế. Theo tiêu chí đó thì Nguyễn Khải chẳng hạn, vẫn hay đấy, nhưng
là cũ rồi. Còn Nguyễn Việt Hà hay Nguyễn Bình Phương chẳng hạn là mới.
Có thể xếp loại Nguyễn Khải một cách khá rõ ràng, nhưng xếp loại Nguyễn
Việt Hà, Nguyễn Bình Phương vào đâu? Chắc sẽ rất lúng túng. Nguyễn Khải
rất sâu sắc, sắc sảo nữa, như lâu nay anh vẫn rất sắc sảo, nhưng không
khó nhận ra rằng ở anh các giá trị đã được ổn định, các "tiêu chuẩn" ở
đời đã cơ bản được định hình và không thay đổi nữa. Còn ở hai tác giả
kia, dẫu có khi còn khá vụng về, nhưng họ đang nói về một thế giới giá
trị khác, hay đúng hơn, một thế giới mà trong đó, về nguyên tắc, các giá
trị không ổn định, chẳng có gì là chắc cả. Thậm chí tác phẩm của họ được
xây dựng trên cơ sở quan niệm về sự không ổn định của các giá trị đó. Và
đó chính là thế giới chúng ta đang sống, một thế giới biến động. Tác
phẩm của họ giúp ta làm quen với thế giới đó, sống được với nó.
Một ví dụ khác: Mấy năm
nay chúng ta đều rất thích Nguyễn Ngọc Tư. Cô ấy như một cái cây tự
nhiên mọc lên giữa rừng tràm hay rừng nước Nam Bộ vậy, tươi tắn lạ
thường, đem đến cho văn học một luồng gió mát rợi, tinh tế mà chân chất,
chân chất mà tinh tế, đặc biệt "Nam Bộ" một cách như không, chẳng cần
chút cố gắng nào cả như các tác giả Nam Bộ đi trước... Tuy nhiên, thích
và phục cô gái tài năng ấy đến thế, ta vẫn thấy cô ấy về cơ bản thuộc về
một cái gì đó đã cũ, một thế giới tinh thần và giá trị đã ổn định. Văn
cô ấy thật trẻ, nhưng có lẽ nếu muốn xếp loại thì cũng không phải khó
lắm. Đã có một thứ thang bậc tương đối ổn định để xếp cây bút này vào
đó...
Nhưng đến "Cánh đồng bất
tận" gần đây của Nguyễn Ngọc Tư thì bỗng là một Nguyễn Ngọc Tư khác hẳn.
Bỗng nhiên không thể xếp loại vào đâu nữa cả. Đặt vào bất cứ ô nào cũng
thấy khiên cưỡng. Nghe nói tác phẩm vừa ra, lập tức đã có mấy anh đạo
diễn nhanh chân tìm xuống tận Cà Mau mua bản quyền làm phim ngay: Tác
phẩm quá đậm chất tiểu thuyết! Nó bày ra đấy một thế giới kỳ lạ, trong
đó ai còn lẩn thẩn đi tìm, đi nói chuyện chuẩn mực giá trị gọi là "đạo
đức", "đạo lý" này nọ, đều trở thành ngớ ngẩn, vô duyên, thậm chí ngu
độn.
Vậy đó thôi, một thế
giới rất người, vô cùng là người, đau khổ đến tận cùng, đến mênh mang
bất tận, một nổi đau nhân thế, tại ai nhỉ, chẳng tại ai cả, thậm chí kẻ
nào ngớ ngẩn đi tìm thủ phạm thì đều là chẳng hiểu gì về cuộc đời này
cả. Chẳng có "tiêu cực" nào hết, cũng chẳng tội ở "cơ chế" nào cả. Thế
đấy thôi, cuộc đời này. Đã trót làm người thì phải chịu, biết kêu ai! Mà
cũng có lẽ cuộc đời này đáng, rất đáng sống chính vì nó là như vậy đấy,
hạnh phúc tận cùng ở trong đau khổ tận cùng... Có lẽ trong nhiều năm
qua, ít có tác phẩm nào lại nhiều chất tiểu thuyết hơn là cái truyện
ngắn này!
Cũng rất khó xếp loại một tác giả khác:
Đỗ Hoàng Diệu. Cây bút này suy nghĩ về một thứ "tội tổ tông", mà con
người ta vừa căm ghét, vừa sợ, lại vừa không dứt ra được, thậm chí còn
bị nó ám ảnh và quyến rũ. Tôi chẳng hề muốn sa vào cuộc tranh cãi với
các nhà đạo đức, qua truyện này, đang nghiêm nghị răn dạy mọi người phải
học được gì và không được để cho mình bị nhiễm độc gì ở văn học. Cứ để
cho họ học vậy và đeo khẩu trang vậy. Còn người đọc bình thường thì chỉ
muốn đơn giản một điều: ngẫm nghĩ cùng tác giả. Về những ám ảnh kỳ lạ,
"vô lý" nữa, còn đeo đuổi con người chúng ta, không phải chỉ bây giờ
(Chẳng lẽ có người còn tin là ở đời này mọi sự đều có lý cả sao?!) ...
Nghĩa là văn học ta không yên đâu. Nó
đang quẫy cựa, hình như ngày càng mạnh mẽ, cả quyết liệt hơn nữa, để nói
về cái thế giới mà nó biết là không hề đơn nghĩa, tuyến tính, tất định
này, và nói cũng bằng một ngôn ngữ đa nghĩa, đối thoại, dân chủ, ngày
càng dân chủ hơn. Và như thế là đáng mừng.
Có một hằng số
Mấy năm trước đây, thú thật, đã có lúc
tôi hơi bi quan. Tôi sợ tình trạng làng nhàng kéo dài, và trong văn học
không gì chán bằng sự làng nhàng. Và dòng chỉ đạo chính thống thì dường
như muốn duy trì sự làng nhàng đó, bởi nó đồng nghĩa với yên ổn. Song
hóa ra những người cầm bút đã không chịu "yên ổn", làng nhàng. Họ cố
gắng làm cái văn học cần làm (và chính vì vậy mà xã hội cần có văn học):
lên tiếng nói rằng cuộc sống không hề đơn giản như ta tưởng và như ta
được giải thích hàng ngày. Họ soi mói những góc lẩn khuất bất ngờ của
cuộc sống, phơi nó ra ánh sáng, buộc ta nhìn thấy và suy nghĩ, lay
chuyển sự suy nghĩ của chúng ta.
Hồi sinh thời, Nguyễn Khắc Viện có lần
nói một câu nghe hơi lạ: "Nhiệm vụ của kẻ sĩ thời nào cũng vậy, là gây
dư luận". "Gây dư luận" trong tư duy của con người, không để cho nó yên.
Bởi bản chất của thế giới này là một thế giới không yên. Không tất định,
không lường trước được. (Kundera goi đó là "sự hiền minh của lưỡng lự").
Tiểu thuyết đã và đang thay đổi bằng sự
thay đổi cách nhìn thế giới, đang hiện đại hóa lên. Bắt đầu, theo tôi,
từ Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh, và bây giờ đang tiếp tục với một loạt
những cây bút mới có người đã tương đối định hình, có người còn đang
trăn trở tìm. Chỉ cần dẹp đi những cản trở thô bạo (và tất nhiên ngu dốt
nữa). Tình hình vừa qua và cả hiện nay chứng tỏ rằng có một "hằng số"
nào đó cứ âm thầm tồn tại và phát triển, một hằng số tài năng rất đáng
để theo dõi và hy vọng. Cái hằng số ấy cứ đi tới bất chấp tất cả, bất
chấp sự dửng dưng hay thậm chí hằn học của những ai đó có quyền, bất
chấp những "định hướng" và "uốn nắn" vớ vẩn. Nghĩa là còn nhiều người
cầm bút rất có tư cách. Và có tài để thể hiện tư cách đó. Và đó là niềm
hy vọng của văn học, của tiểu thuyết chúng ta.
Tháng 10/05
Nguyên Ngọc (nhà văn)
Giáo Dục và Thời Đại
6-10-2005
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Nhiều khi
thấy ngạc nhiên về mình”
Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, tỉnh Cà
Mau, là Hội viên Hội Nhà Văn trẻ tuổi nhất hiện nay, chị đã từng đoạt
giải thưởng “Văn học tuổi 20 lần thứ II” năm 2000. Giải thưởng Hội Văn
học Việt Nam năm 2001.Chị có một giọng văn đậm chất Miền Tây, trong
trẻo, giản dị... Gần đây, truyện dài “Cánh đồng bất tận” của nhà văn
Nguyễn Ngọc Tư đăng liên tiếp 4 kỳ trên tuần báo Văn Nghệ. Hai đạo diễn
Nguyễn Hồ và Phan Quảng Bình đại diện hãng phim Việt trở về Cà Mau ký
hợp đồng mua bản quyền..
“Cánh đồng bất tận” là một thế giới
thực mà như ảo, những con người tồn tại trong đó hằn lên cuộc sống nội
tâm khắc khổ. Ba nhân vật chính: Người cha, nhân vật tôi và Điền là một
gia đình đơn, có khát khao yêu thương, khát khao quan tâm chăm sóc,
nhưng rốt cuộc, họ như những thực thể tồn tại, không còn là con người
bình thường. Tại sao chị lên gân với những người dân chân chất miền quê
của mình đến vậy? Với những người dân ấy, có nhất thiết phải để ba kẻ
sống một cuộc sống không như người bình thường không?
Nguyễn Ngọc Tư (NNT): Tôi có cảm
giác chị đang đứng ở góc độ nhà phê bình để nhìn nhận và đánh giá tác
phẩm của tôi vậy. Thật ra, khi viết “Cánh đồng bất tận”, tôi đã không
nghĩ nhiều, nghĩ xa xôi thế, tôi chỉ mượn những nhân vật để chuyển tải ý
nghĩ của mình. Và với những hiểu biết về đời sống của người nông dân,
tôi đủ tự tin để viết về họ, hoặc ở mặt này, hoặc mặt khác...
Dường như nhân vật của chị thường thụ
động, một nhân vật tôi thụ động hoàn toàn trước những sự việc diễn ra,
cô ấy chỉ nghĩ miên man. Nhân vật Điền bỏ đi bởi sự tù túng của cuộc đời
nhàm tẻ. Khuất sau trang sách những nhân vật ấy liệu có tìm được hạnh
phúc thật cho riêng mình, khi mà họ sống với một người cha lạnh lùng,
tàn nhẫn, và họ tồn tại như những thực thể?
NNT: Tôi thấy trên tất cả những
gì bạn vừa nói, thì họ là những người hạnh phúc. Một người hạnh phúc
trong sự dấn thân, một người hạnh phúc vì bừng tỉnh trong tha thứ, mở
lòng ra với đời...
Dường như, chị rất yêu quý người đàn
ông chăn vịt, nên chị dành nhiều đất diễn cho nhân vật này?
NNT: Vậy thì giữa đồng không mông
quạnh, giữa sự vắng vẻ cô quạnh, người ta sẽ trò chuyện với ai và làm gì
ngoài việc suy nghĩ ?
Bằng chất giọng Miền Tây hết sức tự
nhiên và ngọt ngào của mình, độc giả yêu văn chị không phải ít, nhưng
tôi thấy, tác phẩm của chị nói nhiều về nỗi đau khổ, chị có sợ độc giả
của mình sẽ mệt mỏi và chán nản không, vì đôi khi, người ta muốn đọc ở
giọng văn chị, một cái nhìn tươi trẻ khác hơn thế?
NNT: Tôi lại cứ ngỡ độc giả không
muốn đọc tôi trong bộ dạng ngúng nguẩy, tươi tắn, trẻ trung chứ. Vì khi
đấy, tôi không là tôi nữa. Tôi sẽ trở thành người “đẽo cày giữa đường”
mất rồi(cười).
Thế nên sáng tạo nghệ thuật đối với
chị là không thoát khỏi truyền thống?
NNT: Tại sao tôi phải thoát khỏi
truyền thống? Nói thật, chẳng khi nào tôi muốn thoát khỏi truyền thống,
mình yêu nó không hết, mắc gì mà phải “thoát ra” ?
Với văn chương, sự trải nghiệm, tích
luỹ vốn sống để viết rất quan trọng. Có khi nào chị nghĩ rằng mình đang
vắt kiệt dần vốn để viết chưa? Và những lúc ấy, chị thường nghỉ ngơi để
tiếp tục cho cuộc chạy ma-ra-tông dài lâu này chứ?
NNT: Lúc nào viết tôi cũng cảm
thấy mình cạn kiệt, cũng cần được nghỉ ngơi, sau đó. Tôi hay tự mắng mỏ
mình sao lại đi vào con đường văn chương mệt mỏi này. Năm năm trước, tôi
đã nghĩ, không biết mình theo nghiệp này được bao lâu. Bây giờ ngồi lại,
thấy mình đi cũng hơi xa, hơi sâu. Nhiều khi thấy ngạc nhiên về mình quá
chừng...
Nhân vật trong tác phẩm của chị không
nhiều, chị có cho rằng sẽ khó khăn nếu chuyển thể sang phim không? Và
nếu được lựa chọn, chị sẽ chọn tác phẩm nào của mình?
NNT: Tôi cũng biết là khó khăn,
nhiều khi tôi chợt mỉm cười và nghĩ chẳng biết ai đó sẽ diễn vai người
cha như thế nào nhỉ. Nhưng người ta đã đủ dũng cảm để chuyển thể nó thì
tại sao mình không dũng cảm ngồi... coi thử (cười)
Xin cảm ơn chị!
