mượn thương nương đỡ

Tản văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Tặng anh Pha ở Quới Thành

Bữa trước đi ăn sáng, nhận ra cha con người quen đang ngồi phía bên kia, bạn nháy với chủ quán cho mình trả luôn phần tiền bàn nọ. Không nhận ra bạn, người kia hay được chưng hửng kêu ủa chị là ai quen tui hồi nào. Thằng chả thấy lạ cũng phải, hồi nhỏ bạn ròm, giờ cũng hơn tạ, lại thêm là đàn bà mỗi tuổi một vẻ. Bạn cà rỡn, “quen không quen gì thì gặp anh em thằng Út cò ma ở quán là phải trả tiền ăn, nhà mình còn nợ họ mấy mụt măng, má tui dặn vậy”. Biệt danh khiến người xóm cũ vỡ òa nhận ra bạn cũ, sau tràng nói cười hể hả, Út nói không nhớ vụ mượn măng. Ừ, chỉ người mượn là nhớ. Muôn thuở vậy, cho đi nghĩa là quên.

Má bạn nhắc chuyện mượn mấy mụt măng bên vườn thím Bảy không thôi. Bụi tre bên thím mới bồi đất nên vừa sa mưa là măng mọc. Lủ khủ, mập ú, những ngọn măng mới nhú mượt lông. Nhà bạn có mấy con vịt xiêm quá lứa, mà măng vẫn chưa thấy đâu. Muốn ăn măng hầm thịt vịt đầu mùa thì đi mượn. Dễ mà. Mượn rồi trả, mấy hồi, nhưng bất ngờ ông già thím bịnh trở nặng, thím về xứ chăm sóc, lúc quay lại bán đất vườn là đã hết mùa măng. Trả tiền, thím xua tay không nhận, nói có là bao, “chẳng phải nhà tui cũng qua mượn nước mắm hoài đó sao”. Sau này bạn nghĩ, má nhớ món nợ măng không phải vì chưa trả, má nhớ một láng giềng hiền lành tần tảo, đã từng chia ngọt sớt bùi với nhau.

Hồi đó thiếu gì mượn nấy. Không phải chỉ mình nhà bạn, cả xóm vậy. Lộ xóm trước nhà không mòn bằng những lối tắt trong vườn, nơi người ta bấm ngón chân trên đất, thoăn thoắt qua những cây cầu dừa bắc qua mương ranh để tuôn vào cửa sau, đem cho hoặc mượn thứ gì đó. Không phải vì nghèo, mấy nhà khá giả cũng phải chịu thiếu hụt nhiều khi, bởi tiệm tạp hóa đầu xóm chưa bổ đồ về, hay bởi ghe hàng bông qua khi người ta đang làm đồng, không kịp chạy vô ngoắc lại. Nhà hết gia vị không thành được bữa cơm, những lúc ấy qua bên xóm mượn chút muối, đường chữa cháy. Tối mịt mới hay hết dầu, xách chai qua bên xóm cậy nhờ. Chẳng ai tính lãi tính lời gì. Mượn lúa đi chà gạo, mượn gàu tát ao, mượn dá đào đất, bên này không có thì mượn bên kìa mà xài.

Người ta còn mượn nhau cả con mương. Đám giỗ tới nơi rồi mà mương nhà vẫn còn đầy nước. Mương hàng xóm cạn hơn, tát đỡ tốn sức hơn. Ngay cả khi ai đó còn ngần ngại chưa dám mở lời thì bên xóm gọi mời, “qua mương bên tui bắt cá xài đỡ”. Căn nhà đầu tiên của ba má cũng cất bằng bộ cột mượn. Những chi tiết kiểu vậy má con bạn hay kể nhau nghe, nói chắc là từ điển của bà con mình khi đó không có chữ thiệt/hơn. Bởi đâu phải cá mương nào cũng bằng nhau, lúa nào cũng tốt gạo, bộ cột nào kích cỡ y chang nhau nhưng lòng người ta thì đều chằn chặn nghĩa tình. “Chung xóm không giúp nhau lúc thắt ngặt thì đợi lúc nào”, cái câu nói đó xưa giờ là triết lý sống của người miệt vườn quê bạn. Trong hồi nhớ, chuyện nối chuyện trong bảo tàng của xóm làng.

Nhớ đận cậu Sáu Ên gặp nạn chìm ghe, làm đám tang chồng xong mợ nằm dàu dàu trong nhà cả ngày không thiết đi đâu. Mợ nói muốn chết theo ổng cho rồi. Mà mợ muốn một mình gặm nhấm mất mát cũng không xong, chút lại có người bên xóm qua mượn đồ. Mượn xong không về, họ nấn ná ngồi chơi. Người nhà nọ mượn xì dầu chưa về, người nhà kia trờ tới trả xị giấm, mợ Sáu phải dậy chải đầu bới tóc, chuyện vãn ê a. Vậy mà khuây khỏa hồi nào không biết. Mợ lại gượng dậy ra vườn hái mớ vú sữa bị bỏ mặc cả tháng qua. Mợ đi chợ. Mợ đi đám giỗ. Rồi mợ phát hiện ra quãng bốn chín ngày của chồng mình, hàng xóm tới mượn đồ không phải vì họ thiếu, họ lấy cớ đó để vỗ về mợ thôi. Nhà có tiếng người, có hơi người cũng an ủi.

Sau này một năm vài ba lần giỗ, bạn về xóm, nghe kể ai đó vì cái ranh đất mà vác phảng rượt chém nhau, ai đó vì tiếng nói thấp cao mà đem châm lửa đốt nhà. Bạn hỏi ủa người xóm mình bán đất đổi chủ hết rồi sao má. Trả lời bạn là cái cười rười rượi, “đâu, cũng bà con mình đó, nhưng lớp già mất đi, tụi trẻ ngoi lên, mà tụi nó giờ ráo riết lắm, toàn thờ tiền”. Những lối mòn luồn tuôn trong vườn không biết có còn không, bạn tự hỏi khi tha thẩn trước nhà, nghe tiếng xe máy vèo qua, không kịp nhìn coi người ấy quen hay lạ.

Bữa rồi má lên nhà bạn chơi, kể quãng rồi mưa giông triền miên, trong xóm có nhà bị lốc giật sập mẹp luôn. “Rồi thằng Lợi con của Ba Giàu, không biết bây còn nhớ không, thằng hồi nhỏ hay gầy băng đánh lộn đó, nó kêu có căn nhà sàn ngoài bìa vườn, cái hộ nheo nhóc bên xóm kia cứ dọn vô đó ở vài ba tháng. “Cho mượn không, khỏi tiền bạc gì, nào cất được nhà mới thì trả”, thằng Lợi nói vậy. Bạn nghe chuyện cũng vui, nghĩ vậy là cái vụ cho mượn đồ cũng còn, đâu phải mất sạch luôn.

Má bạn nói, từ hồi mặn vô sâu, xóm năm nào cũng bị nước mặn làm hư hại cây trái trong vườn. Năm sau, nước mặn lại cao hơn năm trước. Đám trẻ (ý má nói tới trang lứa bạn, những người không thể thoát đi mà tiếp tục ở lại với ruộng vườn) ngồi với nhau bên những vườn sầu riêng chết đứng mà cháy hết ruột gan. Chúng nói đất sắp chìm nghỉm rồi, nông nổi này mà không thương nhau nữa, thì đợi lúc nào.

     

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

 

Dùng bản Tư gởi
Lên trang này ngày 5-2-2021