Về tác phẩm
GIÓ LẺ của Nguyễn Ngọc Tư
Thử nhận định
về
Gió Lẻ sau hiện tượng Cánh Đồng Bất Tận
trong hành trình văn học Nguyễn Ngọc Tư
Để
chia sẻ cùng V. và mớm thương yêu cho mầm N. vừa hé nụ
Bùi Đức Hào
Văn học nghệ
thuật Việt Nam mấy thập kỷ qua đã có những tác phẩm giá trị, tạo
được cảm xúc lớn trong lòng người thưởng ngoạn.Nhưng nhìn chung, trừ
vài ngoại lệ hiếm hoi trong âm nhạc và thi ca, phần đông các sáng
tác - kể cả của những khuôn mặt được xem như “đại thụ” - là không
đều tay, thiếu dài hơi hoặc lập lại chính mình.
Riêng trong
lãnh vực văn học, Nguyễn Ngọc Tư là cây bút trẻ được nhanh chóng
nhìn nhận tài năng mấy năm gần đây. Nguyễn Ngọc Tư cũng là người đã
sớm đặt vấn đề và đã thành công trong việc làm mới, tạo đột phá qua
tác phẩm Cánh Đồng Bất Tận, cũng như đang tiếp tục quá trình này -
một cách đáng chú ý - qua tập truyện Gió Lẻ.
Dấu ấn Cánh
Đồng Bất Tận
Có lẽ sẽ không
hoàn toàn vô bổ việc nhắc lại ở đây là, bên cạnh những đón chào nồng
nhiệt của giới phê bình và người đọc, Cánh Đồng Bất Tận(CĐBT) đã gặp
một số ý kiến phản đối khá…lạ: không phải của giới quan chức - tuyệt
nhiên không đáng để được kể ra -, nhưng là từ một bài viết
(1) mà tác giả lại là người đã từng chứng tỏ - qua ngòi bút năng nổ
và nhiệt tình trông thật đáng quý - sự cởi mở và tha thiết của mình
đối với công cuộc phát triển Đất Nước cũng như đối với văn hóa, văn
nghệ.
Thế mà tác giả
đã hạ bút “buộc tội” CĐBT như thế này:
“…Thành
công của một tác phẩm là tạo được dư luận rộng rãi về vấn đề đã nêu
(ngoài cách hành văn) trong tác phẩm; nhưng có phải là đó là mức
chuẩn duy nhất của bậc thang giá trị văn học, khi nội dung của nó
lại cường điệu, không sát nếu không nói là ngược với thực tế dù rằng
hư cấu? Tạo ra một hiện tượng văn học mới, thổi cho nó một sức sống
trong cảnh văn hoá "đọc" đang bị văn hoá "nghe nhìn" lấn lướt hiện
nay là điều đáng trân trọng, làm giàu thêm cho nền văn chương nước
nhà nhưng nếu hiện tượng nầy quá xa lạ với tâm sinh lý con người (ở
đây là phụ nữ). Khai thác những khía cạnh "sâu kín"của tình dục thì
đó không phải là văn học chính thống mà chỉ là những sản phẩm khiêu
dâm thời thượng và khuynh hướng đó chẳng mới mẻ gì trong thị trường
kích dục thường thấy trên mạng dưới cái tên “truyện người lớn”.
Nhiều cây
bút trên thế giới đã trở thành tỷ phú nhờ những tác phẩm kiểu nầy,
vì vậy cũng không có gì ngạc nhiên khi CĐBT bán chạy như “tôm tươi”,
là loại “hàng lạ” trong một xã hội còn lắm điều cấm kỵ, chắc chắn
khuynh hướng nầy sẽ được những nhà văn gặp “bế tắc” trong sáng tác
khai thác.”
Và vị này còn
chua thêm:
“Hiện nay
ở Việt Nam, xuất hiện một vài nhà văn nữ giới lãng mạn, đi vào ngõ
ngách của tâm lý thầm kín của phụ nữ gây được tiếng vang, ồn ào trên
văn đàn như Man Nương (Phạm thị Hoài), Bóng đè (Đỗ hoàng Diệu), tuy
nhiên nhìn về bề dày thì vẫn còn kém xa Quỳnh Dao (Đài loan), Vệ Tuệ
(Trung quốc) hay các nhà văn ở Miền Nam trước đây như Mai Thảo (Để
tưởng nhớ mùi hương), Nguyễn thị Hoàng (Vòng tay học trò) … một thời
gây sóng gió mặc dù họ không trắng trợn và “lõa lồ” như NNTư. ”
Người ta có
thể đánh dấu hỏi là, đằng sau ngòi bút ấy, phải chăng có một ám ảnh
bất thường về tính dục trong văn chương, cũng như về sứ mạng muốn tự
làm … “ayatollah” Việt Nam từ hải ngoại để mong bảo vệ - một cách lạ
lùng và cay cú - cho cái “trong trắng” của môt thứ văn học ngâm
formol nào đó.
Đối với độc
giả Nguyễn Ngọc Tư thì hoàn toàn không phải vậy.
Từ gần nửa năm
nay, người ta nao nức ngóng trông rồi ồ ạt đi xem CĐBT được tái hiện
tài tình qua kịch nghệ ngay từ buổi diễn đầu tiên (và hiện lịch diễn
vẫn tiếp tục ít nhất đến cuối tháng 7/2009 tại Sài Gòn) với không ít
lần “cháy vé”, mặc dù giá vé có tăng đáng kể (2).
Cái xuất thần
của Nguyễn Ngọc Tư là đã sáng tạo được một tác phẩm hàng đầu, gây
cảm hứng và cả thách thức cho nhiều nghệ sĩ tài ba muốn góp phần tái
tạo nó trong kịch nghệ - từ đạo diễn (3-5) đến diễn viên (6-8) - và
đã được quần chúng chiêm ngưỡng, sẻ chia, trong một không khí văn
nghệ hào hứng, thanh tao và quảng đại hiếm thấy từ nhiều năm nay.
Hãy nghe Cát
Vũ (7) ghi lại những cảm nhận về CĐBT và cách nhập vào vai Sương của
nghệ sĩ Thanh Thủy, người được xem là “một trong những gương mặt
xuất sắc của thế hệ diễn viên kịch nói ở Sài Gòn sau năm 1975”:
“Ngay trong
lần "gặp" Sương trong tác phẩm văn học, Thanh Thủy đã có cảm giác
như mình bị "mất thăng bằng" bởi sự lung linh trong tâm hồn cô(…)
Chị tìm
thấy nơi nhân vật một tình thương - thứ tình thương không thể rờ mó,
không mua được bằng tiền nhưng có giá trị thiêng liêng vô bờ và có
khả năng đem lại sự sống cho con người (…)
Cô gái ăn
sương của chị không phô diễn nét gợi cảm về xác thịt nhưng lại khiến
người ta buốt lòng về nỗi thèm khát được sống cho ra một con người.
Có lúc tưởng có thể ngất đi trong vô vọng, nhưng rồi bằng niềm tin
từ trong sâu thẳm như chút ánh sáng lóe lên phía chân trời xa, cô
lại gượng dậy. Cách diễn như rút ruột rút gan của Thanh Thủy cho
phép người ta tin rằng Sương thật sự đã trở thành chỗ dựa của hai
chị em Nương và Ðiền.
Sương chính
là một khát vọng sống của con người.”
Thanh Thủy (vai Sương) và
Hoàng Thành (Điền),
đã thật xuất sắc trong CĐBT được diễn trên Sân khấu
5B Võ Văn Tần, Sài Gòn -Ảnh: Gia Tiên
Nếu có
ai còn nghi ngờ về cách đón nhận của người Việt Nam đối với CĐBT,
xin thử làm một vòng “điểm báo” trên mạng.Và nếu ngại phải đi tìm xa
xôi thì có thể ghé mắt đến lời tâm sự sau đây của môt độc giả chắc
chắn không thuộc loại chạy theo “hàng lạ” như trong bài viết trên
kia (4):
“Tôi đã đọc
đi đọc lại truyện ngắn CĐBT của Nguyễn Ngọc Tư - có đọc từng trang
văn, ngẫm nghĩ thật kĩ từng con chữ mới thấy được "bức thông điệp
thẩm mĩ" mà nhà văn gửi gắm. Mỗi một tình tiết, mỗi một xung đột như
một lát cắt của cuộc sống, làm cho tôi cho bạn phải suy ngẫm, để
giải đáp câu hỏi mang tính nhân văn cao đẹp về ý nghĩa của cuộc sống? Và liệu những giá trị tốt đẹp của cuộc sống có còn tồn tại và tồn
tại với cấp số nhân nếu ta không mở rộng lòng mình,cứ mang mãi nổi
oán hận trong lòng? Ý tưởng xây dựng một vở kịch theo nguyên tác
CĐBT quả rất độc đáo. Được vậy, chúng ta sẽ được thấy những
Nương, những Điền,cô gái điếm... hiển hiện thật sống động! Và như
thế, một lần nữa như bao lần khác CĐBT lại tiếp tục cựa quậy trong
lòng người đọc hôm nay và mai sau...”
Hầu như không
ai là không nắm bắt cái thông điệp trong suốt mà Nguyễn Ngọc Tư đã
phát đi ngay ở lời đề từ: "Hạn chế sân hận, trải rộng tình thương
- Tỳ kheo VISUDDHÀCÀRAZ”.
Chẳng những
chỉ trong nước mà ở ngoài nước, CĐBT cũng bắt đầu được biết đến:
Nguyễn Ngọc Tư gặp gỡ công chúng Hàn quốc năm 2007 và đoạt giải
thưởng văn học ASEAN 2008.