Từ Nữ (thực hiện)
eVan
27-9-05
Nguyễn Ngọc Tư thử 'xen canh' trên đất của mình
Thanh Vân
Khi truyện dài "Cánh đồng bất tận"
của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ra mắt bạn đọc và giới văn chương,
người ta xôn xao với "một Ngọc Tư rất mới". Trước những ý kiến
trái chiều nhau về tác phẩm này, eVăn có cuộc trò chuyện với tác
giả.
- Chị viết truyện dài "Cánh đồng bất tận" trong bao lâu?
- Sáu tháng! Với tôi đây là một kỷ lục. Sau đó là 4 tháng
nghỉ ngơi. Tôi dường như chẳng viết nổi một cái gì, dù là một
thể loại "ngon ăn" như tạp văn.
- Khi truyện dài này đăng trên báo, chị nhận được sự phản
hồi nào từ độc giả?
- Tốt có, xấu có. Tốt là độc giả nói với mình. Xấu là mình...
nghĩ vậy. Khi hoàn thành nó, tôi đã biết đó là tác phẩm hơi nhạy
cảm, vào loại dễ gây tranh cãi (bằng chứng là ba tôi có thích nó
đâu!). Tôi thiếu tự tin đến mức nghe ai đó nói: "Ông phê bình
gia XYZ gì đó có nhắc tới "Cánh đồng bất tận"...", tôi lại cảm
thấy thắt lòng...
- Có người khen "Cánh đồng bất tận" hay, sâu sắc, có sức
ám ảnh lớn về thân phận của những người dân vùng đồng bằng.
Nhưng có người lại chê là lối viết hơi tàn khốc, cường điệu, đôi
chỗ làm méo mó hình ảnh cuộc sống miền quê. Chị cảm nhận như thế
nào?
- Tôi tự tin vào sự hiểu biết về nông thôn quê hương tôi. Bảy
năm qua tôi đã viết về nó với bộ dạng hiều hậu, nghèo khó, đáng
thương. Bây giờ tôi lại đưa bạn đọc đến một miền quê với những
gương mặt khác. Tôi viết xong truyện, đưa ba đọc, ổng rầy: "Sao
mà con viết về nông thôn u ám quá!". Tôi hỏi lại: "Vậy ba thấy
chỗ nào con viết sai, chỗ nào con bịa đặt ra?". Ba tôi im lặng.
Lúc đó, sợ ông buồn tôi đã muốn quăng cái truyện đi cho rồi...
- Chị từng thổ lộ trên báo chí rằng, rất e ngại và không
dám phơi bày tình dục trên trang viết. Nhưng trong truyện dài
mới nhất này, chị mạnh mẽ đề cập đến vấn đề đó. Điều gì khiến
chị có sự thay đổi ấy?
- Tôi ngạc nhiên vì mọi người chú ý khá sâu sắc tới "vấn đề"
đó. Tôi chỉ muốn "mượn" nó để chuyển tải bi kịch của sự đói
nghèo triền miên, của sự dốt nát, của sự hẹp hòi... Tôi dùng từ
"mượn" theo cả nghĩa đen, vì có lúc trong khi viết, tôi bối rối
đến mức phải dùng cách moi móc trong từ điển để tìm những từ ngữ
phù hợp diễn tả mấy đoạn nhạy cảm.
- Cũng có nhận xét "Nguyễn Ngọc Tư viết tới viết lui thì
cũng chỉ có bấy nhiêu thôi!". Chị nghĩ thế nào?
- Có điên mới không biết buồn. Nhiều đêm tôi nẫu ruột, nhưng
tự trào, ít ra người ta cũng đã công nhận là tôi - Nguyễn Ngọc
Tư chính thức hoàn thành giai đoạn "định hình phong cách", bây
giờ là tới lúc cô ta đổi mới đây...
- Sau "Cánh đồng bất tận", liệu sẽ là một Nguyễn Ngọc Tư
hoàn toàn mới?
- Chưa chắc. Tôi thấy mệt quá! Chắc sẽ trở lại cái tạng "đèm
đẹp, hiền hiền". Lâu lâu tôi "xen canh" thử vậy thôi! Trong gia
tài văn chương đồ sộ của Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao,
tôi không nhìn thấy sự làm mới đến độ ngoa ngoắt, đến độ từ bỏ
cả phong cách riêng.
Thanh Vân thực hiện
Văn Nghệ ĐBSCL
19-9-05
TRUYỆN CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ SẮP LÊN PHIM
Truyện “Cánh đồng bất tận” của nhà văn trẻ
Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau, vừa được hãng phim Việt mua bản quyền
làm phim truyện với giá 15 triệu đồng. Tuần rồi, đại diện hãng
phim Việt - đạo diễn Nguyễn Hồ và đạo diễn Nguyễn Phan Quang
Bình - đã về Cà Mau làm việc với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về hợp
đồng này. Kế hoạch làm phim cụ thể chưa được tiết lộ.
“Cánh đồng bất tận” là truyện vừa đầu tay của
nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, vừa được Tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn
Việt Nam) đăng liên tục 4 kỳ (từ số 33 đến số 36-2005). Truyện
này cũng đang có trên hai trang web: vannghesongcuulong.org và
viet-studies.org/culture.htm.
Nguyễn Ngọc Tư đoạt giải nhất cuộc thi “Văn
học tuổi 20” lần thứ 2 của báo Tuổi Trẻ năm 2000 với tập truyện
“Ngọn đèn không tắt” khi cô mới 24 tuổi. Từ đó đến nay, tác giả
này đã được bạn đọc rộng rãi trong và ngoài nước yêu mến như một
cây bút có văn phong “đặc sản Nam bộ”./.
HUỲNH KIM - SCL
eVan
23-5-2005
Phỏng vấn nhà văn
Nguyễn Ngọc Tư
Thanh Vân
eVăn: Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976; quê quán huyện Đầm Dơi, tỉnh
Cà Mau. Từng đạt giải nhất cuộc thi "Văn học tuổi 20 lần thứ II" của Nhà
xuất bản Trẻ, Hội nhà văn TP HCM, báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2000 với tập
truyện "Ngọn đèn không tắt". Giải thưởng Văn học của Hội nhà văn Việt
Nam năm 2001 với tập truyện ngắn "Ngọn đèn không tắt". Tập sách này đã
được chọn in lại trong "Tủ sách Vàng" của NXB Kim Đồng năm 2003. Giải 3
cuộc thi sáng tác truyện ngắn 2003-2004 của báo Văn nghệ với truyện
ngắn: "Đau gì như thể...".
Các tác phẩm đã xuất bản: Nước chảy mây trôi (NXB Văn Nghệ), Giao
Thừa (đạt giải thưởng văn học nghệ thuật 2003, NXB Trẻ), Những ngọn đèn
không tắt (NXB Trẻ), Tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (NXB Văn hóa Sài
Gòn), Ông ngoại - tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi (NXB Trẻ).
Xuất hiện trên văn đàn từ năm 2000, đến nay Nguyễn Ngọc Tư đã có một
chỗ đứng riêng biệt và chiếm nhiều cảm tình của bạn đọc. Truyện ngắn của
chị được dịch ra tiếng Nhật, tiếng Anh, giới thiệu ở nước ngoài. Chị
dành cho eVăn cuộc trò chuyện quanh công việc viết lách.
- "Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư" vừa được NXB Văn hóa Sài Gòn ấn
hành giữa năm 2005 hiện bán rất chạy. Theo chị, vì sao bạn đọc lại quan
tâm đến ấn phẩm này như thế?
- Trước hết, tôi cũng chân thành xin lỗi cùng độc giả là tập Truyện
ngắn Nguyễn Ngọc Tư chỉ là rượu cũ trong chiếc bình mới. Tôi áy náy là
khi mua xong, độc giả có người sẽ cằn nhằn: "Con nhỏ Tư này gạt mình".
Nhưng thật bất ngờ và thật cảm động khi biết quyển sách bán được, mà
cũng không hiểu tại sao. Nói như vầy có vẻ xã giao nhưng tôi thật lòng
cám ơn mọi người đã ủng hộ...
- Đầy ắp trong những trang viết của chị là từ ngữ Nam Bộ. Thực tế,
ngay chính người dân Nam Bộ cũng đang dần đánh mất cách nói năng và
những phương ngữ như thế. Chị có dụng ý gì khi sử dụng nhiều những ngôn
từ ấy trong văn của mình?
- Chỉ ở thành thị mới có hiện tượng mai một ấy thôi chứ bà con nông
thôn vẫn giữ cung cách, văn phong Nam Bộ nhuần nhị. Nếu không thì chẳng
lẽ tôi viết cho riêng tôi đọc à? Có ai đã từng nói, nhà văn chỉ thật sự
viết nên những trang văn rung cảm khi anh ta viết bằng chính thứ ngôn
ngữ đã nuôi dưỡng anh ta lớn lên. Tôi sinh ra ở một vùng quê, nhà tôi
nằm ngay trên bờ sông, ngày nào tiếng tắc ráng, tiếng tàu máy đuôi tôm
rồi chợ họp trên sông cũng nhộn nhịp. Tôi đã từng phải hái rau cho bà,
cho mẹ đem ra chợ bán. Sống trong môi trường như thế thì cố tạo cho mình
giọng văn rặt những ngôn ngữ "sang trọng" mà làm gì? Tôi không cố ý sử
dụng nhiều những phương ngữ, từ địa phương. Tôi viết như vậy vì chỉ có
ngôn ngữ ấy mới giúp tôi lột tả hết được cái tình của người dân quê.
Thật ra tôi cũng nhiều lúc bị bí trong cách dùng ngôn ngữ nên lúc nào
cũng phải kè kè bên mình quyển từ điển Tiếng Việt và từ điển Phương ngữ
Nam Bộ.
- Đọc truyện chị thấy rõ cảnh, tình cũng như tâm hồn của người
miền Tây. Nhưng đời sống vật chất và tinh thần người miền Tây hôm nay đã
xuất hiện những tình cảm, suy nghĩ mới, sự rạn nứt trong những mối quan
hệ cũng hết sức khốc liệt chứ không phải lúc nào cũng đẹp, buồn và hiền
như chị thể hiện. Chị nghĩ sao về điều này?
- Thì đã biết bao nhiêu người viết về những rạn nứt, những thay đổi
mất mát, những đổ vỡ trần trụi ấy rồi. Tôi buộc lòng phải thủ thỉ chuyện
nhân chuyện nghĩa... để văn mình "độc quyền" một chút và cũng để thấy
muốn sống thêm nữa vì cuộc đời này còn nhiều vẻ đẹp. Thực tế là còn
nhiều cái "đèm đẹp, buồn buồn và hiền hiền" ở miền đất phương Nam, tâm
hồn người Phương Nam. Tôi phản ánh chứ đâu phải tự tôi nghĩ ra. Mà nói
như vậy để chống chế chơi thôi, thật ra tôi hiểu cái tạng "văn" của tôi
viết đau đớn, trần trụi, bạo liệt không được, tài mình chỉ hạn hẹp có
thế...
- Chị phản ứng như thế nào trước những ý kiến "chê" văn của mình?
- Tôi chỉ cười. Mà tôi cũng đã nói một đôi lần với ai đó rằng mình là
trái sầu riêng, so sánh thế này tôi vẫn còn thấy mình... chảnh, vì đáng
lẽ tôi cỡ... cóc, mận, ổi là cùng, nhưng cái mùi sầu riêng quả là đặc
biệt, có người thích mê, có người nhăn nhó chê nó thối ùm. Văn của tôi
cũng vậy. Đôi khi cũng buồn một chút, chứ hằn học mà làm gì!
- Chị từng than ở vùng chị hoạt động văn hóa văn nghệ còn èo uột,
sách báo thì hiếm hoi, vậy chị làm thế nào để "nâng cấp" ngòi bút của
mình?
- Cho đến bây giờ tôi có cảm giác là ngòi bút của mình vẫn chưa được
"nâng cấp" vì tôi chủ yếu là học từ đọc, nhưng mà tôi chưa có điều kiện
đọc được nhiều.
- Vốn khởi nghiệp bằng nghề báo rồi sau đó mới đến nghề viết, hiện
tại lại là biên tập viên của Tạp chí Bán Đảo Cà Mau. Nghề báo đã tác
động đến trang viết của chị như thế nào?
- Tác động rõ ràng nhất là " tài chánh", tức là viết báo để kiếm tiền
"nuôi văn", để thoải mái viết văn mà không phải lo... tiền trường cho
con. Nhưng tôi rất quý nghề tay trái này, vì nó tạo nhiều điều kiện cho
tôi có nhiều vốn sống từ thực tế.
- Chị có thể tiết lộ về tác phẩm mà chị đang thực hiện?
- Vẫn là truyện ngắn. Tôi đã gửi một số truyện đến NXB Trẻ và đang
tiếp tục viết. Tôi không đi đâu xa khỏi vùng quê của mình nhưng thật sự
là quê tôi còn rất nhiều chuyện hay mà tôi chưa khai thác hết, chưa viết
ra hết. Hy vọng trong năm nay sẽ ra mắt bạn đọc một tập truyện ngắn mới
nữa
Người Lao Động:
02/08/2004
Đem chuyện phòng the
ra viết, hổng dám đâu!
