NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT
 CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ
QUA TẬP TRUYỆN CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN

Trần Thị Dung
Khoa Ngữ văn - Đại học Vinh - Nghệ An

Trong Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã xây dựng được một thế giới nhân vật có tính cách, số phận riêng khá độc đáo. Quả thật, những nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư luôn gây cho chúng ta những day dứt, ám ảnh khi đọc xong tác phẩm. Phần lớn những nhân vật trong tác phẩm của chị đều thuộc vào những kiếp người bình thường nhỏ bé, nhưng lạ thay họ đều không hề tầm thường; thậm chí không ít nhân vật có sự hi sinh đầy cao thượng, có tính cách có thể nói là cao cả. Ngoài ra, điều chúng ta ít ngờ tới, đó chính là những con người lao động bé nhỏ kia, lại có thể là kẻ suốt đời ôm mộng, chạy theo một niềm say mê của mình. Do đó, tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư trong Cánh đồng bất tận sẽ góp phần giúp chúng ta đánh giá đúng những sáng tạo của chị trong truyện ngắn.

1. Trước hết, Nguyễn Ngọc Tư đã đặt nhân vật trong các tình huống để các nhân vật tự bộc lộ bản chất, tính cách của mình. Liên quan đến điều này có thể nói các truyện của Nguyễn Ngọc Tư đều xây dựng trên các tình huống truyện. “Tình huống truyện là toàn thể những sự việc xảy ra tại một nơi, trong một thời gian hoặc một thời điểm”. Chính tình huống nó tạo thành các tứ riêng, làm nổi bật điều mà nhà văn muốn gửi gắm cũng như bản chất của nhân vật.

Chẳng hạn đó là tình huống khi con Cải làm mất trâu vì sợ đòn mà trốn nhà nhưng mọi người xung quanh lại nghi ngờ ông Năm Nhỏ - bố dượng chính là thủ phạm giết con. Không chịu nổi ánh mắt ngờ vực của mọi người và chính vợ mình, ông đã quyết tâm ra đi tìm cho được con Cải. Qua mười hai năm rong ruổi trên khắp các nẻo đường, tìm đủ mọi cách để mong tìm được con, mãi mà vẫn không có tin tức gì nhưng ông Năm Nhỏ không hề nhụt chí. Thậm chí, ông còn có “sáng kiến” là ăn trộm trâu để được lên truyền hình nhắn lời tìm con. Đặt ông Năm Nhỏ trên nền tình huống đó Nguyễn Ngọc Tư đã cho ta thấy được trọn vẹn tấm lòng yêu thương con tha thiết cũng như tính cách kiên trì, sự quyết tâm muốn chứng minh sự trong sạch của mình của ông Năm Nhỏ.

Trong truyện Nhà cổ đó là tình huống hai anh em Tứ Hải, Tứ Phương “đều lặng lẽ để bụng yêu chị Thể”. “Nhưng nhường qua nhường lại mãi không ai chịu mở lời”. “Tốt nghiệp trung học xong anh Tứ Phương xung phong đi bộ đội, đi mà không nói gì với chị Thể, tôi cứ nằng nặc đi theo hỏi tại sao anh nói “Thương anh Hai quá út nhỏ à. Mười bốn tuổi anh đã thay cha mẹ anh quán xuyến trong ngoài, học hành lỡ dở”. Với truyện ngắn này Nguyễn Ngọc Tư cũng rất chú ý đến việc xây dựng tình huống truyện. Nhân vật bị đặt trong tình huống trớ trêu buộc lòng phải giải quyết được vấn đề đặt ra trong tình huống đó. Chính trong quá trình giải quyết tình huống có vấn đề bản chất, tính cách con người được thể hiện một cách rõ nét. Đặt hai anh em vào trong tình huống này Nguyễn Ngọc Tư đã giúp người đọc thấy được tình anh em thắm thiết và tính cách cao thượng của Tứ Phương.

Anh Hết trong truyện Hiu hiu gió bấc xuất thân từ một gia đình nghèo, mẹ mất sớm, anh lớn lên được là nhờ những người đàn bà tốt bụng trong xóm đã cho anh bú thép. Lớn lên anh và chị Hoài đem lòng yêu thương nhau. Nhưng khi gia đình chị Hoài biết chuyện đã tìm cách để chia rẽ tình cảm của hai anh chị. Trước giọt nước mắt của người đàn bà đã từng cho anh bú thép anh đã hoàn lại món nợ về tình cảm cho mẹ của chị Hoài, anh chấp nhận giả trở thành kẻ phụ tình mặc dù anh có một tình yêu lớn với chị.Trước khi “sang ngang” chị Hoài đã tìm anh Hết để nhìn mặt lần cuối nhưng anh Hết nhất định không chịu rời bàn cờ không chịu ngước mắt nhìn chị Hoài ôm tiếng oan say cờ mà quên cả người yêu. Chỉ có thể là một con người mạnh mẽ, nghĩa cả, tràn đầy tình yêu thương thì mới có thể xử sự như anh Hết.

