X – năm một ngàn chín trăm năm xưa
Nguyễn Ngọc Tư Rúc vào nách một con sông gầy gò chảy cắt qua đồng, X như một đứa trẻ tuyệt vọng níu tìm vú mẹ. Dọc triền sông, cỏ kết dày, từ trên bờ thò xuống nước như đất đang gục đầu gội tóc, những cây bần gie xa khỏi mé sông, những cây sộp rũ rượi xoã chùm rễ nâu, những thân cau lẻ loi đâm thẳng lên trời, vài tiếng gà nhói lên xa xa… tất cả những thứ đó làm cho vẻ mặt của X buồn thiu. Những chiều phai, nhìn ra sông thấy lục bình trôi, lơ phơ mấy cái bông lục bình quá thì, cũng phai như chiều. Ngó ra sau nhà thấy một vạt đồng trũng sâu, ngoi lên mặt nước những bông lúa thưa thớt, xanh xao. Vườn cũ có vài cây vú sữa, mù u rụng trái đầy mặt đất, mấy bụi tre bụi trúc vút lên trời một chòm xanh ngắt …
Trước khi tôi ra đời, X đã buồn thâm căn cố đế. Đến nỗi những người ở X không còn cảm giác để nhận biết buồn nữa. Chỉ khách phương xa mới ngây ngất trước bộ mặt sầu muộn của X. Họ lặng đi. Bàng hoàng. Ngây dại. Và cơn choáng váng đó đã bật lên một ý nghĩ lạ lùng. X sẽ làm du lịch.
Tía tôi trở tính lầm lì ngay từ khi X đón lượt khách đầu tiên. Họ săm soi cái nồi méo mó cháy đen và chụp hình chúng tôi ăn cơm chiều bên ơ kho quẹt mặn chát. Tía tôi nói, giọng nẫu nê, tao muốn chết quá, Đậu ơi. Không giải thích được, tại sao khách lại hớn hở và háo hức khi nhìn thấy những căn nhà cột cặm gió thổi lá mục rơi lả tả, chiếc ti vi đen trắng xài bình acquy làm thót tim bọn trẻ con khi vở cải lương vẫn còn dài mà khung hình đã thu nhỏ lại vì thiếu điện. Những cái cối xay bột bằng đá xám. Những cái vách buồng được đan bằng sậy giập… Tôi cũng khó chịu khi người ta hãi hùng níu vai nhau coi tôi lột da chuột dưới bến sông. Tôi thấy hình ảnh mình – một thằng con trai man rợ trong mắt họ. Tôi ngọ ngoạy. Tôi thắc thỏm. Nhưng suốt một mùa nắng đó, hai tía con tôi chỉ sống nhờ vào tiền bán chuột đồng, nên tôi không làm sao cải thiện được hình ảnh của mình. Tôi nhớ những đứa con trai con gái trong xóm đã ra đi vì nghèo, vì không có việc để làm.
Khi trời trở gió Nam, kéo theo những
cơn mưa dai dẳng, tưởng khách chán cái xóm nghèo này, không dè khách
tới X ngày càng đông. X lôi cuốn người ta bằng sức quyến rũ của cái
nghèo, giản dị đến mức nguyên thuỷ. Nhiều người khách mô tả, họ như
rơi tỏm vào một vũng buồn, trong vũng chứa một thứ bùn mát rượi và
thơm ngọt mùi đồng bãi.
Tía nhìn thấy cảnh đó, ngao ngán lắc đầu. Lại từ giã, nói tao chết à, Đậu. Tôi cười, sức mấy mà tía chết. Từ từ rồi quen thôi, tía.
Quen, như hầu hết bà con ở X bắt đầu quen với những người khách lạ. Họ thôi núp trốn mà để mặc khách chụp hình mình đang nấu cơm trong gian bếp thấp chật chội, mù mịt khói, hay đang hứng nước dột xuống từ mái nhà, hay đi thả câu, soi nhái trong bóng chiều nhập nhoạng. Khách có quá nhiều thứ để giới thiệu X với bạn bè, một chiếc mùng chi chít những miếng vá nhiều màu, mấy cái đèn cóc lụn tim, chiếc giường ngủ ghép bằng thân tre chẻ hai, mắt tre dù đã chuốt kỹ vẫn gù lên, lông chông.
