Trói buộc

 

Tạp văn

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

Có một bữa bạn nhận được thư tôi, trong đó viết rằng, “tôi có chuyến làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, nếu bạn không bận việc gì thì chúng ta gặp nhau, uống cà phê, nói chuyện đời chơi”. Thằng bạn tôi đọc thư tôi, lòng đầy nghi hoặc, không tin là tôi viết, bởi theo đúng phong cách quen thuộc của tôi, thì thư viết phải viết như sau: “sẵn tui đi mần việc tại Sài Gòn, nếu ông không mắc công chuyện thì hai đứa mình gặp, uống chút xíu gì đó, nói trời chơi…”.

 

Với bạn, thì tôi và mớ ngôn từ đậm đặc chất phương ngữ là một. Tư duy theo thói quen, như người đẹp thì phải gắn với đại gia, mà đại gia luôn gắn với những trò ăn chơi, mánh khoé; công an là phải chơi mặt ngầu, nghệ sỹ phải lòe loẹt một tí, te tua một tí hay ông nông dân chắc chắn hiền lành, tử tế… Và tôi, một bữa vui nào, bứt những ngôn từ địa phương lủng lẳng quanh mình, bạn không nhận ra.

 

Bạn kêu lên, đau đớn lắm, bạn nói, có phải là cô không, cô có còn là con nhỏ viết văn của vùng đất Nam Bộ? Tôi không còn nhận ra cô nữa. Cô khác quá. Cô muốn gì? Bản sắc vùng miền của cô đâu? Bạn nghĩ (chắc lại theo thói quen), bản sắc vùng miền gắn liền với ngôn từ, phải “ngộ”, phải “quá hén”, phải “vậy nghen”, phải “chèn đét ơi”… Và những người viết như tôi phải viết vậy, nếu muốn nói đến con người, đất đai Nam Bộ.

 

Tôi đã tưởng vậy. Nhưng những va chạm, những cú sốc, những biến chuyển tâm lý, những tế bào của sự già cỗi bắt đầu xuất hiện, tôi tự dưng viết khác đi một chút. Cũng muốn lùi lại, cũng muốn trong trẻo, cũng muốn hồn nhiên quá hà, nhưng thời gian còn làm đổ cả núi. Tôi nhận ra ngôn từ, đặc ngữ của địa phương thực chất chỉ là phương tiện chuyển tải ý tưởng và câu chuyện của tôi. Nam Bộ trong tôi không phải là màu da, là giọng nói, mà là tính cách hoang dã, bỗ bã, ngang tàng… thì Nam Bộ trong văn tôi cũng là một cái gì sâu xa trong bản chất. Những ngọn gió, những cánh đồng, những dòng sông, những con người vừa tốt vừa xấu, những ngổn ngang của đất, của người, những nỗi buồn và nỗi vui. Một nhân vật có tính cách hết sức Hà Nội mà gắn cho nói những ngôn từ miền Tây Nam Bộ thì giống như phim Việt Nam ta, tiếng một đường, mặt mũi tay chân một nẻo. Thay vì nói, trời ơi, tôi đau buồn quá thì chỉ cần một ánh mắt, một nét mặt dại đi, là đủ. Nói tôi đau buồn là không tự tin vào sự đau buồn mà tôi diễn tả, mà cũng không tin người khác có thể cảm nhận được nó. Phương ngữ, là một cái áo, tôi muốn bỏ qua cả lớp áo đó, để tận mắt thấy trên mảnh đất này, người đời đang lạnh hay ấm, vui hay đau qua làn da, qua từng vết tím, từng cái se lại của lỗ chân lông. Tôi còn muốn xuyên qua chúng, thấu thị tận tâm hồn, như một người hành hương về chốn tâm linh không cần bất cứ phương tiện nào, chỉ bằng đôi chân trần. Rất ngỡ ngàng, theo cái cách này, tôi thấy mình viết chưa ra, chưa tới cái bản sắc Nam Bộ. Không níu phương ngữ nữa, tôi chới với, loay hoay.

 

Tôi nhận ra, mình tự trói buộc mình vào ngôn ngữ vùng miền quá lâu. Sống chật đã lâu, ra trước mênh mông người ta hoảng hốt. Tới mức, trong lúc vùng vẫy, từ ngữ rơi xuống chỗ nào, nơi ấy, tôi thấy mình trong suốt.

 

Vậy thì bạn mình ơi, tôi không buồn gì nếu bạn không nhận ra khi tôi mặc một chiếc áo khác, bởi tôi đã mười năm ngộ nghĩnh hồn nhiên nhảy nhót ca hát trong mớ ngôn từ lạ lẫm, đầy sức sống của mình. Đó là hình ảnh đầu tiên mà bạn cảm nhận, mang theo, giống như mối tình đầu. Nhưng tôi buồn, vì bạn đã không tin, không cố gặp tôi giây lát, để nhận ra hơi thở của tôi, mùi nắng khét trên tóc tôi, gương mặt buồn bã của tôi, những lỗi ngớ ngẩn mà tôi thường hay mắc phải, cái cách nhìn đời, hay một ngón tay tôi gù lên vì vết thương hồi xưa.

 

Cả những chi tiết nhỏ đó, cũng không gây cảm giác gì quen thuộc nơi bạn nữa, thì bạn hãy giận tôi. Cũng đành…

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

Lên trang này ngày 6-8-07
Dùng bản Tư gởi