Cái nhìn khắc khoải là câu chuyện xoay quanh tình cảm của ông Hai đối với người đàn bà mà ông đã cứu giúp khi lỡ độ đường. Dù trong lòng đã có cảm tình với cô Út nhưng khi biết được tin tức của chồng cô, ông ngay lập tức nói cho cô biết, rồi ông quay trở về quyết định dựng lại nhà để ở lại, để chờ đợi ông ôm ấp trong lòng sự hi vọng một ngày gặp lại. Qua tình huống này chứng tỏ ông Hai là con người chỉ biết hi sinh vì người khác, ông hoàn toàn có thể không nói về tin tức của chồng cô út và ông cũng hoàn toàn có hi vọng được sống bên cạnh cô út khi không nói ra tung tích của chồng cô nhưng ông đã không làm như vậy. Cũng vậy trong Mối tình năm cũ ông Mười hiện lên là một người đàn ông vô cùng cao thượng khi Nguyễn Ngọc tư đặt ông trong tình huống ông chứng kiến vợ mình đau đớn khóc thương cho người chồng cũ. Trước sự đau đớn của vợ, ông đã nhẫn nại lau sạch nước mắt trên khuôn mặt vợ mình.

Trong Cuối mùa nhan sắc là tình huống cả đời bà Đào Hồng chờ đợi ông Khanh nhưng khi gặp lại ông ta đã quay gót bởi đó không còn là cái nhan sắc mà ông ta đã từng thương nhớ. Bị sốc trước sự thật phũ phàng bà đã qua đời. Qua đây Nguyễn Ngọc Tư vừa đã khẳng định được tính cách chung thủy của một con người phụ nữ Nam Bộ vừa muốn nói với tất cả độc giả rằng một khi niềm tin, sự hi vọng của con người dù chỉ mong manh nhưng khi đã bị dập tắt thì cái chết luôn là điểm đón đợi gần nhất đối với họ. Quả thực: “bà như trái bầu khô chỉ còn nhờ vào chút chờ đợi mỏng manh của tình yêu thời son trẻ làm cái vỏ cứng cáp ở bên ngoài, rồi cũng có ngày thất vọng xui cái vỏ thấm mưa nắng mục ruỗng đi”. Để khẳng định tình yêu say đắm, chung thủy, Nguyễn Ngọc Tư còn đặt ông Chín Vũ trong tình huống bỏ cả nhà cửa, cha mẹ tình nguyện chấp nhận cuộc sống “ăn cơm quán ngủ sàn diễn” đi theo gánh hát có Đào Hồng, suốt đời yêu thương chăm sóc che chở cho Đào Hồng dù bà lòng bà luôn hướng tới người khác.

Trong Cánh đồng bất tận Nguyễn Ngọc tư cũng đặt nhân vật vào trong những tình huống đầy kịch tính. Trước hết đó là tình huống vợ bỏ theo trai, hận tình người chồng trả thù vợ trên thân thân xác những người đàn bà khác, là tình huống Nương cứu được người đàn bà đang bị người ta đánh ghen đến mức dã man, rồi cả tình huống Nương bị cưỡng hiếp ngay trước mặt người cha của mìn....Qua các tình huống đó ta thấy ông bố nổi lên là một kẻ hận thù đến mức mù quáng; trở thành kẻ tàn nhẫn, bất nhân; còn Nương một cô gái sống trong môi trường vô cùng tăm tối đó nhưng vẫn giữ được tâm hồn đầy tình yêu thương cũng như niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn.

Nếu so sánh chúng ta thấy nhân vất ông bố trong Cánh đồng bất tận có lô gic hành động hoàn toàn khác với những nhân vật trong những truyện khác của Nguyễn Ngọc Tư. Những anh Hết, Tứ Phương, ông Hai, ông Mười, Chín Vũ đều là những con người có lòng hi sinh cao cả. Họ lấy việc quan tâm đến người khác, làm cho người khác hạnh phúc làm ý nghĩa sống của đời mình. Ngược lại, ông bố trong Cánh đồng bất tận lại lợi dụng tình yêu của kẻ khác để thỏa mãn lòng hận thù mù quáng của mình. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tính cách của các nhân vật đó đều nổi bật nhờ cách tạo dựng tình huống truyện.

Có người đã từng nói tình huống truyện như một lát cắt trên thân cây để từ đó ta thấy được cả đời thảo mộc. Thật vậy, tình huống truyện không chỉ là yếu tố thúc đẩy cốt truyện phát triển mà như ta đã thấy nó còn như là “chất xúc tác”, là thứ nước rửa ảnh để từ đó nhà văn tái hiện rõ nét hơn tính cách, bản chất của từng nhân vật. Qua đó phần nào khái quát được bức tranh tính cách của con người trong hiện thực đời sống.

2. Để xây dựng tính cách nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư còn đã rất chú ý đến việc miêu tả ngoại hình. Ngoại hình là một khái niệm nhằm chỉ toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bề ngoài của nhân vật. Đó chính là những nét về diện mạo, hình dáng, trang phục, cử chỉ, tác phong của nhân vật được biểu hiện trong tác phẩm. Chỉ bằng vài nét bút thoáng qua có tính chất chấm phá nhưng Nguyễn Ngọc Tư đã tái hiện, dựng lên chân dung các nhân vật một cách rất rõ nét trước mắt người đọc. Để từ chân dung đó, người đọc có thể nhìn thấu một cách sinh động, trọn vẹn tính cách nhân vật.

Dân gian thường nói: “Nhìn mặt mà bắt hình dong”. Có lẽ rất do rất tâm đắc với với lời dạy đó nên Nguyễn Ngọc Tư đã rất hứng thú trong việc phác hoạ lại hình ảnh các khuôn mặt. Đọc Cánh đồng bất tận, ta dễ dàng bắt gặp cái khuôn mặt “lạnh trơ, bình thản” của Diễm Thương, khuôn mặt “teo héo, sạm đen” của ông Năm Nhỏ trong truyện Cải ơi. Thấy được cả khuôn mặt “trầm lặng mà sâu sắc” của Tứ Phương trong Nhà cổ, khuôn mặt “nhăn nhúm, nám đen” của bà Hồng trong Cuối mùa nhan sắc, khuôn mặt “đen sạm, nhăn nheo” của người đàn bà trong Dòng nhớ, hay “nét mặt âu yếm” của nhân vật chị trong Cánh đồng bất tận.

