Một mái
nhà
Nguyễn Ngọc Tư Tạp văn Một bữa trên đường gánh trái cây đi bán dạo, con Bèo gặp tôi, mừng quá, lâu lắc quá chừng rồi, Bèo rối rít mời tới nhà chơi, mà, cái giọng của con bạn, trời ơi, nó tươi rói, giòn tan, sung sướng, tự hào. Bèo dặn vói theo cho tới khuất người khuất bóng mới thôi, "Nhớ nghen, Tư, rảnh vô nhà tao quậy cho đã một bữa, muốn chiên bánh xèo cũng được, không thì tụi mình nấu chè khoai môn ăn". Rồi nó cười hực hở, rạng rỡ, như thể nhà nó là một thiên đường. Ai mà dè nhà nó nằm tuốt trong con hẻm Cỏ sau lưng siêu thị. Đó là một con hẻm dài, hẹp te, tối tăm, sình bùn ọp ẹp, ngoa ngoắt ngoặt trái ngoặt phải, mỗi lần ngoặt thì nhà cửa hai bên lại nhỏ đi một chút, làm người ta tuyệt vọng đi một chút, điệu này, tới cuối hẻm, chắc nhà chỉ còn bằng cái miễu ông Tà. May, nhà của con Bèo cũng không tệ đến mức vậy. Tổ ấm đó đủ để một bàn thờ kê trước chiếc giường đôi, còn thừa một chỗ trống để giăng chiếc võng sát góc nhà. Phía sau có kê tấm dal làm bếp, gần đó đặt cái bàn ăn cơm nhỏ xíu với hai chiếc ghế ba chân để đâu cũng lún vì nền đất ướt chèm nhẹp. Vách nhà được dừng bằng những tấm kẻm đã phơi bản ở nhà in (chồng nó làm việc ở đó), chi chít thơ. Hỏi con Bèo thơ viết gì, nó cười, "Mầy biết mà, tao học tới lớp sáu là nghỉ ngang, chữ xuôi đọc còn trậm trầy trậm trật nói chi để chữ ngược ngạo vầy…"(tội nghiệp, sống giữa thế giới thơ mà không tận hưởng được). Mái lợp bằng lá cũ mèm, ngửa cổ đã thấy lấp lánh trời sao. Nước bưng ra để cái cộp, khách chưa kịp uống lá mục đã rớt vào, nên nước nghe thơm mùi lá lắm. Con Bèo cười, "Chồng tao ảnh nói để lãnh lương tháng nầy mua lá lợp lại, chớ đâu có để vầy hoài". Tôi tới chơi một lần, tự dưng nghe buồn, nghe thất vọng quá trời đất, nghe trong lòng có một chút ghen hờn. Con Bèo học hành lỡ dỡ, nghề nghiệp cũng chẳng cao sang, sao nó lại ngộ chữ "tri túc", còn mình thì không ? Tôi cũng có nhà, lớn hơn một chút, đầy đủ tiện nghi hơn nhưng chẳng bao giờ tôi biết hãnh diện về nó. Nhiều lúc bạn bè nói dèm, bảo để tới nhà nhỏ Tư chơi, tôi bàn ra, “Nhà em khó kiếm dữ lắm mấy anh ơi”. Bạn gạt phăng đi (vì thương tôi quá mà), “không sao, khó mấy có lòng cũng tìm ra”, tôi rối beng trong bụng, giả đò nín thinh như người điếc, nghĩ thầm, nhà mình thấy ghê... Nhà tôi nằm ngang chợ phường, quay lưng với sông, ngửa mặt đón bụi đường, trong nhà không lúc nào ngớt tiếng xe, tàu chạy (tôi ngồi viết văn ở đó, giữa tiếng động chói gắt khủng khiếp của tàu xe, tiếng nhạc nhùng nhằng từ xe kẹo kéo, tiếng những người đàn bà bên chợ cá cự cãi nhau). Đứng ở đằng trước thấy thông thống đằng sau, tuềnh toàng một cái bếp thấp tè, chiếc máy giặt cổ mỗi lần giặt rung cà cồng cà cưỡng (có người còn đề nghị cho mượn để … cầu số). Chen