“BÀ GIÀ ĐI BỤI”- THÊM MỘT TRUYỆN NGẮN HAY CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ
Tô Hoàng
“Ngồi ở ngoài hiên có thể ngửi được mùi biển cả. Hoa cúc dại mọc liếm lên thềm.Ngôi nhà của tụi mình không cần rộng, chỉ cần kê vừa một cái giường và gian bếp. Ở đó có ông già hơi lãng đãng, đôi khi lấy điện thoại di động khuấy cà phê, hay ngồi nhìn mây khi tivi hết chương trình thế giới động vật. Ở đó có bà già hí húi cọ nồi, lâu lâu với tay ra sau tự đấm lưng. Radio mở rọt rẹt chương trình ca nhạc cải lương cuối chiều,miệng bà cằn nhằn tối qua không ngủ được vì ông già ngáy dữ quá. Đêm nay tôi sẽ thủ cục muối hột, cứ há họng ra ngáy là tôi thả vô miệng cho mặn thấy mồ tổ. Mặt ông già tê mê, khoái chí nói bà cằn nhằn cũng có duyên, y như hồi xưa vậy, thiệt chẳng bõ công tôi bỏ xứ theo bà”. Nhận ra ngay thứ văn chương người trong cảnh, cảnh trong người tinh tế, hóm hỉnh, nồng ấm của Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng vấn đề cũng không chỉ ở đó. Điều khiến ta sửng sốt bởi văn chương xứ mình từ xửa xưa tới tận hôm nay hình như cũng chưa tìm ra, chưa ai phác dựng được bức tranh về một tổ ấm hạnh phúc của những người mãn chiều xế bóng như vậy? Thực hiện một cú montage của điện ảnh hiện đại, đặt người xem trước một điều không ngờ, tiếp ngay sau đoạn văn trên, tác giả cung cấp thông tin: “Bức tranh đó hai mươi năm trước ngoại và bồ cùng tô vẽ, mỗi khi hò hẹn”. Ngoại và bồ của ngoại? Ngoại có bồ? “Bà già đi bụi” không cần kể lể ông ngoại đã mất, bà vợ người tình của bà bây giờ cũng đã khuất núi; tác giả cũng không non tay sa vào một câu chuyện lâm ly, sướt mướt rằng anh rằng em là hình bóng lý tưởng để những năm tháng cuối đời sự run rủi nào đưa họ tới bên nhau, thì những gì muốn dành cho nhau đã là chuyện ngoài tầm tay với. Truyện kể cho ta nghe những điều còn quan trọng, cần thiết hơn. Rằng, dù ở tuổi đó từng ấy năm trước và ở tuổi này từng ấy năm sau, bà ngoại và ông bồ của bà vẫn trêu đùa từng nét ăn nét ở khi đã về già của nhau; vẫn nhớ nhung nhau khi chiều sập xuống, nắng hửng lên; vẫn chưa hề biết mệt, biết chán đường xá xa xôi, đò xe cách trở trong những lần “đi bụi” để tìm tới nhau mong được sống bên nhau. Và còn điều này, cả hai đều yêu thích vẻ đẹp và sự khoáng hoạt của thiên nhiên, tâm hồn còn trẻ trung chán vì cả hai đều thích xê dịch: “Đây đèo Gió, bồ bảo chúng ta sẽ đến đây mượn một căn nhà sàn của người Nùng, tụi mình làm nương tỉa bắp. Chừng bẻ đợt bắp đầu tiên mình đốt lửa nướng ăn một bữa no nê, rồi gói ghém hành lý ra đi. Mình trồng nhãn, mít ở những nơi mình đến mà không chờ hái trái. Mình đi sâu vào đồng bãi ghi lại những câu hát hồi xưa, nếm thử những món ăn quê xứ người. Cũng có thể mình nhận chăn vịt chạy đồng. Ta bà đây đó, làm lụng cho vui, cho cơ thể vận động thôi, vì sẽ sống bằng đồng tiền dành dụm từ bây giờ”. Ta bà đây đó, chứ không phải Anh và Em đây đó.. Cảm nhận ra, biểu hiện dược những trăn trở, những khát khao, những nghĩ suy còn sống động, tươi tắn, còn phập phồng nhận và cho - tức những gì “chưa chịu già” ở những con người đang “lão hóa”, đang chịu sự đào thải tự nhiên - đó mới chính là thái độ đồng cảm, biết trân trọng lớp người tuổi tác ở ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư. Từ đây, chúng ta sẽ hiểu vì sao nhà văn như ấp ủ, như nâng niu, chằm bẵm trên bàn tay mình cuộc tình cuối đời của “Bà già đi bụi” . Đọc “Bà già đi bụi” những ai quen thẩm định văn học theo kiểu chẻ sợi tóc làm tư hoặc những người quen cao giọng lấy luân lý đạo đức ra để hù dọa thiên hạ có thể sẽ nhíu mày, lắc đầu: “Già mà không trót đời..”