Thật vậy, khuôn mặt là điểm nhận biết đầu tiên khi người ta tiếp xúc với nhau, là nơi bộc lộ mọi trạng thái cảm xúc vì vậy nó là một phần để người ta nắm bắt tâm lý của nhau. Nắm bắt được điều đó Nguyễn Ngọc Tư đã thể hiện sự thành công đặc biệt của mình khi phác hoạ hình ảnh dễ gợi này.

Từ nhân vật trẻ đến nhân vật già, ai cũng là những nhân vật bất hạnh nhưng khi phác hoạ ngoại hình của nhân vật mình, tuyệt nhiên Nguyễn Ngọc Tư đã không để đặc điểm nhân vật trùng lẫn với nhau. Nói về Diễm Thương, Ngọc Tư miêu tả: “khuôn mặt cũng hay, không đẹp nhưng bình thản, lạnh trơ, vui buồn không ra, đố ai biết nó nghĩ gì”, “mái tóc nhuộm vàng hoe chơm chớm như rễ tre”, “nụ cười héo hắt”. Không miêu tả chi tiết khuôn mặt của nhân vật theo kiểu mắt ra sao, mũi thế nào... Nguyễn Ngọc Tư chỉ khái quát một cách rất chung chung nhưng chỉ cần đọc thế thôi người đọc đã có thể tưởng tượng ra được khuôn mặt lạnh trơ là khuôn mặt thế nào; nụ cười héo hắt là nụ cười ra sao. Có thể mỗi người sẽ hình dung một khuôn mặt không giống nhau nhưng ở đó đều toát lên một điểm chung đó là tính cách rất lạnh lùng, bất cần đời nhưng ẩn bên trong lại là yếu đuối, đau khổ.

Trong Biển người mênh mông, ta thấy ngay từ thủa nhỏ Phi là một cậu bé có cuộc sống rất buồn, không cha, mẹ thì theo chồng đi ở nơi khác. Ở với ngoại, hai bà cháu dành trọn tình yêu thương cho nhau nhưng từ khi ngoại mất đi Phi trở thành một con người “ăn vận lôi thôi, quần jean bạc lỗ chỗ, te tua, áo phồng dài quá mông, râu ria rậm rạp móng tay dài tóc dài. Từ hồi nào muốn soi kiếng phải lấy tay vẹt mớ râu tóc như người ta vẹt bụi ôtô”, chỉ qua ngần ấy chi tiết ta cũng có thể hình dung ra một con người phớt đời, phong trần có phần bụi bặm.

Cũng là một thanh niên trẻ tuổi nhưng Tứ Phương lại rất khác với Phi: “Cao ráo, thanh mảnh miệng nhỏ mắt sâu, ăn nói nhỏ nhẹ’’ nhưng “ôm ốm, mặt mày xanh rơ’ ở Tứ Phương ta không còn thấy nét phong trần, bụi bặm của Phi mà ngược lại, Tứ Phương là con người có tính cách trầm lặng, điềm đạm sâu sắc và chính cái tính cách này đã làm nên con người hết sức tình nghĩa “thương ai thương tới chết mới thôi”.

Bên cạnh những nhân vật trẻ tuổi đó, còn có những nhân vật già hơn nhưng dù tuổi tác như thế nào thì nét mặt, ngoại hình của họ vẫn không thoát được cái khuôn của sự khắc khổ. Người đàn bà trong Dòng nhớ được Nguyễn Ngọc Tư miêu tả “Tóc dài, da ngăm ngăm, không đẹp không xấu; mặc chiếc áo cộc tay màu cau khô ở trong, khoác thêm chiếc áo bà ba ở ngoài mỏng te nhiều mụn vá. Tóc đã bạc nhiều lơ thơ vài cọng rũ xuống mặt. Sương gió đã làm cho khuôn mặt dì đen sạm, nhăn nheo”. Chỉ đọc đến đây thôi đã đủ điều kiện để ta hình dung một ngoại hình đích thị là của con người có cuộc sống lận đận, chịu nhiều mất mát. Mà cũng đúng thật, chồng bỏ đi, con chết, một thân một mình xuôi ngược trên các dòng sông mà trong lòng lúc nào cũng khắc khoải nỗi nhớ chồng, thương con. Một con người như thế tránh sao được những xác xơ, vùi dập của cuộc đời.

Đến với Biển người mênh mông, ta làm sao quên được hình ảnh ông Sáu với “hàm răng trắng trơ, móm mém, mặt già nua với những chiếc xương gồ ra trên thân hình nhỏ thó ốm teo”, “mặc độc một chiếc quần một chiếc quần tà lỏn đã xoăn lại còn ngồi giăt bộ đồ kaki màu cứt ngựa, thân hình nhỏ quắt quằn quật’’. Thân hình vặm vỡ trước kia đã trở thành kỉ niệm quá vãng, bây giờ Sáu Đèo đã trở thành một ông lão già nua, ốm yếu khắc khổ. Đó chính là kết quả do sự tàn phá của thời gian và đặc biệt là sản phẩm của bốn mươi năm quăng quật giữa biển người mênh mông để tìm người vợ yêu dấu của mình.