giữa lối cầu thang lên gác xép với nơi để máy vi tính là cái bàn ăn, (nên ngồi một chỗ, tôi có thể vừa truy cập Internet, vừa... ăn cơm, hoặc quay lưng lại xem ti vi). Trên vách lỏng chỏng nồi niêu xoong chảo, lọ nghẹ ám đen, dài theo đó đóng ba bảy hàng đinh, treo lủ khủ những thứ mà ở dưới đất, không có chỗ cất. Đồ đạc bằng cây thì cũ kỹ, gảy bản lề, bằng kim loại thì sét nghẹt, thấy rầu. Đụng tay vô đâu cũng gặp bụi, lau hôm trước, hôm sau bụi lại đầy, mùa gió nam hay gió chướng, trước nhà cũng tả tơi giấy vàng bạc, vỏ tràm. Buổi trưa đi làm về lại lýnh quýnh chạy đi, hỏi làm gì gấp, bảo chạy về thăm ngoại (nói vậy cho nó … tử tế, chớ không lẽ nói “dzọt” vô trong ấy để ngủ, ở đây nóng quá, chịu gì thấu). Tôi chỉ nhớ nhà những lúc đi xa, đi lâu (cái chính là nhớ người ở lại). Ở một vùng đất heo hút nào đó, nửa đêm thức dậy, nghe tiếng gà gáy, tiếng con chim kêu thảng thốt, gió ngào ngạt hương hoa bưởi, hoa cau, tôi nhớ tổ ấm của mình, giờ này ở đó chẳng có gió máy gì đâu, thằng nhóc ở cạnh nhà chắc là đang chạy rầm rầm trên gác (e là nó đã bị hỏng đồng hồ sinh học), những người phục vụ quán nhậu bên kia đường đang dọn dẹp, tiếng chai rỗng vọng xuống đáy thùng côm cốp, rồi tất cả đều im lắng lại, nhường cho tiếng chổi đêm xao xác. Tôi chân thành cảm ơn những cuộc đi xa, nó làm cho tôi biết nhớ nhà, ờ, miễn là nhà - của - mình, thôi thì, sao cũng được. Một bữa trèo lên tầng thượng cao ốc ngân hàng, tôi nhìn về phía nhà, nghe gió thổi qua mặt, gió tràn vào lòng, nhận ra nhà của mình nhỏ nhoi, chật chội quá trời đất, gì mà mái nhà hẹp te như chiếc chiếu bông (Rõ ràng là người ngồi trên cao sẽ nhìn đời bằng đôi mắt khác). Úi cha cha, không biết chừng nào mình mới có được một căn nhà đủ rộng, có cửa sổ đón gió và nắng trời, có cái sân trồng giàn bông giấy, có phòng riêng cho con (thì cũng phải sinh con chứ, chừng vài ba đứa), có chỗ cho tụi nhỏ đạp xe ba bánh chở nhau, trên vách treo tấm hình đám cưới, treo cái gương dài để mặc đồ mới đứng ngắm nghía chơi. Ở đằng trước đủ rộng đặt bộ ghế sa lông cho khách ngồi, khoe cái kệ chật những sách, báo; ngoài sau đủ sáng để bày biện nấu nướng cúng giỗ cha mẹ chồng, sau nữa là mảnh đất nhỏ trồng cải, ớt, hành, vài thứ cây ăn trái như ổi, cóc, xoài… hệt mảnh vườn của má, rồi chim về chim hót, rồi gió về gió thơm mùi cỏ mùi cây… Tôi sẽ mang đá sỏi, rơm rạ vào nhà, nuôi cá lia thia, thả bèo vô chậu, ở chỗ cái hồ dưới giếng trời tôi trồng bụi năn, bụi lác, bụi bông súng quê nghèo. Đất có hơi hẹp khổ, nhưng không sao, tôi sẽ xây nó lên cao, cho ai đi qua tới đây cũng phải xửng vửng, ngạc nhiên kêu lên :"Nhà của ai mà bảnh quá ta ?" (Lúc đó tôi sẽ ưỡn ngực ra mà rằng : "Có ai trồng khoai đất này, nhà Tư tui chớ ai"). Nhưng chừng