lẻ

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

 

Bây giờ mỗi khi nghĩ về Hà Nội, tôi vẫn hay nhớ về căn phòng nhiều khói và bóng tối đó. Tôi nhớ em, kiểu em nhìn tôi, cái nhìn không bứt không bẻ được, ngay cả khi bạn tôi hôn em, hay hứng khởi dìu em theo một điệu nhạc dùng dằng trên cái sàn nhà chật, ngay khi tôi ngượng, cúi đầu quay đi vì trông thấy những trò âu yếm được trả tiền, tôi vẫn biết em đang nhìn mình chằm chằm. Cái nhìn như quen như lạ, như dò hỏi, như thân thuộc lại vừa xua đuổi, như sợ hãi, ngượng ngùng. Tôi tưởng cho đến khi ra về vẫn không giải mã được cái nhìn đó thì bạn buộc em hát. Em chọn bài “Một cõi đi về”, rằng “trong khi ta về lại nhớ ta đi…”  

Giọng em ngọt, tôi nhận ra trong cách phát âm “chong”, “dzề” là miền Tây của tôi. Giống như em nhận ra tôi từ Nam ra chỉ bằng tiếng “dạ”. Tiếng nói cất lên, gây một ảo tưởng người này quen lắm, dường như cùng xóm, cùng trường cấp một với mình. Tôi nối cái nhìn của mình vào cái nhìn em. 

Đó là ngày thứ chín tôi nghe lại giọng đồng hương, kể từ khi bắt đầu cuộc lang thang nhỏ trên những ngọn núi xa xôi phương Bắc. Đó là lúc tôi thèm đường chân trời xa được kẽ bằng một viền lúa chín màu vàng nhạt, thèm một tiếng nói miền Tây vẳng vào tai. Nhưng gặp em ở đây, trong tôi không vang lên một lời reo nào. Con gái xứ mình sao mà cứ theo nhau lưu lạc? Mai tôi về nhưng em còn ở lại đến bao lâu, trong những căn phòng đầy khói và bóng tối? 

Lại nhớ người bạn làm du lịch, có lần nói một câu mà tôi cho là phũ phàng, “con gái xứ mình  chịu đi giang hồ quá, cùng khắp Việt Nam, qua tới Campuchia, Thái Lan cũng gặp, nói rặt cái giọng miền Tây. Buồn, không muốn hỏi…”. Như em, đã không nói lời nào từ khi nhận ra tôi. Chỉ nhìn vậy thôi. Tôi đã hết cơn thèm. Dù ở cái nơi cách quê nhà hai ngàn cây số, một câu nói mang âm sắc thổ ngữ quê xứ không đơn thuần chỉ để nghe và hiểu, với tôi, chỉ hai chữ “… quá chừng” thôi, như lạnh quá chừng, đẹp quá chừng, là miền Tây kéo tới ngọn núi tôi đang đứng, miền Tây của những cánh đồng, dòng kinh, lục bình trôi, cây ô môi bông đỏ, tiếng bìm bịp hui hút trong những bụi dừa nước ven sông, dơi bay chập choạng trong vườn làm mấy trái ổi chín rơi xuống đất … 

Và khi cất lên tiếng hát, em cũng mang ít nhiều miền Tây tới đây, trong căn phòng nhỏ có vài gã trai dáo dác ngó chừng công an bên ngoài. Một miền Tây buồn hiu với bóng tối đổ xuống vạt nước cầu ao mà em đang ngồi giặt chiếc áo phèn sau một ngày gặt lúa, với khói mẻ ung mù mù bay la đà trên những vũng nước mưa thấu qua nóc nhà… Nhưng bạn tôi, người đang ôm em trong lòng thì không nhìn thấy những hình ảnh đó, bạn chưa từng vào Nam. Giọng nói của em và những gì thuộc về ký ức em là một thế giới hoàn toàn xa lạ với bạn. Tôi có cảm giác em sẽ cô đơn lắm. Cô đơn ngay khi cất tiếng, khi những người đàn ông trong căn phòng lấy làm buồn cười vì em phát âm ngọng ngịu đôi ba chỗ, vì em “dạ” thay cho “vâng”, em “vậy hả ?” thay cho “thế ạ”…   

Tôi không mô tả được chính xác về giọng nói của vùng đất, chỉ là cảm giác một kiểu thổ ngữ thô mộc, tiết tấu giản dị ít bổng trầm. Nhắm mắt để chạm tay vào giọng nói đó, tay tôi như chạm vào một hòn đất đã bắt đầu chớm khô, mềm mại mà chắc chắn, dịu dàng mà rắn rỏi … Và bức tranh tôi vẽ lại giọng nói của chính mình chỉ là lát đất cày thô, khô khốc, bọc lấy những cái rễ cây cỏ mục bên trong.  

