Ở trọ
Tạp văn
Dãy nhà trọ có năm phòng, diện tích như nhau: bốn mét vuông; kiến trúc như nhau: thấp tè, bít bùng, như cái hộp, không cửa sổ, cửa sau, chỉ có một sàn nước, khu vệ sinh sinh hoạt chung; vật liệu xây dựng như nhau: nóc thiếc, vách thiếc, cửa cũng được đóng bằng thiếc.
Gã ở cuối dãy, căn phòng đã xuống cấp trầm trọng, cửa nẻo xập xệ, nhiều lúc gã thấy cài cửa rất mắc công. Bà chủ nhà ấm ức, mấy căn kia đâu có tệ vậy, tại cậu, mà, tôi thấy tướng cậu không xài cái gì bền hết, lọt vô tay cậu là hư… Nghĩ là bà ám chỉ con bồ cũ mình đã thôi lui tới từ cuối mùa mưa, gã sừng sộ đá vào cánh cửa một cái rầm, bỏ vô võng nằm. Bà chủ nhà hết hồn, nguýt một cái, te tái đi.
Gã biết bà sẽ đi đâu, dù không nghe được tiếng bước chân, không nghe giọng nói xủng xoảng như những thanh kim loại va nhau, nhưng chắc chắn bà sẽ ghé cái phòng cuối dãy đằng kia, mặt bà đỏ gay, phân trần, “cái thằng khó ưa, nói không được…”. Và người ở trọ căn phòng đó, mà mọi người hay gọi là Năm, không rõ là thứ hay tên, sẽ tỉnh bơ, cười cười, thôi kệ, mỗi người mỗi ý, dì giận làm chi cho mau già… Già, chắc chắn không ai muốn, bà chủ nhà dịu lại, nhìn ra vạt sân đằng trước đong đưa hoa cỏ, chép miệng, “phải ai cũng được như cô…”
Gã nằm đằng này, tưởng tượng ra ngay cái cười lỏn lẻn của Năm. Người đâu mà dại. Mới tới thuê nhà, sắp xếp đồ đạc đâu đó xong xuôi, Năm ra đằng trước ngó ngiêng, thấy cỏ ống mọc liếm lên thềm, Năm xoắn quần xách dao ra chặt rạp, è ạch, bùn sình văng tới đầu. Mấy bữa sau tan ca sớm, Năm ghé mua cái thúng, túc tắc đi xúc đất về cơi sân cao lên, thấy mọi người dòm mình ái ngại, Năm cười tỉnh bơ, kiếm chuyện làm chơi, ở không cũng buồn, ngứa ngáy tay chân.
Với dân ở trọ chuyên nghiệp, Năm giống như con dã tràng xe cát. Ở không thì ngồi nói chuyện trên trời dưới đất, hoặc vả đánh bài tiến lên, kêu lô tô, hay nhìn thằn lằn ỉa miệng ve chơi, mắc gì tha đất về, bứng cây này cây nọ, rồi lui cui trồng tưới. Đời công nhân chưa đủ cực sao, tay đã bị nước ăn chưa đủ đau sao còn cầm dao cầm cuốc. Ở trọ mà, nhà này nhà người, đất này đất người. Chủ nhà lúc vui thì thôi, buồn buồn thì kiếm chuyện đuổi đi, mà chủ nhà hay buồn lắm, sáng đi chợ, thấy gạo cá mắc mỏ là buồn, coi ti vi thấy xăng lên giá cũng buồn, đòi tăng tiền phòng. Cãi cọ không xong, vậy là quẩy gói đi, riết rồi hành trang cũng gọn lỏn vài cái bao tải.
Cuộc sống tạm bợ không chịu nỗi, vậy mà Năm còn trồng ổi nữa, mọi người tặc lưỡi, nói “trồng chi mắc công, biết có ăn được hay không…”, Năm nói gọn hơ, mình không ăn được thì tụi nhỏ sau này ăn. Trời ơi, hay là kiếp trước người này gây tội gì với mấy con dã tràng nên kiếp này làm người mà không khác chi chúng. Năm cười tỉnh bơ, cười tỉnh táo, và cười tỉnh rụi trước những lời bàn ra bàn vô, “cuộc đời này cũng là nhà trọ, nhưng ai cũng muốn sống tử tế, đàng hoàng hết – Năm nói, và thấy mọi người đang trố mắt nhìn mình, Năm sượng sùng, vuốt mặt như thể mặt mình đang dính vảy cá ̶ bà ngoại tui nói vậy, không phải tui đâu…”. Cuộc đời là chốn trọ, ừ, nhưng có ai không yêu, không tha thiết với sự tạm bợ này?
