Osho và bồ
Nguyễn Ngọc Tư
“Osho nói, chữ viết làm người ta văn minh hơn
nhưng cũng độc ác hơn.”
Bồ nói và nắm bàn tay Vĩnh đang lạnh đi. Khi đó hai đứa ngồi ở nhà
chờ xe buýt, bồ vừa đọc xong một mẫu báo cũ dùng để gói bánh mì.
Trên giấy úa có cái tựa lớn “Đến thơ cũng ăn cắp?” cùng ảnh một
người đàn ông. Vĩnh nhớn nhác ngó sơ mà biết bài viết có năm trăm
mười bảy chữ, ba chữ sai lỗi chính tả, và ảnh kia là ba nó. Báo cũ
lạt mực, nhưng cũng đủ nhận ra một gương mặt xương xương đa cảm, hơi
ngước lên.
Tấm hình này nằm trong tập thơ riêng đầu tiên và cũng là cuối cùng
của ba Vĩnh, người ta sẵn đó chụp lại in báo. Họ không tới gặp ông.
Những quyển thơ ba nó đem đi đốt lâu rồi, và cái nhìn thẳng cũng
vắng bặt. Ở nhà chỉ còn ánh mắt khi rắn đanh, khi lầm lũi, khi u
tối… Nhưng chân dung cũ vẫn tồn tại trong những tờ báo cũ, vẫn xộc
tới bâng quơ, tình cờ như mảnh giấy gói bánh mì này.
Và tình cờ làm buổi hẹn hò của Vĩnh kết thúc. Nó ào lên chuyến xe
buýt vừa trờ tới, bỏ lại mớ ngơ ngác cho con bồ. Năm phút trước Vĩnh
nói, “tụi mình đi đâu đó chơi đi…”, và ngó bồ mừng rỡ nhoẻn cười,
Vĩnh đã nghĩ, hay là chiều nay nó sẽ đưa cô gái này vượt qua một mê
cung hẻm, tới căn ngôi nhà có cái cổng gỗ vẹo vọ đằng trước. Bồ sẽ
bất ngờ lắm khi nó ghé vào tai nói nhỏ, “má anh lãng tai, Ái nhớ
thưa lớn tiếng…”. Bồ mong đợi cuộc gặp gỡ này từ hồi Tết, khi hỏi
Vĩnh, lần đầu, “sao anh không đưa em về nhà chào ba má?”. Câu này có
nghĩa, “anh có nghiêm túc yêu em không?”.
Đôi khi bồ hoang mang, thấy Vĩnh ngồi một cục thù lù trước mặt vậy
nhưng thật khó nắm bắt, như khói vậy. Đôi khi bồ không nhớ ra ông
Osho có lời khuyên nào trúng vô trường hợp này.
- Osho nói, nghi ngại có nghĩa là đứng lại. Thằng Vĩnh nhại lại lời
bồ.
Câu này Vĩnh nghe hồi nào nó không nhớ rõ, bởi bồ trích dẫn Osho như
cơm bữa. Quen nhau ở lớp sinh ngữ tối ít lâu, một bữa cô nghiêng đầu
nhìn Vĩnh, bảo, “Có ông Osho bên Ấn Độ nói, nếu buồn không tiêu hóa
được, chỉ còn cách ói nó ra, bằng lời. Ái thấy anh buồn rượi, sao
không nói cho Ái nghe, cho khỏe người…”. Vĩnh nghe tên ông đó lạ
hoắc, nhưng qua cô nhân viên của nhà sách Văn Việt, thấy người này
hơi kỳ lạ.
“Osho nói, trong đời người ta sẽ bị ném đá một vài lần, đau chút
nhưng chết vì mấy cục đá đó thì lãng quá”, Vĩnh nghe như ông Osho
này từng học chung lớp, từng nghe đám bạn mỉa mai cười cợt, “bữa nay
ba mầy lên báo nào?”…
“Osho nói, chạy trốn là dở ẹt, nhất là chạy trốn tình yêu…”, như
Osho biết tại sao Vĩnh hay lẻn ra bằng cổng phụ tránh về cùng cô
gái, tại sao Vĩnh lại phủi người ta như phủi bụi, tôi chỉ là thợ cơ
khí, nghèo lắm. Không ăn thua gì, cô gái cười, “Có sao đâu, Osho
nói…”.
