Xa Đầm Thị Tường Bút ký Nguyễn Ngọc Tư
Lục lạo lại thì đúng là mình có bỏ lại cây bàn chải đánh răng. Nghĩ lại, cây bàn chải đánh răng thì nhằm nhò gì, mà mình bứt rứt khó chịu như vậy. Mình vẫn còn cảm thấy bỏ lại một cái gì đó, khác hơn và lớn hơn, sâu đậm hơn nhiều. Vậy thì có phải mình để lại Thị Tường một mùa gió chướng không? Là vì? Mình về Thị Tường ngay đầu mùa gió. Chướng về lặng lẽ, nửa đêm nghe hây hây trên da, trên tóc. Nằm trong căn chòi giữ lú giữa đầm nghe gió lạc xạc trên nóc. Mấy cái đuôi lá xao xác, nước biển như chỉ chờ có vậy, chạy từ cửa sông ông Đốc qua kinh xáng Bà Kẹo, le liếm lan vào dòng ngọt. Thức dậy ngậm một ngụm đã nghe mặn cứng môi, vậy mà hôm qua mình còn lấy gáo múc lên rửa mặt. Nước đang lợn cợn đục bỗng trong vắt, phớt đỏ, người ta chép miệng, “Mới đây là nước “chè chè” rồi”. Chim én không biết về trước gió hay sau gió mà đậu chiu chít trên mấy đống chà. Nghe gió về, người Thị Tường hy vọng rất nhiều, rất nhiều mùa tôm cá đang đi tới. Người Đầm Thị Tường làm lúa suốt năm nhưng trúng mùa nhất là vào giờ này. Lúa ngoài đồng sau đang xanh lá, có vạt trổ đòng đòng đất, chờ ngọn gió lao rao lạnh là đốn tre xuống lú. Miệng lú rộng tròn như miệng thúng, rộng hơn một tí, bao quanh bằng lưới. Lú giăng ngang Đầm, miệng nằm giữa hai cái ven lúc nào cũng hướng xuôi theo con nước đón luồng tôm. Con tôm ngộ lắm, tụi nó lội ngược, thấy ánh đèn treo trên đầu lú, tôm de đít vô. Không thể đếm có bao nhiêu ngọn đèn trên Đầm vào mùa này. Nhưng người Thị Tường biết rành lắm kìa, ngọn đèn kia là của một đôi vợ chồng son, đem theo là để xem lại album ảnh cưới, và tối nay đã có một vạt đèn vừa tắt ngấm của một cụ già nhất xóm chiều hôm qua đi vào cõi vĩnh hằng. Thị Tường trút bỏ vẻ lãnh đạm, ơ thờ ban ngày để trở thành một thành phố đêm rực rỡ. Thành phố của những người làm nghề hạ bạc. Những ngọn đèn chong mắt thức sáng đêm. Những ngọn đèn đứng yên mà như hấp háy trôi mãi, trôi mãi. Ửng mờ mờ những khuôn mặt người nhòe trong bóng nước. Thất tình cũng không thèm buồn. Cuộc sống đẹp thế, vui thế cơ mà. Mình tiếc sao năm ngoái, không về mùa này, về ngay gió nầy. Khi đêm hoa đăng không mặc cảm với trăng đã từ từ giếng giăng sáng mặt Đầm. Mình thả xuồng ra đó chơi. Ra Đầm, mình sẽ thấy mùa xuân đang tiến đến gần hơn bao giờ hết. Bờ lá dừa nước xa xa, mờ mờ sẫm. Bầu trời xa lắm. Mặt nước mênh mông. Mình cứ nằm soãi chân, tay gối đầu lên sạp xuồng, cần gì khua đầm, gió đẩy mình đi, linh đinh trong lòng nước. Sóng vỗ lốc bóc vô mũi xuồng. Dạt xa bờ, gió không khuất rặng dừa nước dày bịt, nên sóng cồn cào, nằm trên sạp đóng băng gỗ cau lão, nghe sóng nhảy nhót hấp hé be xuồng. Đầm Thị Tường bao đời nay không sâu lắm, nước có chỗ le đé ngực, có chỗ chỉ đém lưng quần, tại gió thôi mà hôm qua chiếc xuồng buộc ngang hông chòi, bị sóng đánh chập chã một hồi, chìm lỉm, còn dây buộc vướng lại nên cái mũi ngóc lên trời. Tại gió mà có nhiều đêm không đốt đèn được, gió thổi phù phù. Gió giật hiu hút. Gió tháng Ba mang hương cà bắp, mùi hương dân dã bay