Sổ tay đi đường (2)

Tản văn

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

Mường tượng ở đó có đôi ba em bé đang chơi chọi lon trên khoảng sân còn lún phún lúa rày, một bà già ngồi trở mớ chuối ép phơi vừa héo mặt. Vài người đàn ông đốt rơm nướng trui cá lóc cạnh mé kinh. Vườn rất xanh, lúp xúp cỏ chân vườn bên hàng rào thấp. Nhưng biết đâu, ở đó chỉ có một xóm nhỏ bỏ hoang vì đất đai khô hạn, và người đàn bà điên dại vẩn vơ nhai tóc bên bụi trâm bầu.

Nỗi tò mò ngọ nguậy mỗi khi tụi mình đi ngang qua mấy con đường mòn nhỏ chạy mút tì tè về đâu đó. Gầy gò gối đầu vào đường cái, không mời gọi, cũng không có vẻ gì trốn tránh, lộ xóm có thể trải đá xô bồ hay kê bằng tấm bê tông vừa vặn cho một xe máy, hoặc chỉ là đường đất dưới những tàng cây. Đường thẳng băng nhỏ dần như sợi chỉ ở cuối tầm mắt, hay nhiều khúc quanh cùi chỏ. Đường vắng tanh hay có một bầy trẻ con vừa tan học chấp chới khăn quàng. Quang cảnh chỗ vầy chỗ khác, nhưng những ngã đường quê có một điểm giống hệt nhau là không đưa ra lời hứa hẹn chắc chắn nào. Nếu quốc lộ, tỉnh lộ hay những con đường liên huyện đầy ổ voi ổ chó thường xởi lởi với khách bộ hành bằng bảng chỉ hướng đi, cột cây số “Trảng Gió – 53km”, “Mỹ Lạc – 36km”, thì ngõ xóm nẻo quê mù mịt. Không đi, sẽ chẳng thể biết chính xác những gì đang chờ đợi tụi mình. Dùng chữ ‘chờ đợi” có khi sai, mọi thứ mà con đường mòn mang theo cùng, chúng vẫn thanh thản tồn tại dưới vòm trời, không quan tâm tụi mình có ngang qua hay không.

Khi những điểm đến gây thất vọng với ngôi chùa ngập trong tiền lẻ và hàng quán bán thịt thú rừng, bãi biển đầy rác, núi non trơ trụi không có bóng cây, tụi mình dành nhiều thời gian hơn cho dọc đường, cho con lộ quê chẳng bao giờ thề thốt kiểu ta đây mang “nét đẹp tiềm ẩn” hay “vẻ đẹp bất tận”. 

Có khi phẩy tay, ờ thì chắc cũng như mấy ngã xóm mình đã từng đi cho biết, cũng vườn ruộng nằm chèo queo dưới nắng trưa, cũng cây cầu ván tạm bợ bắc qua mương rạch, cũng những bóng người ẩn nhẩn ngồi hoặc đứng trước nhà. Những người mà lần nào ngang qua tụi mình cũng thương họ đã sống một đời buồn tẻ (trong lúc đó họ thì nghĩ “con nhà ai mà giữa trưa chạy khơi phơi nắng, tội nghiệp chưa”). Nhưng tụi mình biết rằng đường xóm này không bao giờ y hệt đường xóm khác, chưa đi hết thì chưa thể nói ta đã biết rồi. Có thể con đường lên đến giữa đồng thì cụt, nhưng biết đâu nó tắt đến một cái chợ ngã ba sông, nơi mà chút nữa đây tụi mình sẽ đến bằng đường vòng.

Những làng mạc ôm đường mòn nhỏ trong lòng, bằng cách nào đó chúng không bao giờ lặp lại. Mấy quán nước cất bên chân cầu tưởng hao hao nhưng những người đàn bà ở đó trải lòng những câu chuyện khác. Chị Út ở Ba Xuyên mới đi tù về, tội chém em chồng vì giành đất, giờ chị cất cái quán để ngày ngày nhìn con mình đi học ngang qua. “Đám nhỏ nói tụi con ghê má quá”, chị kể, giọng bình thản, mắt không váng  một chút nước nào, chúng khô rồi hay đã lặn sâu. Chị chủ quán Mỹ Hòa thì đang nấu nồi cháo gà lúc tụi mình ghé qua uống ly chanh đá, “ông chồng cũ chiều nay đưa vợ ổng về thăm, dù gì thì cũng đãi đằng cho tử tế”. Đôi lúc dừng lại hỏi đường lại mở ra nhiều thân phận “Ờ cứ đi ngã này là ra tới bờ sông Cái, đừng có ghé uống nước nghen, xóm đó toàn dân cùi hủi”.  

Một ngã đường hiu hắt chẳng báo tin sẽ ngang qua một đám cúng đình. Xóm vắng vì bà con đã kéo lại đằng đình nấu nướng, nhậu nhẹt và ca hát, làm nên một lễ hội thật sự. Hôm đi đường đất Châu Thành thì có cơn mưa bất ngờ, vài người dân tốt bụng bấm chân lội bùn lầy hơn cây số gánh chiếc xe ra lộ xi măng. Bữa xuyên đồng Xuân Hiệp, giữa chừng gặp đàn trâu hàng trăm con đủng đỉnh lội qua kinh. Những bất ngờ khó đỡ dọc đường làm câu hỏi “có gì lạ phía đường mòn kia ?” không bao giờ nguội.

Biết không bao giờ đi hết những ngõ xóm đường quê chằng chịt trên đất nước này, tụi mình mở ra miền tưởng. Một bữa nào đó gió Nam thông ngọn, lần theo tiếng trống nửa xa nửa gần, tụi mình sẽ tạt vào con lộ nhỏ. Giữa khung cảnh quen quen như đã gặp hồi nào, tụi mình gặp một cái rạp treo cờ rũ. Mình nằm kia, bất động giữa nhà, nải chuối im lìm trên bụng. Con trai mình đang thoa môi son cho mẹ, lần cuối cùng. Ai đó lên tiếng, nói “bà già này lặn lội cả một đời, giờ chịu nghỉ ngơi rồi”.

Cảnh ấy trong hình dung, không vui không buồn nhưng tràn trề yên tĩnh.

 

 

Dùng bản Tư gởi
Lên trang này ngày 8-3-14