Sau này, chẳng ai còn băn khoăn khi thấy cảnh Năm đi làm về là xoắn tay áo cặm cụi lau dọn, trang hoàng căn phòng trọ, chẳng ai bần thần khi Năm chăm chút từng mầm cây, từng cái lá sâu. Để một bữa sau đợt mưa dai dẳng, người ta ra nhìn trời, bắt gặp vạt sân rực rỡ. Bụi mồng tơi xanh nhuốt quơ quơ mấy cái tược trong gió tìm chỗ để quấn quýt, để leo. Hàng hẹ kiểng trổ bông, đủ tím cả một góc lòng, đủ kiêu hãnh với mấy cái bông lồng đèn đỏ chói. Và cái giồng cải gieo lẫn trong mấy bụi hành cũng miết xanh.
Gã cũng ở đó, chứng kiến vạt sân đang lên tiếng thì thầm. Gã đứng ngây ra một lúc, nhớ cái gì đó xa xôi, mờ nhạt, sương khói nhưng day diết khôn cùng, có thể là nhớ nhà, nhớ quê, nhớ mảnh vườn xưa mà gã đã xa rời từ khi phiêu bạt. Tóm lại, nhớ ông bà ông vãi gì đâu. Cái vạt đất nhỏ nhoi làm gã mềm đi, bữa đó, gã không đóng cửa bằng… chân. Bữa đó, gã phát hiện ra tấm vách thiếc phòng mình móp méo nhiều chỗ, chắc do gã không chịu cúi xuống dùng tay tháo giày mà cứ vung chân cho giày văng đi. Bữa đó, gã thấy căn phòng mình bừa bộn khủng khiếp, mạng nhện đã giăng đến mấy cái góc mùng, có vài tổ tò vò đóng ngay trên đầu giường. Nhìn quanh chốn trọ của mình, lần đầu tiên gã hơi xao xuyến.
Gã lén tận hưởng mảnh vườn của Năm trước khi lứa cải đầu được đem chia cho từng nhà, bữa đó cả dãy đều ăn canh cải. Năm nói, đợi lứa cải sau tụi mình xúm lại chiên bánh xèo ăn chơi. Khi ấy cây cóc chị trồng cũng bộn lá rồi, cải xanh non, lá cóc non, mua thêm đọt lụa cặp ăn với bánh xèo là bá cháy, ai đó buột miệng. Và chính ai đó cũng lập tức hối hận, kiểu này Năm sẽ đi kiếm cho được cây lụa đem về trồng.
Nhưng Năm đi rồi, trước mùa mưa, trước khi giồng cải cứng cáp. Năm xin làm ở một nhà máy lớn, mới thành lập, phía tây thành phố. Năm thuê nhà gần đó để đi làm cho tiện.
Mảnh sân tiễn Năm bằng vạt bông mười giờ đỏ rực. Gã đi làm về thì bông đã héo, đã phai màu rồi, và Năm đi rồi. Gã đứng trong khoảng sân nhỏ chuồn chuồn bay vơ vất, nghĩ, mình biết làm sao với giồng cải này, cây ổi này, luống hẹ kiểng này, với chốn trọ này.
Chiều đó, người ta thấy gã xách cái thùng tưới lọm thọm trong sân. Chiều ấy gã đi mua hộp nước sơn về, vẽ lên vách hai câu thơ gã lượm được đâu đó “Xanh trên đời chốc lát. Mà tình cờ gặp nhau…”.[*] Bà chủ nhà lại rên lên, trời ơi, sao cậu tự ý vẽ bậy trong nhà tui vậy. Gã cười, tỉnh bơ, “tại con nhớ Năm…”.
Ờ thì, ai cũng nhớ. Chừng này, cũng đâu đó trong thành phố đông đúc này, Năm chắc đang xoắn tay ngắm nghía chốn trọ mới, chắc ở đó cũng có mảnh đất hoang tàn, và Năm sẽ khiến nó nó nói, nó hát, nó nhảy múa.
Kỳ cục, gã thấy nhớ Năm.
[*] Thơ Lưu Quang Vũ “…Xanh trên đời chốc lát Mà tình cờ gặp nhau Vừa ngắn ngủi vừa dài lâu Lúc tan xuống, lại mỗi người mỗi ngã…”
|