Về một từ hay dùng trong năm…

Tạp bút

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

Ông già chạy xe ôm chỗ sạp báo Chân Cầu hay khiến Chòi Văn giật mình, lúc thì gọi giật lại để càu nhàu, quạu quọ, “tao thấy bây viết như vừa rồi là không được đâu nghen…”, lúc khác bợp nhẹ vào đầu Chòi, “cái tạp văn trên báo X, coi cũng được, hén?”.  Sáng qua, ghé mua tờ báo, ông vịn vai Chòi, nói “toàn bộ năm nay, bài nào của bây cũng có chữ “đau”. Lúc trước thì bị chữ gió, bài nào cũng gió ơi gió à, mắc mệt”.

 

Vậy sao, Chòi chưng hửng. Chạy xe đi một khúc, lòng vẫn còn ngơ ngác. Ngày sau, hết ngơ ngác, nhưng buồn buồn. Ông già chắc thương mình nên nhắc khéo, mình đang mòn, cũ, cả ngôn ngữ cũng lặp lại. Nhưng rốt cuộc tại sao mình lại buộc chữ “đau” cày xới, sao không là những chữ khác, chữ “thương”, chữ “vui” chẳng hạn… Chòi tự hỏi.

 

Theo lời ông già, Chòi đã hóa hai người, khác biệt, một của “thời gió” một của “thời đau” (tạm gọi vậy, cho dễ phân biệt). “Thời gió” đã qua rồi, đã thôi rực rỡ, hoàng kim. Nó tồn tại trong Chòi ngót tám năm, những cảm xúc nhẹ nhàng, những mối tình nhẹ nhàng, những ly tan, đổ vỡ cũng nhẹ nhàng, người tốt chịu thiệt thòi nhưng người tốt vẫn cười, những kẻ xa nhau luôn hướng về nhau. Thời đó, gió xuất hiện rất thường, như thể Chòi bị gió ám vậy. Những trang văn tràn ngập gió, tràn ngập thiên nhiên. Màu trời xanh, cơn mưa dầm, ngọn cỏ, bông hoa, khu vườn nắng… Quãng đó, hẳn Chòi phóng khoáng, cởi mở lắm nên trong văn nhóc gió, vì chỉ gió mới phản ánh tâm thế tự do, dào dạt của mình.

 

Nói như vậy bộ bây giờ Chòi đau sao mà dùng đi dùng lại chữ “đau”? Không, Chòi hoàn toàn chẳng có gì đau. Nhức đầu là tại sao trang viết của Chòi lại “đau” hoài huỷ, hết truyện ngắn chữ “đau” lại nhảy chòm chọp qua ngồi bên chiếu tạp văn ngồi? Chòi có đau nhưng lại chẳng nhận ra? Chòi lặp lại? Chòi lười nhác tìm kiếm ngôn ngữ mới? Chòi đã lớn tuổi, đã già? Nhưng già thì mắc mớ gì tới chữ “đau”?

 

Ông già làm Chòi nhức đầu quá chừng. Những ông già luôn vậy, luôn khiến Chòi vừa thương, vừa nể, trò chuyện với họ, Chòi thấy an ủi, nhưng sợ. Những câu nói của ông già quăng phẹp ra, nhiều khi như tấm gương trong vắt để ta soi mình, nhiều khi là nỗi ám ảnh không nguôi. Thí dụ, chữ “đau” của ta nói lên cái gì vậy?

 

Thôi kệ, Chòi bỏ đi xem ti vi, họ đang phát phóng sự cậu bé học tới lớp 7 mà không biết… đánh vần. Máy quay tận mặt cậu, Chòi có thể nhìn thấy sự bối rối, rã rời khi cậu không đọc được tờ báo, thật tình. Chòi nghĩ ngay, ý tưởng này viết truyện được nè, một đứa bé sau cuộc phỏng vấn không còn khuôn mặt nữa, nó sống một cuộc đời không có mặt, bởi lỗi lầm không hẳn của nó. Nhưng lỗi của ai? Chòi sẽ giải thích trong truyện của mình.

 

Ngay lập tức, Chòi nghĩ về chữ “đau”, trong truyện ấy không sao tránh được từ này. Lại một sự lặp lại. Nhưng Chòi không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả cuộc đời của cậu bé sau khi xuất hiện chình ình trên ti vi. “Xót xa”? “Muốn chết cho rồi”? “Xấu hổ”? “Thắt lòng”? “Chết lặng”? Hay chỉ là “vân vân và vân vân”. Rốt cuộc, ngôn ngữ cũng bó tay, cũng đầu hàng, cũng thú nhận là không thể diễn tả được tâm trạng của cậu bé. Và Chòi chỉ còn cách dùng từ “đau”, một phần cũng do làm biếng, thay vì tách bạch từng loại cảm giác, ta cứ cho nhân vật “đau”. Nó bao gồm hết những cảm xúc đổ vỡ nát lòng, nó diễn tả cho mọi bi kịch của đời, của một thanh niên nào lỡ tâm và lỡ tay đánh cắp hàng trong siêu thị, sau đó cái hình anh được đính lên chỗ cửa ra vào với dòng chữ “Kẻ cắp”. “Đau” cũng dùng được cho hoàn cảnh những cô gái vừa bị lực lượng công an gom về từ một ổ tệ nạn nào đó, tối ấy bản tin được phát trên ti vi, kỷ thuật viên quên làm nhòa những khuôn mặt chán chường. Chữ “đau” sẽ cứu được những trang viết của Chòi về đứa bé bị công an xã bắt giam cả đêm vì nghi nó ăn cắp điện thoại di động, hay về một bà mẹ phải đi hầu tòa vì con giành đất …

 

Chòi không biết làm sao để không phải lặp lại từ “đau” khi cuộc đời luôn có những bi kịch mới. Chỉ còn cách chờ cho “thời đau” qua, “thời vui” hay “thời không”(tức là không gì cả, vô ưu vô lo) tới, chữ “đau” sẽ tự nó phai mờ, chết ngắc, như chữ “gió”.

 

Điều đó có khả năng, năm sau Chòi bị ông già chạy xe ôm làm cho một cái “tổng kết” nữa. Chỉ còn cách cười trừ nếu bị cằn nhằn. May mắn, nếu ông đọc được những lời này, ông sẽ rầy nhẹ nhàng một chút…

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

Lên trang này ngày 13-1-07
(Dùng bản Tư gởi)