Núi ở lại Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư
Hát đã ở trước mặt. Trong tầm mắt, mọc lên mấy ngọn núi bạc phơ nằm rời rạc, nom nhỏ nhoi như mấy cái bánh ích đặt trên những đồng cỏ úa xác xơ. Biển viền phía bên trái con đường, đục ngầu, mấy con thuyền nhỏ rập rờn, mơn man trên sóng. Trời ơi! Cuối cùng cũng đã đến Hát. Bảy giờ đồng hồ, cho một chặng đường dài hai trăm cây số. Nhưng Một không thể cho xe chạy nhanh hơn, má ngồi bên cứ nhắc, chậm thôi con, chậm thôi, đâu có gấp gì. Chiếc xe bò như rùa, đến Hát thì cả nhà đã đơ cả lưng, mông ê ẩm. Hát nằm sát biên giới, trông thị xã khá đìu hiu với những con đường nhỏ, ngắn, loằn ngoằn chạy quanh mấy ngọn núi thấp chủn, cây cối rậm rì. Thấp thoáng vài ba mái chùa xám xịt giữa triền xanh thẫm. Chợ còm nhom tập trung ở một đoạn đường gần phía cầu phao. Người xứ Hát cũng không làm không khí vui hơn khi suốt ngày ru rú trong nhà, đường sá vắng thưa, không như ở Cà dòng xe cộ cứ ào ào chảy hoài không dứt, như thể mấy trăm ngàn dân thành phố kéo nhau hết ra đường, người quen toàn gặp ở mấy quán cà phê vỉa hè. - Đất này, đúng là đất để tu - Hai nhận xét - Má lên đây là đúng phóc. Cho con ở đây chừng một tháng, chắc con cũng... cạo đầu theo má, cho vui. Má nạt, ăn nói bậy bạ. Tật Hai vậy, lúc nào cũng sổ sàng, hơ hỏng, má hay bảo cả nhà đừng để bụng, tại anh quá thật thà. Ba so bì, ảnh đã ba mươi tám tuổi rồi, má vẫn còn che chở, nói đỡ cho. Nhưng từ mai má không làm việc ấy nữa. Mai má chính thức xuất gia. Ý định đó của má không làm cả nhà ngạc nhiên. Má đã đi chùa, ăn chay mười tám năm rồi. Lúc đầu đi chùa làm công quả chỉ vì tránh mấy ông theo đuổi, sau má tìm được niềm vui, bước chân qua cửa chùa má dịu nỗi đời, tựa lưng vào đạo má thấy bớt chông chênh. Không ai bảo ai, nhưng ngầm biết, sẽ tới ngày này. Ba báo cho Hai lúc anh đang nhậu, anh nói "Thì có gì lạ đâu, bày đặt điện thoại cho tốn tiền". Rồi lặng hồi lâu, anh bần thần, "Mà, ở Hát sao? Xa lắm đó... ". Vừa lúc Một gọi điện, gầm gừ, "Mấy đứa không được cản, nghe chưa?". Đã ngăn trở một lần, tới bây giờ còn hối hận, còn thấy tội, thấy nợ... Hồi đó, ông y sỹ Chín sát bên nhà chiều chiều hay bắc cái ghế ngoài trước ngó mong, chờ má ra sân quét lá, phơi áo, ông đằng hắng, vóng qua, nói chuyện lòng vòng. Đài truyền hình chiếu bộ phim Phạm Công Cúc Hoa, hàng xóm chọc mai mốt tụi bây cũng có dượng ghẻ, nghe sợ. Những ngày sau đó má thấy mấy đứa con mặt xìu co, đưa võng, ngêu ngao hát "Trời mưa bong bóng phập phồng. Mẹ đi lấy chồng...". Má đứng trong bếp, nghẹn ngào. Cha chết khi ba anh em còn chưa biết lau nước mũi cho nhau. Những người đến với má sau này đều bị ba đứa đuổi dạt đi (Vì sợ phải chăn vịt như Nghi Xuân, Tấn Lực, trong phim). Lúc đó, con không nghĩ tới lúc má một mình trong ngôi nhà nhiều cửa, suốt ngày ôm radio rọt rẹt, vì thèm tiếng người. Lúc đó, con chưa biết đời mình có quá nhiều chuyện để làm, và xuất hiện thêm nhiều người để yêu thương... Còn biết làm sao, má được vui ở đạo, thôi cũng đành... Nên chuyến đưa má đến Hát cả ba dặn nhau phải tỏ ra tươi tỉnh, đàng hoàng, để má vào cửa Phật không để lòng bận bịu. Ba nghĩ đi càng đông má