Xe đêm...

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư
 

Má dặn, đi xe nhớ đừng ngồi trước, phía trước nguy hiểm lắm, nhưng cũng đừng ngồi mị đằng sau, cũng… ghê. Có người buồn cười, những vụ tai nạn nghiêm trọng gần đây, trước sau gì cũng tan nát. Trời kêu ai nấy dạ. Má nổi quạu, mình phải tránh cái chỗ ông trời hay kêu chớ.

 

Vậy thì ngồi giữa. Có một chỗ núp ông trời nên chịu cực tí, chân không duỗi thẳng được, băng ghế chưa đến một sải tay nhưng chen chúc đến bốn người. Một bà già, một chị phụ nữ dẫn theo đứa con chừng mười tuổi dồn người thứ tư ép sát vào thành xe. Mỗi khi muốn xoay trở, người thứ tư xếp vai mình ra đằng trước. Chị ta ghét cái chỗ ngồi này, như ghét những chuyến xe đêm, ghét trạng thái mụ mị, vật vờ, tối tăm của nó.

 

Ngó ra những ngọn đèn mê mỏi bên đường, người thứ tư xem đồng hồ. Đoạn đường tỉnh lẻ - Sài Gòn xa khủng khiếp. Đứa bé tựa vào vai mẹ, ngủ ngon lành. Phía sau lặng ngắt, không phải vì tất cả đã ngủ mà họ đang vật vã với cơn say xe. Trong cái vũng đêm chênh chao, nghe tiếng mấy cái túi ni lông cứ sột soạt, mùi nôn oẹ chua khẳm, mùi dầu gió hăng nồng, và khói thuốc lá bắt đầu trộn lẫn các thứ mùi với nhau, sánh đặc. Anh tài xế chống lại cơn buồn ngủ bằng một thứ được gọi là nhạc trẻ, kiểu như “Không yêu đừng nói lời cay đắng”... Loại này chống buồn ngủ hiệu quả, vì không gây tức anh ách, cũng khiến người ta phì cười.

 

Nhưng hai người phụ nữ ngồi bên cạnh thì chẳng tức, chẳng cười, cũng chẳng quan tâm không khí quặn mùi. Họ đang nói, và lúc này đây nói cũng là một cách thiền, bỏ sự đời qua một bên. Giọng bà già giòn tan, chị phụ nữ thì ngập ngừng, day diết. Trong những câu nói qua nói lại, lúc nhát gừng, ngắn ngủn, lúc chảy tràn, họ nhắc tới bệnh viện, và bệnh ung thư. Chị phụ nữ lo lắng, giọng nói đôi khi hụt đi khi nhắc tới những từ như: “xét nghiệm”, “đơn thuốc”, “hóa trị”. Bà già gạt đi, tay cứ xua xua như có con muỗi vo ve trước mặt, cuối mỗi câu, bà già hay đệm mấy chữ, ‘Hỏng sao. Đừng lo. Dễ ợt…”. Bà nói bà ra vô bệnh viện như cơm bữa, bà rành sáu câu, bà nuôi bệnh ung thư trong mình nè, nhưng sống phẻ re, bà đi hóa trị như đi du lịch. Nhưng giọng chị phụ nữ cứ như tái dại đi, yếu ớt, nghe như tuyệt vọng, con cái còn nhỏ quá, dì Sáu à, con sợ…

 

Đâu đó nghe tiếng thở dài. Xe đêm thường chở theo nó những tiếng thở dài, những người sắp, đã và đang đối đầu với bệnh tật. “Cô bác xuống bệnh viện nào?” luôn là câu hỏi của nhiều tài xế chạy đêm, họ biết con đường nào ngắn nhất, tiện nhất để đưa khách đến đó. Thường, khách có nhu cầu khám và chữa bệnh nhiều khi chiếm hơn một nửa chuyến xe, còn lại là những người buôn bán, về quê hay đi học… Ít có ai đi công cán mà chung chạ xe đêm. Chỉ những con bệnh tỉnh lẻ tối tối chảy trôi về thành phố, để sớm hôm sau họ có mặt ở các bệnh viện, phòng khám thật sớm, vạ vật chờ mở cửa, vạ vật chờ lấy được toa thuốc, kịp về chuyến xe tối lại, ở thêm một bữa, là gánh nặng tiền trọ, tiền ăn…

