Trên tay có đá Nguyễn Ngọc Tư
Trên một ngọn núi cao lêu đêu đứng khều mây, có ông thầy. Lần đầu tới chơi thầy kêu bỏ mấy cục đá xuống cho rảnh tay múc giùm ta gàu nước. Bạn cãi ủa con có cầm đá gì đâu. Thầy cười, khi nảy con định ném đá cho bể đầu ông xe ôm dưới chân núi mà. Tại thằng cha đó lấy tiền công mắc quá, mới chạng vạng mà tính giá gấp đôi lúc ban ngày, bạn ngoay cái miệng phân trần. Thầy lại cười, mấy chục ngàn đó cũng còn rẻ, vì chở con là chở theo một đống đá, nặng lắm chớ đâu phải chơi. Giọng thầy không có chút cà rỡn nào, làm bạn ngờ ngợ ngờ ngợ ngờ ngợ miết. Không nén được, bạn xòe tay ra coi và thật kỳ lạ, bạn thấy trên tay mình thiệt tình là có đá. Thiệt tình là bạn đang lăm le chực chờ ném vào người khác, giống hệt cái cách người đời hăng hái ném nhau. Bạn về nhà rồi, chuyện mấy cục đá cũng lẽo đẽo theo về, đeo bám dai dẳng. Đôi khi bạn bĩu môi lườm nguýt ai đó, mắng xiên chửi xéo ai đó... mà thấy rõ ràng là mình vừa ném đá vào người ta. Đôi khi viết một đoạn chữ mà thấy lổn nhổn nặng nề như đá. Đôi khi chỉ nói nửa câu mà thấy người nọ rúm ró vì đau. Ném đi rồi thấy sướng phút đó, hể hả phút đó nhưng dường như người không nhẹ bớt, vì cục đá thiên hạ ném trả bạn nhặt lấy mang theo bên mình, rình chờ cơ hội chọi lại. Những hòn đá đó không bao giờ rơi xuống đất, bởi không người này cất thì người kia cũng cầm. Vì nó mà mình đau nhưng người ta vẫn giữ gìn để tiếp tục làm đau người khác, hòn đá được ném đi ném lại trong một hành trình sát thương không ngơi nghỉ. Sách nói vậy. Sau này, bạn nghiền ngẫm sách thiền các loại, bạn nghiên cứu kinh Phật, Kinh thánh, kinh Coran... Bạn cố không lẫn lộn giữa chê bai và lăng mạ, giữa phê bình và đạp đổ, giữa gièm pha và hạ nhục... để nếu có ném đi thì chỉ là những hòn đá con con. Thấy chưa ăn thua, bạn hay lên núi nói chuyện với ông thầy học cách làm sao bỏ đá khỏi tay. Ông thầy cười nói phải có cách nào thì ta đâu có bỏ chạy lên đây, ở một chỗ chỉ có mây và vài nhà hàng xóm. Ít người lại qua, ít va chạm, ít thị phi thì đỡ phải ném đá nhau... Nhưng bạn ở một chỗ nào? Chỗ mà sáng sớm dừng ở đèn đỏ có kẻ chạy xe lấn đường xước cả tay bạn. Chỗ mà sáng sớm phát hiện ra chị kia thản nhiên cân thiếu. Chỗ mà sáng sớm anh cảnh sát giao thông ngoắc bạn lại kiếm tiền lót tay. Chỗ mà sáng sớm mở trang báo thấy bao nhiêu chuyện nát lòng: chó người giàu cắn chết người nghèo, mẹ ngược đãi con, chồng giày vò vợ... Chưa hết, biển thông tin đưa bạn tới gần những sự thật, ở đâu đó người ta đào bới tận diệt thiên nhiên. Ở đâu đó có những đứa trẻ bị đẩy ra đường phơi mưa nắng kiếm tiền khi vẫn còn ẵm ngửa. Ở đâu đó có những người phụ nữ bị bán mua rẻ mạt... Bạn nghe lửa bốc lên đầu, giận đầy ứ họng. Căm. Uất. Ngột ngạt. Nghe đá ở đâu bỗng chất oằn cả người, kẻ thủ ác mà đứng trước mặt bạn dám ném cho họ chết lắm. Nhưng đó là “ở đâu đó...”, giờ chuyện xảy ra ngay ở quê hương bạn, cách chỗ bạn chỉ hai mươi cây số. Nghe đâu, coi bản tin thấy hai vợ chồng trẻ người mà tàn ác man rợ, nhục hình tra tấn thằng nhỏ làm công mà tỉnh bơ như thở, như ăn, có một bà già quê đập bể tivi rồi xách dầm xuống xuồng bơi đi “đi đánh hai đứa ác ôn đó coi tụi nó biết đau không?”. Như thể hết cách rồi, đá phải được đáp trả bằng đá. Bạn giận mình sao không được như bà già đó. Những cuốn sách về nghệ thuật buông bỏ, hạn chế sân hận trải rộng tình thương... đã trở nên vô nghĩa. Không thể buông bỏ ở cái thời thế còn ngổn ngang này. Đến cha mẹ mà tàn tệ với con, không phải loạn thì là cái gì. Ông thầy trên núi gọi điện thoại xuống, nói ông coi tivi rồi. Lặng đi giây lát, ông nói “ta thấy sợ...”. Ông thầy sợ vì tôn giáo mà ông đeo đuổi làm sao cứu rỗi được người đã đánh mất chất người. Còn bạn sợ vì luật pháp làm sao cải tạo, thay đổi được người mà không phải người. Sách nói không có gì là rác hết, bạn đã từng tin vậy nhưng giờ chê sách xạo, thiệt tình. Tội ác biết đâu nảy sinh từ những cú ném đá lặt vặt nhỏ nhít mà người ta không nhận ra. Cho đến một ngày...
|