Sự đánh giá
rất cao của nhà xuất bản Hàn (8) đối với CĐBT chắc không thể tách
rời với lòng ưu ái đặc biệt họ đã dành cho Nguyễn Ngọc Tư, thể hiện
qua ý kiến dưới đây:
“Từ tác
phẩm này, chúng ta thấy rằng dòng văn học hiện đại của Việt Nam có
thể được chia thành 2 giai đoạn, trước và sau Nguyễn Ngọc Tư.
Qua tiểu
thuyết của cô, người ta có thể cảm nhận được sự thay đổi nhận thức
về xã hội và cuộc sống. Tác phẩm của Tư có thể sẽ khiến cho các tác
phẩm văn học khác tại Việt Nam trở nên lỗi thời. Và các cây viết mới
kiểu “Nguyễn Ngọc Tư” sẽ xuất hiện.”
Người ta không
nhất thiết phải đi xa đến như thế trong sự thẩm định về tầm vóc và
ảnh hưởng của Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng ít nhất, không thể bỏ quên những
nhận xét về Nguyễn Ngọc Tư của Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN,
Tổng biên tập báo Văn Nghệ - người đã quyết định đăng tải CĐBT lần
đầu tiên trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn VN tháng 9-2005 (10):
“Thông điệp
của Tư ở đây là con người sống phải biết khoan dung và tha thứ. Chỉ
có lấy ân báo oán thì con người mới có thể nguôi ngoai được lòng thù
hận và nỗi đau, nhờ đó, người sẽ người hơn, sẽ lớn lên. Ông bà mình
đã dạy thế, và Tư đã chuyển tải thông điệp đó một cách tài tình, đau
đớn (…)
Một thông
điệp nữa của Tư là lời cảnh báo về vấn đề gia đình, vấn đề trẻ em
trong toàn xã hội: muốn xây dựng một môi trường đạo đức xã hội lành
mạnh thì trước hết phải xây dựng môi trường đạo đức ngay trong gia
đình mình. Gia đình trong “cánh đồng...” là một gia đình tan vỡ vì
cả cha lẫn mẹ đã quay lưng lại với con cái. Theo tôi, Tư đã nêu lên
một vấn đề bức xúc và cấp bách nhất hiện nay. (…)
Nguyễn Ngọc
Tư là một tài năng. Cô ấy không còn là người của một vùng đất Cà Mau
cụ thể nữa. Cô ấy là tài sản quốc gia, là của VN. Mà tài năng thì ở
đâu cũng vậy, chỉ có thể phát triển nếu được sự phát hiện, nâng niu,
bồi dưỡng, vun đắp của toàn xã hội”.
Hữu Thỉnh đã
có công phát hiện và bảo vệ một tác phẩm gây nhiều tiếng vang. Nhưng
CĐBT không chỉ có thế. Vũ Hồng, Phó Ban công tác Hội nhà văn Việt
Nam miền Tây Nam bộ, cho rằng Nguyễn Ngọc Tư đã “dự cảm được đời
sống xã hội nông thôn trong những năm sắp tới nếu như nông thôn bị
lãng quên và sự phân hóa thành thị - nông thôn sẽ ngày càng rõ nét
hơn, nhất là về mức sống, mức hưởng thụ” (11).
Lê Chí,
Trưởng ban công tác Hội Nhà văn VN Đồng bằng sông Cửu Long, thì chỉ
thẳng ra rằng “sức
hút của CĐBT, chính là tính hiện thực của đời sống nông thôn trên
khắp đất nước”(10).
Sự thực, với
CĐBT, Nguyễn Ngọc Tư đã hết còn dừng lại ở vai trò một nhà cung cấp
những mẫu chuyện nho nhỏ, hay hay để tiêu khiển: CĐBT đã đụng đến
thực chất vấn đề.
Khi ấy, đương
nhiên, nó quấy rầy. Cũng từ ấy, Nguyễn Ngọc Tư đã bước lên một nấc
mới trong bậc thang cao quí nhưng lắm gian nan của thiên chức người
cầm bút.
Ngay ở những
dòng đầu CĐBT, Nguyễn Ngọc Tư đã không che dấu việc mình khó kiềm
chế được sự phẫn nộ. Và tất cả bắt đầu từ đó.
Cao Huy Thuần,
trong một bài viết tuyệt diệu về sự gặp gỡ giữa Thiền và sáng tạo
nghệ thuật (12), có đoán rằng sau “sự cố tháng tư”, chắc là “cô Tư
đã… đắc đạo”. Không biết Nguyễn Ngọc Tư có đọc kịp hay đã trực giác
lời nhắn của Cao Huy Thuần chăng, nhưng rõ ràng Nguyễn Ngọc Tư đã
một lần nữa xuất sắc chấp bút trong một bài “Thay lời tựa” độc đáo
mang tên “Chân không”, nằm ở trang đầu của tập “Ngày mai của những
ngày mai” (NHX Phụ Nữ, 2007). Sâu sắc, tinh tế, đa nghĩa. Đẹp. Nó
cho thấy một Nguyễn Ngọc Tư bản lĩnh, vượt được thử thách và nhất là
vượt qua chính mình. Một trả lời đầy tính nghệ thuật và đượm mùi
triết lý cho câu chuỵện CĐBT coi như đã khép.
Đã khép? Không
hẳn thế.
Mùa kịch nghệ
2009 năm nay đã mở lại CĐBT dưới một góc độ và sắc thái mới. Trong
tình hình văn nghệ khá trầm lắng hiện nay, kịch nghệ- ngoại trừ
những tuồng hài dễ dãi- dường như đã trở thành một trong những biểu
hiện sinh động nhất của đời sống văn hóa VN (mà điển hình là kỷ lục
khán giả đi xem Bí mật vườn Lệ Chi tại Sài Gòn mấy năm vừa
qua).
Trong bối cảnh
đó, sự đồng cảm của quần chúng với vở kịch CĐBT một lần nữa
khẳng định giá trị nội dung văn học của tác phẩm và đồng thời biểu
lộ một sự đồng thuận trong ý chí gắn bó với những giá trị
nhân văn làm nền tảng cho tình tự dân tộc. Một thông điệp dân gian
đáng đọc cho những ai đang xây sự nghiệp trên mặt bằng của sự phản
bội các giá trị đó.
Trong lời phát
biểu tại buổi lễ nhận giải văn học Asean 2008 (13), Nguyễn Ngọc Tư
có nói rõ ý hướng của chị: “Tôi nghĩ, nếu vẽ một biểu tượng của
nghề viết mà tôi đang đeo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt
(…) Khi viết về thân phận, nỗi đau, sự bối rối thường trực
của con người trước những biến cố của cuộc đời, tôi luôn ao ước
những trang viết của mình có được sự rung cảm như những giọt nước
mắt”.
Một ám ảnh đầy
chất thơ, nặng trĩu chất đời. Một nỗi cảm thương mà trước đây Xuân
Diệu cũng đã từng chuyển tải qua hình tượng cõi khổ đau xoay vần
trong vũ trụ:
“Trái đất
ba phần tư nước mắt,
Đi như giọt
lệ giữa không trung…”
Chính nỗi ám
ảnh đó đã đẩy ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục đi tới, soi rọi lên
những mảnh đời phiêu bạt, những thân phận hẩm hiu trước gió bão cuộc
đời.
Khúc quanh Gió
Lẻ…
Gió Lẻ và 9
câu chuyện khác là tựa tập truyện ngắn
xuất bản gần đây nhất của Nguyễn Ngọc Tư (NXB Trẻ, 2008). Nó ra đời
sau CĐBT(cũng là tựa sách gồm 13 truyện ngắn cùng với truyện
cuối được lấy làm tiêu đề cho toàn tập) nên đã chịu nhiều thử thách
khá đặc biệt.
Việc chọn cái
tên đầy đủ và… công bằng như vậy, lần này, hẳn không do tình cờ. Nó
hàm chứa ý tưởng cần đánh giá toàn bộ các sáng tác, chứ không chỉ
riêng mỗi một truyện cuối.
Thế mà, đại đa
số các phê bình đều hầu như chỉ tập trung vào truyện ngắn mang tên
tựa sách (14-18), với “hệ quy chiếu” duy nhất là CĐBT và lắm khi còn
nêu những câu hỏi chắc đã không khỏi gây buồn lòng tác giả…
Nguyễn Ngọc Tư
có lúc phải kêu lên (19):
“…CĐBT
không đại diện duy nhất cho tôi. Mười năm tôi viết những cái mà
người ta thích, giờ tôi viết những gì chính mình thích (…) Tôi như
một kẻ đẽo cày giữa đường, ai qua cũng ngó nghiêng chỉ trỏ một tí.
Cái tôi thấy buồn không phải vì những lời chân thành của bạn, mà là
tôi thấy mất tự do. Mọi người cứ gào thét đòi tự do sáng tác, nhưng
lại băn khoăn trước việc cô ta viết như cô ta thích.“
Thậm chí, chị
vận dụng cả hình ảnh để khẳng định rất văn chương quan điểm mình:
“…tôi đã
thực sự nhìn thấy một bi kịch, là bạn đọc cứ trải chiếu ở cái chỗ
CĐBT và muốn tôi ngồi uống rượu mãi ở đó. Trong khi tôi muốn
đi và thực sự đã đi rồi. Tại sao tôi cứ luẩn quẩn ở cánh đồng đó
trong năm năm, mười năm và hai ba mươi năm nữa, mà không được đi
uống rượu, ngắm cảnh ở không gian khác? Tôi biết, cái chỗ tôi muốn
tới và thích tới không đông đảo người chờ đợi và chúc tụng; nhưng
tôi tự hào là mình cũng chịu dời chân khỏi cái hào quang cũ mà đi.”
