Tiền bối, thầy và bạn

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

                                                                                                         Kính tặng họa sĩ Phạm Hữu Trí

 Tôi thấy nhớ ông già, đó là những buổi chiều nhàn nhạt, lửng lơ, lờ đờ, chẳng biết đi đâu, chẳng biết làm gì, chẳng biết làm sao để trôi qua trống rỗng. Tôi thấy nhớ ông già, đó là lúc bỗng dưng thèm uống ly trà quạu, hay một ly vang. Tôi thấy nhớ ông già, đó là lúc tôi không muốn nói, mà chỉ thích ngồi nghe. Mặt hai chú cháu hơi đỏ, ông già nói ông Gorki nói vầy, ông Lev Tolstoi nói vầy, ông Nguyễn Tuân nói vầy. Tôi cười, vì không gần gũi với mấy ông già đó lắm, thời của mình thì văn chương Trung Quốc tràn ngập, chỉ biết ông già Mạc Ngôn hay ông già Giả Bình Ao... Cũng xon xen Ba Lan, Đức, Nhật nhưng văn học Nga Xô Viết thì bó tay. Vô thư viện lục lọi sách của mấy tác giả đó, nhìn hết muốn ăn thịt chuột, giấy đen thùi, chữ in lem luốc, trang đọc được, trang không.

Những bộ sách kinh điển đó cũng chất đầy trên kệ sách nhà ông già, cũng cũ kỹ, già nua, cũng nặng nề bởi thời gian. May, vì bộ mặt sầu thảm đó nên sách còn nguyên trân, chẳng ai thèm mượn. Cũng có khi vì ông già khó tánh nên người ta ớn chăng?

Vụ khó tánh, là người ta đồn đãi vậy, tôi không ngán. Người nào càng khó độ thử thách càng cao, khó mà chinh phục được họ (hoặc làm họ... tức chết) thì mới sướng. Riêng ông già, tôi chỉ thấy ông dễ thương. Khách đến nhà, có gì ông đem ra đãi bằng hết, mấy cây xúc xích, bọc bánh phồng tôm, kẹo, hột dưa, phó mát Con Bò Cười... Có bữa mình đói, không giữ ý tứ gì, ăn hùng hục, lúc ngẩng lên thấy ông ngó mình cười.

Có lẽ ông khó thiệt, nhưng theo kiểu của ổng, rất nghệ sĩ. Có một chút ngạo đời, một chút ương ngạnh. Không thích người nói nhiều, người ba hoa (dân gian bây giờ kêu là “nổ”), không thích chỗ đông người, không thích tiếp xúc với giới quan chức. Một mình đạm bạc. Ông như một bảo tàng của văn minh cũ, của những tri thức cũ, của một nền văn học cũ... Mấy “ông” Dickens, Dostoevsky, Balzac, Remarque, Amatov... bệ vệ trên giá bao nhiêu, thì những Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Trang Thế Hy, Nguyên Ngọc, Lê Văn Thảo, Chim Trắng... cũng sâu đậm trong lòng ông già bấy nhiêu, đánh dấu những năm tháng sống và làm việc ở báo Văn nghệ, báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh...

Nhà ông già cũng là một bảo tàng của những gì mà người ta quên, người ta không cần nữa, hoặc người ta nhớ, nhưng người ta không muốn quay về. Giữa thành phố, có con đường ốm nhom đi ngang qua ngôi nhà nhỏ nằm núp ló sau hàng rào nhiều dây leo, giàn hoàng anh vàng rực trên cổng gỗ. Cái sân cũng nhỏ nhưng chứa đựng đủ thứ, một cây dừa, cây mận, một dây trầu bà bó quanh cây... Mùa mưa, cái ao bên dưới sàn nhà có mấy bụi kèo nèo, bèo tấm mong manh. Mỗi lần thấy cái biển xanh lè, “Gia đình đạt chuẩn văn hóa” là khách phì cười, có cái biển trị giá một trăm ngàn đồng hay không thì ông già cũng cực kỳ văn hóa, vì chẳng qua lại, cãi cọ với ai. Ông già ẩn dật, nên những vật nuôi cũng ẩn dật, cũng ngại người. Con bìm bịp mắt đỏ như khóc suốt tuổi thơ tôi nghe kêu nước lớn nhưng chưa bao giờ thấy mặt. Cũng chưa bao giờ được nhìn gần một con chim mèo mặt buồn tê tái, lồng bên kia, chim heo không buồn, nhưng... quạu, con chồn xám thì hay rúc vào góc nhà mỗi khi có khách. Nhiều khi tới gần, tụi nó giận dữ xù lông, đập cánh tao tác, tôi tự hỏi con người xấu xí vậy sao, mùi người khó chịu vậy sao? Hay cái nết ông già ảnh hưởng tới tụi nó, hoặc ngược lại. Chỉ có con sóc là nhí nhảnh, chẳng giống ông, nó đã bỏ lồng, trèo long nhong trên mấy tàng cây lớn quanh nhà, sân ngày nào cũng rơi đầy những trái dại chín mà nó đã gặm ba mớ. Có bữa, ông già bảo, con sóc đi cắn dây điện của người ta, ở xóm cằn nhằn quá chừng, bực ghê. Nhưng tôi không có cảm giác là ông chỉ bực chút chút, và vui chút chút, như thể người ta cầm tay thằng nhỏ nào đó dắt về cho ông, giằn dỗi, thằng cháu anh đánh con tui u đầu rồi. Bị láng giềng mắng vốn, nghĩa là ông không quá cô đơn.

