Quán nhớ Bút ký Nguyễn Ngọc Tư
Trong đám bạn nhỏ cùng xóm, lớn lên tản mác, chỉ nó là người đi xa nhất, cách núi sông đã đành, lại còn cách biển, bên nầy bên đó không thể cùng lúc ngắm mặt trời lên. Lâu lắm nó mới về, nó bảo, bây giờ xứ mình cái gì cũng khác, nhờ có tình bạn tụi mầy mà tao còn biết đường về, nhờ một thứ nữa là cái tiệm tạp hoá của dì Hai, may, cứ nhìn tiệm đó mà tao không lạc. Lối sống văn minh không làm nó quên tiếng "tiệm" ngày xưa, ngày mà cả nó và tôi còn nhỏ xíu, ngày nào má nó cũng kêu thằng Út ơi, thằng Út à, chạy lại đằng tiệm mua giùm má ít đồ. Buổi sáng chạy ra mua tương mua củi về nấu bữa cơm sớm cho má nó lót lòng đi làm phụ hồ, ba đi đạp xích lô, trưa cả hai người về, cho đỡ mệt. Chiều xách chai mua dầu về thắp đèn, bữa nào ba nó vui, muốn nhâm nhi với mấy ông bạn, nó đong thêm xị rượu. Nó biết đi tiệm mua đồ từ lúc còn chưa biết mặt của mấy tờ giấy bạc, ở nhà đưa tiền, nó chạy lại xòe tay ra mấy tờ bạc bèo nhèo đưa dì Hai, "má con dặn mua hết bi nhiêu đồng muối". Dặn mua ít món còn nhớ, dặn nhiều nó phải vừa đi vừa nhẩm, gặp cái chạc cây, vấp ngã, quên mất, lại phải mếu máo chạy về hỏi lại. Ở nhà sai biểu cái gì còn mê chơi, dùng dằng chứ bảo đi tiệm là nó te tái đi ngay, mua món đồ còn dư một vài trăm, thể nào dì Hai cũng thối lại bằng mấy cục kẹo chanh, kẹo dừa xanh xanh đỏ đỏ, ngọt dai dẳng cả một tuổi thơ của đám con nhà nghèo. Tiệm tạp hóa của dì Hai cất dựa mé sông, nhà nhỏ, hàng hoá chất đầy ra lối đi, treo lùm đùm líu đíu không thấy được đầu người. Nhỏ vậy, chật chội vậy mà dường như hỏi món gì cũng có, gạo củi mắm muối thì nói gì, tiệm có cả những thứ năm thì mười họa mới bán được một lần. Chen chúc nhau những kệ cao kệ thấp, thùng nhỏ, thùng to, hủ sành, hủ mủ... không có cái thứ tự nào cho món lớn nhất như sịa nia thúng mủng, nhỏ nhất như cục đá lửa, cái dao lam... Bạn tôi nói với tôi rằng, mười mấy năm qua, mỗi lần bước vào những siêu thị hàng hóa bày bán hào nhoáng, nó vẫn thường nhớ tới tiệm của dì Hai, nó nói có một cái gì đó đầy sự sống, ấm áp trong cái quán bề hộn, hỗn độn của dì. Nên nhớ nhiều lắm. Nhớ đùm cốm gạo treo trên vách, mấy cái keo đựng bánh kẹp, bánh men, cái diệm đựng củ cải muối để kế bên rổ hột vịt, ở góc nhà là thạp đường mía vàng ong óng, một lần nó lén lấy tay mút thử, dì Hai rầy, "cái thằng sao ở dơ ở dáy vậy con, sao không nói để dì lấy dao xắn cho". Nó còn nhớ nắp đậy trên cái lon đựng tiền lẻ của dì lúc nào cũng dính dâm dấp bột gạo, bội củ năng. Qua bao nhiêu năm rồi, nó vẫn thắc mắc, tự hỏi, làm sao dì nhớ rành vị trí từng thứ hàng hoá trong tiệm của mình, để người ta hỏi cái gì, dì lẹ làng, phăm phăm lôi ra ngay thứ ấy, mà từ cái chỗ đôi khi ta không ngờ tới. Tôi cười, với dì, cái tiệm đó có một trật tự riêng, tụi mình không biết được đâu. Bởi dì đã mở tiệm hàng này từ lúc chúng tôi chưa được sinh ra. Có vài ba cái tiệm như thế cho xóm lao động nghèo nhưng không có cái nào lâu đời như tiệm của dì. Mỗi gia đình trong xóm nhỏ nầy, ai đi ai đến dì rành hết thảy. Buôn bán lâu năm dì còn thuộc nết ăn, xài từng nhà. Như cậu Ba chỉ thích ăn bí hầm dừa với đường mía, vừa ngọt dừa thanh, dì Chín mê món cháo trắng ăn với cải xá bấu, sáng nào cũng nấu, nhà mợ Bảy thích xài xà bông bột hơn loại kem... Với cư dân trong xóm, khi đã vượt qua được đận cơm ngày hai bữa thiếu trước hụt sau, ai cũng tự hỏi, hồi đó sống sao được nếu vắng những tiệm buôn bán lẻ trong xóm mình ha. Làm ngày nào đủ chi ngay ẩy, đủ hai ký gạo, hai trăm đồng muối, năm trăm đồng đường, với bột ngọt, tương, chao... lắt nhắt, vụn vặt, không người bán biết mua ở đâu. Rồi mấy đứa con gái đểnh đoảng như tôi vất vả biết chừng nào, đôi khi không lấy được chồng chứ hỏng phải chuyện chơi, vì lâu lâu vô bếp một lần, đang nấu canh, kho cá, tá hỏa lên trong nhà hết đường hết muối, sai đứa con nít chạy lẹ ra tiệm mua về nêm vẫn kịp, thiệt hú hồn, may quá. Lớn lên, xa nhà, đi rày đây mai đó, nhớ về xóm cũ, từng cái cây ngọn cỏ, còn đường dường như mỗi thứ đã trở thành một phần đời... Cả cái tiệm tạp hóa bình dị, mộc mạc của người đàn bà goá chồng hiền hậu mà cả đời chẳng đứa nào quên tên gọi: dì Hai. Nó lại thăm, dì Hai than lúc nầy già cả rồi, con mắt ngó không thấy đường, đêm nào cũng nghe đau nhức mình mẩy. Dì nắn bóp tay nó (cái bàn tay chuyên môn lén quẹt đường mía ăn), khen lúc nầy con lớn quá, mập ra. Nó cười, thì mười mấy năm rồi còn gì, xóm xưa trở thành phố thị, hàng quán tíu tít mọc lên. Mọi thứ đã đổi rồi, sao dì với tiệm của dì không thay đổi gì hết vậy? Dì Hai cười, nếu cái gì cũng đổi hết thì bây biết đường đâu mà về. Tôi thấy chút xíu nữa nó đã rơi nước mắt. Nó nén lòng, mếu máo cười, bảo, "Lâu quá, hỏng ăn kẹo của tiệm dì hai, dì bán cho con năm trăm kẹo đi, dì!". Dì cười, "Cái thằng, buôn bán gì, lâu lâu con mới về, dì đãi'", rồi dì lụm cụm lấy cho nó một vốc kẹo dừa. Hồi xưa nó cũng mê chỉ mỗi món kẹo dừa, mê tới mức cả hàm răng sún hết trọi.
Trong quyển Nước chảy mây trôi |