Nguyễn Ngọc Tư
hoàn toàn có lý.
Gió Lẻ là
truyện ngắn quan trọng nhất trong tập sách. Nó mang tham vọng của
tác giả muốn “rẽ sang lối mới”, về nội dung lẫn hình thức, trên con
đường sáng tác của mình.
Tại sao
người ta không nhìn thấy mình khi mình còn sống - Lời của một con
ma.
Thoạt tiên,
bằng lời đề từ ấy, tác giả đã báo hiệu ngay sắc diện của 51
trang đi liền sau. Nó để lộ sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ văn nghiệp
Nguyễn Ngọc Tư, một tra vấn thường trực về bộ mặt và hình như cả về
sự hiện hữu của con người. Nó bắt buộc ta suy ngẫm về khả năng biết
nhìn và biết thấy, như tác giả đã có lần phát biểu trước độc giả Hàn
quốc tại Seoul (20): Người ta thường quá tự tin vào mắt, vào tai
mình; người ta không dè dặt trước chữ “biết”.
Truyện không
nơi chốn, thời gian rõ rệt. Nhân vật chính là một cô gái không tên
bị nghịch cảnh vùi dập đến độ khước từ quá khứ, ngôn ngữ và thế giới
người. Em là con “ma sống” trôi giữa biển đời, có duyên ngộ với đôi
kẻ sống mà như đã chết - những con ma - vô hình giữa một thế giới vô
tâm…
Nồng độ khác
thường của truyện đã khiến có người vội vàng lên án Gió Lẻ mang hơi
hám “hiện sinh” và nhại mùi “phi lý chủ nghĩa” (21). Nhưng sau đó,
những ý kiến phản đối khá thuyết phục từ một số độc giả am tường
(22-23) dường như đã làm cho luận điểm về “dấu vết của Jean- Paul
Sartre và Albert Camus” trong tác phẩm này được tự xóa bỏ.
Điều không
chối cãi là bề dày nội dung Gió Lẻ đã thực sự đem lại nhiều cảm nhận
đa diện và sâu sắc cho độc giả. Điển hình là trường hợp Nhã My (24)
với nhận xét sau:
“Gió Lẻ là
câu chuyện về một cô bé quên mất tiếng nói loài người. Trong nỗi
hoang mang của kẻ lạc loài, số phận run rủi cho cô gặp hai kẻ đồng
hành kém may mắn khác; và họ đã dạy cho cô những tiếng nói quen
thuộc. Nhưng rồi tình cảnh thật trớ trêu khi cô nhận ra mình mãi mãi
không thể hòa nhập được với thế giới con người mà cô đã từng bị chối
bỏ, bởi cô nhận ra giữa tiếng nói, hơi thở và “những ý nghĩ chạy
xuyên qua mạch máu” đôi khi hoàn toàn không giống nhau. Thất vọng
khi khoảng cách với thế-giới-người ngày càng xa vời vợi khiến cô co
mình vào một cõi riêng, bất định… Ở đó ranh giới giữa sự sống và cái
chết gần như bị xóa nhòa.”
Đối với Nhã
My, đây là “một câu chuyện đầy cảm xúc về nỗi cô đơn, tổn thương,
sự mất mát và cái chết”.
Nhưng dưới con
mắt của Minh Thi (25) thì Gió Lẻ đề cập tới một cái gì khác hơn nữa:
“Mặc dù
hành trình trên chuyến xe như một sự hành xác, nhưng đó lại cũng
chính là hành trình gột rửa và hình thành một bản thể khác trong cô;
không phải con người cũ bị vùi dập, chịu đựng đau đớn trong dồn nén,
mà là người không có quá khứ, không tên gọi, không cả giọng nói uất
nghẹn.”
Mặc dù vậy,
tác phẩm hoàn toàn không đồng nghĩa với một sự lạnh lùng hay đen
tối. Cao Thoại Châu (17) nhấn mạnh đến khía cạnh tỏa sáng của tình
yêu đã giúp cô gái vất vưởng đáng thương kia trở về với thế giới
người: “Cuối cùng thì cả ba người tình cờ gắn với nhau trên chiếc
xe đã thức dậy một tình yêu trong lòng. Ai yêu ai, ai được yêu và ai
lỡ độ, không phải là điều quan trọng. Quan trọng là “Em hoang
mang với một điều thuộc về con người mà em vừa mới biết”... ”
Minh Thi thì,
ngược lại, đề cao vai trò chủ động và tích cực của nhân vật nữ:
“Và ngay cả ở phút cuối cuộc đời, cô vẫn đủ sức biến cái chết
của mình thành một điều có ý nghĩa hơn với những người còn sống mà
như đã chết trên cõi đời.”
Và những người
này sẽ “mãi mãi là những hạt bụi mất hút vào hư vô, nếu không có
thứ ánh sáng lấp lánh mà cô bé soi rọi từ tâm hồn mình ".
Hình như cũng
chính sự tỏa sáng của nhân vật câm trung tâm đó đã khiến Hồ Trung Tú
(15) suy diễn khá xa trong một nhận định đầy ngụ ý về sự tắt nghỉ
của ngôn ngữ, xuất phát từ quan niệm “kể từ khi có ngôn ngữ, con
người cũng bắt đầu tha hoá và xa rời dần bản thể”. Anh
cho rằng: “Có thể Nguyễn Ngọc Tư chỉ vô tình, hoặc bằng trực cảm
của một nhà văn, đã vô tình chạm đến điểm khởi sinh và cũng là điểm
cuối cùng mà văn minh loài người bắt đầu và đến đích. Dường như, tất
cả đã thật chín để đến một lúc nhân loại đặt lên mặt bàn công và tội
của ngôn ngữ”.
Như vậy, rõ
ràng Gió Lẻ không đơn điệu, mà đã khơi gợi nhiều suy nghĩ khá phong
phú, vượt trên thông điệp giản đơn mà ai cũng có thể nhận ra ngay,
trước những chi tiết tương đối khá ước lệ mà tác giả phơi bày qua
các nhân vật đặc trưng (người cha, ông Tám Nhơn Đạo), hoặc qua những
chứng tật của vai chính (dị ứng buồn nôn khi gặp kẻ gian dối, muốn
nói tiếng loài vật thay tiếng người).
Và nói chung,
người ta có thể dễ dàng chia sẻ với Yến Nhi (26) rằng Gió Lẻ đã để
lại trong lòng độc giả “không chỉ một nỗi xót thương dằng
dặc mà còn một “đốn ngộ” về thiên lương, về nhân phẩm trong
những mảnh đời tưởng như đã bị bao bất hạnh làm thui chột
nhân tính”.
Nguyễn Ngọc Tư
viết Gió Lẻ là để tiếp tục con đường khai phá. Tham vọng, cảm hứng
và tay nghề như vậy đã đủ chưa để đạt được mục tiêu?
Đứng về mặt kỹ
thuật, Gió Lẻ là một thử nghiệm với khá nhiều cách tân qua lối dàn
dựng và làm mới trong giọng điệu lẫn ngôn từ.
Tuy nhiên, cái
giá phải trả là rốt cuộc nó không hẳn luôn luôn “lên bóng” như mong
muốn và thậm chí có chỗ xem ra chưa được hoàn hảo.
Truyện mang
ba giọng kể xen nhau, dài gần 51 trang và có 34 chỗ ngắt đoạn:
trung bình cứ đọc một trang rưỡi là gặp một ngắt đoạn. Một kỷ lục
hiếm có, nhưng đồng thời cũng dễ gây chóng mặt, gần giống hiệu ứng
một phim quay với ống kính vác đi trên vai và chuyển cảnh liên tục.
Mà quả thế, ta
có thể hình dung Gió Lẻ như một bộ phim, như phần lớn các sáng tác
của chị. Một trong những điểm mạnh của Nguyễn Ngọc Tư chính là tài
mô tả như thể đang chiếu cho độc giả xem từng đoạn phim đầy ắp hình
ảnh. Nhưng, ở Gió Lẻ, chị lại dùng quá nhiều thủ thuật lắp
ráp(montage) và flash-back.
“Đạo diễn” có
thể rất giàu ý, nhưng chỉ khi nào tác phẩm thành hình rồi thì mới
biết được là những thiết kế ban đầu có thực sự “ăn” với tác phẩm hay
không. Đó là một quy luật chung cho mọi tác phẩm nghệ thuật, dẫn tới
vẻ đẹp hài hòa nếu thành công hoặc-ngược lại-chỉ gây chông chênh
khiên cưỡng.
Với nội dung
và tình tiết ba nhân vật “ngoại chuẩn” của Gió Lẻ, hình thức diễn
đạt đương nhiên phải rất đặc thù. Hồ Trung Tú (15) tỏ ra rất sành
điệu khi cho rằng chuyện phải “được kể lại bằng giọng kể không
đầu không cuối, tuỳ vào những liên tưởng bất chợt, như ký ức vậy;
ký ức trở về đâu cần có đầu có đuôi!”
Tuy nhiên, anh
cũng nhìn nhận: “Câu chuyện được kể không đơn tuyến, chính thủ
pháp này đã khiến người đọc khó nắm bắt mạch chuyện từ đầu(…) Với
thủ pháp này truyện không còn những đoạn dẫn dắt, những câu chào
mời, giới thiệu”…
Và đưa ra một
nhận xét khá bất ngờ:
“Đọc Gió
Lẻ, tôi cứ hình dung Nguyễn Ngọc Tư như một mụ phụ thuỷ lần đầu nắm
được sức mạnh của âm binh, chị tung bên này, hứng bên kia, hô phong,
hoán vũ cái sức mạnh của ngôn từ mà chị đã bắt đầu nắm được.”