17:00 GMT +7
Vượt hơn 2.000 km từ thủ đô nhằm “kiến kỳ hình” cô
nhà văn “vơ-đét” Nguyễn Ngọc Tư nơi đất Mũi. Ấn tượng
đầu tiên về Tư là… nước da “đậm đà” hơn trong hình, cười
tít mắt, hồn nhiên vô tư lự, đúng chất dân miền Tây.
Nhưng khi Tư cất lời thì khác, cũng đáo để ra phết,
giọng điệu tưng tửng, thi thoảng cũng “chặt chém” “giễu
nhại” người phỏng vấn nếu câu hỏi cứ lòng vòng chuyện cũ
hoặc nghiêm trọng hóa vấn đề
Nguyễn Ngọc Tư, khi mới xuất hiện đã gây ngạc nhiên
bằng tập truyện đoạt giải nhất văn học tuổi 20 - Ngọn
đèn không tắt giản dị mà sâu sắc, nồng ấm, buồn mà tươi
sáng, trong trẻo mà già dặn… Năm năm qua, cô tiếp tục
gây ngạc nhiên và đem lại nhiều thiện cảm cho bạn đọc
bằng giọng văn tưng tửng mà tình cảm. Cũng trong thời
gian ấy, Tư đã kịp có 5 tập sách, đã kịp thu thêm vài
giải thưởng văn học tầm quốc gia, hội viên trẻ nhất Hội
Nhà văn, tác giả trẻ nhất có tên trong tuyển tập truyện
ngắn Việt Nam được dịch và in ở Mỹ, lên hình chương
trình Người đương thời. Tên và truyện ngắn đã trở thành
“hàng hiệu” của báo Tết trong Nam ngoài Bắc…
Truyện buồn nhưng không sến
+ Những gì Tư gặt hái như thế là quá nhiều với
một cây bút văn chương còn rất trẻ và lại xuất phát từ
tỉnh lẻ, nhỉ? Hồi ấy Tư viết vì sự thôi thúc của bản
thân hay nghĩ đơn giản là “kiếm cơm” bằng mấy đồng nhuận
bút?
- Tư bắt đầu viết văn từ năm 1996, lúc đó khoảng 20
tuổi. Viết vì nhiều thứ lắm, phần vì sự thôi thúc và để
giải toả những cảm xúc dồn nén bên trong, phần vì buồn
quá, không biết nói chuyện cùng ai nên tìm cách trút vào
trang viết chứ chưa dám nghĩ sẽ được đăng mà kiếm cơm
bằng nhuận bút. Hồi đó, Tư đã nghỉ học (hết lớp 10) để
chăm ông ngoại bị ốm. Thi thoảng, phụ má hái rau ra chợ
bán. Những cảnh người, cảnh đời bên cạnh mình, những
ngôn ngữ đời sống bình dị hàng ngày cứ thế ùa vào trang
viết. Viết xong lén lút gửi cho các chú ở Tạp chí Bán
Đảo Cà Mau. Một năm sau ông ngoại mất, thế là mình… thất
nghiệp. May mà các chú ở tạp chí kêu ra làm, vừa phóng
viên tập sự vừa làm văn thư. Công việc đó vẫn tiếp tục
cho đến bây giờ.
+ Vậy mà chưa đầy 4 năm sau, Tư đã giật giải nhất
cuộc thi Văn học tuổi 20 của Báo Tuổi Trẻ, Nhà Xuất bản
Trẻ và Hội Nhà văn TPHCM tổ chức với tập truyện Ngọn đèn
không tắt. 6 cái truyện ngắn trong tập đó rõ ràng là rất
chuyên nghiệp, rất đều tay đến nỗi sau khi Tư đoạt giải
nhất, có nhiều người đa nghi bảo do nhà văn chuyên
nghiệp viết hộ…
- Chuyện đó cũng lâu rồi và sau này Tư mới nghe nhiều
người nói lại. Cảm giác là chỉ thấy buồn cười chứ không
tức giận hay muốn “thanh minh thanh nga” gì cả. Tại vì
lúc đó vui quá, cảm giác sung sướng cứ vỡ oà ra đến nỗi
không có cái gì làm ảnh hưởng đến nói được. Tập truyện
này Tư viết sẵn từ trước nhưng mãi đến gần cuối đợt kết
thúc nhận bản thảo mới dám gởi và chẳn dám nói với ai vì
sợ nếu không đoạt giải gì thì ngượng lắm. Đến khi thấy
có tên lọt vào vòng chung kết đã mừng lắm, nghĩ kiếm
được cái giải khuyến khích là được 5 triệu đồng, bằng
hơn cả năm thu nhập ở đây. Ai ngờ đoạt luôn giải cao
nhất, tiền cũng nhiều gấp mấy lần mình hình dung ra…
+ Sau Ngọn đèn không tắt, Tư đã có thêm 4 tập
truyện ngắn khác, đã gặt thêm giải này giải khác, tiền
nhuận bút truyệt tết nghe nói có báo trả 5, 7 triệu
đồng, giới nhà văn ở TPHCM hay Hà Nội nghe còn… lác cả
mắt. Nhưng có thấy mình lớn lên nhiều không, có khác đi
nhiều không so với thời đầu. Cụ thể nhé, lấy cái mốc
Ngọn đèn không tắt in năm 2000 và mới đây là tập truyện
và ký Nước chảy mây trôi in 2004?
- Mới thì chưa thấy mình mới hơn và cũng không thích
làm mới đến mức bạn đọc không nhận ra giọng mình. Tuy
nhiên cái nỗi buồn mỗi thời mỗi khác nhau. Thời viết tập
Ngọn đèn không tắt là cái buồn trong trẻo, hồn nhiên -
đó là cái hay của quãng đời đó mà bảo bây giờ viết như
thời đó chắc Tư viết không nổi. Bây giờ thì cái buồn nó
đã lớn hơn, nó “nhân tình thế thái” hơn một chút. Bản
thân mình cũng lớn lên, trưởng thành hơn, va chạm nhiều
hơn nên cách nhìn cuộc đời cũng khác hơn.
+ Nhưng âm hưởng chủ đạo trong truyện của Tư vẫn
là nỗi buồn. Đọc xong truyện nào cũng thấy ngậm ngùi. Mà
tại sao nhân vật nào trong truyện của Tư viết cũng tốt,
cũng nhân hậu nhưng cuối cùng họ vẫn gặp những nỗi buồn
như thế? Ngoài đời Tư đâu có buồn, cũng đáo để ra phết
đấy chứ?
- Có lẽ cái tạng của mình nó vậy, vui chỉ vui ngoài
mặt vậy thôi. Và nhiều khi cũng cố để viết vui vui nhưng
viết một hồi cuối cùng vẫn thấy ngậm ngùi. Xét về mặt
thẩm mỹ thì nỗi buồn để lại cho người ta cảm xúc sâu sắc
hơn và những cái kết không có hậu luôn để lại cho bạn
đọc sự tiếc rẻ một chút, day dứt một chút. Cũng bù lại
là Tư luôn viết với một giọng văn và ngôn ngữ đối thoại
tưng tửng, hóm hỉnh nên nói chung là không bị bi luỵ hay
sến quá. Nhiều bạn đọc bảo truyện Tư viết buồn như không
sến. Nghe vậy lại thấy… vui.
Lên Người đương thời ngượng mất mấy ngày
+ Năm rồi, trong văn chương Tư gặt hái cũng… ác
mà trong nhiều hoạt động xã hội cũng nổi tiếng không
kém. Được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bình chọn là một trong
10 thanh niên tiêu biểu của năm, sau đó là lên hình của
chương trình Người đương thời. Nhiều niềm vui như thế,
chắc là viết cũng vui lên nhỉ?
- Nói chung những thành quả này không nằm trong hệ
thống suy nghĩ của Tư và không liên quan gì đến nghề nên
khi biết cũng khá bất ngờ. Thậm chí còn ngượng mất mấy
ngày sau khi lên hình chương trình Người đương thời. Về
lại Cà Mau, đi đâu nghe ai nhắc hay chỉ trỏ là đỏ hết cả
mặt, tìm cách lỉnh đi chỗ khác. Sau giải thưởng đầu
tiên, những giải thưởng khác mình đón nhận bình tĩnh
hơn, không còn niềm vui vỡ oà ra như trước. Tất nhiên
năm nào không có sự kiện gì vui vui thì cũng… buồn.
+ Nhưng cũng nhờ có chương trình Người đương thời
mà bạn đọc có dịp nhìn thấy bạn đời của Tư. Ông xã của
Tư cũng đẹp trai ra phết, lại làm nghề thợ bạc. Hai
người hai nghề trái khoáy nhau, có bao giờ thử… tay nghề
của nhau chưa?
- Chưa (cười tít mắt). Có thảy mình vào đó mình cũng
chả làm được. Văn mình in tập này tập nọ nhưng anh ấy
cũng chưa bao giờ đọc, nhưng như thế Tư cảm thấy thoải
mái hơn. Mỗi người có một nghề nghiệp riêng, quan trọng
là yêu nghề và tôn trọng công việc của nhau. Được cái về
nhà thì mình rất bình thường, không còn con Tư viết văn
nữa…
Làm hàng hiếm cũng hơi bị thích
+ Nhưng ra đường thì khối người ngưỡng mộ, phải
không? Ông xã của Tư có biết là mình đang sở hữu một
người của công chúng thuộc vào giới… hơi bị sang?
- Không, mình thấy công việc viết văn rất bình thường
và quan trọng là cần tỉnh táo. Làm thơ thì điên điên một
chút cũng được nhưng viết văn thì luôn giữ cái đầu lạnh.
Nghe khen nhiều cũng dễ hư lắm (cười). Chưa kể là đôi
lúc văn chương cũng làm mình mệt mỏi, hay dằn vặt, ưu tư
mà đôi khi không biết chia sẻ cùng ai nên cũng khó chơi
hết lòng với bạn bè. Dù vậy, nhưng được vẫn nhiều hơn
mất. Văn chương cho Tư nhiều thứ và giúp mình sống được
bằng nghề. Đôi khi cũng vui khi được nhắc đến như một
thứ… hàng hiếm, những lúc đó cũng hơn tự hào một chút.
+ Và với những gì Tư có, nhiều người nghĩ tư hoàn
toàn có một công việc tốt hơn ở các thành phố lớn.
- Tư vẫn nghĩ mình hợp với công việc ở đây hơn vì nó
rất yên ả và đem đến một cảm giác rất yên lòng dù cho
lương tháng của chỉ khoảng trên dưới 500 ngàn và vẫn
“ăn” theo ngạch lương văn thư, phát hành dù kiêm nhiệm
cả công việc phóng viên và biên tập ở Tạp chí Bán Đảo Cà
Mau. Trong khi đó tiền mua sách có tháng hết cả triệu,
may mà có tiền in sách và báo ở TPHCM và Hà Nội. Cũng có
những tấm gương nhãn tiền là nhiều cây bút khi ở quê thì
viết rất hay nhưng khi ra thành phố lớn thì không viết
được nữa.
+ Nhưng nhiều người cũng nói là khi đi đến một
chỗ khác và có điều kiện nhìn lại vùng đất của mình thì
sẽ có một cái nhìn mới và khám phá ra nhiều điều thú vị
hơn?
Tư cũng nghe nhiều người khuyên vậy.
+ Vậy thì tại sao không nghe?
- Mình phải nghe mình chứ mắc gì đi nghe người ta…
xui bậy.
Đem chuyện phòng the ra viết như các nhà văn
nữ Trung Quốc, hổng dám đâu!
+ Nhưng Tư có nghĩ cứ ở mãi một vùng đất như thế
thì mình cũng sẽ cũ dần đi, sẽ ít được va chạm và thách
thức hơn ở đô thi lớn? Và đến một lúc nào đó, những tác
phẩm của Tư sẽ chỉ là những… chuyện cũ viết lại?
- Ở đâu mà chả có thử thách, có va chạm. Cũ hay mới
là do chính mình và quan niệm trong cách viết của mình.
Đất của mình mà mình viết còn chưa xong thì làm sao mình
viết về những vùng đất khác.
Tư cho rằng một người viết chỉ có một khác năng nào
đó và tốt nhất là khám phá hết toàn bộ khả năng đó, đến
lúc nào đó mệt mỏi thì dừng lại, nếu ép buộc thì rất
khó. Và viết văn mà cứ đòi lên dốc mãi thì cũng khó, và
chẳng có cái dốc nào cao đến thế nên đôi khi cũng phải
dừng lại, phải ngoảnh lại, thậm chí đi xuống rồi mới đi
lên. Một tác phẩm hay là một món quà tinh thần tặng cuộc
sống rồi, và cái hay thì luôn có hạn, nếu cứ đòi phải
tặng mãi thì đâu có được!
+ Gần đây đọc cuốn sách nào trong nước mà Tư thấy
thích nhất và tiếp cho mình nhiều cảm xúc nhất?
- Là cuốn Tấm ván phóng dao của Mạc Can. Đọc xong
cuốn này mình có cảm giác 10, 20 năm nữa cũng chưa đủ
sức viết tiểu thuyết vì vốn sống của ông ấy làm mình
ngợp. Nói chung xu hướng của mình là thích những tác
phẩm giản dị, dễ hiểu. Cao siêu quá không hiểu được, nên
nhiều cuối thấy hay nhưng không thấy thích.