. “Con cháu đầy đống đầy đàn còn bày trò nhăng nhố!” ...v..v…Tôi tin rằng Nguyễn Ngọc Tư không cần đóng cọc, vây rào trước cung cách xem xét, nhìn nhận như vậy. “Bà già đi bụi” đã thực hiện được ước muốn của bà bao nhiêu lần cả thẩy rồi ?Thương bà ngoại quá đi thôi, hình như số lần bà ngoại đi trọn một chuyến xe, chuyến tầu như dự định (để gặp “ bồ” cho dù chỉ là dăm ba ngày )rất thưa thớt, rất ít ỏi nếu so với những lần khăn gói ra đi mà không thành. Lý do của những lần bà ngoại quay về còn đáng thương hơn. Khi thì phải lộn về vì Gái Lớn đêm hôm trước đau bụng; khi thì do thằng cháu ngoại chơi dao đứt tay, có khi đơn giản chỉ vì trên đường đi bà ngoại chợt nhớ ra chưa ngắt điện thoại…Ông người tình của bà ngoại cũng nhiều lần “thất hứa” vì những lý do tương tự. Cả hai đều bị dằng dịt, bị trói chân trói cẳng vì tình thương, nỗi lo toan từng ngày từng giờ, tháng nọ qua tháng kia cho con, cho cháu. Ông an ủi bà: “Chờ tụi nhỏ lớn”sẽ về sống với nhau.Bà ngoại tỉnh táo hơn: “ Hồi ấy cả ngoại và bồ đều ngây thơ. Cái khái niệm lớn của những đứa con thật ra không dừng lại ở tuổi mười tám, hay ở cái ngày tụi nó dựng vợ gả chồng. Con cái mãi mãi không lớn”. Thế đấy, thì ra cản trở lớn nhất cho những chuyến “đi bụi” của bà ngoại, cho ước mơ được sống những ngày cuối cùng cuộc đời mình “ theo ý mình” chỉ vì bà ngoại của chúng ta mang một phẩm chất chung của những người vợ, những bà mẹ Việt nam-phẩm chất “ cá chuối đắm đuối vì con”. Hiểu ra điều này bạn đọc chúng ta không chỉ ‘tha thứ” chuyện “ đi bụi “ của bà ngoại; mà còn thấy bà ngoại sao đáng thương, đáng trọng thế; bà ngoại đã vì chồng, vì con hy sinh gần hết cuộc đời; nay còn chút niềm vui, nỗi an ủi cuối cùng bà ngoại cũng đành gạt sang một bên- gạt sang bên một cách tự giác, tự nguyện. Chúng ta cũng đã từng ngợi ca những nữ dũng sỹ bám làng bám đất, những nữ anh hùng phá bom mở đường cho xe chạy, những bà mẹ anh hùng. Nhưng liệu đã ai chỉ ra sự hy sinh thầm lặng, vẻ đẹp cao thượng của một người vợ, người mẹ hết sức bình thường, dung dị, trong những lựa chọn và từ bỏ rất tự nhiên, rất người như Nguyễn Ngọc Tư trong truyện “Bà già đi bụi”? Nguyễn Ngọc Tư thuật chuyện “Bà già đi bụi” của mình theo cung cách tự sự-trữ tình. Nếu vậy, ai là người chiếm vị trí chủ thể để kể câu chuyện này? Không tìm ra và đây cũng là điều khá cứng tay trong bút pháp của nhà văn. Lại cũng có thể coi “Bà già đi bụi “ là thứ thơ bằng văn xuôi, bởi lẽ cái đẹp, tính nhân văn, sự hàm súc của chữ nghĩa toát qua từng câu từng dòng; bởi truyện tưởng như một nguồn mạch miên man của ý tưởng nhưng thực ra lại mang một cấu trúc rất chặt chẽ, rất logic. Một ngàn bẩy trăm chữ và thêm vài chữ nữa, mà chứa đựng, mà chở tải được quá nhiều điều cần nói, muốn nói. Mà khiến chúng ta rưng rưng nửa khóc nửa cười; nửa xót xa nửa tự hào.. Và đoạn kết truyện lại thêm một cú montage nữa: “Bạn đường hỏi dì đi chừng nào về. Ngoại bảo chưa biết nữa, đi bụi mà, tới đâu hay tới đó. Nhưng chắc chắn có ghé biển. Bồ đã chờ sẵn. Hải lưu chắc đưa tro của bồ đi khắp góc biển chân trời..” Hãy tin đi bạn ơi, lần này bà ngoại của chúng ta nhất định sẽ thực hiện được ước mơ “đi bụi” của mình.
|