Vai diễn cuộc đời

Nguyễn Ngọc Tư

 

Mình có ý nghĩ rất kỳ quặc là có hai dạng bà mẹ, một bẩm sinh đã tràn đầy bản năng làm mẹ, một chỉ đóng vai… mẹ. Mình dạng thứ hai. Bạn bè vài lần buột miệng, “con nhỏ này mà làm mẹ gì trời ?”, mình thú nhận, mình là bà mẹ nửa mùa.

Những khi bên võng con nằm, mình cố không cầm cuốn sách, tờ báo, không mở máy tính, không gõ những con chữ trên bàn phím đã chớm sờn. Mình chỉ muốn ngồi đó, và ngắm giấc ngủ của con, với trọn tấm lòng, giống những bà mẹ mà mình ngưỡng mộ. Họ không bao giờ rời bỏ con mình để đi tới một thế giới khác, của những trang sách, của những câu chuyện xa xôi, dù là một chút thôi. Bên nôi, họ sẽ ngồi đan những cái áo len, sẽ khâu lại nút áo vừa sút chỉ, họ luôn nhìn thấy giấc mơ của con qua cái nhoẻn cười hay tiếng khóc ré thảng thốt trong giấc ngủ.

Những bà mẹ đó có cuộc đời hết sức bình thường, quẩn quanh dưới mái nhà, sống giản dị và ước mơ giản dị, trọn lòng với chồng, con. Ngay cả khi đôi chân đưa họ rời đi, đến chợ, đến cửa hàng bách hóa, đến tiệm cắt tóc… thì tâm trí họ cũng để lại nhà, bên con đau đáu. Họ nhận biết ngay khi trên má con mình vừa xuất hiện thêm vài mạch máu li ti, móng tay con dài, gót chân có vết xước nhỏ… Chưa bao giờ mình thôi ngưỡng vọng, học hỏi họ. Học cái cách ôm con vào lòng và chỉ nghĩ về con thôi, về những sợi lông măng trên trán, về mùi sữa thoảng trên da thịt, bước chân chập chững đầu đời… Con chỉ mới mọc mấy cây răng sữa, họ đã mơ mộng đến đám cưới con mình, cô gái nó yêu, ngôi trường nó học…

Mình muốn trở thành một bà mẹ như vậy, rồi bỗng dưng trong đầu mình chập chờn những tiếng nói lạ. Bỗng dưng xuất hiện những con người, họ nói cười, họ yêu và oán hận nhau. Những câu chuyện miên man bất tận. Bỗng dưng tờ báo sáng lật từng trang từng trang trong đầu mình như thể có một cơn gió vô tình, những đứa trẻ bị bắt cóc bán bên kia biên giới,  biểu tình bạo loạn ở một nước châu Âu xa xôi,  một nghệ sỹ qua đời, ca ghép mặt đầu tiên trên thế giới thành công... Hay vụ tai nạn ô tô thương tâm trên đèo, ở khúc đường mình đã từng qua, nên cái hồi ức mưa phùn hiu hắt dài ba phút. Ba phút lãng đãng là tối thiểu cho mỗi sự kiện, bởi tính mình lẩn thẩn trời đã trót cho. Những lần tâm mình đi lạc, da thịt con vẫn nóng hổi trên tay mình, mùi phấn rôm lẫn trong mùi sữa phảng phất lên mũi mình, mình cười và gọi này cưng của mẹ ơi, nhưng trong đầu mình co một mình tình vừa giãy chết ở trang 247 của cuốn sách nằm trên giá.

Con vẫn đang nhìn mình mỉm cười, ánh nhìn làm mình ứa nước mắt. Lớn lên, khi con có yêu đơn phương một cô gái nào thì cũng gần giống con với mẹ phút giây này, phút giây xao lãng.

Có điều gì hình như là tội lỗi, khi mình đeo mang quá nhiều mối quan tâm, khiến bà-mẹ-mình bị cắt làm năm ba mảnh. Chúng không chịu buông mình ra như đôi giày nằm lại sau bậc cửa. Và mình yêu con trong khi chung quanh vẫn lao xao kẻ đứng người ngồi, kẻ cười người khóc, kẻ săm soi người châm chọc, đâu đó tiếng nhắc tuồng rất mỏng. Hãy nói, mẹ nhớ con quá. Hãy nói, mẹ thương con lắm, sẽ hy sinh cho con cả đời này.

Nhưng bà mẹ ngang nhà, cách một con đường – bà mẹ mà mình vẫn thường ngưỡng vọng – chị ấy hình như không nói những câu đơn điệu đó, đơn giản là chị chưa bao giờ rời đi. Sáng nào bên thềm chị cũng lắc lư hát một bài hát trẻ con trong lúc chải tóc cho đứa con gái nhỏ xíu. Xung quanh chị mọi thứ cứ trong veo, bất cứ gì cũng không tồn tại, chỉ còn lọn tóc mềm thoảng mùi dầu gội dịu dàng, còn tiếng hát theo ngọng ngịu, còn tiếng cười trong trẻo của con. Đã tan biến hết, chỉ chị với con trong những buổi sáng ngọt lành. Mình hơi ngớ ngẩn, nhưng thật sự cảnh tượng đó làm mình nghĩ tới thiền.

Cảnh tượng đó đôi lúc làm mình hơi tuyệt vọng, sao tâm mình cứ chộn rộn không yên, ra đời nhớ con, ở bên con lại nhớ đời. Có thể sẽ không bao giờ mình có được niềm vui buông bỏ, và vai bà mẹ mình sẽ đóng đến tàn hơi.

Nhưng vai diễn đó mình đã hăm hở, hân hoan nhận rồi, mình sẽ diễn hết lòng, vắt máu tim ra mà diễn, để không gợn chút ân hận và xấu hổ nào, khi gọi con ơi… Đó là chuyện của mai này, còn nằm trong cái gọi là hy vọng, giờ thì mình cắn môi, toát mồ hôi, tập trung hết sức lực để… cắt móng tay cho con, bởi sợ đám người nào đó lại chộn rộn trong đầu, mình sẽ làm con chảy máu…

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

Lên trang này ngày 5-5-09
Dùng bản Tư gởi