+ Nhưng thời gian vừa qua cũng rộ lên một loạt
tác phẩm rất táo bạo của các nữ sĩ Trung Quốc và ảnh
hưởng ít nhiều đến các nhà văn nữ Việt Nam. Tưởng Tư
phải thích họ hơn… “ông hề” Mạc Can chứ?
- Tư cũng nghe mọi người bàn tán xôn xao cuốn Điên
cuồng như Vệ Tuệ nên cũng mượn về đọc nhưng bỏ ngang
giữa chừng, đơn giản là vì không hợp và không thích chứ
không phải không hay. Bản thân Tư cũng thấy mình cần
phải dấn thân nhiều hơn và thu nạp vốn sống nhiều hơn
nữa nhưng đem chuyện phòng the ra viết như nhiều nhà văn
nữ Trung Quốc thì không dám. Đơn giản vì nó không phải
là… sở trường của Tư.
Nhã Vân (QT-TT&TD) |
Nhân Dân
31-5-2004
Đọc sách: ”Nước chảy mây trôi”-tập truyện ngắn
và ký mới của Nguyễn Ngọc Tư
Nguyễn Ngọc Tư, cây bút nữ còn rất trẻ quê ở Ðầm
Dơi, Cà Mau, vùng đất tận cùng cực nam của Tổ quốc vừa
xuất hiện trên văn đàn đã gây được sự chú ý của bạn đọc
cả nước. Với Ngọn đèn không tắt, tập sách đầu tay
do NXB Trẻ ấn hành năm 2000, chị đã giành giải nhất Cuộc
vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ II. Năm 2001,
chị cho ra mắt tập truyện ngắn Ông ngoại và năm
2003 tiếp tục xuất bản hai tập Giao thừa và Biển người mênh mông giành liền ba giải thưởng của
Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các
hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam (trong đó có hai giải
B). |
Nước chảy mây trôi (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh) là tập
truyện ngắn và ký mới nhất của cây bút nữ Nguyễn Ngọc Tư, chủ yếu
viết về cuộc sống đời thường của những con người bình dị ở vùng nông
thôn quê chị.
Cuốn sách dày hơn 150 trang gồm sáu truyện ngắn và 17 bút ký,
Nguyễn Ngọc Tư kể về quê hương với bao kỷ niệm ấm áp, êm đềm, nêu
lên những vấn đề về thân phận con người, về quan hệ tình cảm giữa họ
với nhau.
Cả sáu truyện ngắn đều tập trung vào đề tài tình yêu, khi là mối
tình ngang trái, éo le (Chiều vắng, Nhà cổ, Nước chảy mây trôi),
lúc là tình duyên dở dang, trắc trở (Qua cầu nhớ người, Mối tình
năm cũ, Huệ đi lấy chồng).
Những truyện ngắn này được tác giả triển khai khá nhẹ nhàng mà
sâu sắc. Người viết không đặt vấn đề trong sự va đập gay gắt của
hoàn cảnh cũng không đẩy tới tận cùng những xung đột quyết liệt của
tính cách mà đi sâu vào tâm trạng nhân vật làm nổi bật chủ đề và bộc
lộ những phẩm chất tốt đẹp của con người: sự chịu đựng, đức hy sinh,
lòng vị tha, bao dung qua gian nan thử thách.
Bút ký của Nguyễn Ngọc Tư ngắn gọn mà súc tích. Có những trang
như là tùy bút (Cửa sau, Lời cho má); những tản văn về địa
chí, phong tục (Chợ nhóm bên đường, Ðất mũi mù xa, Quán nhớ),
nếu gạt bỏ tên người, tên đất cụ thể mà gắn vào đó những danh từ
phiếm chỉ thì có thể trở thành những truyện ngắn hết sức cảm động,
thông qua đó người ta cảm nhận, chiêm nghiệm được nhiều điều về cuộc
sống, con người.
Nguyễn Ngọc Tư viết như sự trả nghĩa với đồng đất quê hương mà
chị gắn bó máu thịt, đau đáu về xóm làng, người thân, ba má chị,
những người bạn thuở nhỏ như Nguyệt, như Bèo, và đồng cảm với dì Hai
có cái hiệu tạp hóa "cất dứa mé sông" để người đi đâu về đâu biết
đường mà tìm về quê... Những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư day dứt
người đọc bởi những thân phận, những cảnh đời và bởi sự thay đổi của
làng quê trong thời kinh tế thị trường. Ở đó, nếp xưa, cảnh cũ gần
gũi thân quen cứ dần mất mát, cái mới, cái giàu chưa kịp tới, cái
đẹp, cái truyền thống đã bị xâm hại.
Sự phê phán trong Nước chảy mây trôi thật thấm thía. Qua cầu nhớ người chỉ bằng mấy chi tiết tác giả đã phản ánh được
nghịch cảnh xã hội, vạch ra lối làm việc quan liêu, sự vô cảm của
lãnh đạo xã nọ trước những yêu cầu bức thiết của người dân: "lãnh
đạo xã còn vội đi đánh ten-nít, không có thời gian bàn bạc về việc
xây cầu, đêm đêm sân ten-nít đèn điện sáng choang, còn quán xá, nhà
cửa thì lom dom đèn dầu"; Cửa sau là nỗi bức xúc trước tệ nạn
hối lộ được tác giả phanh phui tế nhị nhưng sâu cay; Ðất mũi mù
xa cảnh báo nguy cơ hủy diệt tài nguyên sinh thái ở địa phương;
Chờ đợi những mùa tôm đặt ra biện pháp về việc chuyển đổi cơ
cấu nông nghiệp ở nông thôn để đạt hiệu quả cao...
Viết tự nhiên, nhuần nhụy, giàu hàm ý, ngôn ngữ và cách diễn đạt
đậm chất Nam Bộ, cuốn sách của Nguyễn Ngọc Tư giúp con người biết
sống sâu sắc, sống có trách nhiệm với những người chung quanh và
những gì diễn ra quanh mình.
MINH PHƯƠNG
Hà Nội Mới
10/05/2004 14:33
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Quả sầu riêng của
trời”
Sinh năm 1976. Khó có thể nhận ra chị đã là mẹ của
một cậu con trai 20 tháng tuổi. Ngoài đời Nguyễn Ngọc Tư hiền và ít
nói, chị luôn “xấu hổ” khi thổ lộ với mọi người về việc viết lách
của mình. Chị vẫn chưa tin vào khả năng thiên bẩm của ngòi bút mình.
Số giải thưởng chị nhận được tính ra còn nhiều hơn thời gian chị
thực sự bước chân vào văn chương. Chị là người duy nhất của lĩnh vực
văn hóa nghệ thuật được chọn vào 10 gương mặt tiêu biểu của "Quỹ hỗ
trợ tài năng trẻ" do TW Đoàn trao tặng vừa qua.
Chào Ngọc Tư, đây là lần thứ mấy chị ra Hà Nội, cảm nhận của
chị về Hà Nội có gì đặc biệt không ?
Lần thứ 3. Một lần ra vào mùa hè, dự trại viết và Hội nghị viết
văn trẻ lần thứ V. Lần 2 vào mùa thu, rất đẹp, dự hội nghị viết văn
trẻ lần VI. Và lần này ra nhận giải “10 gương mặt tiêu biểu” của Quỹ
hỗ trợ tài năng trẻ của TW Đoàn và là “nhân vật” "Người đương thời”
của chị Tạ Bích Loan. Cảm giác của lần này hả? lạnh lắm! Tôi phải
mượn áo của một chị bạn vì không mang theo áo ấm.
Chị đã viết được tác phẩm nào cho Hà Nội chưa?
Hình như là chưa! Tôi vẫn quan niệm rằng muốn viết về miền đất
nào thì phải thông thuộc mảnh đất đó, chỉ có vài lần ra mình chưa
thể biết rõ về Hà Nội bằng những người ở đây, tôi nghĩ nếu viết sẽ
bị thất bại. Những cảm nhận đơn thuần thì hình như ai từ xa đến Hà
Nội cũng nghĩ giống nhau nên tôi không muốn lặp lại nữa.
Chị đến với văn chương rất tình cờ, như là một sự bộc phát,
nhưng đến bây giờ, có lẽ tay bút của chị đã thực sự có nghề rồi chứ?
Lúc viết tôi thường để ý đến nội dung câu chuyện định viết, và có
một ý nghĩ rằng phải để cho các câu truyện gắn bó từ đầu đến cuối,
không biết cái đó có phải là một phần của kỹ thuật không.
Viết truyện ngắn, cái gì là khó nhất đối với chị?
Tôi sợ viết phần vào đầu, bởi vì lối viết truyện của tôi phần vào
đầu rất quan trọng, diễn biến toàn bộ câu chuyện hoàn toàn ảnh hưởng
và bị chi phối ở cái phần mào đầu ấy. Đặc biệt tôi thích viết kết và
muốn sáng tạo, thêm hay dừng ở đâu cũng được.
Chị muốn có một cái kết truyện như thế nào?
Lúc mới viết truyện tôi thường thích những cái kết có hậu. Sau
này tôi thấy rằng những cái kết không có hậu hoặc bỏ lửng thường để
lại những ấn tượng đặc biệt trong lòng độc giả và buộc họ phải suy
nghĩ theo những chiều hướng khác nhau, điều đó sẽ làm họ nhớ những
câu chuyện của mình lâu hơn.
Cho đến bây giờ chị đã gặt hái được khá nhiều thành công so
với tuổi nghề, chị có bao giờ nghĩ, nếu quay ngược được thời gian,
chị sẽ đi viết văn sớm hơn ?
Trước khi viết truyện ngắn đầu tiên, mình đơn thuần là một cô gái
nông dân, bỏ dở học hành, ở nhà nấu cơm nuôi ông ngoại, chăm sóc
vườn rau, chiều chiều cắt rau cho má đi bán chợ đêm. Đến bây giờ tôi
vẫn làm việc ấy mặc dù không thường xuyên. Tôi vẫn không nghĩ mình
đã là nhà này, nhà nọ, cũng như biết đâu sẽ đến một lúc nào đó tôi
sẽ không viết văn được nữa thì sao. Đôi lúc tôi ví văn của mình như
một quả sầu riêng (tôi rất muốn làm một quả sầu riêng) người thích
thì nói thơm còn người không thích thì chê thối. Nhưng trời đã cho
vậy thì biết làm sao.
Chị tin vào sự may rủi của số phận ?
Tôi tin vì tôi là một người may mắn. Viết ngay truyện ngắn đầu
tiên đã được in ở Tạp chí Văn nghệ Cà Mau. Điều đó làm tôi cảm thấy
tự tin hơn. Sau này khi tham gia cuộc thi "Văn học tuổi 20" của NXB
Trẻ và được giải nhất, đó là một niềm vui lớn bất ngờ mà lúc tham dự
tôi không bao giờ nghĩ tới. Tôi là một cây bút có thế nào viết thế
ấy, nghĩ sao viết vậy. Có lẽ vì sự hồn nhiên đó mà Ban giám khảo
cũng như người đọc dành cho sự ưu ái chăng!
Chị sẽ giữ mãi nét hồn nhiên ấy cho văn phong của mình chứ?
Tôi cũng không chắc lắm vào điều đó, tôi nghĩ văn chương phải tự
nhiên mới dễ đi vào lòng người, mình nêm gia vị nhiều quá sẽ trở nên
giả tạo, mà văn chương giả tạo thì nhận ra ngay. Có lẽ văn phong của
tôi cũng sẽ thay đổi theo từng giai đoạn. Bây giờ đọc lại tập "Ngọn
đèn không tắt" của mình tôi còn suýt xoa rằng không hiểu sao ngày
xưa mình lại viết hồn nhiên được đến thế!
Tập truyện “mới tinh” của chị có tên là gì?
“Nước chảy mây trôi”, in ở NXB Văn Nghệ TP HCM. Thực ra đây là
tập nửa truyện, nửa bút ký, mới “ra lò” được hai hôm nay. Tôi thích
viết bút ký, vì đó là những điều có thật trong gia đình tôi và tôi
viết bằng tất cả cảm xúc của mình.
Theo “quy luật” thường thường các cây bút trẻ khi đã có một vị
trí chắc tay ở thể loại truyện ngắn, họ sẽ viết tiểu thuyết. Còn
chị, bao giờ cho độc giả đọc cuốn tiểu thuyết đầu tay?
Chắc còn lâu lắm. Tôi luôn nghĩ viết tiểu thuyết không đơn giản
chút nào. Phải có một sự tích lũy nhất định nào đó thì cuốn tiểu
thuyết ấy mới đứng lại trong lòng người được.Tôi vẫn đang cố gắng
đọc, học hỏi, thu nạp để không bị lùi xa bạn bè quá vì thực sự ở Bán
đảo chúng tôi nguồn sách cực kỳ hiếm. Đó cũng là một sự thiệt thòi
lớn.
Chị đang có bên mình mọi thứ : gia đình yên ấm, tác phẩm in
đều đặn, giải thưởng thì ở đâu cũng có tên, chị có nghĩ suôn sẻ quá
cũng... tẻ nhạt không?
Nếu phải hy sinh gia đình vì văn chương thì mình thấy không đáng.
Mình vui sướng vô cùng vì có một truyện ngắn được độc giả yêu mến,
nhưng cũng hạnh phúc không kém khi nghe một tiếng gọi mẹ của đứa con
trai, hay một lời an ủi động viên của chồng. Mình viết văn mọi lúc
mọi nơi, bất cứ lúc nào có cảm hứng và thời gian rỗi nhưng vẫn không
quên thiên chức của một người phụ nữ trong gia đình.
