Sa mưa Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư
Không khí ướt đầm vì mưa suốt đêm qua. Chợ xem xép nước. Người mua vắng ngắt. Kẻ bán trùm cao su im lìm như tượng trong làn mưa mờ đục. Gió như tiếng thở dài. Út Chín vẫn ngồi nép bên hông tường của quán cà phê, ngay đầu hẻm. Gối ép vào ngực, tay bâng quơ ngắt lá rau úa. Dáng ngồi không đổi, hệt như lần đầu tiên chị gặp nó, ở chỗ này. Chị nhớ, lúc đó, chị mừng quýnh, kêu giật giọng, “Ê, Út Chín!”. Con nhỏ thảng thốt quay nhìn. Và sự ngỡ ngàng, vui sướng trong mắt vụt tắt, nó cụp xuống, nói chị lầm rồi, tui không phải Út Chín. Không, dù con bạn bây giờ gầy gò quay quắt, dù khuôn mặt đã đen đúa sắt seo, dù nó không nhìn nhận, chị chắc chắn nó là Út Chín. Con nhỏ ở trong xóm ngoại chị ngày xưa, đã cùng chị rong ruỗi qua miền thơ dại. Đã cùng chị hái trái ô rô, đước, hái bông tra, bông lồng đèn… để chơi nhà chòi. Buổi trưa hai đứa trốn ngủ chém vè ra nhà xuồng búng thun. Có dạo hai đứa bỗng dưng mọc ghẻ, bị cạo đầu trọc lóc, cứ nhìn nhau hết khóc rồi cười. Có lần hai đứa đi kéo tép ở hào ranh sau vườn, xớn xác không thấy ổ ong đeo trên nhánh bình bát, Út Chín bị ong nghệ túa ra bu vàng đầu, chị nhào lại dìm nó xuống nước, kéo chạy lên bờ. Bứt cọng môn nước chấm vào những chỗ ong chích để lấy nọc, con bạn khóc vì đau, chị khóc, cũng vì đau. Làm bạn nửa chừng chị thôi ở với ngoại, về chợ. Lâu lâu cũng có người nhắc, ba Út Chín mất, sau nữa nghe Út Chín lấy chồng, rúc sâu trong đồng, trong những kinh rạch chằng chịt. Nhưng giờ Út Chín cúi đầu chối phắt, chị đành quay đi. Bỗng chị nhìn mình, thấy ngột ngạt vì đôi giày cao gót, quần màu kem sang trọng làm nổi bật chiếc áo hồng. Chân bước chần chừ, chị nghe loáng thoáng tiếng Út Chín, như đang phân bua với mấy chị bạn hàng, “em nghèo quá…”. Chị nghe ruột xót cồn cào. Chị quay lại chỗ Út Chín, mua bó rau, ngỏn ngoẻn nói mình lầm. Chị săm soi chê rau xấu rau già, chị cò cưa mặc cả. Buộc lòng. Để Út Chín có thể còn ngồi bán ở chợ này. Để mỗi ngày, chị được nhìn thấy bạn. Để đau lòng nhận ra, nó nghèo thật, nghèo quá (Có lẽ con nhỏ vẫn nghèo y như hồi cùng chơi chung, nhưng chị thì đã khác xưa rồi). Cái áo khoác ngoài lấm lem mủ chuối, đôi bàn tay gân guốc, những đầu móng tay còi cọc đen thui vì nhựa rau muống, bàn chân nhợt nhạt, tái xanh trên đôi dép Lào mòn vẹt đằng gót. Tất cả những cái đó nói chung một thứ ngôn ngữ: “tôi nghèo!”. Và trên chiếc thúng đựng rau bung vành, cái cân giá đã mòn khía… một cuộc mưu sinh tần tảo ngày ngày thầm lặng diễu qua. Nửa đầu mùa hạn thì mớ rau đắng đất, lọn rau muống chị mua còn xanh, sau đi qua Út Chín thấy mặt bạn trĩu lo âu bên mớ rau già, teo ngắt, đỏ au, nách lá ra bông. Chị biết, để tìm hái mớ rau đó, Út Chín đã rong ruỗi cả vạt đồng, tìm những đọt rau ấy mọc len trong cỏ ống, theo bờ mương, bờ ruộng đã sắp khô. Quá nửa mùa, Út Chín bán những con cá giăng lưới hay câu được, rồi sau chỉ thấy trong thau chất những con chuột đồng đã được lột da. Chị biết ao, vũng ở quê đã kiệt nước rồi. Điều đó có nghĩa việc kiếm sống của Út Chín nhọc nhằn hơn. Có những bữa đi làm về, chị thấy nhỏ bạn vẫn còn nấn ná bên mớ bắp chuối, năm ba trái bình bát chín dưới nắng trưa đổ lửa. Chợ tan rồi. Mà chị thì chẳng thể làm gì, chỉ có thể diễn mặt lạnh tanh, nhón ngón tay lăn tới lui mấy cái bắp chuối con con. Thoáng thấy cái nhìn tần ngần, day dứt, lầm lũi của bạn, chị bấm bụng hỏi, “Bớt không? Năm bắp bốn ngàn nghen?” Rồi mùa hạn nặng nề đi qua. Sớm nay sa mưa. Chị xách giỏ qua chợ, ngó Út Chín bỗng nhớ nao nao Út Chín. Nhớ cũng quãng này, hai mươi năm trước, chị với Út Chín rủ nhau đi mò rau muống chìm đìa, những cọng rau nằm dán dưới đáy ao, nước lên rau cũng cố vượt lên theo, cọng non nhuốt, trụi trơ. Nhớ hai đứa đi chận bắt những con cá rô ốm nhằng mình đầy nhớt đi loắn quắn trên liếp chuối. Nhớ cùng nhau đi bắt ốc lát trên đồng, ướt đầm đìa dưới mưa nhưng nụ cười vẫn nhoẻn ra trên đôi môi tái nhợt, cái cười ấm như than đang bắt lửa… Sớm nay, vẫn dầm chung cơn mưa, nhưng chỉ thấy trong nhau những bẽ bàng. Có một khoảng cách vô hình không với tới được… Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư Lên trang này ngày 3-6-2006 |