Tất cả là ở
hai chữ “bắt đầu” nầy .
Từ lối viết đã
tạo nên phong cách “Ngọc Tư đặc sản Nam bộ” qua các tác phẩm trước
đây, chị đã bức phá với CĐBT bằng một giọng điệu sắc lạnh và dữ dội
hơn nhằm diễn đạt một nội dung gây chấn động. Thế nhưng, trong Gió
Lẻ, văn chị súng sính - và đôi khi hơi ngượng nghịu - trong chiếc áo
mới, nhất là ở phần đầu, như thể ngòi bút chưa đủ hâm nóng, dẫn tới
những phê bình như của Nhã My (24): “Cách viết mới, nên người
khen không ít, người không chấp nhận cũng nhiều thiệt nhiều. Nhất
là, người quen với Nguyễn Ngọc Tư chân quê dung dị, bảo Gió lẻ khác
chị xưa quá, như cô gái chân quê một bước đi ra thành thị, với câu
chữ làm duyên làm dáng (…) Nguyễn Ngọc Tư có lạ, có mới, có biến đổi
câu chữ kỳ ảo làm cho bạn có khi hơi mất đi chút xíu cảm tình.”
Thật vậy, cho
dù đã có người ca ngợi chất thơ trong dòng văn mới này (15,18,25),
khó mà không phủ nhận những vụng về không đáng có từ một bàn tay
được xem là đã gần đạt mức phù thuật.
Mỹ từ pháp
nhân cách hóa đôi lúc dường như bị “quá dose”, dễ cho cái cảm giác
văn hơi cầu kỳ, chẳng hạn như khi tác giả viết:
“Hôm ấy,
gió lẻ bắt đầu ướm chân vào mùa” (trang 125);
“Em nghĩ
anh ta đang nói nhảm, anh ta không nói về mình, nên thản nhiên lấy
mắt buộc những sợi mưa mỏng và dai ngoài kia” (trang 128);
hay như ở tiểu
đoạn tả về cơn gió làm nền cho tác phẩm (trang 132), với những câu
giống văn chính luận nhiều hơn là văn truyện ngắn: “Và từ khi lìa
nhau, gió dằn vặt con người bởi nỗi ly tan của chính nó”,
hoặc trông có
vẻ hơi nói quá:
“Đắp một
tấm mền cũng là một cuộc tranh đấu nhỏ bởi không biết bao giờ gió sẽ
tới, trong thời gian đó, người ướt đẫm mồ hôi. Sự đùa cợt không bao
giờ mệt mỏi. Đến mức người ta mòn mỏi thiếp đi thì gió lại dựng họ
dậy theo cái kiểu lướt thật chậm từ chân lên đầu, như có một linh
hồn, một bóng ma vừa đi qua âu yếm”.
Vì thế, người
đọc khó được thuyết phục về mục đích chỉ nhằm “trốn gió” của gã lái
xe:
“Để trốn
gió, gã nhận chở bất cứ loại hàng nào, với cái giá rẻ nhất đi tới
những người đàn bà của mình ở những điểm đến quen thuộc.Bằng cách
đó, từng mùa gió lẻ đã đi qua đời gã êm đềm”
Mặc dù có
người nghĩ Nguyễn Ngọc Tư chọn “bút pháp tượng trưng xen lẫn siêu
thực” (17) trong Gió Lẻ, độc giả vẫn dễ cảm thấy, ở tiểu đoạn tả
người say rượu (trang 128), hình ảnh “máu loãng” hơi bị gượng ép,
nhất là ở câu cuối:
“Cả người
anh ta ngấm nước mưa, rượu và nỗi buồn, tất cả đã ướt đẫm tới xương.
Chúng pha loãng máu, và trái tim mệt mỏi kia phải đẩy đưa từng dòng
trong vắt. Em quẩy túi lên vai, em sợ cái cách chảy trôi tuột, trơn
lẫy của những dòng máu loãng.”
Ngược lại, hai
trang 133-134 là một trong những tiểu đoạn trong sáng nhất của
truyện, người ta được ngắm một bức tranh chứa nhiều nét lạ, như muốn
báo hiệu cho phong ba sắp đổ tới, nhưng vẫn thanh thoát, dịu êm như
chính tâm hồn nhân vật:
“Em chậm
rãi xoay người về phía cây bằng lăng. Những chòm sao tím thắp trên
cây đã bị gió lùa rụng đầy đất.Từ lưu lạc, bầy sao bắt đầu nhuốm màu
lam lũ, tả tơi.
Con Cò từ
trong nhà ông Tám băng xăng bái xái chạy ra, mớ lông trên mép còn
dính chút mỡ cháy. Nó vừa đi vừa sủa sững sốt, dù đã sủa suốt đêm
qua, dưới ánh sáng ban mai, cảnh vật trên rẫy trở nên xa lạ. Nóc căn
chòi em ở xù lên phơ phất, như tóc của một người vừa ngủ dậy.
Trong mớ âm
thanh quen thuộc của lũ kiến chạm chân trên đường rời tổ, của muôn
vạn cái lá dập xao xác, những giọt sương sẽ sàng rụng xuống, tu hú
kêu vang trong bờ sậy, có lẫn tiếng cây đang ứa nhựa hàn gắn vết
thương, nơi nụ hoa lìa”.
Nhà phê bình
vãn học Phạm Xuân Nguyên (27) đã rất khắt khe với tác giả trong câu
cuối này, cho rằng:
“…khi chị
tỏ ra làm lạ mình, khác mình bằng cách “làm văn” ở câu chữ thì lại
không nên. Cái duyên cái chất của Ngọc Tư là ở những câu văn chân
chất, hồn nhiên truyền tải được cái hồn vía của một người văn. Những
câu làm dáng, văn hoa thật không phù hợp và không cần thiết cho
truyện, càng rất không “Ngọc Tư”.”
Điều đó đúng,
nhưng ở chỗ khác. Còn trong tiểu đoạn vừa nêu, người ta vẫn có quyền
hình dung cô gái – với giác quan nhạy cảm khác thường, nghe được
tiếng máu chảy trong cơ thể người, âm thanh của thiên nhiên và loài
vật ̶ khi ấy đang đắm chìm trong một nỗi mơ nào đó, bắt
đầu từ câu văn trau chuốt đã khơi mạch phía trên (Những chòm sao
tím…lam lũ, tả tơi).
Thiết tưởng,
thích hay không thích lối văn mới này của Nguyễn Ngọc Tư là tùy mỗi
người nhưng ở đây không hề có “lỗi văn chương” .
Truyện ngắn
Gió Lẻ là một lối rẽ trên đường truy tầm cái mới, không giống với
những gì trước đó của tác giả, “một kiểu viết khác, một cuộc tìm
kiếm khác, để tạo nên phong cách đa dạng hơn và cũng nhiều triết lý
hơn cho Nguyễn Ngọc Tư” như ý kiến của Minh Thi (25).
Trao đổi với
bạn đọc trên báo gần đây về Gió Lẻ (28), chính Nguyễn Ngọc Tư cũng
nhìn nhận “nó không hấp dẫn, bởi trúc trắc và khó nắm bắt”
nhưng khẳng định khi viết thì “thấy vui, mắc cười, thấy mình
giống như đang viết... trường ca vậy” .
Phía tác giả
thì thế, nhưng về phía người đọc, cảm nhận rõ ràng đã có khoảng cách
không nhỏ so với chủ ý người viết. Và ta có thể tạm dừng trên đánh
giá sau đây trong một phản hồi của độc giả (16) - ít ra về mặt
hình thức - vì nó nêu lên một cách khá hữu lý giả thuyết dẫn tới
sự chưa đạt của Gió Lẻ:
“Mặc dù
những đột phá dễ thấy, có cảm giác như Gió Lẻ được xây dựng và
triển khai quá vội vã, chưa đủ thời gian và cũng không được dồn đủ
tâm sức cần thiết ”.
Những mong tác
giả đón nhận các ý kiến trên đây đúng trong tinh thần đi tìm sự hoàn
thiện mà người đọc quan tâm nhắn gửi (14):
“Có lẽ vì
yêu quý nhà văn nên độc giả đã yêu cầu khắt khe quá chăng?”
…và 9 câu
chuyện khác
Là mảng còn
lại của tập truyện, phần sáng tác ngoài-Gió-Lẻ này khá “ trung
thành” với phong cách “ Ngọc Tư” thường lệ. Nhưng không phải vì thế
mà nó tự động làm tăng giá trị văn chương của tập sách, hay làm giảm
chiều sâu của mỗi truyện. Chúng ta sẽ trở lại điểm này.
Khác với
truyện cuối Gió Lẻ, gần như toàn bộ các truyện còn lại đều khá hoàn
chỉnh, không bị “sức ép” của chủ đề và ý đồ văn học của tác giả làm
trì nặng hoặc biến tính. Tâm An (29) có cho một tóm lược - gần như
đầy đủ nhưng lại quá ảm đạm so với những người phê bình khác (25,
26) - về từng truyện một.
Nổi bật trong
tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư là trẻ em, với một vị trí đặc biệt: vừa là
người phát ngôn trung thực cho sự thật, vừa là kẻ hứng chịu hậu quả
những sai trái của người lớn.
Hãy nghe nhận
xét của Phạm Xuân Nguyên (27):
“Văn Nguyễn
Ngọc Tư, có thể nói, là cách thế nhìn vào thế giới người lớn ngổn
ngang, phức tạp, đầy bất hạnh và bi kịch, từ mắt những đứa trẻ ngây
thơ - già nua. Giọng điệu văn của chị, xuyên suốt, cũng là giọng kể
giọng nói giọng nghĩ từ phía những con người còn nhỏ này. Hoàn cảnh
chung tạo nên cảnh ngộ bất hạnh của chúng là sự tan vỡ của các gia
đình, sự phản bội nhau của các cặp vợ chồng.”