Nhưng ngộ, người đông đúc, lượn lờ khắp X nhưng xóm vẫn buồn. Vài nhà định mở quán phở nhưng rốt cuộc, để giữ nét hoang sơ cho X, họ chỉ được bán bánh dừa, bánh khọt. Điều đó làm tía tôi buồn bực thêm, bữa nọ, ngồi vót tre đan thúng trên tấm đệm rách te tua ngoài hàng ba, vài người khách xăng xái sà vào, kinh ngạc hết hồn khi biết cái thúng kia chỉ bán được chứng mười ngàn, mà trật vuột lắm, lúc bán được, lúc không. Có một chị bỗng ngó tôi, cất giọng thảng thốt, không hiểu sao người ở X ai cũng thấy buồn buồn hết. Làm du lịch, phải vui chớ. Tía tôi cắm phập cây mác vót xuống đất, cười khan, “Vui. Nhưng mà nhục…”. Khách cun cút bỏ đi.
Vì thái độ đó mà tía tôi bị ông trưởng xóm phê bình dữ dội. Chòm tóc thưa của ông chỉ phơ phất ngang vai tôi, tay chém vào không khí liên tục, trưởng xóm nói, “Xóm mình không tài nguyên đất cát gì hết, chỉ sống nhờ du lịch, không kéo khách tới thì thôi, sao anh Hai lại đuổi khách đi”. Tía tôi ngồi im re, không thưa thốt, phân bua gì, nhưng ánh mắt lầm lì, khinh khỉnh.
Khi nắng trở lại ủ X trong màu vàng úa hoang hoải, sự thù ghét khách trong lòng tía tôi càng chất chứa. Tại tía tôi ngang tàng. Mà, cũng do khách không thèm giấu che những ý nghĩ của mình. Những người có quá khứ nghèo thì phơ phởn thấy mình đã thoát được cái nơi (tương tự) như X. Những người chưa từng nếm trải cuộc sống quê mùa thì trầm trồ, thắc mắc nhiều chuyện không đâu, thí dụ như vì sao vài đứa nhỏ ở X chỉ ăn cơm suông, chừng hết cơm mới đụng đến mớ đồ ăn ít ỏi. Người thấy cuộc sống chật chội nặng nề đến đây, bỗng thấy mình ở một tầng lớp cao, thấy ham sống, thấy tràn trề sức lực trong cuộc chen chúc mưu sinh. Phụ nữ luôn có nụ cười rất kỳ lạ, như thể không ngậm miệng được, nụ cười biết nói, “vậy là mình quá giàu so với đám người ở đây”. Đám đàn ông ánh mắt cũng mãn nguyện không kém, “dám chắc là trong ba tháng nữa bà vợ mình không than vãn chuyện lương thấp lương cao”.
Chỉ mấy đứa trẻ là dễ thương. Tôi thích nhìn vẻ thất vọng não nề của chúng khi tới X. Tôi bỏ rất nhiều thời gian la cà ngoài bến, ngó mấy đứa nhỏ giãy nảy, kêu khóc bên đôi giày leo núi và bộ đồ tắm biển thừa thãi. Tôi cười ngất. Nhất là khi ra về, nhiều đứa ấm ức, cằn nhằn :
- Hỏng vui gì hết… Nhìn người ta nghèo hỏng vui gì hết.
Nghe câu đó, tôi vừa thích, vừa thương. Ông trời mà cho tôi thằng con như vậy, dám tôi đội lên đầu lắm.
Tôi nói điều đó với Huệ, đứa con gái bên xóm, làm nghề thắt cào cào bằng lá dừa bán cho khách du lịch. Nó cười buồn, biểu tôi, muốn có con thì rủ con Mận hay con Đèo. Mai mốt nhà nó đã dời ra chợ huyện. Bởi má nó muốn trước lúc chết trong nhà có cái ti vi màu.
Ở X, người ta không cho xem ti vi màu.
Còn tôi thì phải ở lại, vì X còn tía
tôi. Và sau vườn, cỏ trên mộ má tôi xanh…
Trở về trang
chủ Nguyễn Ngọc Tư
Lên trang này ngày 26-9-06
|