Sống đầy Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư
Đề tài trong buổi cà phê sớm nay là một người bạn ở Thới Bình vừa mới bị tai nạn giao thông. Chị ấy giờ nằm im re một chỗ do chấn thương cột sống. Sẽ bình phục, có điều hơi lâu, bác sỹ nói chừng ba tháng mới mong ngồi dậy. Mọi người tần ngần nói, kiểu này chắc phải tổ chức đoàn đi thăm. Trong đám người, chỉ tôi là chưa biết chị nhiều. May mắn, nghe tên chị, tôi cũng nhớ được người phụ nữ nhỏ nhắn, gò má hơi cao, da ngăm ngăm, tóc ngắn, hay cười. Thấy loáng thoáng đôi ba lần, tôi và chị chỉ kịp gật đầu chào rồi thì chìm lịm trong không khí đám tiệc, hội họp. Kiểu đó thì có gặp nhau hàng trăm lần cũng không gọi là gặp. Anh họa sỹ thì khác, dù bốn năm rồi chưa chào chị nhưng anh đã “gặp” trong ký ức của mình. Lần đó anh về Thới Bình tổ chức triển lãm, chị đi te te qua, phụ giúp anh treo tranh xong, quây quần ngay tại phòng tranh nhậu tưng bừng. Tối mịt chị mới ngẩn ngơ, “Hồi sáng nhỏ em dâu nhắn về bên má chế ăn bánh xèo, nhưng nghe em tới Thới Bình không lẽ chế để em một mình…”. Nhắc kỷ niệm đã xa thẳm hơn một ngàn ngày mà giọng anh họa sỹ vẫn còn xao xuyến, “bà chế đó chơi dễ thương quá chừng”. Giới văn nghệ sỹ hay chia ra hai dạng người, hoặc chơi được, hoặc không. Và chị thuộc hàng “chơi được”. Khách tới, ngay lập tức sẽ được thưởng thức những gì quý nhất, ngon nhất của nhà chị. Trong lòng Một - phóng viên, là hình ảnh chị giăng mùng sẵn rồi ngồi đợi cửa mỗi khi nó về Thới Bình săn tin. Sáng sau mới mở con mắt ra, Một đã thấy chị dọn nồi cháo trắng với ơ cá bống kho còn nghi ngút khói. Với Hai, đạo diễn phim tài liệu, cái tên chị đi kèm với mùi… mắm lóc dậy động cả góc lòng. Chị làm mắm khéo, con cá chắc nụi, từng thớ thịt đỏ au được bọc bởi một lớp thính gạo thơm lựng. Thứ mắm này đem chiên không bị vỡ ra, chỉ khi ta đụng đũa vào mới biết nó đã mềm rục từ hồi nào. Biết Hai ưa mắm chết bỏ không thôi, chị hay gởi cho. Những bữa đi làm về, thấy gói mắm lóc treo ngoài cửa, Hai biết chị từ Thới Bình lên, có ghé qua nhà. Cứ vậy, mỗi người góp một vài câu, họ lục lọi trong miền nhớ những câu chuyện hết sức ngộ nghĩnh. Nhân vật chính vẫn là chị. Nhan sắc chẳng phải là mặn mà lắm, chức vụ cũng lèng èng ở một phòng ban cấp huyện, nhưng chị lại làm người ta nhớ lâu. Ba, phóng viên của Đài truyền hình tỉnh kể, “Hồi còn làm lính của chị ở Thới Bình, có một lần tui nhậu say quá trời đất, không thèm đi trên đường, tui nhảy xuống lội sông về nhà, tội bà chế, cũng nhào xuống nước bơi theo, sợ tui chết chìm. Vừa lội bì bỏm, vừa chửi, vậy mà gần một cây số tui mới chịu leo lên bờ”. Theo Mười, nhà văn, thì chị đã nghĩa khí từ hồi nhỏ. Từ nhà tới trường ngót năm cây số, Mười với chị học cùng nhau. Những bữa ba chị tan sở, gặp hai đứa dọc đường, ba chị rề lại biểu chị lên xe đạp ba chở về. Chị lắc đầu, “Ba để con đi bộ với nhỏ Mười cho vui”. Nhà chị khá giả, Mười thì nghèo, nhưng đi chơi chung, không bao giờ chị mặc áo đẹp hơn, chạy xe sang trọng hơn. Lớn hơn một chút, chị cũng để Mười có người yêu trước, chị mới chịu… yêu. Vụ va quẹt vừa rồi Mười đi chung chị, hai đứa té văng hai nơi, chị quýnh quáng biểu người đi đường, “Lại đỡ cho nhỏ đó dùm, khỏi lo cho tui…”. Rốt cuộc, Mười chỉ trầy xước sơ sơ, còn chị đau nặng. Chuyển qua ba bảy bệnh viện. Cuối cùng chị được về nhà. Mười có tới thăm rồi, kể, trên giường bệnh có tới hai điện thoại, một chồng hồ sơ giấy tờ cao ngệu, chị nằm ở đó mà điều hành công việc ở cơ quan gọn hơ. Còn viết được hai kịch bản ngắn để chuẩn bị cho hội diễn sân khấu quần chúng. Mười nói, chỉ thiếu cái máy vi tính (treo đòng đưa) trước mặt nữa thôi, chị đã biến cái giường gầm chân cầu thang ấy thành… phòng làm việc. “Người gì, hễ làm là quăng nguyên con vô, làm bất kể chết”, Mười chặc lưỡi, giọng như khen ngợi, như than thở cho con bạn. Lại như so bì, bởi ít ai được như chị, chơi hết mình, làm hết mình. Và sống
hết mình. Thời gian của chị vì thế rất đầy. Lòng chị cũng đầy vì
chật chội những yêu thương, cả đời làm người gieo hạt mà không quan
tâm mình có gặt hái được không. Tôi chợt nghĩ, chắc chị chẳng bao
giờ chào đón ngày mới bằng tâm trạng sợ hãi, chán chường. Chắc chị
chẳng bao giờ tiếc nuối, than vãn khi ngày đi qua, tuổi đi qua. Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư Lên trang này ngày 26-6-2006
|