Vườn cũ

Tản văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Hồi mới quen nhau, cô gái kể về ông ngoại, nhà ngoại mình bằng cách nhại lại một mẫu chuyện vui trên báo, theo kiểu rao vặt, “Nam, bảy mươi tuổi, có một nhà lá, cột cặm. Và khu vườn nhiều cây. Vài cây nhàu, vài cây sung, vài cây khế, đằng trước có hàng cau, chuối nhiều không đếm được, hai cây vú sữa bên hè, rau muống, rau lang bò nhóc đất. Cần rau trai, cải trời cũng có, lục bình, kèo nèo xanh rờn… Dừa dài theo bờ, theo liếp, chanh de mấy cái góc ao… Không mua. Không bán. Chỉ khoe vậy thôi. Cần tìm bạn. Ưu tiên người ít nói, không nói càng tốt”.

 

Bởi người chủ vườn, ông ngoại cô có biệt danh là Hết Nói, một người khá lặng lẽ, khách đến, ông chỉ cười, “Mới tới? Vẹt một chỗ ngồi chơi”. Nghe được mấy tiếng đó, quay đi quay lại, ông già đã bỏ ra vườn mất biệt. Lần đầu cô đưa anh về, anh không biết mình đã làm gì phật ý ông già, trong bụng buồn buồn, dẵn dỗi.

 

Lúc đấy thì anh chưa biết tính ông, chưa va chạm nhiều, lòng chưa thương tích, chưa nát nhàu bởi người đời xiên vào những lời đau. Lúc đấy cô chưa ra Hà Nội học, chưa gởi lại cho anh ông già với khu vườn, “anh nhớ tới lui bầu bạn với ngoại, hãy vì em…”. Cái chữ “vì em” làm anh ngất ngư, nên tuần nào cũng chạy xe về ngoại ô. Để ngồi uống trà với ông già, ngó hoa cau rụng, lòng nhẹ bâng, lâng lâng, không biết vì ngồi với một người gần như đã từ bỏ khả năng giao tiếp bằng âm thanh, hay vì khu vườn đầy nắng.

 

Khu vườn cũng lạ lùng như ông già Hết Nói. Vườn không rộng, gây ấn tượng cũ kỷ vì những tàng cây lớn thâm u; vì toàn những loại cây trái vớ vẩn, hơi hoang dại, do chim chóc mang tới, chẳng sinh lợi; vì cây cối mọc lung tung, không ngay hàng thẳng lối. Chỗ này, cây rúc vào nách cây, cây chen cây, chỗ khác lại trống một khoảng, ông già xới đất tỉa ớt, cà. Đám cây này cũng lộn xộn. Anh thắc mắc, ông già lừ đừ, “Đừng bắt cây cỏ cũng xếp hàng”. Ông già hơi cổ quái, nên vườn cũng ảnh hưởng, cây cỏ mọc xênh xang, như thể chim ỉa hạt ở đâu, cây nảy mầm lên ngay chỗ đấy, ông già chẳng dời đi. Người quen nề nếp, quen khuôn phép thấy lạ. Ngoài cỏ dại bị chặt từ lúc mon men bò, hết thảy tự nhiên được sống đời tự nhiên. Những trưa nồng, không thấy chim sâu chim sẻ nhưng tàng cây vọng xuống véo va véo vắt, như thể chính những cái lá kia hót. Mấy con ong nghệ o e mon men trên đám bông muồng. Sập tối, vài con cú mèo đậu trên cây vú sữa già kêu từng hồi, anh hỏi ông già không sợ sao, ông cười bảo, sợ gì, cú kêu thì cũng như chim sáo hót, hay cu đất nó gáy thôi.

 

Vườn quyến rũ chim chóc, bướm ong đã đành, mấy thằng bạn anh cũng mê mẩn, chủ nhật nào cũng men theo để… nhậu. Nhiều lúc, ông già Hết Nói mót từng cái ly mới đủ cho khách. Mồi thì không phải lo, bưng cái rổ thủng thỉnh dạo một vòng vườn là nhậu mệt nghỉ. Cá sẵn dưới ao, gá ác cả bầy đủng đỉnh bươi đống rơm mục. Một bữa ăn cá rô chiên xù, ông già hái vào một rổ lá lạ hoắc, nào là lá đậu rồng, lá cát lồi, lá chùm ruột với nắm cải xanh. Tiệc nửa chừng thì rổ rau hết sạch, thằng bạn chết nhát hay giơ mấy cái lá lên, dò xét, “cha, không biết ăn vô có chết dại không đây?” nhưng vẫn ăn liến láu, khen bùi, khen chát, khen mùi lá non sao mà thơm râu.