Truyện mở đầu
Vết chim trời được dành cho những vết thương
chưa lành của cuộc chiến. Điều đó thể hiện - trước tiên - một cách
đánh giá lịch sử của tác giả, khởi từ sự nhận diện lại những vết hằn
trên da thịt và tâm hồn Việt Nam. Thứ đến, mặc dù những chứng tích
đó sẽ không biện minh được gì hết cho những hèn kém trơ gan trước
thách đố hôm nay, nhưng nó vẫn là tất định (déterminante) trên tác
phong cung cách của những thế hệ đã trải qua trận “gió tanh mưa
máu”, nói theo chữ của Nguyễn Đình Toàn.
Đó là chuyện
về “một nỗi buồn khôn khuây trùm lên gia đình nọ khi trong
cơn mê bà nội nhắc lại cái chết của thằng Út Hơn phía bên kia
chiến tuyến bị người anh bắn chết. Nỗi đau lớn qua đi, đứa
con nhỏ sót lại của Út Hơn dẫu được cả gia đình yêu thương đùm
bọc, cuộc sống thơ ngây của nó vẫn có nhiều vết gợn” (26).
Về mặt nghệ
thuật, Nguyễn Ngọc Tư thật sự đạt đến mức làm trống của Thiền
nhân mà Cao Huy Thuần đã nói tới (12): một đề tài nghiêm trọng như
thế mà chị viết sao xem thật nhẹ nhàng. Như gió thoảng, như chim
trời, như sự hồn nhiên của hai nhân vật tuổi thơ, nhưng đồng thời
lại nằm trong thế tương phản tột cùng với những câu
hỏi nhức nhối mà chúng đặt ra. Một thành công xứng đáng được đặt ở
đầu tập sách.
Chuồn chuồn
đạp nước, ngược lại, là một đề tài đơn
giản nếu không nói là “vu vơ”, đi liền sau truyện đầu tiên. Ấy vậy
mà Nguyễn Ngọc Tư xử lý thật tài tình. Cái đặc sắc ở đây là cách lột
tả tâm lý nhân vật, thường là một trong những nhược điểm to nhất
của cả nền văn truyện Việt Nam so với văn học châu Âu chẳng hạn.
Khởi từ một sự
việc không có gì (người cha lỡ nhắc sai cho con mình trong một cuộc
chơi “đố vui” trên đài truyền hình), tác giả đã trải trên 12 trang
sách “nỗi lòng” của nhân vật, thỉnh thoảng được điểm xuyết bằng
những câu nói “trúng phóc tim đen”, như:
“Quan trọng
là người ta trong mắt mình như thế nào. Tao thấy mầy cứ mệt mỏi vì
chuyện mình như thế nào trong mắt người ta...”
Hoặc:
“Có quá
nhiều chuyện nhân tình thế thái mà cha không quên, có nhiều thằng
cha xỏ lá cà khịa đâm sau lưng cha: đáng lẽ nên quên đi cười trọn
nụ, để đời nhẹ nhỏm mà cha không quên, thì sao lại quên vụ này?”
Tình thầm,
truyện tiếp theo, cũng là một ví dụ tiêu biểu cho lối viết truyện
ngắn đáng được tán dương: một góc nhìn nhỏ, không ôm đồm khi chọn
chủ đề, nhưng hết sức tỉ mỉ trong cách triển khai và luôn luôn “đi
guốc” trong bụng con người, nhất là nêu bật được những cái yếu
đuối và mâu thuẫn đến độ không ngờ của nó.
Truyện một cô
tài xế kể lại những gì cô chứng kiến và cảm nhận hằng ngày trong
những cuộc săn tìm người yêu liên tục của ông chủ. Mệt mỏi đến độ
cuối cùng cô phải viết đơn xin nghỉ việc, nhưng ngay khi vừa mới
cương quyết gạt lời ông chủ năn nỉ cô ở lại trong điện thoại thì:
“…tắt điện
thoại rồi, cô sợ chỉ một câu nói của anh nữa thôi, cô sẽ chạy tới,
vò lá đơn quẳng vào sọt rác.”
Với Sầu
trên đỉnh Puvan, Nguyễn Ngọc Tư đã chọn một chủ đề có tầm cỡ và
nhiều ẩn dụ. Nhân vật bình dị nhất trong chuyện, người dẫn đường tên
Củi, được mô tả thật sắc với những điểm sáng lý thú như hình ảnh
này:
“Thằng Củi
lù lù hiện ra, một linh hồn mười lăm tuổi trong cơ thể đứa bé lên
chín, ở trần, gầy nhom, lem luốc, hai xương vai bén ngót, nhô lên
cao, môi nẻ ra, bong những cái vảy nhỏ”.
Hoặc sự tinh
tế trong những giây phút mà thằng bé – rồi khách của nó ̶ bỗng chốc
biết khựng lại, như vừa chạm đến một sự thật phải trốn
tránh hay đang bị vùi sâu:
“…trong cơn
hưng phấn, đứa bé khoái chí chỉ về phía làng mình; nhưng ngay lập
tức ngón tay nó hơi cong lại, như thể chỉ cần thẳng ra là tay nó
hướng ngay vào sự nghèo khó, hắt hiu(…) thỉnh thoảng nó ngây ra nhìn
người đàn ông xa lạ và ngượng ngập cười xòa khi ánh mắt của mình bị
Vĩnh bắt gặp: “Hồi nào giờ tui chưa biết mặt ba tui, tui nhìn coi
ông có chỗ nào giống tui không?” Câu nói làm Vĩnh khựng lại một
thoáng và Dịu nhớ con đến rã rời.”
Truyện có tham
vọng nghệ thuật. Tiếc thay, khuyết điểm đáng tiếc nhất- theo thiển ý
̶ là thiếu hẳn ở phần cuối một mảng triển khai tâm lý nhân vật Vĩnh
cho thật đúng nghĩa và đầy đủ: cái chết của anh, trông như chỉ do
“dàn xếp” chứ không phải là hệ quả tất yếu của đoạn văn đi trước đó.
Ấu thơ tươi
đẹp là môt cái tựa mang nhiều mai mỉa,
như chính thân phận của những đứa bé không còn một tổ ấm yêu thương,
được dành cho ngót 13 trang xoáy quanh bi kịch trẻ con có bố mẹ đã
lìa nhau.
Tất cả diễn ra
trên một“đoàn tàu chở hai cha con về quê xa, nơi có người
đàn bà đang chờ cha thằng bé về làm đám cưới. Thằng nhỏ
Sói đã xuống một ga lẻ bỏ đi, mặc người cha khốn khổ tìm
kiếm trong hoảng loạn đau đớn. Nó thương cha lắm nhưng mà
việc làm của cha nó, nó không san sẻ được” (26).
Và truyện kết
thúc bằng quyết định của cô bé kể chuyện trên tàu, đồng cảnh ngộ với
thằng nhỏ, thật buồn nhưng dường như đã cùn lụt, tê dại nỗi đau: “Em
thì mãi mãi ở lại con tàu này bằng một vốc thuốc ngủ vun vén ở mỗi
tiệm thuốc tây một chút. Nên em hoàn toàn tôn trọng sự chọn lựa của
Sói”.
Một lát cắt
trong cuộc sống hôm nay. Một giọt lệ lăn xuống những ngày mai tuổi
trẻ ̶ hay đúng hơn - những tuổi trẻ không ngày mai.
Bước sang
Núi lở thì không gian và tiết tấu hoàn tòan khác.
Văn Nguyễn
Ngọc Tư, như đã nói trên, thường giống như cho xem cảnh phim. Thì ở
đây, chủ đề lại đúng là chuyện một người thuật lại những gì anh ta
đã hình dung cho bộ phim tốt nghiệp định làm. Do đó, truyện lại càng
là một bộ phim, được “chiếu thử” trước mắt người đọc.
Độc đáo, sống
động. Đầy những cảnh, cũng thường thôi, nhưng có sức lay động làm ta
không thể dửng dưng trước “sự đời” ngán ngẫm: cảnh mẹ cha nuôi ổ
điếm, chống lại ý ông nội, ngay trong nhà có con trẻ; cảnh cha mẹ cố
tình bỏ rơi ông Nội khi chạy tránh núi lở mặc cho đứa con kêu gào
đòi cứu…Hãy nghe Yến Nhi (26) ghi nhận: “Một cảnh núi lở làm
tan hoang một vùng dân cư và bao nhiêu ngang trái, thô kệch
ngẫu nhiên phơi ra. Cuộc sống lang chạ ê chề một cách tự
nhiên hiện lên bất khả kháng trong đổ nát, hỗn độn làm ngơ
ngác cả những tâm hồn bé dại.”
Vẫn một bản
cáo trạng đọc lên cho đời bằng ngôn ngữ nghệ thuật, vẫn một điệp
khúc không nhàm nhạt chút nào qua câu chuyện, bởi nó nêu đích danh
những “kẻ đang rú lên mừng thoát nạn mà đã-chết-rồi” - như
tác giả đã nhấn mạnh - dù là trong tuồng chạy trốn “núi lở”
này hay ở môt đại hồng thủy mới nào khác…
Bằng đôi nét
chấm phá và vỏn vẹn chỉ trên 7 trang giấy, Thổ sầu - truyện
sau đó- đã nêu lên những vấn đề tế nhị, tuy riêng mà vẫn rất
chung cho bất cứ xứ nào đem du lịch đến nông thôn, khi nông thôn đó
quá nghèo. Truyện dựa trên khả năng quan sát tinh tường của tác giả,
và hắt một thứ ánh sáng đặc quánh trên cảnh quan thời “hội nhập”.
