rơm rạ xốn xang

 

Tạp văn

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

Tôi đã sống trọn một ngày ở thành phố xa lạ đó. Một ngày, đủ để tôi không còn bất ngờ nếu thấy giữa những tòa cao ốc bỗng có mấy ngôi nhà kiểu cổ với những diềm mái cong lên, không ngạc nhiên khi đang đi trên con đường xe cộ tuôn trào gầm gào bất chợt rẽ vào ngỏ hẻm, bất chợt vắng lặng, hanh hao với những hàng rào gỗ, những dây leo, bầy chim sẻ ríu ran trên mái rêu. Đủ bình thản cho tôi, khi ngồi nhìn mấy cậu nhóc nhảy loi choi đọc Rap trong buổi tưởng niệm một nhà thơ nổi tiếng, sau tiết mục ngâm thơ, biểu diễn đàn gayageum... Cả khi lần theo những bậc thang gỗ từ căn phòng lưu giữ những kỷ vật, bút tích của nhà thơ xuống một không gian tưởng niệm khác, dường như tôi đã rất dửng dưng. Nhưng không hiểu sao tôi lại thảng thốt, “Má ơi! Rơm rạ!” khi đẩy cửa bước vào.

 

Trong cái khoảnh khắc đó, tôi quên mình đã ra khỏi biên giới hàng vạn dặm, quê nhà đã quá xa. Không cầm lòng được, bởi vẻ đẹp của những sản phẩm, mô hình tinh xảo được làm bằng cọng rạ sợi rơm được trưng bày ở đây. Những đàn trâu, bầy khỉ, em bé, cụ già, ngôi nhà, đôi giày nhỏ… nằm ngồi lũ lượt trong những gian tủ kính lấp lánh ánh đèn. Không cầm lòng được, vì rơm rạ quê mùa quá đẹp, nhưng ráo hoảnh, buồn thiu.

 

Nơi này khác với cái bảo tàng rạ rơm mà tôi đã từng đi qua, là cả một cánh đồng thênh thanh gió nắng. Một cái xóm nhỏ ngó ra con kinh nghiêng chắt nước lên đồng. Không gian sống động đến nỗi có thể cảm nhận được mùi hương của bông súng nở trong đìa, tiếng con chim tu hú gọi bầy tao tác, cá quẫy dưới váng bèo. Trên bờ vườn, dưới ao, mấy bầy gà, bầy vịt ta thong dong bới tìm mồi trong rào sậy. Những con vịt ơ hờ, lười nhác, hay co một chân lên ngủ vật ngủ vờ, bỗng một bữa lăng xăng kêu hoài, chúng cảm giác mình sắp được tự do ngoi quẫy trên đồng, bên những chân rạ còn ứa nhựa, sắp được vục cái mỏ dài vào những ụ rơm tươi. Mùa gặt.

 

Mùa máy suốt lúa được đẩy xùng xèng dài theo xóm. Nó cắc cớ thổi rơm vướng những nhánh cây, tạo thành những cái hốc, làm chỗ cho đám con nít chui ra chui vô. Nơi đó ấm áp, thơm tho đến nỗi có bữa một đứa ngủ quên, báo hại cả nhà nó phải nhảy xuống ao mò kiếm xác, có bữa đang chiêm bao, bỗng dưng nghe lưng áo ướt đầm, thức dậy mới hay cái ụ rơm bị tuột xuống mé kinh, dập dềnh. Thì có sao, đứa nhỏ níu mấy bụi cỏ ống, lóp ngóp lội lên.

 

Đứa trẻ đó không bao giờ lớn, cũng chẳng đi đâu, cứ quanh quẩn trên những đống rơm mùa hạ cùng với bầy trẻ khác. Chúng nhào lộn, chúng nhảy từ trên đỉnh xuống bãi rơm nằm tràn ra đường đi, chúng phủ rơm lên người nhau, nói cười nắc nẻ… Lúc nào đi qua miền thương tưởng rạ rơm, cũng thấy tụi con nít với cuộc chơi không bao giờ chấm dứt. Cuối chạp, những cây rơm đã dẻ dặt, xạm màu nắng, không còn hấp dẫn nữa, đám trẻ kéo ra đồng, chạy nhảy cuồng nhiệt trong những cơn gió trời cuồng nhiệt. Buổi xế tát vũng kiếm cá, đào hang bắt chuột, cuối chiều thả diều trên những chỗ ruộng gò, nước đã kiệt chỉ còn trơ chân rạ. Tôi ngồi ở một bờ mẫu nào đó, bắp chân nhột ran vì những cọng rạ chọc ngoáy, nhìn theo một đứa giống hệt tôi hồi nhỏ, cả nước da đen, cái xương vai nhô lên bén ngót, gầy guột, cả cái tính mau nước mắt khi diều đứt dây băng xuống chân trời.

 

Tôi đã gặp đứa bé đó suốt miền rơm rạ, những chiều nó lăng xăng rải rơm đậy giồng cải mới gieo, những khuya gặp nó đi coi ti vi ké ở nhà hàng xóm về, một mình trên con đường rập rờn cỏ hoa và bóng tối, con cúi vấn bằng rơm trên tay đỏ rực, những tàn đóm lóe lên rồi hui hút bay trước khi lịm tắt đi. Có lần tôi thấy nó đứng kế bên một chị con gái tóc dài đang ngồi dong dãi lựa những cọng rơm dài, nó cứ kéo tay chị, òn ỉ, “làm cho con cây chổi nhỏ đi, đi mà, Út!”. Tôi ngó người đó cắn cọng dây giữa cặp môi buồn để riết chặt cái cán chổi, thấy chị sao mà giống một người thân, buột miệng kêu “dì! dì ơi!”. Nhưng tiếng kêu tôi đã bị tiếng reo của đứa bé đang chầu hẫu ngồi chờ làm bạt mất, cây chổi nhỏ xíu đã được bó xong rồi. Ngay lập tức, nó hớn hở xách đi quét bộ ván ngựa, vài hạt lúa lép trên cái chổi mới vướng lại lổ thủng chỗ mọt ăn.