Miêu tả khuôn mặt, Nguyễn Ngọc Tư đặc biệt chú ý đến việc miêu tả hình ảnh “đôi mắt”, người ta thường nói “ đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Thật vậy, qua hình ảnh một người đàn ông với “cái nhìn khắc khoải” trong một đôi mắt “rân rấn” nước. Chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ ấy nhưng cái “cửa sổ tâm hồn” ấy đã hé mở cho ta thấy nhiều điều về một con người. Đôi mắt ấy đã tự nó đã nói lên được cái khao khát mong ngóng hạnh phúc của một người đàn ông giàu lòng yêu thương.

Cũng với hình ảnh đôi mắt nhưng đôi mắt của ông Mười là “đôi mắt dữ tợn lên, đỏ ngầu dưới hai đám lông mày rậm rịt chớm bạc phát ra nhưng tia nhìn như xoay thấu người khác’’. Mới đọc những chi tiết này có lẽ người sẽ chụp mũ đó là nhân vật dữ dằn, thô bạo. Nhưng thật ra ta phải hiểu được rằng lúc có được ánh mắt ấy là lúc ông đang ở trong tâm thế của một người chồng sẵn sàng che chở, bảo vệ cho người vợ yếu đuối của mình. Đằng sau vẻ dữ tợn đó là một tấm lòng lúc nào cũng lo lắng xót xa cho vợ con. Ông thương vợ và ông thể hiện tình thương đó một cách kín đáo, ông chấp nhận mọi người hiểu lầm ông ích kỉ hơn là việc người ta sẽ khơi lại chuyện cũ bởi ông biết rằng mỗi một lần như thế sẽ lại một lần vợ ông bị nhói đau.

Viết về những người đàn bà buôn hương bán phấn, Nguyễn Ngọc Tư đã không cần tốn quá nhiều công sức khi khái quát về tính cách, nghề nghiệp của họ. Viết về họ, Nguyễn Ngọc Tư đã chớp ngay được “cái con mắt đung đưa’’, “nụ cười tung tẩy trên khóe mắt”. Cái con mắt “đung đưa” “tung tẩy” gợi tình, mời tình ấy cũng đủ giúp ta hình dung được sự phong trần, lả lơi của một kiếp đàn bà. Tiếp đến cụ thể hơn là hình ảnh “mắt và cổ đã nhão”, đặc biệt Nguyễn Ngọc Tư còn vạch cho ta thấy nhưng vết thương toang hoác của cuộc đời mà đã chấp nhận để được ăn trên miếng cơm, manh áo của người khác. Sau trận đánh ghen “môi chị sưng vểu ra xanh dờn; những mảnh thịt mà người ta cấu nhéo tím ngắt’’, “đôi vú rách bươm và khoảng đùi rớm máu” đau đớn ê chề nhục nhã nhưng người đàn bà đó vẫn chấp nhận, như một lẽ tất nhiên khi đã chấp nhận dấn thân vào cái nghề tàn khốc đó. Trước sự đau đớn mà chị phải chịu, trước việc biết được người ta đã đổ keo dán sắt vào cửa mình chị thì một lần nữa để thấy được thái độ của mọi người “bằng việc đặc tả đôi mắt của người cha: “tôi đọc được sự ghê sợ, kinh tởm cồn lên trong mắt cha”.

Nhưng cũng với đôi mắt ấy, ở một hoàn cảnh khác sắc thái cảm xúc mà nó biểu hiện lại khác. Sau khi quyến rũ được người cha chung chạ qua đêm với chị “ cha tôi chỉ lạt lẽo nhếch cười...Cha đưa cho chị một ít tiền ngay trong bữa ăn cơm khi nhà đủ mặt, “tôi trả tiền hồi hôm...” rồi điềm nhiên phủi đít đủng đỉnh đứng lên, sự khinh miệt và đắc thắng no nê trong mắt”. Rõ ràng với cách thể hiện như vậy, người đọc chỉ có thể nhận xét rằng đó đích thị là đôi mắt của kẻ tàn nhẫn, bạc bẽo đến vô lương tâm.

Những tưởng người cha trong truyện sẽ càng ngày càng man rợn nhưng không ngờ với đôi mắt “ầng ậc nước... nhoè nhoẹt” khi chứng kiến con gái mình bị hãm hiếp mà ông không làm gì được đã trở thành dấu hiệu sự trở về của con người thật trong ông. Hình ảnh đôi mắt còn xuất hiện rất nhiều trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư, đó còn là đôi mắt bị bệnh chảy nước mắt sống của Điền. Đôi mắt cứ chảy nước mắt ròng ròng, đôi mắt bị tổn thương sau khi nhìn thấy những hình ảnh không đáng nhìn khi vừa thức giấc trong bồ lúa. Sau khi Điền bỏ đi theo “chị”, Nương vẫn nghĩ về đôi mắt ấy với một niềm khắc khoải khôn nguôi: “không biết nước mắt của nó đã khô chưa hay vẫn rỉ từng giọt như máu tươi”. Hình ảnh đôi mắt cứ chảy nước ròng ròng ảm ảnh từ đầu đến cuối câu chuyện đã thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Nguyễn Ngọc Tư đã cho ta thấy một tâm hồn bị tổn thương, yếu đuối .Con người ta có thể chai sạn với mưa nắng nhưng với những cú sốc tinh thần đặc biệt là cú sốc đầu đời đầu đời thì rất khó dể chữa lành. Cú sốc đó mãi còn để lại những di chứng về sau này.