Cảm ơn Ngọc Tư!
Trần Hoàng Thiên Kim
(Thực hiện)
VnExpress
19-5-04
Nguyễn Ngọc Tư: 'Tôi thích làm một quả sầu
riêng'
"Đôi lúc tôi ví văn của mình như một quả
sầu riêng. Người thích thì nói nó thơm, người không thích thì chê
rằng thối. Nhưng trời đã cho vậy thì biết làm sao", cây bút nữ trẻ
Nguyễn Ngọc Tư tâm sự.
- Viết truyện ngắn, cái gì là khó nhất đối với chị?
- Lúc viết, tôi thường để ý đến nội dung câu chuyện, và có ý nghĩ
phải để cho các câu truyện gắn bó từ đầu đến cuối, không biết cái đó
có phải là một phần của kỹ thuật không?
Tôi sợ viết phần vào đầu, bởi diễn biến toàn bộ câu chuyện hoàn
toàn ảnh hưởng và bị chi phối ở cái phần mào đầu ấy. Đặc biệt tôi
thích viết kết và muốn sáng tạo, thêm hay dừng ở đâu cũng được.
- Chị thích kết truyện theo kiểu nào?
- Lúc mới viết truyện, tôi thường thích những cái kết có hậu. Sau
này tôi thấy rằng, những cái kết không có hậu hoặc bỏ lửng thường để
lại ấn tượng đặc biệt trong lòng độc giả và buộc họ phải suy nghĩ
theo những chiều hướng khác nhau. Điều đó làm họ nhớ những câu
chuyện của mình lâu hơn.
- Chị nghĩ gì về thành công mình đạt được?
- Trước khi viết truyện ngắn đầu tiên, tôi đơn thuần là một cô
gái nông dân, bỏ dở học hành, ở nhà nấu cơm nuôi ông ngoại, chăm sóc
vườn rau, chiều chiều cắt rau cho má đi bán chợ đêm. Đến bây giờ tôi
vẫn làm việc ấy mặc dù không thường xuyên. Tôi vẫn không nghĩ mình
đã là nhà này, nhà nọ, cũng như biết đâu sẽ đến một lúc nào đó tôi
sẽ không viết văn được nữa thì sao.
- Chị tin vào sự may rủi của số phận ?
- Tôi tin vì tôi là một người may mắn. Viết truyện ngắn đầu tiên
đã được in ở Tạp chí Văn nghệ Cà Mau. Sau này, tôi tham gia cuộc thi
Văn học tuổi 20 của NXB Trẻ và được giải nhất, đó là một niềm vui
lớn bất ngờ mà lúc tham dự không bao giờ nghĩ tới. Tôi là một cây
bút có thế nào viết thế ấy, nghĩ sao viết vậy. Có lẽ vì sự hồn nhiên
đó mà Ban giám khảo cũng như người đọc dành cho sự ưu ái chăng?
- Chị sẽ giữ phong cách cũ trong các truyện ngắn của mình?
- Tôi cũng không chắc lắm vào điều đó. Tôi nghĩ văn chương phải
tự nhiên mới dễ đi vào lòng người, mình nêm gia vị nhiều quá sẽ trở
nên giả tạo, mà văn chương giả tạo thì nhận ra ngay. Có lẽ văn phong
của tôi cũng sẽ thay đổi theo từng giai đoạn. Bây giờ đọc lại tập
Ngọn đèn không tắt, tôi không hiểu sao ngày xưa mình lại viết hồn
nhiên được đến thế!
- Tác phẩm mới nhất của chị có tựa đề là gì?
- Nước chảy mây trôi, in ở NXB Văn Nghệ TP HCM. Thực ra
đây là tập nửa truyện, nửa bút ký, mới “ra lò” được vài ngày. Tôi
thích viết bút ký, vì đó là những điều có thật trong gia đình tôi,
và tôi viết bằng tất cả cảm xúc của mình.
- Sau những thành công trong truyện ngắn, chị có định ra mắt
tiểu thuyết đầu tiên?
- Chắc còn lâu lắm. Tôi luôn nghĩ viết tiểu thuyết không đơn giản
chút nào. Phải có một sự tích lũy nhất định nào đó thì mới đứng lại
trong lòng người được. Tôi vẫn đang cố gắng đọc, học hỏi, thu nạp để
không bị lùi xa bạn bè quá, vì thực sự ở chỗ tôi, nguồn sách cực kỳ
hiếm. Đó cũng là một sự thiệt thòi lớn.
- Sức hấp dẫn của các giải thưởng đã bao giờ làm chị quên mất
thiên chức người phụ nữ trong gia đình?
- Nếu phải hy sinh gia đình vì văn chương thì tôi thấy không
đáng. Tôi vui sướng vô cùng vì có một truyện ngắn được độc giả yêu
mến, nhưng cũng hạnh phúc không kém khi nghe một tiếng gọi mẹ của
đứa con trai, hay một lời an ủi động viên của chồng. Tôi viết văn
mọi lúc mọi nơi, bất cứ lúc nào có cảm hứng và thời gian rỗi, nhưng
vẫn không quên thiên chức của một người phụ nữ trong gia đình.
(Theo Hà Nội Mới)
VnExpress
Thứ tư, 28/4/2004, 08:00 GMT+7
Nguyễn Ngọc Tư: 'Văn học trẻ chưa có xu hướng riêng'
"Một truyện ngắn viết ra bắt buộc phải
có nội dung, tôi không tán thành kiểu viết mà đọc lên các ý tưởng
mông mênh, không rõ ràng, đó là bút ký, hoặc tản văn chứ không phải
là truyện ngắn. Dường như văn học trẻ hiện nay chưa có định hướng,
từng cá nhân vẫn đi theo cách nhìn, cách nghĩ của họ", chị tâm sự.
- Gần đây chị viết truyện không còn theo bản năng như trước nữa,
điều gì đã khiến chị thay đổi như vậy?
- Tôi nghĩ đến một giai đoạn nào đó người ta cũng phải thay đổi,
có lẽ đó cũng là quy luật tự nhiên thôi. Ai tự tô vẽ cho văn chương
một sự màu mè quá đáng, giả tạo thì người đọc nhận ra ngay. Ngày
trước tôi là một cô bé vừa chân ướt chân ráo từ vườn rau muống chạm
chân vào tác phẩm đầu tay, còn giờ đây, đã là mẹ của một cậu con
trai hơn 20 tháng tuổi rồi thì phải khác.
- Chị thấy mình có điểm chung nào so với các nhà văn trẻ hiện
nay?
- Không có, họ viết khác tôi. Lúc viết tôi thường để ý đến nội
dung câu chuyện định viết và có một ý nghĩ rằng phải để truyện đó
gắn bó từ đầu đến cuối chứ không như một số nhà văn viết ra nhiều ý
tưởng rất cao xa và trừu tượng.
- Theo chị, điều gì là khó nhất khi viết truyện ngắn?
- Tôi sợ viết phần đầu, vì lối viết truyện của tôi phần vào đầu
rất quan trọng, diễn biến toàn câu chuyện hoàn toàn ảnh hưởng và bị
chi phối ở phần mào đầu ấy. Đặc biệt, tôi thích viết phần kết và
muốn sáng tạo, thêm hay dừng ở đầu cũng được.
- Chị muốn một kết thúc như thế nào?
- Lúc mới viết, tôi thường thích một cái kết có hậu, sau này tôi
thấy những cái kết không có hậu hoặc bỏ lửng để lại ấn tượng đặc
biệt trong lòng độc giả và buộc họ phải suy nghĩ theo những chiều
hướng khác nhau, điều đó sẽ làm họ nhớ những chuyện của mình lâu
hơn.
- Tại sao chị không viết tiểu thuyết như nhiều văn trẻ khác?
- Tôi nghĩ viết tiểu thuyết phải có sự tích lũy, vốn kiến thức
lớn, không đơn thuần là chuyện yêu đương, chia lìa, đau khổ... Để
thành tiểu thuyết, nó phải mang được một thông điệp gì đó lớn hơn
thế. Tôi chưa có dự định viết tiểu thuyết trong vài chục năm tới.
(Theo Thể Thao Văn Hóa, Tiền Phong)
Tuổi Trẻ
Thứ Năm, 22/04/2004
Nhà văn Dạ Ngân:
Nguyễn Ngọc Tư - Điềm đạm mà thấu đáo
"Nguyễn
Ngọc Tư giỏi ở chỗ cái tưởng không có gì mà Tư cũng viết được,
lại viết rất có duyên, rất nhân hậu. Đọc cái nào xong cũng phải
nhoẻn cười sung sướng, sung sướng mà lại ứa nước mắt, thấy nước mắt
của mình cũng trong trẻo và đẹp đẽ, ấy là cái đáng giá mà Tư cho
người đọc hôm nay". Nhà văn Dạ Ngân nhận xét về văn Ngọc Tư.
* Thưa chị, nhiều bạn đọc, bạn viết có nhận xét như thế này:
Nguyễn Ngọc Tư viết rất đều, từ những truyện ngắn đầu tay cho đến
những truyện ngắn mới in gần đây, trong khi nhiều cây bút trẻ thường
có biểu hiện chững lại sau những thành công ban đầu...?
- Nhà văn Dạ Ngân: Tôi đọc văn
Ngọc Tư từ những ngày đầu. Tôi thích lắm. Truyện của Tư viết rất là
đều, mà viết như không ấy. Có cảm giác rằng Ngọc Tư viết không có
phải dụng công gì hết. Mình đọc mà mình ngạc nhiên về sức khám phá
của ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư - khám phá một cách điềm đạm mà thấu
đáo. Không có chuyện gì là chuyện xa xôi hết cả. Không có sự trồi
sụt. Truyện Ngọc Tư viết rất đều.
* "Truyện viết đều"? Phải chăng đã có một
chút băn khoăn ẩn trong câu nói này, thưa chị?
- Tôi đọc vài chục truyện của Tư. Cái mình thích
thì Ngọc Tư giờ vẫn còn giữ được. Nhưng mà bây giờ mình bắt đầu đòi
hỏi nhiều hơn. Một khi nhà văn đặt ra vấn đề mà xã hội đang quan tâm
và anh ta giải quyết được bằng tiểu thuyết thì người đọc thấy thỏa
mãn hơn. Còn nếu anh viết truyện ngắn thì có vẻ như anh đã giải
quyết mà giải quyết không xong vậy thôi. Nếu anh viết truyện ngắn,
thì thường người ta còn đòi hỏi anh mãi!
Đọc vài chục cái truyện của Ngọc Tư thì tôi thấy
vừa mừng, và cũng bắt đầu lo. Các truyện ngon lành, xinh xẻo, vừa
vặn, đèm đẹp, hồn hậu...Nhưng mà văn chương đòi hỏi nhà văn phải có
phẩm chất ...dữ hơn, dữ dội hơn.
Hay nói một cách khác: văn chương phải bắt đúng
kinh mạch, bắt đúng cái huyệt đạo của đời sống xã hội đương đại. Có
thế mới có khả năng thỏa mãn được bạn đọc. Nếu không thế, thì mình
chỉ là đại diện cho văn chương của một vùng đất. Mà tôi thì rất muốn
các nhà văn Nam bộ thoát ra khỏi cái cảnh này. Tại sao các tác giả
Hà Nội, nói rộng ra là các tác giả miền Bắc, khi xuất hiện, người ta
không cho là tác giả của một vùng đất, mà là tác giả của quốc gia
ngay? Mà với các tác giả ở khu vực Nam bộ thì hầu như bao giờ cũng
phải chịu cái cảnh đó?
* Thưa chị, phải chăng cái cảm giác, nói
đúng hơn là cái "ấn tượng Nam bộ" của độc giả - theo như chị nhận
xét- về những cây bút trưởng thành từ miền đất Nam bộ được bắt nguồn
chính từ câu chuyện ngôn ngữ, phương ngữ vốn rất mạnh, rất dễ nhận
thấy ở các cây bút này lúc mới khởi nghiệp?
- Thế tại sao với bác Trang Thế Hy thì người ta
lại không cho là tác giả của một cùng đất, của miền Tây, của Nam bộ
mà ngay từ đầu ông đã là một cây truyện ngắn rất là quý của quốc
gia, mặc dù ngôn ngữ của ông là ngôn ngữ Nam bộ đặc sệt?! Có lẽ câu
chuyện ở đây là "vấn đề mà nhà văn quan tâm". Vấn đề mà nhà văn quan
tâm là những vấn đề gì? Nó có là vấn đề điển hình hay không? Những
con người, số phận những nhân vật có mang tính điển hình chung của
cả dân tộc hay không?
Rất nhiều người trẻ
trước hoặc trang lứa tuổi Ngọc Tư thì họ quá loay hoay với
hình thức, nói trắng ra thì cái tâm không lớn thì làm cái gì
cũng trầy trật.
Nguyễn Ngọc Tư và
Nguyễn Ngọc Thuần đã làm cho văn đàn trẻ của chúng ta đỡ
loay quay, trống vắng. |
* Thưa chị, có thể nói thế này được chăng: tính hồn hậu, nhân hậu
trong những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư đã góp phần quan trọng
giúp cho văn của Ngọc Tư đến được và ở lại được với một số lượng độc
giả không hề nhỏ? Nhất là trong tình hình mươi mười lăm năm nay, khi
văn chương ta (nhất là trong văn xuôi) có vẻ như nhiều tác giả đang
quan tâm hơn đến cái phần bạo liệt của đời sống?
