Ông Cà Bi ở Trảng Cò

Nguyễn Ngọc Tư

      

Hôm trước thấy tôi viết về ông Cà Bi ở Xẻo Quao ham chơi, sống nghèo túng tạm bợ mà dám thương xót cho đám nhà giàu chỉ biết hối hả làm mà không tận hưởng cuộc đời, cậu tôi bảo hồi xưa đi Sài Gòn gặp một ông già cũng tên Cà Bi, nhưng là ở Trảng Cò.

Ông Cà Bi đó không nghèo, điệu bộ đủng đỉnh, mà ăn mặc coi bộ cũng tươm tất, bảnh bao. Cậu ngồi cạnh ông từ lúc trèo lên chiếc xe đò đậu ngoài cỗng bến, không ngờ trúng phải xe dù, đi chưa tới đâu khách đã bị bán qua xe khác. Những chiếc xe cứ teo lại, tồi tàn, rệu rã dần. Khách tức sôi lên, gầm gừ ta thán, chỉ ông Cà Bi là cười hì hì, nhẹ nhỏm như không. Thậm chí ông còn lấy thuốc lá, kẹo dừa ra mời mấy thằng chủ xe cà chớn, dù biết tụi nó sẽ san sớt mình qua xe khác bất cứ lúc nào.

Lúc đó cậu chẳng hiểu làm sao mà ông cứ vui vẻ hân hoan vậy, trong điều kiện đi đứng quá chừng bất tiện. Cứ qua thị tứ là xe lại chạy lòng vòng kiếm thêm khách, dù xe đã chật cứng người rước ở dọc đường. Ông Cà Bi tỉnh queo, kêu một thằng nhỏ cứ ngồi lên chân ông cho đỡ mỏi. Bất chấp không khí hầm hập hơi người, ông già cứ đưa chuyện xóm làng, chuyện lúa Thần Nông năm nay bị sâu rầy, chuyện đứa con gái tới tuổi gã chồng mà ông chưa vừa ý đám nào, chuyện tát đìa cá trúng tôm càng… Những câu chuyện đồng bãi chẳng ăn nhập gì đến không khí khó thở trên xe, nên không ai còn lòng dạ nào góp chuyện. Họ đang lo lắng phải đến tối mịt mới tới Sài Gòn. Họ thấy tê chân, mỏi cổ, ê ẩm cái lưng. Họ thấy nhớp nháp bởi bụi và nóng nực. Ghé một quán ăn dọc đường thì chỉ rước thêm bực, khi đòi chanh ớt thì ăn xong mới đem ra. Ông Cà Bi kêu hủ tiếu thì quán nấu mì, cậu nghĩ thầm coi ông còn cười được nữa không. Lạ thay ông già không lấy làm phiền hà, cứ hớn hở ăn, ông bảo, cả đời có khi mình chỉ gặp họ một chốc lát này thôi, ngó cái rồi tuyệt tích, nên đối đãi vui vẻ với nhau.

Vậy nên ông hỏi han những người bán hàng rong đeo theo khi xe qua phà. Nên ông kể chuyện bác Ba Phi với thằng nhỏ ngồi trên đùi ông, mà ba mươi phút sau đó khi xuống xe nó đã lấy đi của ông mấy trăm ngàn bạc. Cũng may tiền ông già chia nhỏ ra cất thêm ở túi khác. Thoáng ngỡ ngàng nhưng rồi ông lại chép miệng bảo, tội nghiệp, thằng nhỏ chắc đói khổ lắm, nghe cái xương đít nó nhọn hoắc.

