Nguyễn Ngọc Tư:

Tôi như kẻ đẽo cày giữa đường

Võ Đắc Danh thực hiện
(Người Đô Thị, số 35)

 

Khác với Cánh Đồng Bất Tận, Gió Lẻ của Nguyễn Ngọc Tư từ khi đăng tải nhiều kỳ trên Sài Gòn Tiếp Thị cho đến khi xuất bản thành sách, đã có nhiều sự cảm nhận khác nhau. Đó cũng là một vấn đề thông thường trong đời sống văn học, đặc biệt là đối với một tác giả trẻ được xem là người của công chúng như Nguyễn Ngọc Tư.  Dù cho cảm nhận ở góc độ nào đi chăng nữa, thậm chí khắc khe, lo ngại thì cũng là một tình yêu, sự quý mến mà công chúng dành cho cô.

- Gió lẻ, từ khi đăng tải nhiều kỳ trên Sài Gòn Tiếp Thị cho đến khi in sách, Ngọc Tư đã đón nhận sự phản hồi từ phía bạn đọc như thế nào?

Tôi cười khi bạn bảo, đọc lần thứ hai mới hiểu. Tôi cười khi bạn nói, nó giống như bài thơ. Tôi cười khi bạn bảo, nó chẳng giống tôi chút nào. Tôi cười khi bạn nói, sao không viết truyện nào vui vui, gì mà buồn quá… Đứa con này đã ra đường rồi, người ta nhìn nó và cảm nhận nó, đối xử với nó thế nào không còn nằm trong tầm tay tôi.

- Sáng nay tôi ngồi với anh em đồng nghiệp trong quán cà phê Bông Giấy, Ngọc Tư lại trở thành sự quan tâm, bàn luận của mọi người. Có người nói qua Gió lẻ, thấy Ngọc Tư vượt hẳn lên so với CĐBT về phong cách và ngôn ngữ, có người không đồng tình, cho rằng qua Gió Lẻ, Ngọc Tư không còn là đặc sản của một vùng đất đã làm nên Nguyễn Ngọc Tư. Từ phong cách, ngôn ngữ, chi tiết . . . đã mất đi bóng dáng của CĐBT, trong khi hai nhà văn lão thành Sơn Nam và Trang Thế Hy suốt một cuộc đời chẳng những không thay đổi mà càng làm đậm thêm phong cách. Ngọc Tư có suy nghĩ đến điều nầy?

Xin hỏi lại, Gió lẻ không còn bóng dáng của CĐBT hay bóng dáng tôi? Bởi nếu cần bóng dáng của CĐBT thì tôi không cần viết một cái bản sao CĐBT khác. Còn bạn đang nhắc tới bóng dáng tôi thì CĐBT không đại diện duy nhất cho tôi. Mười năm tôi viết những cái mà người ta thích, giờ tôi viết những gì chính mình thích. CĐBT, hai ông Sơn Nam và Trang Thế Hy cũng không thích đâu. Mà, đem tôi so sánh với hai cây đại thụ này thì chẳng phải là … ăn hiếp tôi sao? Cứ mỗi lần cái cây nhỏ này ra một nhánh mới, mọi người lại kêu lên, nhánh này không ổn, nó làm cho cây nhỏ không giống cái tàng của mấy cây kia. Sao bạn nghĩ rằng tôi muốn lớn giống hệt như hai nhà văn mà tôi yêu quý?

- Có chút hiểu lầm ở đây: Bóng dáng CĐBT ở đây là phong cách, là ngôn ngữ, là giọng điệu của Nguyễn Ngọc Tư. Cũng không ai bắt cô phải giống hai nhà văn lão thành của chúng ta. Ý tôi muốn nói có những nhà văn giữ suốt đời một phong cách viết, một giọng điệu kể chuyện, trong khi Ngọc Tư qua CĐBT và Gió Lẻ là hai Ngọc Tư hoàn toàn khác nhau? Và, theo Ngọc Tư thì viết cái mà  người ta thích với viết những gì chính mình thích đã tạo nên hai phong cách đó?

Bạn thấy có hai tôi khác nhau sao? Lạ thiệt, mấy hôm trước, một người bạn tôi lại bảo với Gió lẻ tôi chưa thóat được (sao bạn ấy lại nghĩ là tôi muốn thoát?), vẫn là tôi của năm xửa năm xưa ấy. Điều đó có nghĩa, cách cảm thụ của mỗi người có chút khác nhau. Tôi như một kẻ đẽo cày giữa đường, ai qua cũng ngó nghiêng chỉ trỏ một tí. Cái tôi thấy buồn không phải vì những lời chân thành của bạn, mà là tôi thấy mất tự do. Mọi người cứ gào thét đòi tự do sáng tác, nhưng lại băn khoăn trước việc cô ta viết như cô ta thích.

-  Ngọc Tư muốn nói gì qua hai từ Gió lẻ được dùng để làm nền cho câu chuyện?

À, tôi thích gió. Nó thơ mộng, bảng lảng, khó nắm bắt. Tôi lớn từ xứ gió, mà gió Nam gió chướng gì cũng đẹp, nên bị ám, viết gì cũng cho gió thổi. Thật ra tôi có thể viết Nắng lẻ, hay Mây lẻ, nhưng những thứ này không… lạnh, khi tôi đang nói tới cái cô độc hiu hắt của cuộc đời. 