- Đúng rồi, hồn hậu, nhân hậu - đó là cái mạnh
nhất của Ngọc Tư đấy. Tôi nghĩ rằng đó là cái sẽ còn lại, dù sau này
có thể Ngọc Tư sẽ viết về những vấn đề gay gắt hơn. Sự hồn hậu, nhân
hậu có thể nói là "quặng" của Ngọc Tư. Ngọc Tư làm được, cái phần
đóng góp của mình thì đóng góp đủ. Đóng góp một cách đầy ấn
tượng...Còn những người khác, người ta cũng có thế mạnh của người ta
chứ?! Bạo liệt cũng quý chứ?! Cũng cần chứ?! Ai cũng hồn hậu cả
thì...ngọt ngào quá, chỉ ngọt ngào không thôi thì chắc cũng không
chịu nổi. Như là ăn chè vậy, phải cần rượu nữa chứ?!
Văn của Ngọc Tư mang đậm chất Nam bộ: hồn hậu,
hào sảng. Văn hóa tiểu vùng khác nhau, thì sản sinh ra những chất
văn khác nhau, sản sinh ra những tác giả khác nhau. Ở Bắc Hà không
sinh ra văn của Ngọc Tư được, mà ở Nam bộ không thể sinh ra được văn
của Y Ban và Tạ Duy Anh được, tôi nghĩ thế.
* Chị vừa gặp Ngọc Tư ở Hà Nội, chị thấy
Ngọc Tư như thế nào?
- Trông có vẻ dễ nhìn hơn các bức ảnh mà báo chí
in. Và mặt mũi thì u u minh minh, kiểu "hôm qua em đi tỉnh về, hương
đồng gió nội không bay đi chút nào", sự chân chất của một bản lĩnh
quyết giữ cho được cái độc đáo của mình, đó là bản lĩnh của tài
năng.
Theo Văn Nghệ Trẻ
Lao Động 11-4-04
Nguyễn Ngọc Tư và những bộ mặt của tâm trạng
Minh Thi
"Nước chảy mây trôi" - tập truyện ký mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư
gần như chỉ viết về những khúc khuỷu của đời người. Song đó là một
khúc rẽ mới, ra khỏi mạch "Giao thừa" trước đây. Tư như con cá quẫy
mình để từ suối ra sông, rồi ra biển lớn. Cái cựa mình đó có thể tải
cả một sức nặng của cây bút truyện ngắn xứ Cà Mau này.
Ở đâu đó, những câu chuyện lặt vặt xâu chuỗi lại thành một cuộc
sống có bộ mặt buồn tẻ, nhưng nếu bị dứt ra khỏi cái mạch sống đó,
người ta sẽ lại càng nuối tiếc vì hoá ra, ở trong sự tẻ nhạt vẫn có
một bộ mặt khác của đời sống. Đó là bộ mặt của tâm trạng, của sự hồn
nhiên. Hàng chục tâm trạng chồng chéo nhiều ký ức tạt ngang trang
viết của Tư, chợt trở nên sinh động, có hồn, dù tác giả không mô tả
gì nhiều. Khép trang sách mỏng gồm 23 truyện ngắn và ký, vẫn có cảm
giác tiêng tiếc như phải rời xa một người bạn mới gặp mà đã chừng
thân.
Nếu như trước đây, Ngọc Tư hay khai thác thế mạnh của mình khi
"nhập" vào những mối tình già, bằng lối viết tưng tửng nhưng lôi
cuốn, thì nay, cùng với vốn sống dày dặn, cùng với sự trưởng thành
về sự đọc và chăm chú luyện bút, cô tự nhiên như không đi vào nỗi
đau của người khác, sự u uất của những mối tình, những con người
không có bộ mặt mà chỉ có chân dung của tâm trạng, để gọi tên cái
tâm trạng đó, chỗ ngóc ngách đó, cái phần bên trong của con người
đó. Chính vì thế mà giọng văn cũng đằm địa mà xóc cạnh hơn, mà "chắc
như cua gạch". Giọng văn ấy biết mềm mại hoá nỗi đau khổ bởi đó như
một sự biến chuyển của từng cá thể để nhận thức mình, những người
xung quanh. Và đau khổ cũng chỉ là một mặt của hạnh phúc.
"Nước chảy mây trôi" nghe như bế tắc bởi mối tình câm của cô học
trò với thầy giáo, sau này trở thành bố dượng mình. Không mổ xẻ,
không kể lể, tự nhân vật cảm nhận cái nhu cầu thôi thúc buộc cô phải
ra đi như một tình cảm hết sức tự nhiên. Nhưng cái giỏi của ngòi bút
là lách đi những phần khúc mắc nhất khiến người đọc dịu lòng lại vì
sức thuyết phục của tình yêu, một tình yêu dạy cho người khác cách
ứng xử chân thật mà không làm tổn thương mình và những người xung
quanh, song cũng không hề cất lên một tiếng nói giảng dạy về luân
lý, đạo đức nào.
"Chiều vắng", "Nhà cổ", "Qua cầu nhớ người" cũng những môtíp
tương tự. Nhưng ở đằng sau là một nỗi trắc ẩn về thân phận con
người, thân phận những mối tình quê. Quy luật duy nhất của tình cảm
là tự mỗi người đi tìm, và dù họ có hoán đổi, cải trang bản thân
mình bao nhiêu đi nữa, thì họ vẫn không sao thoát ra được sự chọn
lựa ấy. Tính hài hước cũng được Ngọc Tư gia giảm điêu luyện trong
từng câu chuyện, để phần kết bao giờ cũng chạnh buồn, mà cũng thoắt
vui, cũng phải tủm tỉm cười vì một duyên cớ hết sức nhỏ mà đắt. Cuối
cùng, những bài ký tuy nhỏ thôi nhưng giàu tình cảm, có vẻ như một
cách bổ sung vào tập truyện như những tiếng thở dài. Tư viết về chợ
như một "bếp lửa đời", về cái cửa sau tâm hồn nay đã thành cửa sau
vật chất, về cái tiệm tạp hoá và vị ngọt dai dẳng tuổi thơ của những
đứa trẻ nghèo, về mẹ, về người nông dân vất vả với những trang viết
nặng trĩu tình thương.
Gấp sách lại, cũng có thể người ta chưa hình dung nổi truyện của
Tư vì sao chao chát thế, sao làm mình chòng chành như thế. Có thể,
đó là sự sống lại của cảm xúc, những thứ tưởng đã chai lỳ hoặc đã
ngủ quên trong mình. Nhưng cũng có thể, đó là cách giải toả cho
chính tâm trạng của người đọc. Họ tìm ra một cách yêu cuộc sống thầm
lặng mà bền chặt hơn.
Tuổi Trẻ
Thứ Sáu, 26/03/2004, 22:14 (GMT+7)
Nguyễn Ngọc Tư: Văn học trẻ chưa có xu hướng
riêng
Sau chuyến đi Hà Nội nhận giải thưởng
"10 gương mặt tiêu biểu trong 2003" ngày 22-3 vừa qua, "nhà văn của
xóm rau bèo" Nguyễn Ngọc Tư cho biết chị sẽ nghĩ nhiều hơn đến những
vấn đề thời sự nóng hổi của cuộc sống khi đặt bút viết.
* Gần đây người ta thấy Nguyễn Ngọc Tư viết truyện không còn
theo "bản năng" như ngày xưa nữa, điều đó có ngoại cảnh nào tác động
không vậy?
- Tôi nghĩ đến một giai đoạn nào đó người ta cũng phải thay đổi,
có lẽ đó cũng là quy luật tự nhiên thôi. Ai tự tô vẽ cho văn chương
một sự mầu mè quá đáng, giả tạo thì người đọc nhận ra ngay. Ngày
trước tôi là một cô bé vừa chân ướt chân ráo từ vườn rau muống của
ngoại chạm chân vào tác phẩm đầu tay, còn giờ đây, đã là mẹ của một
cậu con trai hơn 20 tháng tuổi rồi cơ mà. Phải có sự khác nhau chứ!
* Là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của năm, chị nhìn
nhận thế nào về thế hệ trẻ VN nói chung?
- Tôi ở "vùng sâu, vùng xa" ít được tiếp xúc với những vấn đề
thời sự của cuộc sống trẻ, và cũng là người duy nhất thuộc lĩnh vực
văn học nghệ thuật, lĩnh vực trầm hơn tất cả. Trong lễ trao giải,
tôi thực sự thấy các bạn cùng được giải trong đợt này rất năng động
và đáng khâm phục vì những gì họ đã làm được, nhất là với các lĩnh
vực thể thao, công nghệ thông tin... Họ đang được thử thách và khẳng
định mình là chủ nhân của tương lai.
* Hình như lần ra này chị có mang theo một món quà cho Hà Nội?
- Đó là cuốn sách mới in Nước chảy mây trôi của Hội Văn
nghệ TP.HCM. Thực ra đây là tập sách tôi thích vì có một nửa là phần
bút ký tôi viết về những gì thân thuộc nhất chung quanh mình.
* Chị có đọc nhiều những tác phẩm của bạn bè mình không, chị
thấy nền văn học trẻ của VN hiện nay như thế nào?
- Tôi đọc họ không nhiều, như lúc đầu tôi nói đấy, tôi chỉ được
đọc qua báo chí hoặc khi họ gửi tặng. Họ viết khác tôi. Lúc viết tôi
thường để ý đến nội dung câu chuyện định viết và có một ý nghĩ rằng
phải để truyện đó gắn bó từ đầu đến cuối.
Truyện bắt buộc phải có nội dung. Tôi không tán thành kiểu viết
mà đọc lên các ý tưởng mông mênh, không rõ ràng, tôi nghĩ đó là bút
ký, hoặc tản văn chứ không phải là truyện ngắn. Tôi nghĩ hiện nay
văn học trẻ vẫn chưa đi theo một xu hướng nào cả. Từng cá nhân vẫn
đi theo cách nhìn, cách nghĩ của họ.
* Chị sẽ "cầm cự" để thành danh với truyện ngắn, hay cũng như
những nhà văn trẻ khác, khẳng định mình ở một thể loại dài hơi, như
tiểu thuyết chẳng hạn?
- Tôi nghĩ viết tiểu thuyết phải có sự tích lũy, vốn kiến thức
lớn, không đơn thuần là chuyện yêu đương, chia lìa, đau khổ... Để
thành tiểu thuyết, nó phải mang được một thông điệp gì đó lớn hơn
thế. Tôi chưa có dự định viết tiểu thuyết trong vài chục năm tới.
Theo Thể thao và Văn hóa
Tuổi Trẻ
9-3-2004
"Tháng Thanh niên" - Gương mặt
trẻ Việt Nam tiêu biểu 2003:
Nguyễn Ngọc Tư: Nhà văn của xóm rau bèo
TT - Ở cái xóm Bà Điều, xã Lý Văn Lâm
(Cà Mau) toàn rau bèo này vẫn chưa ai biết Ngọc Tư - con nhỏ sớm tối
hái rau ra chợ ngày nào - lại được bình chọn là một trong số 10
gương mặt trẻ tiêu biểu của VN. Lại còn tiêu biểu trong lĩnh vực văn
vẻ... nên càng khó biết. Chỉ có Tư là thầm cảm ơn chuỗi ngày nghèo
khó đã giúp cô vốn sống, nghị lực để trở thành một nhà văn trẻ ở
vùng đất mũi cuối cùng của Tổ quốc
Tuổi thơ nghèo chữ
Tuổi thơ tan trường, chân trái chưa bước vào nhà thì chân phải đã
đòi bước ra. Ra luống cần, mồng tơi... Có hôm nó đi đâu rồi về nhà
với cánh tay trầy xước rướm máu, má định đánh đòn con nhỏ cái tội
đánh lộn với tụi con trai. “Vì tụi nó ỷ đông định lấy mấy trái xoài
con xin mang về cho ngoại”. Nó nói thế thương mười lần hơn chứ đòn
roi gì nữa!
Bà mẹ hay thương thầm con tuổi ăn tuổi học mà sớm tối lặn hụp với
đám rau nên người đẹt ngắt, hầu như lúc nào trên tay cũng có dấu
xước vì cắt rau khứa, có hôm gánh nước bị vỏ ốc múc luôn một lõm
thịt gót chân cà nhắc cả tháng trời. Nó vẫn cắn răng bám luống rau.
Ngay lúc nhà chật vật thì ông ngoại bị tai biến liệt giường, thế
là má kêu: “Tư ơi! Thôi con nghỉ học ở nhà lo hái rau, chăm sóc ông
ngoại nghe!”. Tư chỉ năn nỉ một lần: “Má cho con học thêm một tuần
nữa thôi”. Những buổi học cuối cùng cứ ngắn dần và rồi cuộc đời học
sinh của Tư kết thúc. Chín năm đến lớp thế cũng đã đủ, Tư tự an ủi
và bù đắp cho mình bằng những trang nhật ký... Thấy con có khiếu văn
chương, cha Tư động viên: “Nghĩ gì viết nấy, viết điều gì con đã
trải qua”.