Kiểu nói ít nhiều hoang dã, xa lạ. Có lần ngủ ở Hà Nội, một chỗ gần bến xe Mỹ Đình. Một khách sạn nhỏ nhiều ánh sáng nhất trên con phố Hoàng Quốc Việt. Giữa tối, tôi thấy đói, hỏi anh bảo vệ một chỗ để ăn, anh này ngó thom lom, hỏi một câu ngơ ngẩn, chị ơi, chị có phải là người Việt không. Tôi cười cười, “trời đất, dân miền Tây mà”. Bạn nghe xong, vẫn tần ngần. Câu trả lời của tôi cũng lãng òm, kiểu người bạn Lào ở Viêng Xay, một tối say rượu ngật ngà, cười khà khà, bảo, “tớ nói tiếng Việt giỏi nhưng mà tiếng…miền Nam tớ nghe không được?!”. Trong những cuộc đi xa về phương Bắc, tôi cất tiếng gọi thức ăn, người trong quán ngoái lại; tôi gọi điện thoại trên xe, hành khách chung quanh bỗng thôi gà gật, rướn lên nhìn.  

Cũng phải, giọng nói của tôi, ở nơi đất quê người, rất lẻ. Nhưng tôi vẫn thích nói vì trước hết tôi cần nghe giọng của chính mình. Nó gợi lên một vùng đất mà tôi vừa chớm xa. Nó gợi lên một sự bí ẩn, tò mò đối với những người Việt chưa từng tới, gợi nỗi nhớ của những người từng đi qua. Xảy ra vài câu chuyện vài cuộc gặp gỡ. Có hôm tôi trả lời điện thoại xong, một người đàn ông bước lại gần, bảo “tôi đã từng ở cù lao Tân Châu, nghe cô nói tôi nhớ đất nhớ người ở đó…”. Ông là người Ninh Bình, lưu lại trên đất của lụa Lãnh Mỹ A chỉ bảy tháng, rồi trở về Bắc. Mười sáu năm rồi, ông kể, mở ti vi nghe mấy ông nông dân Nam Bộ nói chuyện mùa màng, cái kiểu “guộng (ruộng) năm nay chúng (trúng) bộn chú ơi, nhưng dzá (giá) èo ọt quá…” trong lòng lũ lượt hình ảnh của mảnh đất nằm quạnh quẽ giữa dòng sông Hậu. Chen trong câu chuyện của mình, ông dừng lại hỏi, tôi trả lời ngập ngừng, ông lại hỏi, cuối cùng, ông ái ngại, “tôi nói hơi nhiều vì muốn nghe giọng Nam Bộ của cô…”.  

Không, đây không chỉ là giọng nói của riêng tôi, mà của cái cù lao Tân Châu trong ký ức ông. Của một miền Tây xa xôi và cách trở, hoang dã và lạ lẫm, sâu thẳm. Miền Tây mà tôi lớn lên cùng vẫn có nhiều chuyện không hiểu. Thí dụ như cái giọng mà ngày ngày tôi nghe người nói người hát người hò, tôi có thể dùng từ ngữ nào, hình ảnh nào, màu sắc nào để miêu tả một cách chính xác ? Thí dụ như em, tôi không biết sao em lại chọn cho mình một cuộc long đong, để giữa nơi xa xôi này cất lên những giai điệu lẻ?! 

Để em, con gái miền Tây lại thuộc về ký ức Hà Nội của tôi, nằm trong ngăn kéo mang tên “ngậm ngùi”.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

Lên trang này ngày 29-5-08
Dùng bản Tư gởi