Cho dù trong ngôi nhà gỗ cũ kỹ mưa tạt, gió lùa này, khi khách về, chỉ còn mình ông. Nhưng có hề gì, lúc đó những con chim lại đập cánh lao chao trong lồng, chim sâu chim sẻ ngoài cửa cũng bàn tán chuyện này chuyện nọ. Và con bìm bịp cất tiếng kêu sầu quê xứ. Những tiếng bịp... bịp... phơn phớt trên da thịt người ta, nghe lành lạnh, man mác. Những nỗi nhớ mờ mờ, không rõ ràng bỗng cụm lại như mây, nhỏ từng giọt nhớ vào lòng. Có lúc, ông già nhại theo kêu bịp... bịp... con vật đáp lại, ông già lại nhại... Họ nói cái gì với nhau, về con nước lớn đang ngập những cái hang của cá thòi lòi? Về những bờ lá dầm chân trong nước? Về những bụi rậm ven sông đã trổ bông? Những chiếc xuồng chập chờn dưới bến ô rô? Những bụi nga chồm mé nước? Nghe ngậm ngùi như họ đang nói với nhau về quê xứ mà cả hai đã xa hồi năm nẳm năm nao. Cũng không chắc, có thể họ chẳng nói gì hết, chỉ đơn thuần là kêu chơi. Không hiểu sao, lúc ấy, tôi lại thấy ông già cô đơn, rất cô đơn. Tôi muốn nán lại thêm chút nữa.

Lần nào tới, cũng nói về vài ba lần mới đứng lên về được, thấy thời gian qua thật mau, mà học lại được quá ít. Ông nói người Mỹ, người Trung Quốc mà rơi xuống hố sâu thì lên được hết, bằng cách trèo lên vai nhau, nhưng người Việt thì khó mà lên, bởi không muốn ai đứng trên mình, không muốn ai sung sướng hơn mình. Cứ có người bươn lên ắt có người nắm giò kéo xuống. Ông nói viết văn mà đứng ở bên ngoài ngó vào câu chuyện thì đọc chán lắm, phải ngồi ở trong câu chuyện đó, mới hay. Và nhiều khi ông chẳng nói gì, nhưng tôi học được cách im lặng, kiệm lời. Học trên vách cái câu ông kẻ bằng sơn trắng “Không nên nhổ vào giếng. Một ngày kia nó sẽ giải khát cho ta”, học từ bức tượng người đàn ông tự gọt đầu cho vừa với cái nón của mình, hay một người khác đang tự ăn mình đến rỗng cả ngực, học chữ Tâm trên cái đĩa trang trí. Tôi nhìn giá sách học cách nâng niu sách, nhìn ra sân học cách hòa mình với thiên nhiên. Nhìn vào ông tôi học sống điềm đạm, ung dung, an nhiên với những hào quang cũ, mới.

Học cả cái cách ông đối xử với hậu bối, xởi lởi mà nghiêm khắc, cởi mở mà sâu sắc, bình đẳng mà trọng thị. Lúc đến, luôn thấy mình trống trải, thấy mình đang trôi vạ vật, khi về, lại thấy mình đầy, thấy muốn viết, muốn làm gì đó có ý nghĩa. Thấy muốn sống, và sống tử tế.

Để đến lúc mình già, có mấy đứa trẻ con hay buồn, hay vỡ (giống như ta bây giờ) đến chơi với ta.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

 

Lên trang này ngày 19-4-07