Ngoài những nét chấm phá rất điển hình để miêu tả một khoảnh khắc trong cuộc đời nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư còn miêu tả ngoại hình gắn với sự biến đổi theo năm tháng. Nhan sắc của bà Hồng không thể chống lại quy luật tàn phai của thời gian. Thời con gái bà đẹp “tới đứng tim người ta’’. Trải qua bao vất vả cơ cực để cống hiến cũng đã đến lúc “đôi môi đã héo queo, mặt nhăn nhúm nám đen, cái cổ cao ngày trước giờ gần như đổ gục vì cái gánh tâm tư mà cuộc đời chồng chất’’ sự thay đổi đó làm cho ông Khanh “đứng chết lặng ngẩn người ra, lòng đau đớn, đó không phải là nhan sắc mà ông nhớ thương chờ đợi ...”.

Nhìn vào thế giới nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư, ta dễ dàng thấy đặc trưng riêng của từng nhân vật. Tuy nhiên toát nên từ tất cả, từ trẻ đến già ai cũng mang trên mình đặc điểm chung, cái nét chung của người nông dân Nam Bộ cơ cực nghèo khổ lam lũ vất vả nhưng giàu tình yêu thương. Những nét tính cách này càng được nổi bật rõ ràng hơn khi ta đặt những nét ngoại hình đó trong sự đối sánh với nhân vật ông trưởng ấp và ông cán bộ xã: “hai khuôn mặt bị nướng dưới ánh mặt trời, bóng nhẫy, tươm mỡ”, còn ánh mắt thì đó là: “ánh nhìn ham muốn như mũi kim thò ra khỏi bọc, lơ láo”. Chỉ cần hai nét cơ bản như vậy thôi người đọc dã có thể hình dung ra sự ứ thừa của những con người tham lam, ham hố.

Như vậy miêu tả ngoại hình Nguyễn Ngọc tư đã không sao chụp máy móc chân dung các nhân vật mà chỉ phác họa tái hiện lại bằng một vài nét thoáng qua có tính chất chấm phá. Song những nét chấm phá ấy lại có ý nghĩa lớn, nó đạt tới giá trị tạo hình, lại vừa có khả năng gắn rất cụ thể nhằm tái hiện một cách sinh động tính cách nhân vật cũng như đã góp phần nêu bật được quan niệm của nhà văn về con người thế giới.

3. Ngoài ra để người đọc có thể thấy được rõ nét tính cách của nhân vật thì Nguyễn Ngọc Tư còn rất chú ý trong việc mô tả hành động của nhân vật. Thể hiện tính cách nhân vật qua miêu tả hành động là một thủ pháp cơ bản trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. “Hành động là những việc làm cụ thể của nhân vật trong các quan hệ ứng xử với các cá nhân vật khác nhau và trong những tình huống khác nhau của cuộc sống’’. Hành động được xem như là kết quả cuối cùng của quá trình nhận thức, quá trình tâm lý, quá trình tình cảm. Qua hành động, Nguyễn Ngọc Tư muốn để cho nhân vật của mình nói lên những suy nghĩ, tư tưởng, trạng thái diễn biến bên trong nhân vật.

Đọc Cánh đồng bất tận người đọc không thể quên được hành động “Người cha cởi áo trên người để đắp cho đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì để có thể che cơ thể nó dưới mặt trời”. Có thể nói một hành động chăm sóc yêu thương đó ông đã bỏ quên từ lâu lắm. Rồi hành động khăn gói bỏ xứ ra đi tìm con của ông già Năm Nhớ trong truyện ‘Cải ơi’’. Hành động đó thể hiện lòng yêu thương, lo lắng cho con. Mặt khác ông muốn ra đi, quyết tâm tìm lại con để minh chứng cho tấm lòng của mình trước sự nghi nghờ của vợ và thái độ dò xét của những người xung quanh.

Rồi hành động hết sức cảm động của ông Mười (Mối tình năm cũ). Khi chứng kiến cảnh vợ đau khổ vì làm phim về người yêu cũ đã mất. Ông đã “nhẫn nại cầm chiếc khăn lau những dòng nước mắt trên khuôn mặt vợ’’. Trước hết ta nhận thấy đây là thấy đây là một hành động tràn đầy tình yêu thương, sự nâng niu, trân trọng đối với người vợ đã chịu nhiều mất mát của mình. Và đằng sau tình cảm ông dành cho vợ là tấm lòng vị tha, cao thượng, ông đã không hề mảy may ích kỉ, nhỏ nhen trước chuyện vợ mình vì một người đàn ông khác mà khóc.

Hành động “khăn gói bỏ xứ ra đi” tìm đứa con riêng của vợ cũng là hành động thể hiện được tình yêu thương vô bờ của ông Năm Nhỏ trong Cải ơi. Thương con lưu lạc, bơ vơ, thương vợ nghẹn ngào trong nỗi sầu lo lắng nhớ mong con, ông quyết tâm tìm lại đứa con ấy. Ngoài ra, hành động quyết tâm ra đi cũng thể hiện lòng tự trọng và sự cố gắng minh chứng cho tấm lòng trong sạch của mình trước thái độ dò xét của những người xung quanh và sự ngờ vực của vợ. Hành động ra đi còn xuất hiện rất nhiều trong tập truyện Cánh đồng bất tận: Sự ra đi của Tứ Phương để nhường chị Thể cho anh trai, hành động nhân vật “má” đi tìm tin tức của người vợ cũ cho chồng cũng là những hành động mà chỉ những con người có tấm lòng vị tha, cao thượng mới có được. Hành động bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ nơi giàu sang để đi theo tiếng gọi tình yêu của ông Chín trong Cuối mùa nhan sắc cũng là hành động rất đáng trân trọng của một con người mạnh mẽ, dứt khoát lấy tình yêu là lẽ sống cả đời của mình. Hay hành động ra đi tìm chồng của cô Út trong Cái nhìn khắc khoải cũng đã thể hiện được tình cảm yêu thương, gắn bó và sự chung thuỷ của người phụ nữ Nam Bộ... Những hành động đều rất nhẹ nhàng nhưng tất cả như đã đều toát lên ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nó.