-Thật tình mà nói, CĐBT đã lôi cuốn mọi tầng lớp bạn đọc, từ tiểu thương, nông dân, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ . . . tùy theo trình độ của mỗi người mà có cách cảm khác nhau. Ở đó, người ta thấy một Nguyễn Ngọc Tư gần gũi, mộc mạc mà sâu sắc. Từng chi tiết, từng cử chỉ và từng lời thoại của các nhân vật mang đậm màu sắc của một vùng đất. Nhưng Gió lẻ, nếu so với CĐBT thì có một khoảng cách rất xa, rất kén chọn người đọc bởi thủ pháp “montage” và sự phù phép về chữ nghĩa?

Cho đến câu hỏi này là tôi đã thực sự nhìn thấy một bi kịch, là bạn đọc cứ trải chiếu ở cái chỗ cánh đồng bất tận và muốn tôi ngồi uống rượu mãi ở đó. Trong khi tôi muốn đi và thực sự đã đi rồi. Tại sao tôi cứ lẩn quẩn ở cánh đồng đó trong năm năm, mười năm và hai ba mươi năm nữa, mà không được đi uống rượu, ngắm cảnh ở không gian khác. Tôi biết, cái chỗ tôi muốn tới và thích tới không đông đảo người chờ đợi và chúc tụng, nhưng tôi tự hào là mình cũng chịu dời chân khỏi cái hào quang cũ mà đi.

- Không ai muốn Ngọc tư ngồi nhậu mãi một chỗ, Ngọc Tư có thể nhậu từ trên rừng xuống biển, nhậu từ Bắc vào Nam, hoặc xa hơn nữa, nhưng dù nhậu ở đâu thì cũng nhậu theo kiểu của Nguyễn Ngọc Tư?

Vẫn cứ khô khoai và rượu nếp à?  Vẫn cứ xếp bằng trên chiếu? Tháng trước qua tôi lỡ ngồi ở Lào, nên tôi không nhậu được bởi ở đó tìm không ra khô khoai, cũng chẳng rượu nếp. Tháng trước nữa tôi nằm ở Tam Đảo, bạn đi cùng chỉ mang theo rượu mà không có khô khoai, vậy là tôi ngồi không, chết thèm?! Tôi muốn tùy nghi, sống và viết, theo đúng như bản chất thất thường vô chừng của mình. Tôi biết không ít người đang băn khoăn bởi ý nghĩ, họ đã mất tôi rồi. Nhưng tôi đi đâu đó không có nghĩa là không quay lại. Con cá quẫy để khỏa bèo vì nó cần thở ở một khoảng rộng hơn. Tôi cũng vậy.

- Xin hỏi một câu hơi vô duyên, điều gì khiến Ngọc Tư viết Gió Lẻ, một câu chuyện dường như không có không gian và cả thời gian?

Ủa, có phải phóng sự ký sự đâu mà phải nhất định có không gian thời gian? Tôi đã từng gặp những câu hỏi kiểu như, viết cái truyện đấy thì nguyên mẫu ở đâu? Trời, tôi nói dóc kiếm tiền mà. Lần này tôi nói dóc hơi… quá, giống như kể lại giấc mơ

Hồi nhỏ tôi mê phim kiếm hiệp, truyện kiếp hiệp, có mấy anh chàng hiệp khách cứ rày đây mai đó, gặp ai yêu nấy, gặp ai đánh nấy, tôi khóai. Hai năm gần đây, tôi cũng thường hay đi, đi bụi, gặp tối thì ngủ, gặp đói thì ăn. Và thời gian phần nhiều trên những chiếc xe đò, tôi nghĩ về một câu chuyện về cuộc đi bất tận của những người không tên tuổi…

- Gamzatov từng nói:“Văn học không có ranh giới, nhưng nhà văn phải có quê hương”. Và chính ông đã làm cho cả thế giới nầy biết đến cái làng Đaghextan nhỏ bé của ông. Với những tác phẩm đã qua, Ngọc Tư đã tạo nên dấu ấn trong lòng bạn đọc cả trong và ngoài nước về một vùng đất. Có bao giờ cô nghĩ rằng mình sẽ làm đậm thêm dấu ấn đó không hay tiếp tục dắt bạn đọc đi nhậu khắp cùng trời cuối đất?

Trời, lại một ông già vĩ đại nữa. Tôi không biết bạn nghĩ về lời của ông nhà văn ấy  thế nào, nhưng tôi hiểu câu đó theo cách tôi đang làm. Tôi 31 tuổi, điều tôi quan tâm không phải là cái thành tựu vĩ đại mà ông ấy có, tôi chỉ nghĩ, khi ông trạc tuổi tôi, thì ông làm gì và nghĩ gì, vật lộn với cuộc viết lách như thế nào? Tôi muốn biết ông ấy đã từng làm – cách - nào để có được sự vĩ đại đó. Có hoang mang không? Có băn khoăn không? Có mệt mỏi không? có trống rỗng không? có dò dẫm tìm đường không? có thấy chật chội không?

- Xin cảm ơn Ngọc Tư về cuộc trò chuyện qua mạng nầy.  Chúc Tư tiếp tục “mẹ tròn con vuông” cả hai nghĩa!

 

Đăng trên Người Đô Thị, số 35

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

Bản do Võ Đắc Danh gởi
Lên trang này ngày 27-10-08