Hãy chứng kiến
vài phản ứng của khách du lịch: “Người thấy cuộc sống chật chội,
nặng nề đến đây, bỗng thấy mình ham sống, thấy tràn trề sức lực
trong cuộc chen chúc mưu sinh. Phụ nữ luôn có nụ cười kỳ lạ, như thể
không ngậm miệng được, nụ cười biết nói, “vậy mình quá giàu so với
đám người này”. Đám đàn ông ánh mắt cũng mãn nguyện không kém,“dám
chắc là trong ba tháng nữa bà vợ mình không than vãn chuyện lương
thấp lương cao”. Có chút gì chua chát trong câu văn: “Khách
có quá nhiều thứ để giới thiệu Thổ Sầu với bạn bè, một chiếc mùng
chi chít những miếng vá nhiều màu, mấy cái đèn cóc lụm tim, chiếc
giường ngủ ghép bằng thân tre chẻ hai, mắt tre dù đã chuốt kỹ vẫn gù
lên lông chông”.
Và cuối cùng,
vẫn từ miệng những đứa bé mà thoát ra sự thật: “Tôi thích nhìn vẻ
thất vọng não nề của chúng khi tới xóm tôi (…) Nhất là khi ra
về, nhiều đứa ấm ức cằn nhằn:
- Hổng vui
gì hết … Nhìn người ta nghèo hổng vui gì hết”.
Truyện kết
thúc ở đỉnh điểm là sự từ chối rời bỏ quê nghèo của người kể, bởi
một lý do nghe thật xót xa: “Vì sau vườn cỏ lại mon men bò lên mộ
má tôi, ông bà tôi …”.
Phải chăng đó
là lời đáp bi thương của trái tim “hiếu để” trước mệnh lệnh khắt
khe, đầy ý thức hệ gia đạo của một thời không trở lại?
Đổi khung
cảnh. Truyện Của ngày đã mất trổi lên như môt hợp tấu của dân
ca, sông nước và Tình Yêu, theo âm điệu những cảm xúc tinh anh trước
cái Đẹp, dù những khoảnh khắc đó vô hằng (fugace), bất định hay chỉ
vọng từ hư ảo.
Một chuyến du
khảo của hai thầy trò đi sưu tầm âm nhạc giữa miền quê còn giữ màu
nguyên thủy, nơi có “Bờ lau xào xạc gió. Nước chảy vào họng đìa.
Con chim nào đó kêu ánh ỏi” (Ta lại gặp hai từ đắc giá của Xuân
Diệu nơi đây!).
Những rung
động từ một hiện diện hồn nhiên và tuyệt bích kề cận bên mình. Những
thân mật dịu êm và thuần khiết của cô học trò son trẻ đầy cá tính
dần dà choáng ngập tâm hồn người thầy cao tuổi. Nhưng ông không may
mắn như một Pablo Casals huyền thoại. Dấu vết thời gian trên cơ thể
không cho ông đáp lại những thôi thúc rộn ràng của con tim. Con tim
rạo rực, hãy còn thênh thang mở về từng nhịp sống, từng xao động thì
thầm sâu kín nhất đến từ mỗi cơn mơ, mỗi góc đứng giữa thiên vạn
cảnh giới cuộc đời.
Chuyện đẹp,
nhiều chi tiết tinh tế, không đi đến đâu và kết thúc bằng cuộc chia
tay:“Cái cảm giác mất em bắt đầu ăn lan trên từng thớ thịt.
Chuyến xe cập bến vào một buổi chiều tàn lụi, nhưng chúng tôi mãi
mãi không trở về được cái nơi mình ra đi.”
Truyện ngắn
của Nguyễn Ngọc Tư không chứa những mê say trữ tình (lyrisme) hay
xót xa lãng mạn, nhưng có thể xem đây là một “Vòng tay học trò” nho
nhỏ, có những vai đối xứng với nhân vật trong tiểu thuyết
Nguyễn Thị Hoàng năm xưa.
Thêm một khúc
vinh danh cái đẹp thực hữu của Tình Yêu Mỹ Cảm (joie esthétique),
của cảm xúc phi luân (amoral), bởi nó nằm ngoài luân lý và
vượt trên mọi rào ngăn, tầm nhắm của những quan niệm thông thường
chỉ biết đến - và hay lo sợ - những sự thể vô luân (immoral)
tầm thường, ngay cả trong khu vườn Văn Nghệ.
Một chuyện
hẹn hò khép lại loạt truyện ngắn bên cạnh
Gió Lẻ. Tác giả mượn lời một chú cóc để kể lại cuộc hẹn hò- nói như
Yến Nhi (26) - của một “người đàn bà bất hạnh trong cuộc
sống gia đình đến với người đàn ông yêu thương giữa mùa mưa
bão. Tình cảm chân thật mãnh liệt đã vượt khỏi những khắc
nghiệt của lề thói cũng như sự hung bạo của thiên nhiên. Họ
đến với nhau trong lo âu nhưng dịu ngọt, hiến dâng cho nhau
một tình yêu đầy thảng thốt”.
Cũng giống như
trong Tình Thầm, nhà văn bóc trần ở đây sự yếu đuối của con người,
sự giằng co giữa con tim và lý trí, giữa tình yêu và bổn phận, giữa
cái mình là và phải là.
Nhà văn nữ
viết đậm đà và độ lượng về thảm kịch một phụ nữ đã phải trả cái giá
đắt nhất cho sự lựa chọn được làm bằng tất cả tự do ban đầu
của mình khi quyết định đi đến nơi hẹn với người yêu. Những gì sau
đó hoàn toàn thuộc về bất trắc - nếu không là bất công nghiệt ngã -
của cuộc đời.
Như vậy, qua
Gió Lẻ và 9 câu chuyện khác, Nguyễn Ngọc Tư đã ghi thêm những
bước đi chinh phục. Dưới một bề ngoài thoạt trông như “đã thấy đâu
đây rồi”, tác giả - qua từng tác phẩm - đã tỉ mỉ tỉa xén và tái tạo
từng mảng thực tại theo một cảm hứng và mỹ quan mới.
Vì thế, có
người như Yến Nhi (26) một mặt cho rằng “dễ nhận dạng một
phong cách viết truyện khá ổn định của Nguyễn Ngọc Tư”,nhưng
mặt khác cũng ghi nhận “một tiếp cận của Nguyễn Ngọc Tư
vào trào lưu mới ở lối kết cấu đồng hiện (Sầu trên đỉnh
Puvan, Núi lở, Gió lẻ) và sự hoá thân vào các ngôi 1, ngôi
3, và loài vật để kể chuyện (Vết chim trời, Ấu thơ tươi
đẹp, Một chuyện hẹn hò) làm thay đổi tiết tấu tự sự ở
từng thiên truỵện cho thêm phần dí dỏm, hứng thú”.
Và phát hiện
xuất sắc điều cơ bản là: “Tất cả đều đứng ở bờ ranh của
sự trong sáng và u tối, của cái thiện và cái ác; “cái
tài” của Nguyễn Ngọc Tư là nơi mấp mé bờ vực đó vẫn giữ
cho nhân vật một nét của thiên lương, để rồi chỉ chờ chút
gió lành của cuộc sống thoáng qua là bùng lên ánh sáng
của nhân phẩm”.
Nói chung, tập
truyện dễ tạo ấn tượng buồn vì hầu hết các câu chuyện đều kết thúc
trong tan vỡ, chia ly hoặc cái chết. Thậm chí, nói như Tâm An (29):
“Tập truyện
ngắn này hướng về sự giải thoát của cái chết, sự ra đi thanh thản mà
nhân vật chính chờ đợi từ lâu”,
để rồi “đọc
truyện, chợt giật mình bởi những cái chết kia không gì khác chính là
hồi chuông thức tỉnh yêu thương trong mỗi người chúng ta”.
Chừng ấy nhận
xét và cảm nhận, bất luận về ý hay lời, cũng đủ để nói lên rằng
người ta khó đồng tình với cách đánh giá sau đây của Phạm Xuân
Nguyên (27): “… đọc cả loạt truyện dễ có cảm giác lặp lại trong
cách khai thác đề tài.”
Cảm giác lặp
lại, nếu có, là không ở cách khai thác đề tài!
Mặt khác, để
trở lại với truyện ngắn chính, nếu mọi người có thể dễ dàng chấp
nhận rằng “truyện hứa hẹn là một đột phá mới của người viết,
nhưng Gió Lẻ chưa được đến độ như có thể mong đợi”, thì - ngược
lại - làm sao tránh khỏi băn khoăn khi nghe nhà phê bình văn học của
chúng ta phát biểu một cách đáng ngạc nhiên như thế này:
“Đọc nó vẫn
thấy ra chất Nguyễn Ngọc Tư, và do đó lại có chút tiếc nuối. Có cảm
tưởng tác giả vẫn đang bị níu chân trên đường quen.”
Thế ra, phải
làm cho hết thấy “chất Nguyễn Ngọc Tư” mới là đột phá!
Đó là chưa kể
đến những điều không đúng sự thật sau đây, đối với những ai đã
thật sự đọc qua truyện ngắn, cũng nằm trong bài hình như được
viết quá vội vàng của Phạm Xuân Nguyên:
“Gió lẻ có
ba nhân vật, đan xen hai giọng kể (…) Nguyễn Ngọc Tư đã cố
gắng đổi cách viết, thực chất là tìm cách móc nối những đoạn
văn ngắn, những mẩu chuyện mà tách riêng ra có thể thành từng
truyện độc lập, vào trong một chỉnh thể mới để làm đa dạng đa
chiều hơn thế giới nghệ thuật của mình” (xin được gạch dưới).