càng nắm níu, nên vợ (hoặc chồng) con đã bỏ lại chao ngáo ở nhà. Mà, không phải ai cũng gạt được lòng, diễn mặt tươi cười trước cảnh chia ly. Suốt đường đi, cả ba cố làm như hào hứng. Hát hứa hẹn là một nơi dã ngoại tuyệt vời. Bãi Mũi Sói dài, nước biển trong xanh, rồi Đá Động, hòn Ba Con cũng nên thơ, nhất là leo núi Dĩa Bò ngắm mặt trời mọc lên từ mặt nước im sẫm của Tiêu Hồ, mộng mị phải biết. Lịch trình chơi coi bộ dày đặc, ờ, còn phải qua chợ biên giới để về khoe với đồng nghiệp, "Mới đi nước ngoài về nè. Vui muốn chết". Má ngồi nghe Ba lách chách, Một hậm hự, Hai tí tởn. Má nghĩ tới ngày mai, không được nghe giọng chúng nữa rồi. Mà, coi bộ tụi nó vui... Một bình thường mặt bì sì, hôm nay cũng cười, cũng nói. Nhiều khi cười lớn quá, anh giật mình, điều chỉnh lại, cho giọng cười đừng quá bất thường. Anh giữ cho mình thật tỉnh táo, để nhiều khi Hai nói mấy câu thiệt thà, thí dụ như "Hồi nào giờ má chưa đi đâu mà lâu như chuyến nầy...", Một sẽ chận ngang, bằng mấy câu chuyện bông đùa (vừa đọc được trên báo hôm qua). Làm anh cả cực lắm, bởi còn phải nhắc Ba luôn ngoác miệng cười trong khi chụp ảnh. Ngôi chùa mà má tu hành nằm dưới chân núi Ông. Trong tiếng tụng niệm chiều, chùa trở nên lay lắt, mong manh, như khói nắng, như sương trắng. Một bà sư già nắm tay má, mừng lắm nhưng không thể hiện ra mặt, chỉ từ tốn niệm Nam mô. Bà nói, lễ cúng cho chiều mai đã chuẩn bị xong rồi. Má nhắc lại, Dà, chiều mai... Ba đứa con cũng một thoáng thẩn thờ, lẩm bẩm như cái máy, chiều mai... - Vậy thì đây tới chiều mai nhà mình phải đi chơi giáp Hát mới được. Một vỗ tay cười, xong dắt má đi loanh quanh. Chùa nhỏ nhưng vườn chùa thì rộng, cây thuốc rậm rạp như mọc hoang. Một biểu má đứng giữa đám dây mỏ quạ chụp hình, bỗng thấy ống kính nhoè đi, nom má lọt thỏm giữa mênh mông. Dường như lúc không có những đám con bên mình, má trở nên lẻ loi hơn bao giờ hết. Một đứng ngó trân trân, sợ lơ đãng, má sẽ tan mất. Hai, Ba lấy cùi tay lau mắt, nói khói nhang ngộp quá trời, ho nảy giờ muốn chết đây nè. Một lườm lườm, giọng gầm gừ trong cổ họng, "Tao đã dặn rồi..." Má vẹt anh qua một bên, rầy, "Em nó sợ khói, má không cho vô bếp nấu cơm. Mấy đứa quên...?". Không, có tan thành gió thì cũng không quên, những gì mà má đã làm. Thí dụ như bò ra sàn nước giặt cho Hai những quần Jean nặng chịch, hay chạy đi lấy quần cộc, khăn mỗi khi anh đứng trong phòng tắm gọi ới ơi. Hay những lần vợ chồng Một cãi nhau, chị bỏ về nhà, má phải tất tả qua bên sui, nằn nì. Con dâu có bầu, chiều chiều má rủ dâu đi bộ để sinh mau, má lột vỏ tỏi để dành xông trong giường khi chị ở cử. Lúc này đây, chuyện đã qua lại về, nguyên vẹn. Và đám con chợt nhận ra, mình chẳng làm gì cho má. Nhưng muộn quá, mùa qua đi, không thể thêm được tiếng chim kêu, chiếc lá rụng. Kỷ niệm là thứ không thể chỉnh sửa. Ba thắc thỏm thương hoài, má đã cắt cái áo dài cưới để may thành áo mới, cho chị tới trường. Nhưng hồi tưởng sợ không cầm được lòng, Hai trợn trạo nuốt nước miếng than đói bụng quá. Mới đó mà sắp tối rồi, trời ơi! Cả nhà ngó về phía chân núi, thấy nặng nề như mặt trời đang kéo mình theo, dìm xuống đêm. Làm như tiếc mặt trời