Ba truyện ngắn đầu tay của Tư viết về tình bạn ở đồng quê đã được
cha đem gửi thử ở tạp chí Văn Nghệ Bán Đảo Cà Mau. Cả ba đều
được đăng báo. “Con nhỏ học hành dở dang này viết được đó”. Ông Tổng
Biên tập vừa nói vừa xoa đầu Tư dặn dò: “Viết nữa đi con!”. Thế là
ngày xuống ao, ra liếp rẫy, tối về Tư lại viết say sưa.
Mọi người khuyên Tư nộp hồ sơ vào tạp chí Văn Nghệ Bán Đảo Cà
Mau thử việc. Năm ấy tách tỉnh, thiếu nhân sự, Tư được chọn vào
làm văn thư và học việc phóng viên. Viết tin, viết bài, lại viết
truyện ngắn. Hôm cơn bão số 5 ập vào đất Mũi, Tư tất tả đi thực tế
đến cửa biển Khánh Hội, sông Đốc, đất Mũi...
Cảnh làng quê hoang tàn, cảnh cụ bà khóc con đời ngư phủ hẩm hiu…
đã thành ký sự Nỗi niềm sau cơn bão dữ. Tư bảo đọc lại ký sự
này thấy mình viết hơi… sên sến, nhưng đây là tác phẩm đầu tay cô
đoạt giải ba báo chí của tỉnh năm 1997.
Viết là viết!
“Được giải thưởng qui ra lúa hổng là bao nhưng đã cho mình chút
hy vọng là nếu mình ráng có thể viết tốt hơn” - Tư giải thích. Cái
“công nghệ” cho ra đời hết tác phẩm này đến tác phẩm khác của cô
được khẳng định là rất... đơn giản: viết là viết, bất kỳ lúc nào,
không sắp đặt, không bố cục, cứ thế đoạn sau cuốn theo đoạn trước.
Viết gần gũi như chính đời thường ăn nói, đi đứng thô thô kệch kệch
của cô.
Viết như đang trong tâm trạng của nhân vật, của chính đất đai hào
sảng Cà Mau này. Sau một chùm năm truyện ngắn Nỗi buồn rất lạ,
Lý con sáo sang sông, Chuyện cùa Điệp, Ngọn đèn
không tắt, Ngổn ngang - Tư như cảm thấy mình đã nói hộ
được ước mơ của người dân nghèo khó vùng quê, nói ra những yêu lầm
yêu lỡ yêu không thành cũng từ cái nghèo mà ra. Những nhân vật, cốt
truyện tủn mủn ấy không hề có một nguyên mẫu nào trước đó, cứ đi cứ
tìm như bắt sâu đuổi gà trong luống rau nhà mình mà thành tác
phẩm... bỏ quên.
“Tôi mà không hò không giục thì nó đã quên phéng đi rồi. Chuyện
hay như thế mà nó bỏ xó đi đâu suốt ngày không biết, hạn thi cũng
sắp hết rồi”. Về cơ quan sau chuyến thực tế dài ngày, Tư nghe chú
Hai Tổng Biên tập hối thúc gửi truyện dự thi, ra đến bưu điện thì đã
sát ngày hết hạn cuộc thi “Văn học tuổi 20” do Nhà xuất bản Trẻ
và Báo Tuổi Trẻ tổ chức. “Gửi thì gửi, chỉ mong khuyến khích
ai ngờ “ẵm” luôn giải nhất - 20 triệu đồng”.
Năm 2001, cũng chùm truyện ngắn ấy Tư đoạt giải B của Hội Nhà văn
VN, rồi giải cho tác giả trẻ nhất của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp
Các hội văn học nghệ thuật VN. Bao nhiêu bằng khen, tiền thưởng
có được Tư đều đem về cho má, má cũng chẳng khen chẳng chê chỉ nói
mỗi câu: “Mày tả bà già trong truyện sao giống tao quá. Phải chi
được học lên đại học chắc bà già trong truyện sẽ khá hơn phải hôn
con?”.
Hôm tôi ghé nhà Tư - ở chợ phường 1, TP Cà Mau - hàng xóm đã ngủ
sớm, chỉ có Tư còn lọc cọc viết lách. Vào nhà chưa kịp ngồi, Tư đã
chặn đầu: “Có tiêu biểu gì đâu anh! Mình nói chuyện nhỏ coi chừng
thằng nhóc thức, mới vừa bú ngủ mà!”. Nhưng mới 27 tuổi đã được kết
nạp vào hội nhà văn, làm mẹ, làm vợ, viết hăng say chẳng lẽ là không
tiêu biểu?!
Cuộc sống đời thường của Tư diễn tả chỉ là “sáng đạp xe đưa con
đi nhà trẻ, trưa nội trợ cá rau, không văn vẻ văn vùng gì ráo”. Báo
chí cứ vặn vẹo: “Sao viết văn mà lấy chồng chi sớm?”. Tư cũng giải
thích thật thà: “Có gia đình cách nay bốn năm, chồng là anh thợ bạc
- cuộc hợp hôn không hẹn mà có... hạnh phúc. Mình nghĩ chuyện viết
văn là chuyện của cả đời, còn đường chồng con cũng song trùng cả đời
đấy thôi! Quan trọng là không để có chồng mà xuống dốc ”.
Mà đúng là người ta vẫn thấy Tư lên dốc. Không viết truyện thì
viết báo, dư luận ai chẳng biết Tư là người có “hàng bán chạy” trong
các tờ báo xuân từ Nam chí Bắc?! Viết báo xuân không cần chữ “xuân”
trong đó, thậm chí yêu thầm, yêu lén và cả những chuyện của người
nông dân “nổi dậy” đòi quyền được canh tác sản xuất nhưng gặp khó
khăn cũng đăng được trên báo xuân. Viết là viết mà!
Tư cắt ngang: “Thôi hết chuyện nói rồi!”. Là thôi. Chỉ cho địa
chỉ e-mail: ngngoctucm@hcm.vnn.vn và hứa bao giờ tập truyện ngắn Nước chảy mây trôi
- Nhà xuất bản Văn Nghệ in xong sẽ tặng tôi
một quyển. Tập truyện gồm 20 câu chuyện về tình đời tình người Nam
bộ lúc thăng lúc giáng như lục bình trôi nhưng ẩn chứa khát vọng đổi
đời. Chắc cũng giống như chuyện “con nhỏ” Nguyễn Ngọc Tư của ấp Bà
Điều này đã thầm lặng với mơ ước được sống, được học, được vươn
lên...
QUANG VINH
VnExpress
21-1-2004
Nguyễn Ngọc Tư: 'Tôi không muốn ngủ quên vì giải thưởng'
Hưởng 'lộc' văn
chương sớm hơn bạn viết cùng trang lứa, 25 tuổi, Ngọc Tư liên tiếp
gặt hái giải thưởng: giải B Hội Nhà văn VN 2001, giải tác giả trẻ
Hội Văn học nghệ thuật VN, giải Nhất cuộc vận động sáng tác tuổi
20...
- Những “Người xưa”, Ngọn đèn không tắt”, “Giao thừa”… của chị
đều không ồn ào, nhưng lại dễ gây cho người đọc một nỗi rưng rưng
bởi tình cảm chân chất mộc mạc của dân quê. Chị đang kế thừa bút
pháp của Sơn Nam và Hồ Biểu Chánh?
- Nhiều nhà văn Nam Bộ khác cũng viết như thế. Vậy nên tôi không
cho rằng có sự kế thừa, chắc tại "thiên thời" (đất), nên xuyên suốt
nhiều thế hệ cầm bút, tất cả chúng tôi đều viết theo giọng văn rất
riêng của quê xứ mình.
- Trong khá nhiều truyện ("Dòng nhớ", "Nước chảy mây trôi"...),
chị mải mê với những vấn đề của người già, với những mối tình già
đến tận hơi thở cuối…Chị lấy đâu ra kinh nghiệm và vốn sống để viết
những chuyện chưa từng trải qua?
- Chà, tôi giật mình vì câu hỏi này đây. Bởi vì chính bản thân
tôi cũng không biết tại sao trong mình lại ăm ắp những câu chuyện về
người già đến thế. Nhiều đến mức tôi không viết được về tuổi trẻ, về
tuổi còn hơi… xanh của mình. Và nhiều đến mức tôi cũng chưa biết sợ
vì trong lòng vẫn nuôi niềm hy vọng là khi đã già, biết đâu tôi lại
viết được, viết hay về những vấn đề của giới trẻ.
- Khó khăn lớn nhất của chị trong sáng tác là gì?
- Điều kiện trao đổi nghề nghiệp. Tôi thèm một cuộc sống có nhiều
bạn bè. Có khi chẳng phải gặp để bàn luận văn nhau mà chỉ cần bạn
bảo hôm qua đọc được cuốn XYZ gì gì đó, hay lắm. Lúc ấy, tôi sẽ hỏi
với một niềm háo hức, hay à, hay thế nào…
- Có ý kiến cho rằng Hội Nhà văn Việt Nam bây giờ giống như một
“tháp ngà” vì nhiều người bạc cả tóc mà không có chỗ trú chân. Trong
khi đó, với một cây viết mới toanh như chị, việc trở thành Hội viên
Hội Nhà văn VN, lại khá dễ dàng. Chị nghĩ thế nào?
- Tôi chỉ nghĩ mình hơi… may mắn.
- Cuộc sống hiện tại của chị ra sao?
- May quá, tôi sống được bằng nghề (mà không biết sẽ kéo dài bao
lâu!) và cố gắng sống một cách bình thường như cô văn thư, như cô
bán xôi, như người phục vụ quán ăn… Tôi phải thế, vì những người
thương yêu tôi lúc nào cũng nơm nớp, lúc nào cũng sợ tôi ngủ quên
trong những giải thưởng này nọ mà không biết giá trị thật của chúng…
Hiền Hòa thực hiện
Tuổi Trẻ
Thứ Bảy, 22/11/2003
Gõ cửa văn học trẻ
Văn học hôm nay: Trẻ trung đâu cần mỹ phẩm
HỒ ANH THÁI
(Tổng thư ký Hội Nhà văn TP Hà Nội)
TT - Đúng vào thứ bảy tuần trước, những
người viết trẻ TP.HCM đã ngồi lại với nhau để nói về công việc viết lách, về
tình hình văn học. Thứ bảy tuần này, trang VHNT Tuổi Trẻ xin được tiếp nối
câu chuyện liên quan đến những người viết trẻ, bằng một chuyên đề - như một
tham luận bên lề...
Bản thân tuổi trẻ đã là cái đẹp. Không có người trẻ xấu,
chỉ có người trẻ vô duyên thành ra xấu mà thôi. Đôi khi chỉ vì không tự ý
thức được, không tự tin mà “chấm phá” vào đôi ba nét mỹ viện, “quệt” vào mấy
lớp son phấn. Mỹ viện và son phấn cũng không làm người đẹp xấu đi. Chỉ bị
giảm sút dung nhan tự nhiên, chỉ tại vì không tự ý thức, không tự tin.
Ta đang nói chuyện dung nhan và tâm hồn của văn học. Trẻ
là tài sản tự có, là ưu điểm bậc nhất, nhưng lúc nào cũng hô lên là mình
trẻ, lúc nào cũng giơ cái thẻ trẻ ra, hỏi có cần thiết? Đấy: nhạc trẻ. Xin
hãy lắng cho kỹ hai âm tiết này, chữ "trẻ" nghe thật sến, dường như chỉ để
dán nhãn cho cái một thời gọi là nhạc nhẹ, nhạc pop bình dân. Rồi... thơ
trẻ. Rồi... văn trẻ. Mọi ưu điểm được hét to lên, được nống lên, được cường
điệu, dễ trở thành nhược điểm ngay lập tức.
Ỷ mình trẻ, xưng xưng ra miệng, kiêu căng ngạo mạn, có
phải ngầm ý có văn trẻ tức là có văn già? Trẻ là ưu điểm tự nhiên thì phải
hiểu già cũng là nhược điểm tự nhiên? Một nhà văn cao tuổi tâm sự: “Mỗi lần
buộc phải xuất hiện trên diễn đàn, tôi lại thấy tuổi già của mình là nhược
điểm không thể sửa chữa được”. Nghĩ như vậy có phải là cực đoan trước những
giá trị và kinh nghiệm của người cao tuổi? Nhưng nghĩ như vậy cũng có điều
chia sẻ được: trong văn chương, sự trẻ trung là nét đẹp không cần thêm mỹ
phẩm.
Thế mà nhiều cây bút trẻ hôm nay vẫn lạm dụng mỹ phẩm. Tự
dán tem trẻ cho mình, ồn ào tự đóng dấu trẻ bằng những tuyên bố về già -
trẻ, mới - cũ, cấp tiến - bảo thủ... Có khi cái lá cờ “sến” kia là do một
người không còn trẻ thêu dệt lên, hô hào tập hợp một đội ngũ để mình có dịp
cầm cờ đi đầu? Một thiếu nữ đi đến đâu cũng xưng rằng mình trẻ, mình mới,
mình cấp tiến, mình cách tân. Không có gì đáng trách. Chỉ hơi thừa. Mấy năm
nữa ngồi nghĩ lại, thiếu nữ ấy sẽ hơi xấu hổ vì những gì đã tuyên ngôn, có
điều xấu hổ vào cái tuổi đã sồn sồn ấy lại cũng hơi... thừa.