Hành trình vô
tận…
Câu hỏi mà độc
giả hay đặt ra cho Nguyễn Ngọc Tư là tại sao chị từ bỏ lối viết quen
thuộc để đi vào những thử nghiệm mới. Câu hỏi này, tự nó, nói lên và
mở ra nhiều vấn đề liên quan đến hình thức, nội dung và chiến lược
sáng tác của nhà văn.
Trước hết, vì
sao những thay đổi dễ nhận ra trong CĐBT đã không hề gây thắc mắc
cho độc giả, mà phải đợi đến Gió Lẻ người ta mới lên tiếng?
Một cách hiển
nhiên và gần như mặc định, lối viết mới của Nguyễn Ngọc Tư trong
CĐBT đã được công nhận là rất đạt.
Mỗi nhà văn là
một nhà sáng tạo, do đó mang một cá tính, một phong cách riêng khiến
độc giả không thể nhầm lẫn với bất cứ ai khác.
Phong cách
(style) là kiểu viết, là thói quen diễn đạt của một tác giả. Giọng
là cách phát âm có tính cách riêng trong trường hợp một ngôn ngữ, là
lối sử dụng câu chữ của nhà văn để biểu lộ ý tưởng hay mô tả sự vật,
con người, tạo cho nó một sắc thái riêng về mặt hình thức.
Đó là những
hằng số bất biến, là đặc trưng của mỗi ngòi bút. Nó chính là “dấu
tay” nhà sáng tạo nghệ thuật để lại trên tác phẩm mình. Đánh mất nó
là đánh mất bản sắc và cả cái “vốn quần chúng” của tác giả, khiến
người đọc sẽ không còn nhận ra được cây bút quen thuộc của mình. Đó
là một lỗi nặng, giống như để mất thương hiệu trong lãnh vực Tiếp
Thị (Marketing).
Nguyễn Ngọc Tư
hoàn toàn có thể và nên động não không ngừng để luôn luôn cống hiến
cái tươi tắn, mới mẻ. Tác giả có thể thay đổi nhịp điệu, y trang,
màu sắc, “phông” cảnh… Nhưng sẽ không hợp lý chút nào nếu chị đụng
tới phần hằng số bất biến của mình. Điều đó có vẻ quá hiển nhiên
nhưng thực ra không dễ tránh, nếu không có một sự phân tích thấu đáo
ngay từ đầu: nó đã từng xảy ra một cách đáng tiếc trong một số tác
phẩm về sau này của Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn, qua đó, người ta hết
còn nhận ra cái chất độc đáo của anh nữa.
Trong một bài
phỏng vấn phong phú (19), Võ Đắc Danh có nhắc nữ sĩ Cà Mau câu nói
của Gamzatov, nhà thơ nổi tiếng của dòng văn học tiếng Avar miền núi
Daghestan: “Văn học không có ranh giới, nhưng nhà văn phải có quê
hương”.
Hình như có
vấn nạn “tính địa phương” phải chăng là một cản trở cho tiến trình
văn nghiệp Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng, hơn thế nữa, có lẽ cái cốt lõi
chính là câu hỏi “cái phổ quát” (l’universel) có thực sự đối lập
với “cái riêng lạ” (le singulier) hay không trên bình diện văn
học. Một đề tài lớn về triết học, tôn giáo và văn hóa, từ lâu
đã làm chảy nhiều bút mực qua các thời đại.
Một cách tổng
quát, ta có thể tham khảo quan điểm của Leibniz, cho rằng “muốn đi
đến cái phổ quát thì trước hết phải bám rễ trong cái riêng biệt, bởi
vì cái trước luôn luôn hiện ra - thoạt tiên -dưới dáng nét của cái
sau” (30) .
Aimé Césaire
thì gói ghém qua công thức: "C'est en étant soi-même qu'on est
universel" (chính khi mình là mình thì người ta mới đạt đến cái phổ
quát), những gì nhà thơ đảo Martinique đã nói trong tác phẩm “Cahier
d’un retour au pays natal”: muốn đạt tới cái phổ quát, các nền văn
hóa châu Phi phải bám rễ vào một nơi chốn và một lịch sử.
Cũng vậy, Ngoc
Tư càng “đặc sệt Nam Bộ”, càng khám phá, đào sâu, bóc trần những cái
lẽ không cùng trong lõi cốt con người và cuộc sống trên những mảnh
đất, vùng trời đích thực (authentique) nhất, dù riêng lạ (singulier)
đến đâu - bằng lao động sáng tạo nghệ thuật - thì như thế chị mới
cống hiến có ý nghĩa nhất, và không chỉ cho độc giả của riêng một
xứ nào.
Nguyên Ngọc
(31) có nhận xét và cách nói bậc thầy: “qua những bức xúc thời
sự, Tư có cái tài biến nó thành cái nhân loại.” Nguyên Ngọc đã
sớm thấy tầm khái quát cao của một CĐBT mà ông đã không ngần ngại
xếp ngang hàng với những Số Đỏ, Nỗi Buồn Chiến Tranh và các truyện
ngắn hay nhất của Nguyễn Huy Thiệp. Ông cũng đã mạnh dạn dành lời
khen “lịch sử” sau đây cho Nguyễn Ngọc Tư (32): “Với CĐBT, văn
chương ta bước vào toàn cầu hoá hôm nay một cách đàng hoàng, cùng và
ngang bằng với những giá trị nghệ thuật và nhân văn của toàn cầu,
chẳng phải nể ai hết”.
Đó là một nhìn
nhận đầy vinh hạnh và đồng thời cũng chất chứa những kỳ vọng lớn lao
đặt nơi nữ sĩ Cà Mau.
Mặt khác, bước
sang lãnh vực thực hiện và nhìn dưới góc độ nghề nghiệp, thiết tưởng
ta không thể không đề cập đến những sơ hở và nhược điểm mà người làm
văn học nghệ thuật thường khó tránh khỏi.
Thật thế, văn
nghệ tuy không là kinh tế, nhưng vẫn đòi hỏi phải có tư duy, chiến
lược và lộ trình hành động. Những thất bại gần đây của nhiều ca sĩ
do thiếu suy nghĩ về chiến lược đã được báo chí trong nước nêu lên
khá rõ ràng và rất đáng suy ngẫm (33). Cho nên, rất dễ hiểu là người
đọc yêu mến Nguyễn Ngọc Tư có đôi chút lo ngại về sự định vị
chiến lược (positionnement stratégique) của chị trên trận địa
văn chương.
Khái niệm
“định vị chiến lược” là cơ bản trong Marketing. Sẽ không có chỗ cho
việc đề cập đến nó ở đây, nhưng thiết tưởng nó sẽ rất hữu ích cho
bất cứ ai muốn đưa thành quả lao động của mình đến tay một quần
chúng tiếp nhận (34). Quan hệ giữa nhà văn với độc giả cũng không
nằm ngoài lô-gic đó.
Có nên hay
không, việc bỏ một mạch ngầm chỉ mới vừa được khai thác và đã gặt
hái thành công lớn? Bước vào một vùng đất mới, liệu Ngọc Tư có sử
dụng hết được sở trường của mình chăng?
Cách tân
(innover) không phải để cách tân. Nó không phải chỉ duy nhất dựa
trên sự sáng tạo (créativité), mà còn phải biết sáng tạo ra cái gì,
và sản phẩm mới đó có lọt được vào mắt xanh của thiên hạ, có đáp
đúng những khát vọng bùng phát hoặc còn đang âm ỉ trong lòng khách
thưởng ngoạn hay không.
Vì sao Nguyễn
Ngọc Tư lại bỏ sức đi viết tản văn hoặc … tạp văn (một từ không mấy
hoa mỹ để chỉ một thể loại văn học!), thay vì tập trung sáng tác
truyện ngắn - và nhất là tiểu thuyết, nếu được - bởi truyện
mới là một tác phẩm nghệ thuật tự tại?
Để vươn ra thế
giới, ngoài ví dụ Hàn quốc, làm sao giới thiệu nữ sĩ Cà Mau với các
nước khác đặc biệt là ở phương Tây?
Để làm giàu,
làm mới mình, tác giả có nghiền ngẫm, kế thừa, giao lưu, cọ xát với
văn học thế giới đủ chưa?
Hỏi tức là trả
lời.
Sáng tạo cần
đam mê, bốc lửa. Trong một cuộc trả lời báo chí mới đây, Nguyễn Ngọc
Tư có nói lo sợ sẽ bị “cạn” đi (35). Điều đó dễ hiểu và chứng tỏ ý
thức của chị về trách nhiệm và vai trò của mình.
Đầu tháng 7
vừa qua, Nguyên Ngọc cũng đã có những đánh giá thẳng thắn và xác
đáng về nữ sĩ Cà Mau (31), cho thấy cơ sở sự tin tưởng sáng suốt và
quảng đại của ông:
“Gần
đây, một số tạp bút của Nguyễn Ngọc Tư có hơi chững lại, không còn
giữ được nhiều sự thâm trầm và sắc sảo như trước. Nhưng có lẽ cũng
không sao, người ta viết lên xuống là thường. Tôi vẫn tin Nguyễn
Ngọc Tư. Cô ấy rất có bản lĩnh. Một trong những nét bản lĩnh đó là
cô luôn thấy văn chương của mình có vấn đề, luôn thấy cần thay đổi,
đồng thời vẫn là mình. Trong một bài viết, Tư đã nói rằng cô sợ mình
“nhạt” đi, một người viết biết được như thế là rất giỏi. Chắc Tư còn
tự thay đổi, sẽ khác đi, mà vẫn là Tư.”