này quá. Như ngày mai nó không mọc nữa. May sao, vào tới bữa cơm tiếng cười rộn rã trở lại. Những câu chuyện Hai kể hơi tục tĩu, tếu táo, nhưng rất duyên dáng, chuyện trong mâm nhậu mà. Má ăn không được nhiều, má cười đến nỗi, quặn cả lòng, vì đám con vui quá. Còn bọn trẻ thì hùng hục vào những món ăn chay mà thường ngày chúng ớn tới cổ. Làm như chỉ cần dừng đũa, rảnh tay, chúng sẽ khóc òa lên, không biết chừng... Buối tối vàng vọt trên các ngã đường Hát. Bằng lăng ngủ lịm trên các vỉa hè. Trồng loại cây đến màu bông cũng buồn day diết, người ở Hát thật là... Hai liên tục bật chuyển kênh ti vi, bồn chồn nói không có chương trình nào hay hết. Thật khó chịu khi không có việc gì để gởi mình vào, để bận rộn, để tếu táo... Ngày ngày họ diễn đủ mọi vai, ra vẻ yêu mến, bợ đỡ người mà lòng đang căm ghét, buồn giả bộ vui, bực bội lại cười hề hề... Nhưng chưa lúc nào lại khó diễn như vầy. Ba rủ, hay là mua bộ bài về đánh "tiến lên". Má ngồi xếp mớ quần áo bị quăng vung vãi, lại quặn lòng, vì đám con rộn rã đôi co. Tối nay, chúng nó rất vui, vui hơn mọi ngày... Điều đó là mình buồn sao, má tự hỏi. Và ngơ ngẩn thấy mình không chuẩn bị để nhìn con say ngủ, thở đều, quên cả ngáy. Tại sao lại buồn, không phải như thế này ngày mai mình dễ rứt chúng ra sao, dễ đoạn tuyệt với thế tục sao, má trằn trọc. Nếu ngủ chỉ đơn giản là nhắm mắt thì cả nhà có vẻ ngon giấc. Đám con nằm ngay ngắn, thẳng thớm, đến nỗi má không có cơ hội để kéo mền đắp lại cho chúng. Có khi má không còn dịp nào nữa, kiếp sau xa lắm... Cái đồng hồ củ kỹ trong khách sạn củ kỹ một chốc lại báo giờ, è è như sắp hết pin. Mấy cái kim hình tháp chạy rột rẹt khô khốc như tiếng bửa củi. Ba nhổm dậy thấy má vẫn ngồi ráo hoảnh, chị lại vùi mặt vào gối, giọng nhừa nhựa, sao con muốn đập cái đồng hồ nầy chết ngắc cho rồi quá, má. Nhưng việc đó không phải vô ích lắm sao? Dù không còn chiếc đồng hồ nào nữa, thì ngày mai cũng đến. Mặt trời cũng mọc từ phía Tiêu Hồ một vầng đỏ rực. Cả nhà lục tục dậy sớm, để kịp đứng trên đỉnh núi Dĩa Bò, trầm trồ, hớn hở, "cảnh đẹp quá chừng, cảnh đẹp quá tay". Nhưng trời ơi, đây không phải mặt trời của ngày hôm qua, tuyệt đối không phải. Nụ cười đậu trên môi người ta bỗng trở nên run rẩy, héo hắt, như được nặn một cách vô hồn. Má thoáng thấy không khí hơi chùng xuống, như một cái thở dài não nuột, bỗng xấu hổ vì sự hài lòng, như thể đây là cảnh mình chờ đợi, đã lâu. Nhưng cảm giác đó không kéo dài, Một lại kể một chuyện vui. Khủng khiếp, Ba nghĩ, lần thứ năm anh kể đi kể lại chuyện nầy, mà mình buộc phải cười nắc nẻ. Má chua xót nhớ ra, những đứa con mình, có đứa đã sắp vào tuổi bốn mươi. Chúng lăn lộn giữa đời lâu rồi, biết dối lừa, rành rẽ mánh khoé, biết lừa lọc, đạp bừa lên người khác. Chúng không cần che chở nữa. Và cuộc chia ly này quá nhẹ nhỏm so với những trần ai mà chúng trải qua, ý nghĩ đó làm má thấy nhói ran chỗ ngực. Sao vậy kìa, má bất chợt rùng mình, má tới đây chẳng phải để đoạn tuyệt thế tục sao? Xuất gia là việc hệ trọng, má định mượn cửa Phật để thử lòng mấy đứa con sao? Má tự nhủ, không phải, không phải đâu, tội lổi tội lổi... Má nói muốn tới chùa sớm, để cùng các