Xác bụi

 

Truyện ngắn

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

Cái tối trước khi Nhu đi, em cầm tay Nhu luồn vào ngực mình, giọng ríu lại “…nè”. Vì run rẩy mà nuốt mất chữ “Em cho…”. Nhưng Nhu kịp hiểu, bàn tay hấp háy. Rõ ràng là em chỉ hổn hển, không vùng vẫy tí nào vậy mà hai đứa vẫn đạp ngã hũ giấm. Sáng ra bước vô nhà củi, má em hết hồn tưởng đâu có trộm: mấy bó lá dừa khô dùng để nhen lửa bị tháo bung, giấm chảy chèm nhẹp ra đất, khạp tương thì rơi nắp.

 

Mùi giấm chuối chua khẳm lẫn lộn mùi đậu tương mằn mặn. Tiếng gà lục cục động ổ. Âm thanh lá dừa khô rột rẹt sột soạt lào xào theo mỗi chuyển động của đôi người. Mấy trái vú sữa chín cây rụng sau cú bay lên của đám chim đêm. Lùi xa hơn, là mùi cám ở nhà máy chà gạo, nơi em và Nhu lần đầu gặp nhau. Mùi bông bần ngát con đường xóm mà hai đứa thường về sau khi coi hát. Đó gần như là tất cả những gì Nhu có cùng em.

 

Chừng đó thôi cũng đủ, chúng cứ đay đi đay lại thời con gái của em. Đôi khi mùi tương thoảng qua mặt, em mắc cười nghĩ Nhu chơi trò này thiệt nhàm. Nhưng em vẫn không kìm được rùng mình như vẫn luôn rùng mình mỗi khi Nhu ào về mang theo một cảm giác thân thiết gợi nhớ về mối tình đã cũ.

 

Nhu vẫn thường về trong chiêm bao của em, trong nhân dạng thằng con trai mười chín tuổi. Trẻ hoài. Nhu đu nhánh bần, nói vói xuống, “ê, nhớ anh không?”. Hoặc thò đầu ra khỏi đám bông lau trắng xốp thở dài sườn sượt, “ở đây lạnh quá chừng”. Hoặc khọt khẹt ho, “rễ cây nó xuyên qua cổ anh rồi”.

 

- Đừng quên anh, Dịu!

 

Sau này, Nhu chỉ nói mỗi câu đó, bằng lời nhẹ như gió, hoặc bằng vẻ mặt buồn rượi, da diết, sương khói… làm em choàng dậy, mồ hôi đầm đìa bết dính tóc vào gối. Hôm em lấy chồng, đêm tân hôn Nhu thả vú sữa lơi lịch bịch, mang bao nhiêu mùi giấm mùi tương mùi cám vào buồng, em không biết có nên rên lên để chồng vui hay thôi. Em rên thể nào Nhu cũng mếu máo nghĩ, thôi rồi, em ấy quên mình rồi, quên sạch.

 

Nhưng em đâu có quên Nhu dễ dàng như vậy. Có thể vì Nhu không để em quên. Từ Nhu chết, em nghĩ mọi thứ quanh mình không có gì là bâng quơ hết, lá xóc nóc nhà xào xạc cũng là bước chân của anh bồ cũ. Những mùi hương phảng phất nửa đêm. Một đóm sáng nhói lên trong đêm tối, tan nhanh như một thứ ảo ảnh. Những giấc mơ mang bóng dáng Nhu buồn rượi. Những hình ảnh quen thuộc trong góc nhà xuồng như đóng cọc vào lòng mỗi khi em bước vào đó lấy trứng gà trên ổ. Cái cảm giác Nhu ở quanh đây làm em cười giòn cũng ngại. Chồng em đã quen việc nửa đêm vợ tự dưng ngồi dậy ngó quanh, thuộc cái nỗi ám ảnh của thằng bạn cùng xóm tên Nhu, nhận ra nỗi đắn đo hổn hển hay không hổn hển của vợ.

 

Chồng ít chạm vào người em, và hay đi đánh cờ đêm với ông láng giềng. Cửa nẻo lạnh lẻo. Em nghĩ tìm thấy Nhu đã, đưa anh về đất quê nhà, rồi không còn ngoái lại nữa, nhà cửa chắc ấm lên.

 

Anh Hai của Nhu vẫn thường nói lạ lắm, nhà bên đó toàn người ruột thịt, nhưng không ai mơ thấy Nhu lần nào. Em nghe, vừa thích vừa nặng nề. Nhu chỉ tin cậy và trông đợi vào mình thôi. Mình mà không tìm Nhu thì mặt mũi nào.

 

Ý tưởng đó bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần, khi thì vì em có bầu, rồi mẹ chồng bệnh, kế tới sinh con, nuôi đứa đầu vừa dứt mũi dãi lòng thòng thì lại nghén đứa thứ hai… Cũng có khi vì manh mối về Nhu mỏng quá, lúc đi thì bảo đi cạo mũ cao su, nhưng tin tức lần cuối là ở bãi vàng. Nhu về thường hơn. Lần gần nhất Nhu lẻn vô chiêm bao khoe cánh tay xăm ba chữ “hận mụt măng”. Tỉnh dậy, em suy đoán trên thân xác Nhu có một bụi tre.

