Diễn từ nhận giải thưởng LiBeraturpreis 2018 của Đức,
từ những thì thầm
Nguyễn Ngọc Tư
Tôi thường đọc sách trong sự ồn
ào. Nhiều tiếng nói vang lên, và không dễ chịu chút nào, khi đó là những
lời thẳng thắn. Rằng: "Lúc mi chưa sinh ra thì những Honoré de Balzac,
Franz Kafka, William Faulkner, Heinrich Boll, Patrick White, Gabriel
García Márquez... đã vĩ đại rồi, và những trường phái văn chương đã định
hình, hoàn thiện khi mi tập đi bên những hố bom. Văn chương thế giới đã
rực rỡ trước khi mi trở thành đốm lửa".
"Sống và viết trong cộng đồng
ngôn ngữ nhỏ bé, không phải trung tâm thế giới, ai sẽ nhìn thấy ánh sáng
của mi?".
"Con đường mà mi tưởng mình là
người đầu tiên bước vào, đã có người đi rất nhiều năm trước, và mi chỉ
đang giẫm lên những dấu chân có sẵn. Mi tới nơi khi họ đã xong việc, đã
rời đi".
Những tiếng nói ấy không cười
nhạo tôi, không chút nào, chúng chỉ nói sự thật. Và sự thật thường mất
lòng.
Hãy kể câu
chuyện này
Gặp một cuốn sách hay, nghĩa là
đọc cùng với những cơn chóng mặt. Văn chương thế giới mà tôi tiếp xúc,
bằng những cuốn sách chuyền tay cũ sờn, đôi khi là bản photocopy - thứ
sách giả như những nhà sưu tầm thường gọi - nhưng chữ của chúng là thật.
Những cuốn sách ấy, rất sớm, đã
nhấc bổng mang tôi ra khỏi lòng giếng chật chội, và vào giây phút tôi
nhận ra bầu trời rộng lớn nhường nào, tôi ngộp thở. Thứ sức mạnh mà tôi
có được từ ảo tưởng, rằng mình là trung tâm của thế giới, cũng mất đi.
Những cuốn sách đánh thức bản
năng viết, giúp tôi bước vào thế giới văn chương bằng những câu chuyện,
nhưng chính chúng đôi khi đã làm tôi thấy mình biến dạng, chực tan đi
không dấu vết gì.
Nhưng may thay, tôi là một người
viết. Và lúc tôi viết, tôi cố định lại hình dáng và tiếng nói của mình,
lấy lại những màu sắc vốn có, bởi những lời đáng sợ kia đã ngừng bên
ngoài trang giấy. Duy nhất, lúc đó, chỉ còn lời thì thầm. Hãy kể câu
chuyện này. Hãy kể câu chuyện này. Hãy kể câu chuyện này.
Bám riết, dẳng dai, nhưng lời thì
thầm ấy đủ vang động để lay tôi dậy lúc nửa đêm, nằm với tôi cho tới khi
trời sáng. Đôi khi vì mãi lắng nghe sự thôi thúc mãnh liệt đó, tôi đã
văng ra khỏi cuộc trò chuyện với con mình, và tụi nhỏ đã quen với việc
bà mẹ bỗng dưng xao lãng, không nghe thấy lời của chúng.
Đi chợ về, tôi thường lạc đường,
cho tới khi nhận ra đang ngược hướng nhà mình. Và tôi ngờ rằng những món
ăn tôi nấu lên trong căn bếp mù khói đã không ngon bởi vì tôi chẳng trọn
lòng để ý tiếng cơm sôi, tiếng con cá nứt mình ra trong nồi, mà mãi lắng
tai nghe lời thì thầm ấy.
Câu chuyện này thuộc về mi, hãy
kể nó
Chẳng có gì để dứt tôi ra khỏi
lời thì thầm, khi tôi chơi trong vườn với các con mình, đưa chúng tới
trường, khi ngồi trong buổi tiệc đông người, hay lúc lau dọn căn nhà hay
bị bày bừa bởi những đứa trẻ. Cả lúc tôi lang thang trên những nơi chốn
xa xôi trên đất nước mình nhằm kháng cự sự tẻ nhạt, thì lời thì thầm vẫn
theo chân.