sư chuẩn bị lễ. Hai cảm thấy buồn bực, "Má sẽ ở đó tới hết đời, gấp gì mà không chơi với tụi con thêm chút nữa", nhưng sợ ý nghĩ đó buộc miệng thành lời nên anh tìm chuyện khác để nói : - Má! Chắc con nhớ món chè khoai môn má nấu... Ba cắt ngang : - Em nấu còn ngon hơn má. Chừng nào về, lại nhà em... Má thấy buồn, dù cố chối mình không buồn, mình đang thanh thản, vào cửa Phật mà buồn, tội chết. Bà sư già trụ trì nâng mái tóc đã bạc của má trên tay, bà hỏi : - Tâm con đã an chưa? - Thưa thầy, rồi. Sư bà như không nghe câu trả lời, bà nói : - Con chưa dứt... Má cố lấy vẻ mặt an tĩnh, tự tại như mặt nước ao sen để thuyết phục sư bà (và cũng thuyết phục mình) rằng đời không có gì vướng bận nữa. Và không có gì ngăn được lễ xuất gia, má cắn môi, cương quyết, khi nhác thấy mấy đứa con đang xúm xít trước sân chùa. Trời, coi chúng nó, nông nổi này còn xem cá lội dưới ao, vui lắm sao? Chỉ có Một vào điện thờ tham gia lễ cúng. Hai và Ba trốn sau vườn, họ nói, làm sao có thể nhe răng ra cười khi thấy tóc má từng chòm, từng chòm rơi xuống. Mái tóc không còn xanh nhưng từng dày và mượt biết bao nhiêu... Họ ở đó, cho đến khi Một lên tiếng gọi ới ơi dằng vặc trên sườn núi. Má giục đám con về mau, đường từ đây đến Cà còn xa, qua phà bắc, mà chiều rồi còn đâu, chút nữa đây, mặt trời lặn mất. Cuộc chia tay hóa ra nhẹ nhỏm như đã từng mong đợi. Đám con cuống cuồng từ giã, sợ miệng vọt ra những cục nghẹn tím bầm, chỉ dám nói một câu, má ở lại mạnh giỏi, chừng nào tụi con rảnh sẽ lên thăm. Rồi thì không bịn rịn thêm chút nào, đóng cửa xe. Ba còn không dám nhìn thẳng vào má, vì sợ gương mặt má đã khác khi không còn mái tóc, xưa. Xe lao nhanh qua cửa chùa, chạy trốn những con đường thăm thẳm bằng lăng mà thưa vắng người, chạy trốn những mái chùa rêu phong đậu trên triền núi... Lúc vượt qua cầu Mê, tay Một ôm vo lăng run rẩy. Qua cầu này, nghĩa là Hát đìu hiu đã ở lại, sau lưng. Cùng với má... Một thấy tê cứng mặt, nghẹt thở, anh cho xe dừng lại bên đường. Ba thảng thốt, "Trời, hồi nảy em chưa kịp nhìn má, anh Hai, anh Ba ơi!". Hai ngó chừng cái mặt bì sì của Một, quay qua nạt, "già đầu, đừng có khóc". Nhưng bụng nghĩ , chắc cũng phải khóc một chút, bây giờ đâu ai rầy ai. Vai Một cũng run lên kia kìa. Khóc cho chiếc xe chuyến về đã trống chỗ ngồi của má. Khóc cho mặt trời ngày hôm nay vĩnh viễn lặn mất. Ở Hát đìu hiu, trong vườn chùa, ngồi một mình dưới gốc sakê, má cũng đang rấm rứt. Vì chẳng đứa nào quay lại nhìn má, và vẫy tay khi qua cổng. Vì đám con ra về vội vàng, hí hửng như vừa nhổ được bụi cỏ ống cứng đầu, khoan khoái như trút đi gánh nợ. Má mà là nợ? Chỉ cần một đứa thôi, phải, chỉ một đứa nắm lấy tay má, nói "Má đừng ở lại, má ơi! Không có má, đồ con không ai giặt, vợ con sinh không ai giữ lửa, đứa nhỏ khóc đêm không ai ẳm tiếp. Vợ chồng hục hặc không ai can... ". Ừ, chỉ cần nghe mấy câu nói đó, má sẽ trở về, dù lỗi hứa với nhà Phật, kiếp này. Còn hơn bây giờ ngồi niệm Nam mô, học vô ngã mà tâm không dứt được cơn đau dầm dề cho cái phận bị phủi đi, tan tác... Đăng lần đầu trên Pháp Luật TP HCM Xuân Bính Tuất
(2-1-06) Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư
|