ra từ bờ lá đang trổ rộ lưỡi mèo phèn. Gió tháng Sáu mang từ trong xóm quê mùi rạ tươi thơm, mùi rơm giòn đượm. Gió tháng Chạp bát ngát hương nếp mới, nghe rõ ràng nhịp chày hì hụp quết bánh phồng, những nhịp chày ròng rã. Những chiếc đệm, chiếc chiếu trải rộng trước sân nhà, dưới nắng phơi bánh phồng vàng óng màu mật ong. Tại gió này nước cũng ngấp nghé lên. Không sôi réo ồn ào mà lặng lẽ. Rất lặng lẽ. Đêm ấy, nằm chò co trong chòi mà đang mơ thấy một người, nghe lưng dưng không lạnh ngắt. Lớ ngớ bò dậy thì nước lên đã ướt đầm lưng rồi. Cái cà ràng chị mình để trên sàn đang nấu cơm buổi sớm ngập nước rã ra làm ba mảnh. Chị mình buồn lắm, không biết có phải tại cả nhà bữa này ăn nồi cơm nửa sống nửa chín hay tại thương cho số phận ba ông Táo, nông nổi như vậy mà còn phải chia xa. Nhưng mình vẫn còn quên cái gì ở đó vậy cà? Không, mình có đem về quà xứ Đầm. Mình nhớ lời chị T. nói hôm trước. Chị ngồi tả, vừa tả vừa chắc lưỡi ngọt sớt: “Trời ơi, giữa trưa mà ăn cơm nguội vớì ghẹm muốỉ còn gì bằng, mà phải muốỉ cho thật mặn nghe,(chắc lưỡi), ăn đã dữ lắm. Còn mắm thì làm hai món: nấu ninh lược nước làm lẩu, ăn với cá rô, cá phổi, khổ qua, rau thì có rau đắng đất, cải xanh... mắm chua thì ăn sống. Mắm cá nâu ác bống nhỏ tẳn mẳn để nguyên con, trộn gừng, đường cát, vắt tí chanh. Gắp một con mắm cặp với chuối chát, khế xắt lát mỏng dính mà ăn, (chắc lưỡi), nó ngon hỏng biết làm sao mà nói. Vừa chua vừa ngọt, vừa chát vừa cay, tả một hồi bắt thèm”. Mình nghe chị tả, hiểu lòng chị, xách về khệ nệ nào mắm, nào ghẹm. Ở Đầm, vào mỗi con nước rằm hay ba mươi, ghẹm nhiều vô số. Lớp vô lú, lớp bu đầy bập dừa thả lềnh bềnh ngắm trời chơi. Ở Đầm người ta cầu kỳ ghê lắm, muối toàn là ghẹm cái, loại nhiều gạch nhất, ăn vừa mặn lưỡi vừa béo ngậy. Rồi hỏi về mắm, dù mùa cá hội đã qua lâu lắm rồi nhưng nhà nào cũng còn hũ mắm chưa giỡ, chỉ cần hé cái nắp đậy một chút đã nghe thơm lừng lựng mũi. Cái xứ ngộ, con người nhiệt tình, chưa kịp nói gièm thì đã dúi vào giỏ biểu mang về rồi. Tình thật, mình muốn mang về đâu phải bao nhiêu đó. Một buồng dừa nước cơm thơm, con cua gạch son, một mớ tôm bạc, tôm càng, một con cá dứa... cho bạn bè mình biết cái xứ mình hào phóng cỡ nào. Cho những người xa Đầm Thị Tường nhớ đến ứa nước mắt khi nhìn tại những món ngon năm cũ. Có rất nhiều người từ Đầm Thị Tường ra đi. Đây Tân Phong, Đất Cháy, Kinh Một, Hai, Ba, Tư, Vịnh Dừa, Giáp Nước. Bà Ký, Thọ Mai, Vịnh Trăn, Mũi Mắm... những cái xóm nhỏ bình thường, cái tên cũng bình thường nhưng là vùng căn cứ nổi tiếng thời chống Pháp, Mỹ. Xứ ủy Nam kỳ ở đây, Tỉnh ủy nằm ở đây, các báo kháng chiến nằm ở đây, Xóm làng che chở. Trực thăng, máy bay địch không biết bắn phá ở đâu chiều về quẹo lại Đầm xả bom đạn chơi vậy, cũng không cần mục tiêu gì, bỏ xuống cho nhẹ lái, vì khát máu nên họ thấy cái đẹp mà không biết nâng niu, cảm nhận. Hồi đó sao người ta thèm nhiều chuyện “độc” vậy không biết. Thèm buổi sáng ngắm mặt trời mọc từ Đầm, buổi chiều khập khựng úp mặt về mũi mắm cuối Đầm, thèm nhìn một