Âm thanh đó chỉ ngưng khi tôi
viết ra xong câu chuyện của mình, để lại trong tôi không cơn trống rỗng.
Thật may, có quá nhiều câu chuyện đang xếp hàng chờ được kể, và cũng
chừng ấy lời thì thầm còn chờ để vẳng bên tôi.
Hãy kể câu chuyện này, nó là của
bạn. Một khi lời thì thầm cất tiếng, tôi không còn bối rối bởi những ồn
ã chung quanh. Những hứa hẹn và dọa dẫm. Tán thưởng và ghét bỏ. Ảo tưởng
và mặc cảm. Yêu thương và đố kỵ.
Chúng có thể vang động, gây
choáng váng vào một vài giây phút nào đó, rồi lời thì thầm kia về lại
với tôi, chỉ để nói hãy viết câu chuyện thuộc về tôi.
Nó xua sợ hãi, và làm tôi quên
mất những cái bóng vĩ đại trên đầu mình. Hãy kể câu chuyện này ra, bởi
bạn là nhà văn, đó là việc bạn phải làm, duy nhất. Và đó là thứ duy nhất
làm nên một thế đứng kiêu hãnh, cho người viết.
Và con người
thì không xa lạ với nhau
Tôi tin người ta luôn có những
câu chuyện giống nhau, cùng sở hữu một vốn từ ngữ gần như nhau, nhưng
mỗi người sẽ có một cách kể của riêng mình, từ cách chạm vào đời sống,
cách người ta đặt tấm gương đón nhận những hình ảnh phản chiếu của đời
sống ấy, tái tạo lại với tài năng thiên bẩm, sự trắc ẩn, và tinh tế.
Và tôi cũng tin có hàng triệu câu
chuyện được viết ra dưới vòm trời này, chúng lẩn khuất đâu đó ở những xứ
sở xa xôi, với những người đọc ít ỏi của mình, trong những tiểu vùng
ngôn ngữ, nhưng chúng vẫn ở đó, không chờ đợi được tưởng thưởng hay vỗ
về, chúng ở đó vì người viết chúng không thể và không muốn quay lưng lại
với lời thì thầm: "Bạn hãy kể câu chuyện này ra, nó sinh ra là dành cho
bạn, không phải sao?".
Khi những câu chuyện của tôi đến
với bạn đọc Đức, tôi đã nghĩ những người dịch cuốn sách không chỉ có mối
đồng cảm lớn, mà còn rất can đảm.
Họ đã làm việc với một bản văn
nhiều thổ ngữ, bối cảnh xa lạ, mà cả người ở miền Bắc Việt Nam cũng thấy
hoang mang không hình dung được bụi ô rô mọc ven sông, tiếng con chim
bìm bịp vào lúc thủy triều lên, và ngọn gió chướng vẫn thường thổi suốt
mùa khô đồng bằng hạ lưu sông Mekong.
Có thứ quen thuộc nào chăng, thì
đó là những con người đi lại, nói cười và đau đớn ở trong những tác phẩm
ấy. Và con người thì không xa lạ với nhau.
Tôi đặc biệt cảm ơn ông bà dịch
giả Günter Giesenfeld cùng với các cộng sự đã mang những câu chuyện của
tôi đến nơi chốn bất ngờ này, mặc cho nó bộ áo ngôn ngữ mới. Như tôi có
lần đã viết trong thư riêng với ông Giesenfeid, nay xin lặp lại ở đây,
"giải thưởng này là của chúng ta".
Cảm ơn Hiệp hội Litprom đã níu
giữ những câu chuyện của tôi, dát cho chúng chút ánh sáng, trước khi
chúng tiếp tục chuyến đi vào cuộc thử thách của thời gian. Chúng có thể
lấm bụi, hoặc rực rỡ ở cuối đường, không ai biết được, kể cả người tạo
ra chúng. Tôi ngờ rằng mình quá bận để dõi theo, bởi đang lắng nghe
những lời thì thầm khác.
Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư Bản đăng trên Tuổi Trẻ
|