Đặc biệt, vẫn
bằng lối nói sâu sắc cố hữu, Nguyên Ngọc khẳng định:
“Tư
là một nhà văn rất xã hội, nhưng xã hội một cách rất văn học, rất
nghệ sĩ.”
Chính những
phẩm chất đó là hành trang máu thịt trên con đường Nguyễn Ngọc Tư đi
giữa thế gian và đến tận sâu thẳm tim người.
…trong đối
thoại với cuộc đời
Những gì chính
trị và các kênh xã hội công dân bó tay, hình như văn học có khả năng
làm được. Nhưng nó không trực diện hoặc quá chân phương như đã thấy
trong một ví dụ kịch nghệ gần đây chẳng hạn, đã giới thiệu say sưa
dự án kịch bản “Bản giao hưởng Điện Biên” giữa lòng thời sự (36). Văn
học thâm trầm và trải rộng tầm mắt hơn.
Văn học luôn
góp phần vào sự chuyển hóa của đời sống. Nó sẽ không bao giờ là nó
nếu lên gân “ tải đạo” hay đóng vai kẻ chỉ đường. Vì đường thì ở
trong tâm thức mỗi người. Vì sức mạnh của văn học là nằm chính ở sự
đồng cảnh ngộ, trong tư thế người trong cuộc, với mọi
sắc thái và hệ quả trần gian.
Văn học soi
rọi, chia sẻ, khơi gợi, mun mớm cho con người nguồn cảm hứng và sự
háo hức sử dụng Tự Do. Để hiểu. Để thở. Để hành động.
Văn chương
Nguyễn Ngọc Tư là văn chương của thân phận. Nếu nghệ thuật, nói như
André Malraux là một “phản định mệnh” (anti-destin), thì nghệ thuật
Nguyễn Ngọc Tư đã kết tinh được dũng khí sắc bén với bao dung hồn
hậu, thống khổ với hy vọng, nước mắt với nụ cười.
Tác phẩm của
Nguyễn Ngọc Tư có khi được nhìn như một sự cảnh báo (17) hoặc một
liều thuốc cứu rỗi (29). Nó chính là lời mời dừng lại, để đến với sự
thật, với yêu thương. Để trở về nguồn nhân ái của con người giữa một
thế giới lây lan vô cảm, phân ly và ngày càng có khuynh hướng chạy
trốn về phía trước.
Nguyễn Ngọc Tư
là một hiện tượng, là cơ may cho một nền văn học dễ chừng đang bí
lối, trong một xã hội buông chèo, mắc cạn. Là biểu tượng cho niềm
tin còn lại ở nhân tính bật dậy trong những phút giây hiểm hóc nhất,
nơi tột cùng của sự phủ nhận cuộc đời.
Ngọc Tư: cây
bút thiên tư mang tấm lòng châu ngọc.
Đất Thổ Sầu,
mùa gió chướng
Bùi Đức Hào
(1) Nhìn về
"Cánh đồng Bất Tận" của Nguyễn Ngọc Tư, Hồng lê Thọ,
http://vietsciences.org/.
Chú
thích thêm: Riêng về Vòng Tay Học Trò, kẻ
viết bài này đã từng có hân hạnh phân tích(trong “Bên kia một tác
phẩm”, Giai Phẩm Xuân Trung Học Hồ Ngọc Cẩn, 1969) và ước mong sẽ
hiện hữu những thiện chí tìm hiểu chân thành, cho phép xóa đi những
ngộ nhận đáng tiếc về tình khúc văn chương tuyệt mỹ này.
(2) CĐBT
cháy vé vì sao, Hà Nam,
http://www.vnmedia.vn/newsdetail.asp?NewsId=157671&CatId=58#
(3) Đạo
diễn Minh Nguyệt: Trôi trên cánh đồng bất tận, Toàn Nguyễn,
http://antgct.cand.com.vn/viVN/nhanvat/2009/5/52910.cand?SearchTerm=Minh%20nGuyệt
(4) Một
cung bậc khác của CĐBT, Văn Bảy,
http://www.thethaovanhoa.vn/326N20090223110740664T133/mot-cung-bac-khac-cua-canh-dong-bat-tan.htm
(5) Cánh
đồng của tình thương và nỗi đau, Hoàng Oanh,
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=302741&ChannelID=62
(6) Yêu
thương hóa giải hận thù,
Trần
Minh Ngọc,
http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2009/1/179612/
(7)Nghệ sĩ
Thanh Thủy thức cùng cô đơn, CátVũ,
http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=314039&ChannelID=62
(8) NS
Thanh Thủy với Cánh đồng bất tận,
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=302741&ChannelID=62
(9) Tác
phẩm CĐBT được chuyển ngữ và phát hành tại Hàn Quốc,Trà Mi,
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/VnBestsellerConceptIntroducedInSouthKorea_TMi-20071028.html/story_main
(10) Người
đọc “bắt được sóng” của trái tim vàtàinăng,
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=132234&ChannelID=6
(11) Báo
Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh số ra ngày 12.4.2006
(12) Vẽ cây
vẽ chim, Cao Huy Thuần, Thấy Phật (NXB Tri Thức 2009)
(13)
http://www.thethaovanhoa.vn/133N20080924083249696T0/ba-bau-nguyen-ngoc-tu-di-nhan-giai-asean.htm
(14)Tập
san Áo Trắng 12/10/2008, Yến Linh,
(15) Gió
Lẻ của Nguyễn Ngọc Tư và những điều ngoài ngôn ngữ, Hồ Trung Tú,
http://giaoan.violet.vn/present/show/entry_id/539435
(16)Văn
Nguyễn Ngọc Tư - Số lượng hay chất lượng?, Đình Khôi –V. Quỳnh,
http://www.thethaovanhoa.vn/133N20081018111811900T0/van-nguyen-ngoc-tuso-luong-hay-chat-luong.htm
(17)Đọc “Gió lẻ…”
Nguyễn Ngọc Tư: Cảnh báo về sự dối
trá, Cao Thoại Châu, 30/9/2008,
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=8785&LOAIID=15&LOAIREF=5&TGID=607
(18)
GIÓ LẺ" VÀ TÔI, Lê Anh Thu, 14.9.2008,
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=5296
(19)
http://www.viet-studies.info/NNTu/VoDacDanh_NguyenNgocTu.htm
(20)
Tham luận tại Seoul nhân dịp CĐBT ra mắt độc giả Hàn Quốc,
http://metinfo.blogspot.com/2007/10/cnh-ng-bt-tn-i-chi-hn-quc.html
(21)
Đọc 'Gió lẻ' nhớ Jean Paul Sartre và Albert Camus, Đoàn
Thị Cảnh,
http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/phe-binh/2009/01/3B9AE2AF/
(22)
‘Gió lẻ’ không chịu ảnh hưởng của J.P. Sartre và A. Camus,
Ngô My,
http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/tranh-luan/2009/01/3B9AE2CB/
(23)
Bàn về "Gió lẻ" của
Nguyễn Ngọc Tư,
17/2/2009, Mai Ngọc Trầm/ Trúc Vy,
http://forum.sachhay.com/showthread.php?p=3997
(24)
Đời Gió lẻ trên đường Nguyễn Ngọc Tư, Nhã My,
http://www.giacngo.vn/vanhoc/2008/09/20/73D259/
(25)
"Gió Lẻ và 9 câu chuyện khác", Minh Thi, Lao Động Cuối tuần số
38 ngày 21/09/2008,
http://www.laodong.com.vn/Home/ldcuoituan.laodong
(26)Nhà
văn của những mảnh đời bất hạnh, Yến Nhi,
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=9832&LOAIID=28&LOAIREF=1&TGID=1424
(27)
Nguyễn Ngọc Tư
- một báo hiệu khác từ
Gió lẻ,
Phạm Xuân Nguyên,
http://tusach.tuoitre.com.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=278094&ComponentID=1
(28)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=315302&ChannelID=414
(29)
Nguyễn Ngọc Tư của những cơn "gió lẻ", Tâm An, 26/09/2008,
http://tuanvietnam.net/
(30)
Senghor et la pensée de l’universel: l’éclairage leibnizien, R.
Diagne, Afrique et Développement, Vol.
XXXIII, No1,2008, p.88.
(31)
Hai nhà văn già và cô gái trẻ, Minh Nguyễn,
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=325111&ChannelID=61
(32)
Không gian… của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyên Ngọc,
http://www.viet-studies.info/NNTu/NguyenNgoc-NguyenNgocTu.htm
(33) Ca
sĩ chông chênh, Quỳnh Nguyễn,
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=320689&ChannelID=58
(34) Có thể
tham khảo sách kinh điển “cổ điển” về Marketing đã được dịch ra
tiếng Việt khá nhiều ở Việt Nam, hoặc đọc thẳng những sách gần đây
hơn, như của Harry Beckwith: Selling the Invisible: A Field
Guide to Modern Marketing, The Invisible Touch: The Four Keys to
Modern Marketing, v.v…
(35) Nguyễn
Ngọc Tư: Sợ sẽ "cạn đi" như nhiều người, 10-06-2009,
http://www.phapluattp.vn/news/van-hoa/view.aspx?news_id=257138
(36)
“Ba chữ Võ Nguyên Giáp đã hút hồn tôi”, Nguyễn quang Vinh,
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=322032&ChannelID=62
Trở về trang
chủ Nguyễn Ngọc Tư
Lên trang này ngày 29-7-09 |