 

Ông già Hết Nói coi bộ vui. Anh có cảm giác ông già luôn lặng lẽ nói cùng đám trẻ, rằng không cần ngôn từ cũng chuyển tải được tình người, rằng trên đời vốn chẳng có rác, cây cỏ cũng vậy, cũng không hoàn toàn vô tích sự. Tệ như cỏ cứt heo, cỏ mực mọc bờ ao cũng làm thuốc được. Tự nhiên sinh cây không trái, hay trái thiếu ngon, thì đã có lá, có hoa tặng người. Đất thảo thơm nên người thảo thơm, cây cỏ thảo thơm. Ăn lươn um, tụi nhỏ giật mình, nếu thiếu lá nhàu không biết cái món này lãng đến mức nào. Càng ngày, càng có cảm giác ta được nhiều hơn cả được ăn ngon. Có bữa, làm món bì cuốn lá sung, ông già hái mấy cái lá có nhiều đốm trắng, nổi gù lên, một đứa thắc mắc, sao lá mướt rượt mà ngoại chê, lại lựa cái lá thấy ghê…? Ông già không trả lời, đưa cuốn lá sung cho nó, ăn xong, nó vỗ đùi, “ngon quá chừng, ngọt, mà giòn”. Bữa nhậu bỗng dậy động vì “triết lý lá sung”, thô ráp, xấu xí mà ngon, bùi, cũng như con người ta, ngoại hình không đẹp, không nói hoa mỹ cũng chẳng hề gì, ăn thua là tấm lòng, tất nhiên, triết lý này chẳng thể ứng dụng cho những cuộc thi… hoa hậu.

 

Suốt mùa hạn, hết bì cuốn lá sung, hết khế chua chuối chát cặp mắm lòng, đến cá lóc nấu cháo nhúng rau đắng đất mọc theo mấy bụi chuối… Và những cô vợ, người yêu của bạn anh lơn tơn đi đào khoai chuối, khoai bán, củ lùn… rồi hớn hở thổi lửa luộc nồi khoai đầy vun. Có bữa, cả bọn biến thành con nít, khi xắt những trái gòn non, cộng với mấy cái bắp chuối con con chấm muối giấm. Có đứa rưng rưng, vì nó nhớ thời thơ ấu nghèo hay vì trái ớt dầm cay xé?!
Rồi mưa sập soài, kéo theo lê thê những mây đen, sấm chớp. Con đường đến nhà ông già Hết Nói hơi khó đi, nhưng có hề gì khi khu vườn bắt đầu lên tiếng của sự nảy mầm, tiếng của những chồi xanh. Vì cái màu trắng muốt của đọt lụa hay phớt tím của đọt cóc, đọt xoài mà người phải lăn vô bếp chiên bánh xèo. Tuần kế tiếp, ai đó sáng kiến làm cái Lễ kỷ niệm ngày xưa… nghèo, bẻ những đọt rau muống, rau lang, cải trời, rau dền, nhãn lồng… xanh mởn luộc lên chấm với tương kho.

 

Lúc đó, vài đứa đã nghiện khu vườn có ông già trầm lặng, vài đứa khoái ngồi trầm ngâm uống trà với ông, nghe ông nói chuyện đời (bằng cái cách riêng của ông). Chuyện nhậu chẳng quan trọng nữa, đôi lúc cả bọn băm bổ chạy xe ra ngoại ô, chỉ để ngồi dưới gốc cây vú sữa, nghe chim hót, nghe dừa rụng xuống ao, nghe tay chuối khô xạc xào, nghe khu vườn nói về triết lý của đất. Lúc ấy đã hết năm, cô gái sắp về. Mọi người đùa là biết đâu cô sẽ dắt về một anh chàng Hà Nội. Biết đâu cô chẳng về nữa. Một năm khiến anh thay đổi nhiều, thì cô ấy, biết đâu… … Tôi viết những dòng này như lời nhắn đến người yêu của anh bạn tôi, nếu chị không về nữa, chắc chắn khu vườn sẽ có tới hai người Hết Nói, họ trồng lung tung những cây cỏ (tưởng như) dại, để chờ đợi, để giữ tròn lời hứa với một câu nói dở, hãy vì em…”. Đấy có thể tôi thi vị hóa bạn tôi, cũng có thể anh quên mất chuyện đó rồi, anh gắn bó với ông già, khu vườn chỉ vì ông già, khu vườn. Vậy thôi.

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

Lên trang này ngày 31-1-07
(Dùng bản Tư gởi)