Mỗi nhân vật khi làm bất cứ một điều gì, hành động như thế nào đều đã thể hiện một phần tính cách của mình. Mô tả hành động của nhân vật, ngoài để góp phần thúc đẩy cốt truyện, Nguyễn Ngọc Tư còn khéo léo thể hiện tính cách nhân vật, góp phần xây dựng nhân vật trong tính hoàn chỉnh của nó.

4. Khi xây dựng nhân vật, để khắc hoạ rõ nét, sống động cá tính của nhân vật thì các nhà văn còn rất chú ý đến những lời đối thoại của nhân vật. Họ đều là những người nông dân Nam Bộ nên trước hết ta thấy họ đều là những con người bình dị. Ngay từ cách xưng hô giữa các nhân vật với nhau, ta thấy họ gọi nhau là: Bây, tía, má, chế, ý, qua... Đó là những cách xưng hô thân mật của những con người xứ miệt vườn Nam Bộ. Cách diễn đạt của họ cũng rặt một kiểu Nam Bộ: “bảnh thiệt, cà lơ phất phơ, cá chốt rỉa, chành miệng, chộ ba bảy chín, đưa chốt qua sông, đã thiệt....”. Họ là những con người chất phác, thường thì nghĩ sao nói vậy. Vậy nên khi tìm hiểu tính cách nhân vật ta không thể bỏ qua những lời đối thoại của nhân vật.

Qua lời đối thoại, ngoài thông tin thể hiện trong lời nhân vật đó ta còn dễ dàng hiểu được cách suy nghĩ và qua đó mà hiểu được tính cách nhân vật. Chẳng hạn trước khi ra đi ông Sáu Đèo đã nói với Phi như sau : “Chú mầy uống đi, buồn gì, hai đứa mình có duyên gặp ở đây, có phải là vui biết chừng bao nhiêu không? Nhưng qua có lời dặn lại, chú em đừng bao giờ uống say quá, chỉ những người sầu muôn mới uống say thôi”. Nếu không phải là con người từng trải, sâu sắc, chu đáo và rất tình cảm thì sẽ không bao giờ thốt ra những câu nói đầy triết lí nhưng rất chân tình và thấm đẫm tình yêu thương như thế.

Tính cách thẳng thắn, trẻ trung, yêu đời, giàu tình cảm của ông Chín trong Cuối mùa nhan sắc cũng được thể hiện rất rõ nét khi ông nói chuyện với mọi người trong quán cà phê.

“Có người hỏi, sao bữa nay không uống cà phê. Ông Chín Vũ cười lắc đầu, cười tiếp với cái vẻ không muốn nói mà thèm nói quá trời đi:

- Để dành tiền mua cho cổ chai dầu thơm.

Ông già trịnh trọng thì thào. Cả quán rộ lên cười:

  • Già rồi mà còn yêu.

  • Mắc yêu thì yêu - ông già cự lại, vẻ mặt sương sướng không giận gì ai.

  • Bây thì biết gì, tình xưa đó, mà, mình thương người ta mà người ta đâu có thương mình”

Trong Cánh đồng bất tận để thể hiện tính cách tàn nhẫn của người cha và sự cam phận nhẫn nhục của nhân vật “chị”, Nguyễn Ngọc tư cũng đã xây dựng những đoạn đối thoại rất đặc sắc. Sau khi diễn tả sự hạnh phúc của chị khi quyến rũ được nhân vật cha qua đêm với mình trong bữa ăn, cha nói: “Tôi trả tiền hồi hôm…” Chị nhét tiền vào trong áo ngực, cười “Trời ơi ba mấy cưng sộp quá chừng”

Rồi một lần sau khi chị cố gắng để đàn vịt của ba cha con khỏi bị tiêu hủy, sáng sau gặp ở quầy vịt : “Sao, hồi tối có vui không? Chắc họ tưởng cô là vợ tôi nên hứng thú lắm hả? Cứ để họ nghĩ vậy...”. Chị ngó trân trân vào cha, rồi day qua tôi, chị để rớt từng lời:

- Má cưng ác một, nhưng người cha này của cưng ác tới mười”

(Cánh đồng bất tận)

Qua đó ta thấy lời đối thoại cũng là một phương tiện nghệ thuật rất đắc dụng để nhà văn xây dựng lên tính cách nhân vật. Qua những lời thoại trong tập truyện, Nguyễn Ngọc tư đã cho ta thấy được rõ nét hơn về lối sống, tính cách của các nhân vật trong truyện.