 

Người con gái, bộ ván, vách bếp treo một hàng chổi rơm đều tắp… cho tôi một cảm giác kỳ lạ, như thể tôi chính là đứa bé kia, như thể tôi đang sống ở đó. Không có một chi tiết giả nào trong không gian thương nhớ rơm rạ này. Vi tế đến mức, qua một ngày nắng gió, những sợi rơm lại se khô một chút, lại vàng sẫm hơn một chút, lại giòn hơn một chút. Sang tháng ba thì rạ ngoài đồng đã khô quéo cọng, đứa bé kia lúp xúp theo cha nó đi đốt đồng. Ngọn lửa nhỏ run rẩy trong tay, chẳng mấy chốc cơn lửa chạy lan đi. Khói từng bầy dùng dằng tan tác trong những cơn gió rối bời cuối mùa. Đứa bé đang thắc thỏm cho mấy con dế than dế lửa không biết có chạy kịp không thì đám bạn nó ở ruộng bên kia réo qua ăn chuột đồng nướng rạ.

 

Mưa đầu mùa ào tới khi khói vẫn còn vướng vất trên những thửa ruộng khô. Xa mưa, rạ rơm sống một cuộc đời khác, của những hóa thân. Rạ hòa trộn vào bùn nhão nuôi dưỡng những mầm lúa xanh nhuốt. Bầy gà tìm trùn đất, bươi đống rơm ướt vung vãi ra sân. Đống lúa lép, bùi nhùi mấy con vịt Xiêm đã sục sạo suốt một mùa gió chướng, bỗng mọc lên mấy chòm lúa mỏng mảnh, xanh xao. Tôi lại thấy đứa bé có khuôn mặt quen trốn ngủ dầm mưa hái những cái nấm mọc theo mảng rơm mục rã. Những cái nấm còn tròn như trứng chim, chỉ qua một đêm đã giương chiếc dù nhỏ xíu, thấp tè.

 

Giữa mùa mưa, những bãi rơm đã ngã màu của đất, hoặc chúng hóa thân vào đất. Nhưng tôi vẫn nhìn thấy sức sống của rơm rạ trong cái nách lúa đã trổ đòng đòng, trong giồng gừng, giồng bạc hà mướt lá… Cái màu vàng ngày cũ đã tự cháy để tái sinh vào màu xanh rượi của cỏ cây. Tôi không mảy may tiếc, vì biết khi những ngọn gió ráo tạnh trở về cái xóm nhỏ này, lại một mùa rơm rạ mới.

 

Tôi lại ngồi ở chỗ bờ đất tươi thơm, lại gặp những người quen đi lại thẩn thơ. Có anh  Kim Ba hiền lắm ngồi ở bộ vạc cau trước nhà ai run rẩy viết mấy câu thơ “mẹ xin rơm gánh về phơi nắng. Phơi nỗi lo trong rừng rực trưa nồng…”, đi một quãng gặp ông già Bắc Sơn râu tóc trắng gõ đũa lên miệng chén ca “Nắng hạ đi, mây trôi lang thang cho hạ buồn coi khói đốt đồng để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng…”, và một chiều tơi bời khói rạ, người đàn ông đứng cạnh tôi đọc khẽ mấy câu thơ “Gió phóng túng thổi trên đồng bát ngát. Gốc rạ phơi vàng nghệ giữa trời...” Tôi hỏi ông tên gì, ông cười, Diệp Minh Tuyền. Qua cái bờ tre cong muốn vẹo lòng, gặp một người đang cúi lạy trước rơm, hỏi sao làm chuyện kỳ cục vậy, người này cười, “cả đời tôi muốn được sống thanh thản mà mãnh liệt hết mình như rơm rạ…”, định hỏi tên thì người bỗng hát vống lên bằng cái giọng tệ dễ sợ, em là tôi mà tôi cũng là em. Và trên những con đường, mé mương, bờ ruộng, tôi thường gặp lại những người bạn thuở thiếu thời, ai cũng thơ thẩn theo chân một đứa bé giống hệt mình, hồi nhỏ.

 

Họ cũng tới miền rơm rạ bằng một sân ga bí mật nào đó giống như cái ga Chín – Ba Phần Tư trong thiên truyện Harry Potter, như tôi. Đưa tôi đi đôi khi là một cơn gió chướng lạc bầy se sắt lạnh, đôi khi là mấy cái nấm rơm nằm héo hon trong rổ nơi góc chợ, có khi là bà già bán dạo chổi rơm đi liêu xiêu trong khói nắng… Một bữa đón con ở trường về, đi qua cây so đũa rụng bông trắng xóa ở góc đường báo tin mùa rơm mới, tôi buồn bã nhận ra không một sân ga, chuyến tàu, cánh cửa nào cho thằng con mình đi đến cánh đồng tháng Chín xôn xao rơm rạ cùng mình.

 

Con tôi chỉ có thể loanh quanh trong căn phòng chật, mòn quẩn với đống đồ chơi nhựa, với câu chuyện cổ tích tôi gửi lại. Quá nhiều cổ tích, về miền rạ rơm đã mất, những mảnh đất, vùng trời đã mất, những người anh hùng đã mất…

 

Ý nghĩ đó làm tôi muốn khóc.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

Lên trang này ngày 15-1-08
Dùng bản Tư gởi