 

Những chuyến xe ngược về tình lẻ lại xốn xang những tiếng thở dài, ai vừa phát hiện ra bệnh mới, ai vừa qua cuộc điều trị rã rời, ai còn lơ lửng chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng…

 

Và bà già tươi giòn kia, chắc chắn bà không kịp về chuyến xe tối mai, vì phải nằm lại trong căn phòng trắng toát, vật vã, héo rũ sau đợt hóa trị. Người thứ tư nhìn bà đã bắt đầu thiu thiu ngủ, nghĩ thầm. Nghe có chút đau nhói. Chị ta ghét đi xe đêm, ghét sự thao thức, ghét người bạn đường đang sắp ngả đầu vào vai mình, tóc bà rủ vào cổ mình, nhồn nhột. Một mái tóc kỳ lạ, đen rợn, lúc ghé quán ăn khuya bên đường, đi ngang qua chỗ bà ngồi, người thứ tư không thể gỡ cái nhìn của mình ra khỏi màu tóc đó. Tự hỏi, ở tuổi này, người ta còn gì để nắm níu, để tha thiết mà phải dùng tóc giả che giấu đi mái đầu đã xác xơ vì chống chọi cùng căn bệnh hiểm?

 

Tự hỏi, bên bờ sống – chết, bà làm đẹp để làm gì và để cho ai? Tự hỏi và tự trả lời, người thứ tư biến thao thức của mình thành một trò chơi trên ti vi. Chắc bên sông còn ông già người yêu cũ, bà muốn giữ hình ảnh mình đẹp mãi trong ông; chắc hồi trẻ bà có theo đoàn văn công; chắc bà không muốn nhớ tới tình trạng bệnh tật của mình, khi mỗi ngày nhìn tóc rơi xuống đất. Hay bà mặc cảm xấu xí, người thứ tư nghĩ tới điều đó khi mớ tóc giả của bà già trong cơn gà gật, đã tuột xuống tay chị ta. Những ánh đèn bên đường quét qua khuôn mặt mệt mỏi xanh xao, lướt nhanh trên mái đầu hiu hắt chỉ còn dăm ba sợi tóc của bà. Người thứ tư xếp vai mình, xoay người, trùm lại tóc cho người bạn đường. Thương, mà vẫn ước một tấm khăn vấn đầu, đỡ phản cảm hơn nhiều. Vô tình chạm tay, bà già giật mình, thảng thốt, ngồi thẳng dậy, người thứ tư nói khẽ, “tóc của dì tuột ra, con sửa…” Bà gật đầu, không còn chút ngái ngủ nào (chuyện tóc tai quan trọng đến thế sao, người thứ tư lại tự hỏi), ngó qua người phụ nữ đang thở đều, bà thì thầm, “con nhỏ có thấy… không?” Người thứ tư lắc đầu, không đâu. Bà già cười một cái xào, tuồng như nhẹ nhỏm lắm, nhưng giọng càng về cuối càng chua xót, ngậm ngùi,“sợ con nhỏ thấy, rồi nó lo. Tội nghiệp, ở cùng xóm với dì mà, hiền lắm. Cô coi, bệnh tật nó đâu có chừa ai. Con nhỏ trẻ vậy…”

 

Người thứ tư nghe một cơn lạnh buốt phà vào mặt, chị ta dựng cái áo khoác ngang mày. Nhưng tối như vầy, có rưng nước mắt thì cũng đâu ai thấy, che chi mắc công.

 

Chị ta so vai lại. Chỗ ngồi bỗng rộng thênh thang, bởi có người thấy mình nhỏ bé.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

Lên trang này ngày 19-8-07
Dùng bản Tư gởi