5. Để khắc hoạ nhân vật trong tính toàn vẹn của nó thì bên cạnh việc miêu tả ngoại hình, Nguyễn Ngọc Tư còn rất chú trọng đến việc miêu tả nội tâm nhân vật. Nội tâm là khái niệm chỉ toàn bộ những trạng thái, suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác, nhưng phản ứng tâm lý của bản thân nhân vật trước cảnh ngộ và tình huống mà nhân vật chứng kiến trên bước đương đời của mình. Yếu tố tâm lý thường được nhà văn xem là một đối tượng nghiên cứu trực tiếp của mình. Muốn khai sinh cho một nhân vật phải nắm bắt được tâm lý của nhân vật. Đây cũng chính là một thử thách đối với nhà văn bời tâm lý của con người không đơn giản, khó nắm bắt. Mỗi người có một tính cách riêng, cách suy nghĩ riêng với những cảm nhận khác nhau về thế giới và con người. Có thể nói thủ pháp được vận dụng thường xuyên nhất trong truyện Nguyễn Ngọc Tư đấy chính là dùng lời nửa trực tiếp. Cụ thể là trong lời kể chuyện của nhà văn đã bao hàm cả giọng điệu, thái độ, suy nghĩ của nhân vật; kể lại câu chuyện bằng chính giọng điệu của anh ta. Chẳng hạn trong truyện Huệ lấy chồng, Khi Điềm ước sau này sẽ gặp được người tử tế, lấy được một người chồng như Thi (người yêu của Huệ) thì “lòng Huệ nghe ấm ran, nó mơ tới một mái nhà sớm chiều khói tỏa, buổi sáng nó rang cơm cho thi lót lòng đi dạy, trưa đón thi về chăm chút nồi canh chua bông súng ăn với cá sặc kho khô ”. Nhưng khi Thi đi lấy người khác Điềm sợ Huệ vì Thi mà làm dại “sợ vậy thôi, chớ Huệ vẫn roi rói, người ta thấy nó không thèm rớt một giọt nước mắt nào như nó với Thi chưa từng có duyên gì với nhau”. Hồi đám cưới Thi, Huệ chép miệng tiếc, phải chi Thi mời... Không được mời nên mới nằm nhà, gió đưa tiếng hát qua đồng lúc gần lúc xa thăm thẳm”. Đến ngày Huệ cũng phải lấy chồng, vẫn qua lời của người kể chuyện ta thấy khi đi ngang qua đoạn gần nhà Thi “nó ngơ ngẩn ngó lên bờ, trong lòng chao chát một nỗi thèm muốn. Nó muốn chạy vô xóm, tới nhà Thi, gặp anh và nói cho anh hay rằng nó hết thương Thi rồi, nó quên anh, quên thiệt ”. Rõ ràng, những đoạn đã dẫn cho thấy nhà văn đã trần thuật lại câu chuyện bằng giọng điệu, nội tâm của nhân vật. Hình thức này khiến cho nhà văn có thể taí hiện tự nhiên dòng tâm tư của nhân vật mà còn khiến tác phẩm biến hóa, nhiều giọng điệu.

Có thể nói nguyễn Ngọc Tư là nhà văn có khả năng nhập thẳng vào nhân vật của mình, thông qua nội tâm của anh ta mà kể lại câu chuyện cho nên rất nhiều tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư lựa chọn hình thức trần thuật theo ngôi thứ nhất, qua nhân vật xưng tôi trong tác phẩm. Độc giả chẳng những lĩnh hội được câu chuyện mà còn thấu hiểu cả những trải nghiệm, suy tư, những cơn sóng tâm hồn của nhân vật kể chuyện. Có thể xem đó là những đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật. Hình thức này cũng khiến cho dòng tâm tư nhân vật hiện lên “tươi rói” trên trang sách. Tiêu biểu nhât cho hình thức này là truyện ngắn Cánh đồng bất tận. Như ta đã biết Cánh đồng bất tận chỉ dài gần 60 trang vậy mà số lần nhân vật Nương, xưng “tôi” dừng lại tái hiện những tâm tư của mình lên tới 15 lần, mỗi lần một suy nghĩ, một trạng thái cảm xúc khác nhau. Trong dòng suy nghĩ triền miên của nhân vật “tôi” thì nỗi nhớ chính là những lớp sóng tâm trạng miên man, cồn cào và giằng xé trong tâm hồn “tôi”. Mỗi lần nhớ, mỗi lần thương, mỗi lần đau “tôi”thường bộc bạch, mổ xẻ suy nghĩ của chính mình.

Bắt đầu từ nỗi nhớ má “suốt nhiều năm sau đó, tôi không dám nhớ má, bởi ngay khi vừa nghĩ đến má thì lập tức hình ảnh ấy lại hiện ra”. Không hề tức giận khi bị cha đánh đòn, “tôi” chỉ ngồi đó tìm ra nguyên nhân xuất phát những trận đòn đó: “Và tôi tự nhớ lại coi hồi sáng này, hồi trưa này mình đã làm gì giống má, kho cá bỏ quá nhiều tiêu? Hay vì tôi buộc tóc nhong nhỏng”; “Tôi cảm thấy mình thất vọng đến rã rời. Những thói quen, những cái gì liên quan đến má tôi phủi gần sạch rồi, nhưng làm sao tôi có thể bỏ được hình hài nầy”.

Rồi khi đứa em trai từ chối sự trưởng thành, ghê tởm những hoạt động sinh lí xác thịt Nương muốn giúp em mà không làm gì được bởi “Tôi muốn kêu lên, tiếc là sự thất học khiến tôi không thể diễn đạt bằng lời. Tôi không chắc chắn lắm nhưng tình dục và xác thịt không xấu xa, không đáng bị khinh bỉ, không phải là nguyên nhân đến cuộc sống nầy với những đổ vỡ nầy…”.

