Trơ lòng Tản văn
Nguyễn Ngọc Tư
Những hồi ức mỡ màng, phồn sinh
của miền Tây trên các giai phẩm báo xuân còn chưa kịp nguội, dày đặc
trên phương tiện truyền thông tháng ba này là thông tin về hạn mặn, là
cánh đồng nứt nẻ, những liếp mía chết khô, là những người đàn bà đi nửa
ngày đường chắt chiu từng can nước ngọt. Bao trắc ẩn, bao ái ngại, và cả
giật mình đều dồn về vùng đồng bằng nức tiếng trù phú này. Động lòng
cũng phải, nhưng người ta giật mình nhiều hơn bởi lẽ cái chuyện biến đổi
khí hậu tưởng còn lâu bỗng hiện ngay đây, lúc này đây.
Nhưng Út Nhiều, bà chị họ của
bạn, dân miền Tây chính hiệu Lung Phèn, chị nói chị không giật mình chút
nào khi nhìn lòng kinh trước nhà khô đáy, “Đâu phải giờ mới bị hạn cháy
da, cậu không nhớ có năm chị em mình đi bắt dế đáy kinh sao ?”. Cái nắng
tháng Ba, dân miền Tây đâu có lạ, nắng đến giòn rễ cây, đến bạc xương,
đến nước miếng trong miệng còn kẹo lại. Nắng giáp hạt. Hình như có ông
nhà thơ xóm rẫy nào đó đã gọi vậy. Lạ gì nữa, nhất là người làm vườn,
làm ruộng, vốn quen dùng mọi giác quan để thụ cảm nắng mưa.
Chị nói chục năm gần đây, dân
miền Tây dù vô tư mấy cũng nhận ra triệu chứng của cơn bịnh ngặt. Những
mùa lũ thất bát, những mương vườn tháng Ba lấm mặn, những liếp cây ăn
trái đồng loạt đổ lá. Đâu phải mới năm nay những người đàn bà miền Tây
phải đổ đường đi lấy nước ngọt, họ đã làm vậy nhiều năm trước đó, chỉ là
hạn ngắn và mưa kịp tới giải vây trước khi các phương tiện truyền thông
để mắt. Và còn triệu chứng nào rõ ràng hơn của một vùng đất đang hấp hối
khi nhìn vào lớp lớp thanh niên lần lượt bỏ quê đi làm công nhân xứ
người. Đất buông tay. Phải chịu hết xiết mới phải buông tay. Cưu mang gì
nổi nữa. Bạn nghĩ làng xóm miền Tây đang trong cơn trơ lòng, và sẽ trơ
lòng vậy, bất chấp mai đây gió Nam mang mưa về lại.
Nhà Út Nhiều giờ chỉ còn hai vợ
chồng già với ba đứa con nít được cha mẹ nó gửi về từ khu công nghiệp.
Tiếng trẻ nói cười làm nhà đỡ lạnh. Cả xóm cùng chung cảnh. Lần nào bạn
ghé nhà chị cũng nhớ mấy đứa cháu trạc tuổi mình, cùng lặn ngụp bùn sình
tuổi nhỏ. Giờ chỉ Tết mới gặp được tụi nó. Bữa rồi bạn tạt ngang thăm,
chị Út mừng húm nói hổm rày muốn dời mấy lu nước mà chưa mượn được ai,
cậu ghé thiệt may. Nhờ chục ngoài cái lu xi măng này mà năm nay không
thiếu nước. Chị nói năm ngoái phải đi ra ngoài đập Giữa chở nước ngọt
về, “lúc đó nhà còn đông”. Tết xong, tụi nó khăn gói đi ráo trọi.
Một thằng vừa rồi có gọi, nói coi
được bản tin trên truyền hình, hỏi có phải họ quay phim cái kinh trước
nhà mình không, cảnh con nít đứng thả diều dưới lòng kinh quen quá. Chị
cười, giờ kinh nào mà không vậy, cả miệt này đang bị hạn làm khó dễ.
“Làm khó dễ dân xứ mình đâu chỉ hạn mặn thôi”, thằng con chị nói, rồi
thở dài. Chắc nó đang ám chỉ những lần lúa được mùa mất giá, những đợt
dưa hấu sắp cắt dây thì mưa sập xuống bất ngờ, đận đổ vốn nuôi cá chình
gặp áp thấp gần bờ, đìa chìm sau những ngày trời trút nước.
Bạn nghĩ lời thằng cháu đúng
thiệt, ít nhất là chục ngoài năm trở lại đây, đất quá sức nhạy cảm, dễ
tổn thương. Con người, cũng vậy. Một nhà máy thuỷ điện xây tận đâu đâu,
một tảng băng tan ở cực Bắc địa cầu, rừng nguyên sinh cháy rụi bên Nam
Mỹ, hết thảy chúng đều gián tiếp làm khó dễ dân đồng bằng. Cả vùng đất
trọng bịnh, những triệu chứng không còn âm thầm nữa, chúng phát tác ra
những bề mặt.
Một mùa hạn mặn nghiệt ngã bày ra
trên các phương tiện truyền thông chỉ mang tới cơn bàng hoàng cho người
vùng miền khác. Dân miền Tây, đa số đoán được kết cuộc này. Ai đó lỡ một
vụ lúa yểu mệnh khi chưa kịp nghén đòng đòng, ai đó lỡ một vụ rau dưa
chết khát cũng chỉ muốn tự huyễn hoặc mình rằng trời còn chút xót
thương. Họ gieo trồng không chỉ là hạt giống mà còn thêm mầm hy vọng
rằng không phải đâu, không phải cái đất (đã từng) giàu có, trù phú này
đang hấp hối.
Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư
Dùng bản Tư gởi
|