nào thì mình mới có được một cái nhà như vậy kìa, biết chừng nào, chừng nào, chừng nào? Câu hỏi đó cháy bỏng trong lòng. Chạy xe ngang qua nghĩa địa Triều Châu, tôi tần ngần ngó những ngôi mộ nằm chen chúc trong nắng chiều, nghĩ người chết rồi, nằm thẳng cẳng không biết trời trăng gì rồi mà xây cất chi cho long trọng vậy không biết, phải chi… Nhận tiền nhuận bút được một trăm hai chục ngàn mua sách hết một trăm, tôi buồn thiu thỉu, vậy là xong hai bao ximăng, mất trăm rưỡi gạch, bay vèo một mét khối cát, thấy mình tuyệt vọng một chút. Có lần đi công tác, đứng trong nhà vệ sinh khách sạn, chực nghẹn ngào, trời ơi, chỉ chỗ này thôi còn sang trọng hơn, đẹp hơn nhà mình nữa. Rồi tới chiêm bao tôi cũng thấy căn nhà mơ ước, nhưng vía vừa tới cửa, bỗng còi rúc liên hồi, giật mình tỉnh giấc, nghe xà lan ngược nước ràn rạt đi qua, nhớ giấc mơ dang dở, tôi tiếc quá chừng… Con Bèo nghe chuyện, nó cười quá trời đất, nó nói tôi "điên nhà", nó cười mà lòng nó đau như thắt, nghĩ tội nghiệp cho con bạn nông cạn, dại khờ. Mấy cô bạn ở sát nhà nó cũng qua chơi, cũng rười rượi, bảo " Không phải có nhà cao cửa rộng là hạnh phúc đâu, mấy thằng đàn ông hay rủ tụi tui tới nhà tù ti tú tí, thằng nào cũng giàu (không giàu sao có tiền bao gái ?). Con Bèo giải thích với tôi, "tụi nó bán bia ôm". Rồi một mai khi son phấn rã rời, khi ngày cùng đêm tận, có mái nhà nào đón họ về không (dù bé bỏng, chật chội như tổ ấm của con Bèo) ? Vậy thì cảm ơn Bèo lắm lắm, con bạn nghèo ơi ! Nhờ gặp ở đây, giữa xóm lao động này, nhờ ánh mắt nụ cười của bạn, tôi ngộ ra rằng, hạnh phúc không ở những ngôi nhà sang trọng, tự mình thấy đủ, dù chòi tranh vách lá, dù ở dưới dạ cầu, cũng vui. Có những ngôi nhà cao rộng mà lạnh lẻo, vô hồn, có những mái lá đơn sơ mà nồng nàn, đượm khói. Ô la la ! Gặp mưa giữa đường, có chỗ ta về, có người đưa tấm khăn để lau tóc ướt, là “đã” lắm rồi, đừng có lãng mạn mong ước xa vời. Tôi về đứng trước cửa nhà mình, ngơ ngác yêu thương như con chim lâu lắm mới tìm lại tổ. Nỗi vui cồn cào tới mức muốn mời ai đó tới nhà chơi ngay bây giờ, ngay lúc này. Tôi sẽ vén mớ đồ đạc bề bộn ra ( như khoả mặt ao bèo), mời bạn ngồi (và biết khi bạn đứng lên ra về, nó sẽ bừa bộn như cũ, giống hệt bèo). Nhà hơi tối, hơi ngộp, đừng lo, tôi sẽ mở cửa sau, nhìn ra sông nước rập rờn, nắng bừng qua cửa, gió phơ phất từng cơn, mát rượi. Chúng ta sẽ ngồi ở đó, cắn hạt dưa, cười tở mở, nói những câu nói thật lòng, đùa những lời ý nhị. Chúng mình ngồi ở đó, ngó về sông, kia những chiếc ghe khẳm lừ chở mấy con chó nghinh mặt sủa vang trong buổi chiều đỏ thẩm, hỡi người cầm lái, nhà anh là chiếc ghe nhỏ đó hay nhà anh vẫn còn xa, xa ngái ? Giờ đó, sâu trong hẻm Cỏ, chắc con Bèo đang nhen lửa, chồng nó vo cơm…
|