bầu trời tinh tươm không bóng bầy ác điểu đen xì. Thèm thả xuồng ra Đầm, mang theo một ít ghẹm muối nguyên con, thịt non mềm, một tay cầm củ gừng một tay cầm con mắm cứ cắn gừng một miếng, cắn mắm tnột miếng mà lai rai dưới trăng. Có cầu kỳ gì đâu, có đòi hỏi gì cao sang đâu mà vì bom đạn chiến tranh vẫn không làm được. Bây giờ những người từ Đầm Thị Tường ra đi có còn nhớ không? Đất và những con người hào sảng đậm chất Nam bộ. Đàn ông nhậu một mâm thì đàn bà cũng một mâm. Đàn ông say thì ca vọng cổ (đôi khi cũng buồn tình đập chén, đánh vợ không kể), đàn bà say chỉ nhảy múa cho vợi hơi rượu đi. Người dân móc ruột mình ra mà nuôi cán bộ, sống chết với cách mạng. Không đếm được bao nhiêu hy sinh mất mát của người dân xứ Đầm. Rồi có còn nhớ không những cơn gió? Mình vẫn còn thấy quên, thấy xon xót trong lòng, có phải vì một bờ lá ven đầm bắt đầu nham nhở... Đứng bên này bờ Đất Cháy đã nhìn thấy lồng lộng những mái nhà trắng xám phía bên kia Phú Mỹ. Người dân phá lá ngoài Đầm, phá vườn trong xóm làm vuông, nuôi tôm. Những rặng dừa nước giao ngọn, âm u hoang sơ ngày xưa đã mất. Mình đứng tiếc. Có phải vì mình “văn nghệ” quá không? Có phải mình phi thực tế không? Đầm Thị Tường vẫn là vùng nước mênh mông, vẫn như trái tim nối những mạch máu kinh rạch đi trăm ngả. Ừ, nhìn qua thì cũng như ngày xưa. Nhưng không, ngày ấy ông cố mình sinh ra mười người con, ông ra Đầm cắm đăng đặt đó, vậy mà thảnh thơi, mười anh em của ông nội mình cùi cụi khôn lớn, dựng vợ gả chồng và mỗi người lại sinh ra một đàn con khác. Ông nội mình lại ra Đầm, bắt đầu dầm dãi, nhọc nhằn. Đến đời ba mình thì không còn những mẻ tôm nặng ký. Chuyện cá tôm nhiều vô kể quanh năm, chuyện một chiếc xuồng con với vài tay lưới có thể nuôi cả nhà đã quá xa vời. Chuyện xuồng đi tới đâu, đàn cá nược đuổi theo đến đấy, dường như chỉ là cổ tích. Ngày trước cứ năm trăm mét là một hàng lú, bây giờ là một trăm, những nò, những chà,... lưới chi chít mặt Đầm như một ma trận. Tôm cá thiên nhiên cạn kiệt. Mình xin mọi người đừng trách cứ Thị Tường ở bạc. Chúng mình thở gió Đầm, ăn con tôm, con cá trong Đầm, mặc cái quần, cái áo, từ Đầm mà lớn lên. Mai mốt này chúng mình tại vắt kiệt sức thiên nhiên để nuôi đám con chúng mình khôn lớn y như vậy. Mình sợ ngày ấy, Thị Tường sẽ khác bây giờ. Nuôi tôm có thể nhiều nhà ngói, nhà lầu, có thể nhiều tiện nghi hơn bây giờ. Và vườn dừa cao vọi trong xóm không còn nữa, rặng dừa nước bao bọc ôm ấp con Đầm, nơi con cá kèo chạy giỡn rượt nhau, con tôm bạc ẩn mình... không còn nữa. Con người tự bào chữa, trấn an mình, tại không sống được vào nó nữa rồi chớ nào muốn làm cho vùng Đầm đánh mất nét duyên dẻ bao đời. Mình sẽ trở lại Thị Tường, đứng bên bờ xáng, nơi có bụi ô rô lá võ vàng. Mình đứng đó trong lồng lộng gió, gió không hương. Mình đứng đó trong vàng dãi nắng, nắng cô hồn. Mình sợ phải nhìn thấy Đầm Thị Tường vốn từng nhớ thương sâu sắc trong lòng đưa tay vẫy cái chào xa mãi.
Trong quyển Nước Chảy Mây Trôi Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư
|