Vậy nên có lẽ cũng phải học cách tự tin rằng bất kể ta
viết về cái gì, ta viết như thế nào thì độc giả sành vẫn nhận ra những trang
viết của người trẻ. Theo lập luận này thì Nguyễn Ngọc Thuần và Nguyễn Ngọc
Tư tự tin bậc nhất.
Một người mê mải với những vấn đề của người già, nhân vật
hầu hết là người già, những mối tình già đến tận hơi thở cuối... Nhưng sự
cảm thông chia sẻ của Nguyễn Ngọc Tư rõ ràng là của lớp người đương
đại. Cách dẫn chuyện gọn gàng, sự cắt cảnh chuyển lớp chính xác, một tay
nghề chững chạc và linh hoạt kiểu ấy chỉ có thể là của một cây bút đang tuổi
thanh niên.
Còn Nguyễn Ngọc Thuần lại viết nhiều về thiếu nhi, mở ra
một thế giới của Hoàng tử Bé mà lâu nay ít người viết dụng công, cũng ít ai
làm được. Nguyễn Ngọc Thuần giỏi tạo ra một không khí văn chương, một văn
cảnh mà người đọc tin là hồn nhiên trong trẻo, có như thế người ta mới tin
mà theo anh vào hẳn trong cái thế giới của tưởng tượng.
Nguyễn Ngọc Tư không sợ bị coi là già cỗi khi viết
về người già. Nguyễn Ngọc Thuần không sợ bị coi là trẻ con. Đấy là những nhà
văn trẻ tự tin và ý thức được thế mạnh của mình.
Thế hệ đương đại đang có nhiều người viết hay. Điều đó hàm
ý số người viết dở còn nhiều hơn nữa. Một ít cái hay-dở có thể thẩm định
được ngay, còn phần nhiều phải (nói một cách công thức) chờ thời gian và bạn
đọc.
Vấn đề là thời gian nào và bạn đọc nào? Thời gian ấy không
hẳn là thời gian lịch sử mà là thời gian của sự phát triển văn học. Bạn đọc
ấy cũng không phải là số đông đại trà mà là bạn đọc sành văn chương, đồng
hành với văn chương, có đóng góp vào tiến trình sáng tạo văn chương.
Với bạn đọc này, Phan Huyền Thư và Vi Thùy Linh là những
gương mặt đáng kể của thơ hôm nay, ví dụ thế. Phan Huyền Thư kiệm lời, dồn
nén, chắt lắng. Vi Thùy Linh bung ra hết cỡ, ồn ào, nhiều khi trút hết, quá
thật thà.
Với một loại độc giả ngập ngừng hơn, Phan Huyền Thư hơi
khô cằn và "cụ non", trong khi Vi Thùy Linh nhiều lời và “trẻ con”. Với một
loại độc giả hoài nghi thì cả hai nhà thơ này đều mới vỡ giọng, đang bi bô
những câu ngộ nghĩnh với mình mà loài người đã nói sõi từ lâu, thơ ca Âu -
Mỹ đã làm từ lâu và nhan nhản đến tận bây giờ...
Nhưng họ là những nhà thơ có cá tính, có cả tay
nghề, hẹp hòi gì ta không để cho họ lên tiếng? Xin cứ cho nó hiện diện, đừng
chủ quan rằng anh không thích thì mọi người cũng không thích. Văn chương nào
cũng có bạn đọc riêng của nó. Mà giả sử không có ai cắm bình thứ hoa ấy thì
chúng vẫn là hoa dại trên đồng nội, có chỗ đứng của mình giữa trời đất.
Nếu mai đây nhiều cây bút trẻ sa sút, thậm chí không viết
được nữa, thì ít ra hôm nay họ đã cắm được ngọn cờ của mình trên một đỉnh
dốc. Còn nhiều đỉnh cao khác cần chinh phục sẽ có lớp người khác cầm cờ tiếp
nối xông lên. Hành trình văn chương thời nào cũng để lại bên đường nhiều di
hài tuẫn nạn. Không vì họ một mai không tới được đỉnh Phanxipăng, đỉnh
Everest mà hôm nay mắng mỏ thị phi để rồi hả hê: “Đã bảo mà!”.
Tôi không thấy văn chương của họ loanh quanh vụn vặt như
một số người đọc lướt. Những gì tưởng như là quẩn quanh, đơn giản, bình
thường của họ hàm chứa không khí một thời đại, tâm thế tâm trạng một thời
đại. Thời đại họ đang sống. Biết đâu nửa thế kỷ nữa người ta sẽ đọc họ và
hình dung ra thời đại ta đang sống hôm nay? Phải là thứ văn nào mới mang đến
được sự hình dung ấy. Sao lại coi là nhỏ bé được? (Nếu được nhiều chữ hơn,
tôi sẵn sàng chép lại nhiều trang chỉ những cái tên tác giả tôi yêu mến và
trân trọng).
Ở trên trót nói người trẻ không cần mỹ phẩm, nghe quyết
liệt quá, vậy mỹ phẩm dùng để làm gì? Trong văn chương, sự tự tô son điểm
phấn, sự đi giày cao gót kiễng chân cho bằng người lớn theo kiểu già non
chín ép, sự không dám đứng cùng thiếu nhi sợ bị đánh đồng với trẻ con... vẫn
được dùng nhiều, chẳng lo gì mỹ phẩm bị ế. Chỉ rất ít người bứt hẳn ra vượt
hẳn lên mới chẳng cần đến nó mà thôi.
VNExpress 11/7/2003
Nguyễn Ngọc Tư: 'Tôi thèm được
quất vài roi để lớn lên'
Nhận giải nhất văn học tuổi 24 (năm 2000)
với "Ngọn đèn không tắt", 3 năm sau, Nguyễn Ngọc Tư mới trở lại trong tập
"Giao thừa". Vẫn tiếp tục nhỏ nhẹ về cuộc đời những con người lam lũ, giản
dị trên dẻo đất Mũi, nhưng giọng văn vốn trong trẻo, mộc mạc của chị còn
buồn hơn trước.
- Đặc điểm truyện ngắn của chị là gì?
- Tôi muốn viết tinh tế, sâu sắc và góc cạnh hơn bây giờ.
Nhưng khổ nỗi, tạng tôi nó mộc mạc vậy, chữ nghĩa cũng tự chảy ra như vậy.
- Ngày càng ít cây bút trẻ kiên trì với văn chương, làm
việc khác sống đỡ hơn. Còn chị thì sao?
- Với tôi, viết văn là một cuộc hành trình riêng mình lặng
lẽ. Thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào... chồng, chứ lương tôi chắc chỉ
đủ mua sữa cho em bé.
- Chị nghĩ thế nào về thực trạng phê bình hiện nay?
- Đôi khi tôi thèm được một nhà phê bình nào đó quất cho
vài roi để lớn lên. Bởi tự soi gương không bao giờ thấy hết những khiếm
khuyết của mình. Đôi lúc nghe bạn bè cằn nhằn lúc này Ngọc Tư viết "chán
chán làm sao", tôi cũng muốn biết cái "chán chán làm sao" là thế nào. Có ai
giúp tôi không?
- Có thể hình dung thế nào về Nguyễn Ngọc Tư?
- Tôi không mê cải lương. Tôi chỉ thích thú với nghiệp của
người nghệ sĩ. Họ có thể sống nhiều cuộc đời, nhiều vai diễn khác nhau. Còn
tôi, hình dáng buồn cười, thô mộc, quê mùa, không trau chuốt. Hai mươi bảy
tuổi vẫn yêu, vẫn tin rằng cuộc đời này màu hồng (mà tới một cái tuổi nào đó
sẽ thấy nó đen thui) nên vẫn thích viết về những người tốt. Có điều những
người đó sẽ không sung sướng vì tôi nghĩ, tốt mà được đền đáp thì người đời
rủ nhau đi sống tốt hết rồi.
- Chị nghĩ mình là người viết dễ hay khó?
- Người ta bảo tôi viết văn dễ như ăn cháo. Nhưng thấy vậy
mà không phải vậy đâu. Sẽ đến một lúc nào đó, một tuổi nào đó, biết đâu tôi
sẽ thay đổi cách viết. Còn bây giờ thì chưa.
VietnamNet 06/07/2003
Nguyễn Ngọc Tư: "Tôi thèm ai đó 'quất' cho mình vài
roi"
Với 17
truyện ngắn xinh xắn trong tập Giao Thừa, nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư trở lại
với giọng văn mộc mạc và trong trẻo, nhưng nỗi buồn nặng hơn. Tất cả như thể
hiện cô thèm được nói, được viết về cuộc sống quanh mình. Và thèm cả ai đó
"quất cho vài roi" để thấy rằng mình đang viết "chán chán thế nào".
- Nhận giải Nhất Văn học tuổi 20 năm 2000 với tập
truyện "Ngọn đèn không tắt", 3 năm sau ra tập "Giao Thừa", Tư đã ngấp nghé
tuổi 30. Điều ấy có thay đổi gì trong quan niệm sống và viết không?
- Chỉ một chút thôi. Tôi có cảm giác mình bây giờ viết
buồn hơn lúc trước.
- Đọc truyện của Tư cứ xuôi đi mải miết bởi cách viết
hồn nhiên, giản dị và dễ thương. Tư có cho rằng đó là thế mạnh của mình?
- Không, tôi muốn viết tinh tế, sâu sắc, góc cạnh hơn
(dường như các nhà phê bình cũng thích thế). Nhưng khổ nỗi, tạng tôi nó vậy,
phong cách viết tự nó vậy, chữ nghĩa cũng tự "chảy" ra như vậy.
- Tư từng nói "tôi nghĩ đến ứ đầy rồi viết", từ "Ngọn
đèn không tắt"sang "Giao Thừa", bắt gặp những cái tên lặp đi lặp lại: Chị
Diệu, Diệu; con San, anh San; ông già Chín...; và những cảnh đời: toàn người
chất phác, hồn hậu, tốt bụng vô ngần, vậy mà chẳng ai được sung sướng. Gấp
truyện lại chỉ còn một nỗi buồn rất lạ! Vậy có thể hình dung cuộc sống quanh
Tư như thế nào?
- Hình dáng buồn cười, thô mộc, quê mùa, không trau chuốt
(nên tôi lười cả việc đặt tên cho nhân vật của mình). Hai mươi bảy tuổi vẫn
yêu, vẫn tin rằng cuộc đời này màu hồng (mà tới một cái tuổi nào đó sẽ thấy
nó đen thui) nên vẫn thích viết về những người tốt. Có điều họ không sung
sướng vì tôi nghĩ, tốt mà được đền đáp thì người đời rủ nhau đi sống tốt hết
rồi.
- Các cuộc phê bình cây bút trẻ yên lặng quá. Thiếu
người trẻ viết phê bình đã đành, người già thường có cái nhìn không thiện
cảm với cây bút trẻ là một nhẽ, nhưng vẻ như truyện ngắn thời gian qua chưa
tạo được chú ý. Có lúc nào Tư thèm được một nhà phê bình nào đó "quất" cho
mình vài roi để lớn lên?
- Thèm. Tự soi gương không bao giờ nhìn thấy hết những
khiếm khuyết của mình. Đôi lúc nghe bạn bè cằn nhằn lúc này Ngọc Tư viết
"chán chán làm sao", tôi muốn biết "chán chán làm sao" là thế nào? Có ai
giúp tôi không?
- Có thể hy vọng ở những tập truyện mới dày hơn, khác
hơn, thậm chí là tiểu thuyết ở Tư không?
- Sẽ đến một tuổi nào đó, một cú sốc nào đó, hay đến lúc
bạn nói bạn chán cách viết của tôi rồi, biết đâu tôi sẽ đổi thay. Nhưng bây
giờ thì chưa.
(Theo Tiền Phong)
VNExpress 20/9/2002
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và niềm
vui làm mẹ
Tác giả của tập truyện ngắn "Ngọn đèn
không tắt" được giải thưởng văn học năm 2001 đang tràn ngập hạnh phúc bên
cậu con trai kháu khỉnh mới 3 tháng tuổi. Chị nói rằng sinh con chính là
viết một tác phẩm dài hết đời mình. Dưới đây là cuộc trò chuyện với nhà văn.
- Cuộc sống của chị có thay đổi gì so với trước đây?
- Tôi vẫn giữ nhịp sống tương đối bình thường, tất nhiên
là có bận rộn hơn, sáng vẫn đến cơ quan, chiều về nhà đọc sách báo. Tôi để
máy tính ở bên nhà ngoại, mỗi khi về đó lại ngồi vào vị trí quen thuộc để
viết như ngày nào.
- Lập gia đình rồi làm mẹ, liệu phong cách viết của chị
có bị già đi?
- Tạng tôi nuôi tới Tết Lào cũng không già được,
mấy người đồng nghiệp của tôi nói như vậy. Cho nên, tôi vẫn viết với giọng
điệu vốn có trước đây.
- Chị nghĩ sao khi nhiều độc giả chọn chị là thế hệ kế
tục Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam?
- Tôi nghĩ, sau hai tác giả này không chỉ có riêng tôi nối
tiếp giọng văn Nam Bộ, nên đừng chất lên lưng tôi gánh nặng kế thừa. Tôi chỉ
là hạt bụi mà bác Nam, cụ Chánh là non cao.
- Chị hãy nói một chút về ông xã?
- Anh ấy là thợ kim hoàn và là bạn thân của anh trai tôi.
Dường như tôi có quý nhân phù trợ nên thường gặp nhiều chuyện tốt lành.