vào chỗ Nguyễn Ngọc Tư
Cậu Chín qua đời,
cả nhà bối rối. Không phải thứ bối rối tang gia khi mà người ta tê cứng
trước nỗi đau, bởi từ lâu ông cậu đơn thân không gần gũi lắm với đám
cháu. Họ dễ dàng hòa giải với cái chết của người mà hồi còn mạnh giỏi
luôn bày khó chịu ra mặt mỗi khi con cháu ghé thăm. Ông sợ họ xê dịch
những cuốn sách, sợ họ gạt tàn thuốc lên bụi kèo nèo mọc ngay bên sàn
nước, sợ họ làm mất giấc ngủ của con cú mèo gà gật, và hơn hết ông sợ họ
trong vô thức ướm mình vào vị trí chủ nhân, định giá bằng mắt hoặc không
kìm được, nói thành lời giá trị của ngôi nhà sàn cất trên cái ao rộng
ngay trong lòng thành phố, với sự ham muốn không thể che giấu mình sẽ
được sở hữu nó ngay khi người chủ qua đời. Luôn giữ khoảng cách với con
cháu, nên khi ông cạn thở, người ở lại không quá bàng hoàng, chỉ có chút
chạnh lòng khi đứng bên một thân xác còm nhom. Và lúc bắt tay vào phần
viết ai điếu, con cháu nhận ra họ không biết gì về người được tính như
ruột thịt của mình.
Một căn cước mù mờ,
chính xác thì cậu thuộc về nơi chốn nào ? Đứa bé sinh ra trên chuyến tàu
tản cư hồi nọ, như là điềm báo cho cuộc rày đây mai đó, sau này. Quê
quán, cậu khai vào giấy căn cước hai chữ Cầu Rơm. Chẳng liên quan gì tới
nội ngoại hai bên. Chỉ là người mẹ từng kể cuống rún ông được chôn ở đó,
trên đường chạy giặc. Nếu coi quê quán là nơi có bàn thờ cha mẹ, thì quê
phải tận Nam Vang, nơi thằng em út cậu mở tiệm phở Việt. Chọn lấy quê
nội để ghi vào điếu văn, người chấp bút cũng thấy có điều gì đó không
phải, bởi ai cũng biết chuyện cậu là con riêng của bà mẹ chạy dạt từ
miền ngoài.
Tuổi thơ giấu
khuất, lúc trưởng thành đời cậu cũng không sáng rõ gì hơn. Minh họa,
trình bày cho một tòa báo gần hai chục năm, ông vẫn trơn trụi không đảng
phái. Hoặc có nhưng ông cố tình (hay vô tình) đánh rơi sau mấy cuộc
chuyển dời. Một quãng ông gửi tranh tham gia mấy cuộc triển lãm, tưởng
phải hội viên hội mỹ thuật nào đó, hóa ra chỉ làm vì mấy họa sĩ trẻ rủ
rê. Một đám nhà văn hay ghé nhà nói chuyện chữ nghĩa này kia, tưởng ông
trong hội của họ, hóa ra cũng không phải.
Rốt cuộc cậu không
có tên trong một hội đoàn nào hết, ai đó tới nhà ông uống trà, ai đó mời
ông tới những cuộc lễ lạt, chỉ vì ông biết nghề và chơi được. Đến hội
người cao tuổi cậu cũng không thuộc về, nên cũng chẳng nhận được vòng
hoa. Ở cái xứ này, cậu la cà khắp nơi mà lại rời ra chẳng dính vô đâu,
đúng là khó chấp nhận được cú vỡ lẽ này.
“Cậu mình cũng họa
sỹ tiếng tăm, chớ phải thường đâu”, một thằng cháu nói, trong lúc nhìn
quanh cái rạp không hoa, không liễn trướng.
Bài điếu văn ngắn,
đến ái ngại. Đứa cháu dạy ngữ văn được coi là nhiều chữ nhất, đã không
thể làm đầy hai trang giấy học trò. Một đời người sao có thể gói được
trong bao nhiêu chữ này thôi. Mà chữ cũng ngập ngừng, ước lệ, những “có
thể”, “trong khoảng”, “dường như”. Có thể cậu đã từng học trường vẽ,
hoặc chỉ là được dạy nghề bởi một họa sỹ già thất chí nào đó, bởi chưa
từng nghe cậu dự một cuộc họp lớp nào. Nghe đâu cậu lấy vợ trong một đám
cưới tập thể sơ sài ở Sài Gòn, nhưng người phụ nữ nọ đã biến mất khi
chưa về nhà chồng ra mắt. Chừng như cậu có hồi biến mất, người ta đồn
anh học trò đó lên rừng. Mớ giấy tờ ít ỏi cậu cất ở đầu giường thì chống
đối nhau, giấy tờ ghi rõ sinh một chín năm mươi ba, ông lại cầm tinh con
ngựa. Đứng tên trong giấy tờ nhà đất là cái tên lạ hoắc. Mọi thứ thật rõ
ràng nhưng lại mịt mù, cùng lúc. Người duy nhất rõ về cậu là chính cậu,
giờ đóng băng trong di ảnh, nhả khói thuốc ung dung.
Ông cậu vẫn xéo xắt
với người ở lại tới cùng, đẩy họ vô tình thế mông lung. Cậu không thuộc
về gia đình họ mạc, cảm giác đó thật rõ trong lòng con cháu. Buổi sáng
đưa ông ra vườn sau bài điếu văn chóng vánh,
cảm giác như đưa tiễn một người
dưng. Cậu, vẫn cái thế xỏ hai tay vô túi quần thủng thẳng đi bên rìa
dòng tộc, như ở bên lề những tổ chức hội nọ đoàn kia. Nhưng khi người ta
ném vốc đất đầu tiên xuống huyệt mộ, bỗng nhận ra cậu dành dụm trọn vẹn
năm mươi chín năm cho thời khắc nhập cuộc này. Đây mới là nơi chốn ông
muốn thuộc về. Bọc người đàn ông bí hiểm lại trong lòng mình, đất cất
lên lời ru im lặng. Không phân biệt từ đâu tới, thân phận ra sao, cũng
không cần bài điếu văn sướt mướt mỹ từ.
Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư
Dùng bản Tư gởi
|