Sau này khi Điền đã bỏ đi theo chị mỗi khi qua những xóm kinh, Nương “thường ngóng lên bờ xem có được gặp chị với Điền không”. Những lúc đó Nương nghĩ: “không biết em tôi có đuổi kịp chị hay vẫn tiếp tục kiếm tìm. Không biết nó đã đánh thức được bản năng, đã tìm thấy nhục cảm, đã thèm muốn chưa. Không biết nước mắt của nó đã khô chưa hay vẫn rỉ từng giọt máu tươi”.

Đến đoạn người cha nhắc tới chuyện lấy chồng thì trong đầu Nương xuất hiện hàng chục câu hỏi tự vấn. Những suy nghĩ của Nương bật ra như lời đối thoại với chính độc giả, với trời, với đất và với chính bản thân mình: “Tôi biết lấy ai trong số đó? Lấy một người cắm mặt xuống đất, mệt nhừ với vườn ruộng để mỗi khi giáp hạt tôi nghe thấy tiếng cạo cơm cháy của con, tiếng muỗng dừa vét gạo dưới đáy mà rát bỏng trong lòng? Hay tôi sẽ chọn một người chăn vịt, mê mỏi với chuyến đi xa, sống hờ hững tạm bợ, thấp thỏm với rủi ro và đến một lúc nào, tôi ôm con nghe đêm của mùa gặt thật dài với tiếng rúc rích của người chồng già nua. Tôi lấy ai bây giờ, một người thợ gặt? Một anh chạy đò?” .

Đến tận khi truyện đi đến đoạn kết thì Nương vẫn không ngừng bộc lộ những dòng suy nghĩ chảy tràn của mình: “Trời ơi, tại sao tôi không nhận ra điều đó ngay lúc ấy…”. Ttong hoàn cảnh hết sức thương tâm đó Nương nghĩ: “Ước gì cha tôi hiểu để mà thanh thản”.

Người đọc không thể ngờ được 17 tuổi mà Nương lại có những dòng suy nghĩ, những câu tự vấn sâu sắc đến thế về cuộc đời. Quá khứ, hiện tại, tương lai nó cứ đồng hiện, chất chứa thành một khối trĩu nặng với đầy đủ những sự day dứt cho quá khứ, dằn vặt về hiện tại, lo lắng cho tương lai. Sự trưởng thành, già dặn quá sớm của nhân vật chỉ có thể giải thích được bằng chính cuộc sống không người dạy dỗ, sống cuộc sống xa cách con nguời, không được sự quan tâm của cha cũng chẳng được sự chăm sóc của mẹ. Bao nhiêu sự trăn trở, lo âu về cuộc sống không biết giải bày cùng ai cho nên nhân vật luôn sống với những dòng suy nghĩ triền miên là điều tất yếu.

Khi gặp người đàn bà ở xóm Bàu Sen, lúc đầu cha “trút vẻ lầm lũi” vốn có. Sau đó khi đã rủ chị bỏ nhà, bỏ quê để theo cha thì vừa mới đi được một đoạn đường cha quăng chị lại “cười dữ dội,đau đớn, hoang dã, cay đắng, nghiệt ngã. Cái cười thật dài, riết lấy khuôn mặt cha, làmmắt cha hơi lồi ra, ánh lên như có nước”. Càng ngày cha càng “xanh xao, lạt lẽo, ngơ ngác và cô đơn”... Qua lời kể của đứa con gái, tâm lí người cha càng ngày càng ghê sợ “không còn một chút cảm xúc nào, nét mật tràn ngập những rắp tâm, chưa gặp mặt đẫ tính chuyện phũ phàng”. Nhưng sau tất cả những điều đó đứa con gái vẫn hiểu rằng bên trong tâm hồn cha là “một hố sâu thăm thẳm, bến bờ mịt mù, chơi vơi, dễ hụt chân”.

Qua đây ta thấy Nguyễn Ngọc Tư đã khéo léo linh hoạt tìm ra những phương thức sát hợp nhất thể hiện sắc nét nhất dòng tâm trạng, cảm xúc, những suy tư, trăn trở... trong nội tâm của từng nhân vật. Nội tâm vốn là là yếu tố không dễ nắm bắt nhưng với tài năng, sự nhạy cảm và tấm lòng gắn bó sự chân thành của chính bản thân mình với tất cả mọi người, Nguyễn Ngọc Tư đã dễ dàng đột nhập, khám phá nội tâm từng nhân vật để người đọc hiểu, thông cảm và trân trọng những tất thảy con người đó. Qua việc đi sâu khám phá nội tâm của các nhân vật Nguyễn Ngọc Tư như thêm một lần nhắc nhở người đọc, giúp người đọc có thêm được một kinh nghiệm sống, mỗi người chúng ta nên có được một cái nhìn quân bình hơn trong cuộc sống này.

Như vậy từ việc đặt nhân vật vào trong các tình huống có vấn đề, từ việc miêu tả ngoại hình, mô tả hành động, dựng lên những đoạn đối thoại và đặc biệt là việc khám phá đời sống nội tâm của nhân vật... Nguyễn Ngọc Tư đã xây dựng lại những hình tượng nhân vật của mình trong tính toàn vẹn nhất trước mắt người đọc. Thật vậy, từ thế giới nhân vật của mình, Nguyễn Ngọc Tư đã dễ dàng chuyển tải được toàn bộ những ý đồ nghệ thuật sâu xa của mình

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Ngọc Tư, (2005), Cánh đồng bất tận, (tập truyện), Nxb Trẻ

2. Hoàng Phê (chủ biên), (2004), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.

3. Trần Đình Sử (1999), Dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục

4. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn hoc, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

Lên trang này ngày 12-5-10
Bản của tác giả gởi