 

Đàn bà ở xóm Lung hình như ai cũng lấn bấn với người thân xiêu lạc. Mẹ chồng kể hồi đi lấy cốt ba chồng, mẹ cứ khăng khăng với đám thợ đào bới là mất khúc xương giữa hai đùi, “tôi đếm kỹ rồi, còn thiếu khúc đó”. Em cười đến chảy nước mắt. Mẹ lấy ba khi mới mười sáu tuổi, khờ căm, vẫn nghĩ sinh con từ bên hông. Ba bị pháo dập nằm ở miệt Trảng Bom, mẹ chưa kịp gần gũi đàn ông khác, nên không biết cái đoạn xương ấy chỉ là mẫu sụn thỉnh thoảng huênh hoang ta đây dũng mãnh.

 

Nghĩ, mẫu giữa hai ngón chân cái Nhu chắc thành đất lâu rồi. Nhớ thân thể Nhu và những va chạm vừa hoảng loạn vừa bổi hổi, vừa xa xôi vừa máu thịt, cảm giác đó em không tìm lại được ở chồng. Nên nhiều khi tiếc đến chảy nước mắt ra chớ không phải vừa. Rắn rỏi, chắc nụi, Nhu đã làm em tê mê ú ớ, ngay lần đầu tiên của hai đứa. Thích quá chừng. Hồi chưa có tin báo Nhu bị vùi đâu đó ở bãi vàng, em cứ nghĩ mai kia Nhu về, lại ôm nhau ấy nhẩn ấy nha vào nhẩn ra nha lên nhẩn xuống nha bù cho đêm nào vội vã. Em nhớ đầu gối Nhu bị xước khi quỳ trên nền đất cứng đanh. Nhớ tấm lưng Nhu hay đưa cho em gãi, xuýt xoa khen đã ngứa quá. Gương mặt xương có đôi môi dày, và mớ tóc cháy nắng cứng đờ khi gại trên ngực em làm em kêu nhột… dần rã đi ở nơi nào đó, những ý nghĩ ấy gợi cho em nỗi tuyệt vọng âm thầm.

 

Nhưng em không cho mình cái quyền được quên. Cảm giác em nói rằng Nhu đang ở bên mình. Kệ em đã là mẹ của hai con vợ của ông chồng hiền lành cộc tính, Nhu luôn chứng tỏ sự có mặt của mình bằng cái mùi giấm bâng quơ, mà nói thiệt, có thanh thoát lãng mạn gì cho cam, nó cứ chua lè chua loét. Trong mớ vũ khí mà Nhu vẫn thường tấn công vào những lúc em chập chờn nửa mê nửa ngủ, chỉ có hoa bần là mát lành nhất, nhưng cũng mỏng manh nhất. Nhu cần thứ gì đó xộc thẳng vào tim óc em, để cái nhớ phải nhảy dựng lên, chong lên ý nghĩ tìm Nhu, phải tìm Nhu.

 

Có lần, trong lúc cho con ăn, em bận nối những ảo ảnh tìm một manh mối nào đó, lơ đãng để con mắc xương gà. Vừa khóc vừa vác con chạy lại trạm xá, em nghĩ chuyện này phải kết thúc ở đây. Phải kết thúc.

 

Em đi tìm những ông thầy Ba cốt cô Bảy, nhờ họ vẽ cho một con đường tìm Nhu. Lúc đầu xách nón đi hai thằng con kêu khóc. Sau này tụi nó vẫy tay cười rất tươi. Sau nữa tụi nó hỏi sao lúc này má không đi thầy?

 

Hôm người nhà Nhu bày mâm cúng vái để bật gốc bụi tre gai ở bãi đất hoang cách quê nhà hơn một ngàn cây số bới tìm xương cốt thằng con trai yểu mạng, em cũng rủ chồng con đi cùng. Hai đứa trẻ đẻ năm một phá như quỷ sứ, thấy người lớn không để ý, liền cầm hai đoạn xương ống làm vũ khí đánh nhau choang choang, miệng còn giả âm thanh chém gió của phim kiếm hiệp. Giây phút đó, dù rất cố gắng, nhưng em vẫn không tìm được chữ nào tử tế, sang trọng để gọi tên mấy thứ bày ra trên tấm vải liệm kia ngoài hai chữ: đống xương.

 

Cả mùi người, chúng cũng không còn giữ lại.

 

Mấy đoạn cốt tanh bùn này đã làm cho em đổi tóc xanh thành tóc trắng. Lúc em kêu la chạy theo tụi nhỏ đòi lại hai cái xương, chúng cứ tưởng mẹ giỡn, vì nghĩ thứ này mà quan trọng gì. Cho đến khi nhìn mẹ đổ sụp ra đất, tụi nhỏ cũng chưng hửng. Có gì đâu mà khóc lóc ghê vậy.

 

Giây phút đó, em tự hỏi mình đã làm chi cuộc đời mình?

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

 

 

Dùng bản Tư gởi
Lên trang ngày 27-12-12