Gặp chốc lát rồi thôi, người thiên hạ mênh mông nhưng sao ta lại chỉ gặp những người này người này? Ông già Cà Bi lý giải bằng chữ duyên nên hết sức tử tế với người thiên hạ, kệ họ có tử tế với ông hay không. Cậu lúc ấy ba mươi mốt tuổi, thấy cuộc đời này sao có nhiều người lạ lùng. Cậu làm nghề tiếp thị cho một hãng dược phẩm, đi đây đi đó nhiều, cứ bước chân ra đường là thấy đời hỗn loạn và nhếch nhác. Bực dọc tung tóe nảy ra từ những va đập. Bỗng dưng một bữa ngồi cạnh ông già lạ hoắc, ông làm ảo thuật cho coi. Chẳng cần điệu bộ vung vẫy tay chân gì, ông già móm mém cứ cười, là biến mất thằng chủ xe coi khách như gà muốn liệng đâu thì liệng, chỉ còn lại thằng người khao khát cất được cái nhà tử tế cho ông bà già. Ông Cà Bi lại cười, vụt biến mất mụ chủ quán quen hách dịch chặt chém, chỉ còn người đàn bà ế chồng, riết róng thu vén vì già tới nơi rồi, bệnh tật rượt tới nơi rồi. “Sống đơn chiếc rầu vô phương…”, nghe cái bộ điệu sầu muộn mà bà nói với ông Cà Bi, cậu tôi bỗng nghĩ có khi thằng nhỏ móc túi láu cá trên xe cũng bị trò ảo thuật cười làm biến mất rồi, giờ ở đâu đó có đứa trẻ gầy nhom ngồi nhớ một hơi ấm người, nhớ miệt U Minh có bác Ba Phi đi tàu rùa cùng thằng cháu nội tên là Đậu, nhớ râu ông già đâm vào ót nó nhột ran…

Cậu cũng biến mất rồi, giờ là một thằng đàn ông khác. Nhẫn nại và bớt nghiệt ngã hơn. Lạ là cậu còn biết ảo thuật, làm biến mất những cái mùi khó chịu, chỉ giữ lại mùi của cốt trầu của người đàn bà ngồi ở cuối xe. Và tiếng chửi thề xoe xóe của thằng lơ, cậu cũng có thể làm nó biến mất trong đầu mình. Giờ trên xe chỉ còn tiếng ông Cà Bi đưa chuyện. Lại một ngạc nhiên khác: Sài Gòn không phải là bến cuối của ông già Cà Bi, ông đi Hà Nội. Ông già bảy mươi hai tuổi sẽ đi xuyên Việt bằng những chiếc xe tồi tàn như vầy. Cậu tôi khuyên đi xe lửa cho đỡ cực, ông cười đi kiểu đó một lèo là tới, không hay bằng đi túc tắc, ngắm cảnh. Ông nói ông dành dụm tiền từ cả chục năm nay, cứ mỗi mùa lúa ông lại dành ra mươi giạ để đi du hí.

- Mình chỉ xẹt qua đời này có một lần thôi, nên thích gì thì làm, miễn là không trái đạo làm người.

Ông già Cà Bi nói câu đó lúc vỗ vai chào cậu tôi, khi chuyến xe bão táp thả khách xuống bến cuối. Người ông gân guốc chắc nụi, da đen bóng ngời, xăng xái bước đi chìm dần vào xa xôi. Nhìn theo, cậu nghĩ một chuyến đi thú vị đang chờ ông già, dù có xảy ra sự cố gì dọc đường đi nữa. Cậu nói cậu thích ông già đó đến nỗi không cam tâm chỉ gặp ông một lần trong đời.

Sau này cậu đi Trảng Cò tìm ông. Cuộc tìm kiếm hóa ra quá dễ dàng, ở đó ai cũng biết ông Cà Bi, Ông Già Đi Thủ Đô, hay Ông Già Chịu Chơi. Nhưng cậu không hay ông già còn có tên là Già Lựu Đạn, cũng bởi cái tánh khó động trời. Sau này khi trở thành con rễ của ông rồi, đố cậu dám bỏ sót chữ nào trong cái câu chào, “dạ thưa tía con mới tới!”. mắt phải nhìn thẳng vào ông, đầu phải hơi cúi. Thiếu một trong những món đó ông già Cà Bi cũng chửi tắt bếp.

- Tao với bây còn ở đời với nhau lâu dài, thấy nghịch mắt là phải sửa.

Cứ hình dung ông Cà Bi mà gặp lại mấy thằng chạy xe dù, hay bà bán cơm…hồi nẳm, chắc ông cũng cạo họ tới gáo. Người nào cứ tên Cà Bi là hay, không hay kiểu này thì hay kiểu khác, cậu tôi nói vậy.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

 

Dùng bản Tư gởi
Lên trang này ngày 31-12-11