Răng của chúng mình

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

 

 

Nghe chuyện đời ngập ngụa đau của chị nửa chừng thì ý nghĩ đó xuất hiện trong đầu tôi. Được cho ăn thêm một nắm giận dữ nữa, nó nhanh chóng phình căng như bong bóng cho đến khi nổ thành cái câu, “Người ta nói sở dĩ thiên hạ cắn ta vì muốn nhắc nhở rằng ta cũng có răng. Suốt chục năm trời bị bỏ đói, đánh đập, xẻo da thịt, chôn sống bởi chính tay chồng, chị bỏ răng ở đâu, sao không cắn lại ?”. Câu hỏi làm tôi áy náy đến mấy ngày sau.

 

Nhưng ngay hôm đó tôi vẫn cho là chị không thèm tự cứu mình. Dậm cẳng kêu trời, tôi thấy bức bối vì hàng xóm ở đâu, chính quyền đoàn thể ở đâu mà không bảo vệ một con người đang bị vùi dập tận đáy sâu, bị những nhục hình man dã. Giận vì cái ác nhơ nhởn trước mặt bao nhiêu người mà không ai ra tay nghĩa hiệp. Xã hội đã vô cảm đến mức này, đúng là không mong gì nữa. Nhưng chị có tự vớt đời chị chưa ? Lúc chị đang kể đến đoạn chồng chém đứt gò má bằng dao phay, đâm mù mắt chị bằng cây đũa bếp, tôi nghĩ ngay ủa sao chị không bỏ đi, nắm níu gì. Thoát khỏi địa ngục cái đã, rồi tính sau.

 

Tôi muốn chị ngẩng đầu lên và nhìn trừng vào mắt kẻ thủ ác, dùng bất cứ gì có thể vớ được để chống đỡ đòn roi (như chồng cũng vớ được bất cứ gì trong tầm tay để ra roi đòn), hay ít ra chị cũng bỏ đi nếu nhắm cầm cự không nổi. Nhưng với bao nhiêu bạo hành trút xuống đầu mà khi nhìn lại, chị chỉ chép miệng, ‘tôi khổ dữ lắm cô ơi”. Câu đó làm tôi có cảm giác sau mỗi trận đòn, chị chỉ nghĩ “má mình cũng bị ba đánh, rồi cũng quen thôi” hoặc “thân đàn bà con gái yếu nhớt như mình thì biết đi đâu”.

 

Cái huyệt mà chồng đào để chôn lấp chị, nó có miệng, chị biết sao không. Bầu trời ở trên đó thì rộng vô cùng, chị biết. Con kiến coi nhỏ vậy mà cũng biết cắn và cắn rất đau, chị biết. Chuột khiếp nhược trước con mèo thế nào, nhưng cũng biết cong đuôi bỏ chạy những khi bị đụng trận bất ngờ. Hồi nhỏ, không cần má dạy thì bản năng tự nhiên mình cũng biết tránh xa đám cháy, nhánh cây gãy. Chị không dám trèo lên khỏi miệng huyệt, vì không đoán được chồng đang thủ dao hay kéo ngồi chờ trên ấy, nhưng ít nhất chị phải nghĩ tới việc chống trả, vượt thoát dù chỉ một lần. Ý nghĩ là thứ sống dai, mình có bỏ đói thì nó cũng còn đó, bằng nuôi cầm chừng thì nó lớn lúc nào mình không hay. Chẳng nhất thiết đáp trả bằng bạo lực, lấy cuốc chim bổ vào da thịt để trả hận vết sẹo từ cuốc chim, nhưng chị cho chồng thấy vợ cũng biết phản kháng đó nghen, đừng tưởng. Đôi chân dù mảnh khảnh đến đâu cũng có thể đưa chị ra khỏi nhà, phía trước có là gì thì cũng không khủng khiếp bằng những trận đòn của chồng.

 

Không phải tự nhiên mà tôi nghĩ chị đã không yêu chính chị. Có yêu ngón tay đứt lìa, yêu dòng tóc bị xén tả tơi, chị sẽ bảo vệ chúng. Trời thì xa và chung quanh thiên hạ đang sấp ngửa kiếm ăn, bị vài ba vết sẹo đầu tiên chị cảm thấy không thể chờ đợi được, sẽ không ai chìa cánh tay ra đâu, ngay lúc ấy còn không biết tự cứu, thì thôi. Trong các lý do mà chị chịu đựng, chắc có cái gọi là ‘số mình nó vậy”, hay “chắc kiếp trước mình nợ ổng (chồng)” , hình dung ấy làm tôi tức thở.

 

Và câu hỏi bật ra, răng của chị đâu mà không cắn trả. Chị quệt nước mắt, vén những sợi tóc xác xơ lên lòi ra mấy cái sẹo dọc ngang trên mặt, hơi ngơ ngác, “răng hả, để cắn chỉ lúc vá áo cho tụi nhỏ thôi”.

 

Có cắn, thì cắn nhá âu yếm vào gáy người yêu, cắn tách vỏ bóc lấy thịt cua cho trẻ con ăn, cắn xem ổi chua hay chát, cắn hột lúa coi đã khô chưa, cắn đầu dây để cắt khoanh bánh tét cho đẹp cho đều. Răng của người lành hiền đến tê dại như chị sao có thể làm thịt da bất cứ ai chảy máu. Tôi quên. Chị nhắc tôi nhớ ra mỗi người mỗi tính, mỗi nhà mỗi cảnh. Và những người đàn bà (luôn cho rằng mình mạnh mẽ) như tôi, bỗng thấy chẳng làm được gì ngoài chuyện ngồi nghe chị kể chuyện cho vợi lòng, trong lúc chờ công lý của trời và của người còn đâu đó ngoài xa.

 

Dùng bản Tư gởi
Lên trang này ngày 3-9-13