Có thật Osho nói vậy? Vĩnh không biết, nó đâu có đọc sách, cứ cầm
cuốn sách là trong cổ cuộn lên tiếng ngáy. Báo thì nhà Vĩnh đã không
mua từ bảy năm trước, không một tờ nào. Nhưng cô gái bốn mươi hai kí
lô kia là có thật, cô nói nhiều câu (được cho là của Osho) vá víu
được nỗi đau âm thầm, biết Vĩnh bị thương chỗ nào và luôn chọn một
miếng đắp thích hợp. Ngay cả khi Vĩnh thắc mắc, “tại sao tôi phải
tin Osho?”
- Vì ổng không phải thánh, cũng không phải tầm thường như tụi mình,
Vĩnh thử tin đi nếu thần thánh với con người đã làm Vĩnh thất vọng -
Cô gái rụt cổ, nói thêm - Ái đọc thấy người ta viết vậy, chớ không
phải Ái nghĩ ra đâu.
Vậy có câu nào mà Ái tự nghĩ ra? - Có lần Vĩnh hỏi vặn. Cô gái day
qua ngó vào mắt Vĩnh và đôi môi nhảy múa khẽ khàng trên gương mặt
nhỏ nhắn ấm áp, “em yêu anh!”. Môi Vĩnh quen mím chặt, thường bị
răng cắn rát… không kìm được bèn áp vào đôi môi mát lành kia, đắp
lên vừa khít một vết thương.
Từ bữa đó đời gọi tên cô gái là bồ.
Bồ Vĩnh dù đọc nhiều sách trong nhà sách mà cô đang làm việc, vẫn
giản dị như đa số bồ (không đọc sách) khác, nghĩ yêu một lúc thì nên
cưới nhau rồi yêu tiếp cho chắc ăn. Bồ trông Vĩnh đưa mình về nhà,
cô sẽ sà vô bếp nấu nướng với má Vĩnh, nghe bà già kể hồi nhỏ thằng
Vĩnh ở truồng. Sau đó ra uống trà với ba Vĩnh, chuyện trò về sách,
hoặc theo người chị gái chưa chồng vào phòng, thủ thỉ bày cho chị
cách yêu.
Thiên đường đó bảy năm trước Vĩnh đã có và đã mất. Bởi hai chữ “ăn
cắp”, dù có dấu chấm hỏi đằng sau. Dấu thì mỏng mà hai chữ kia quá
trần trụi, khiêu khích, bén ngót. Chúng róc chỗ này chỗ kia tí, nhà
Vĩnh trống hoang. Đến buổi yêu ban chiều chúng còn xước mất.
Phải không, hay chính mình đã hai tay dâng cho chúng? Vĩnh nghĩ vậy
khi bước vào căn nhà vắng. Má Vĩnh đã ngủ từ chạng vạng. Ba nó đang
coi ti vi, chương trình khuyến nông chống rầy nâu cho lúa, một
chuyện không ăn nhập gì tới cuộc đời ông. Nhưng ông vẫn ngồi cú rủ
trước ti vi cho đến khi mỏi mòn đi ngủ. Đó là lúc má Vĩnh thức, lẹp
xẹp ra ngó ti vi. Không ti vi thì làm gì bây giờ, ngoài cỗng biết
đâu người ta còn nhớ…
Vĩnh ngồi ở cầu thang nghe ngôi nhà thiu thỉu nằm đau. Nhìn ba nó từ
phía lưng, Vĩnh cảm giác ông già đang lún sâu trên ghế, và bóng tối
sắp nuốt trộng cả phần đầu. Nó muốn cứu ông, chết cũng được, cũng
phải cứu ông.
Mà làm gì đến nỗi chết, dù bồ cũng ném đá vào Vĩnh bằng vẻ thất vọng
sững sờ trước sự thật, “ba anh từng lên báo vì bị nghi ngờ ăn cắp
một bài thơ…”, dù cuộc tình dừng lại. Nhưng bồ đọc nhiều sách, bồ
chỉ phì cười, mặt mũi vừa rửa trôi mớ bụi đường, trong veo, “Có sao
đâu…”
- Đi với anh, có ông già bị thương quá trời, cần em lắm…”
|