Nửa mùa Nguyễn Ngọc Tư Tiên đi ngang qua hẻm Cây Bần trong một ngày sụt sùi mưa gió. Định đụt dưới hàng ba nhà dì Hên chút xíu rồi đi nhưng nó lại ngủ quên. Thức dậy thì trời đã khuya rồi, thấy một bà già ngồi cạnh mình, bà hỏi (nghe như đã quen biết tự hồi nào), "Ngủ không được hả, muỗi nhiều quá hả con ? Bây tên gì ?" "Dạ, Tiên". Bà ờ, bà không cười. Bởi ba má đặt cho mình cái tên nhiều khi cũng trớt, như tên dì, hay của cậu May, em dì chẳng ứng với cuộc đời chút xíu nào. Tiên cũng vậy, tiên gì mà xấu hì. Nó thấp người, tướng tá thô kệch, sồ sề. Quanh cổ và hai bắp tay mọc đầy mụn. Khuôn mặt tròn, ngô ngố dưới mái tóc thưa, rối bời như trái chôm chôm. Răng trên không có, môi lay lập phập mỗi lúc nó nói cười. Bù lại nó cười thiệt ngọt, cười giống như má mình như ngoại mình, móm mém hiền khô, như rót vào lòng. Một nụ cười lương thiện. Cậu May không bao giờ nhìn thấy nụ cười đó, nhưng cậu nói con người Tiên thiệt thà, hỏi sao cậu biết thì cậu cười, "Thì đui thử như tui đi, rồi biết…". Trời, ai ngu sao… Tiên trú lại dưới hàng ba nhà dì Hên từ bữa đó, vì cái băng đá dưới dạ cầu có người khác chiếm mất rồi, vì không ai có được cái tình cảm đến mủi lòng như chị em dì. Người chị thì nhỏ thó, túc tắc như cọng bánh hỏi, bỏ qua nhiều mối duyên, ở vậy nuôi cậu em trai tật nguyền, sống bằng nghề đan võng. Cất cái nhà lùi tận phía sau, chỉ vừa đủ để hai chiếc giường, cái bếp và bàn thờ Phật, dì chừa khoảng sân đằng trước để che mái hiên tới mí hàng rào. Chỗ đó đủ ấm cho người lang thang lỡ đường ngủ lại qua đêm, đủ mát cho bầy trẻ con tụ lại bắn đạn keo, nhảy lò cò… Chỗ đó đủ cho dì mở được cánh cửa cuộc sống đến với cậu em bất hạnh của mình nhờ mấy chị đàn bà trưa trưa sề bên bộ vạc đóng bằng cây tạp, nói chuyện dưới đất trên trời, chuyện hai con ruồi vừa mới bay ngang qua thấy hỏng bình thường à nghen, ruồi đực bữa nay rõ ràng là bay với con cái khác. Thấy cậu May mủ mỉ hiền lành như con gái, mấy chị hay ghẹo cậu với cô câm bán vịt chiên, lúc đầu cậu cười mỉm mỉm. Sau này, lúc Tiên đến rồi, cậu vẫn cười cười nhưng trong bụng buồn teo, nghĩ sao họ không cáp đôi mình với người khác mà nhất thiết phải là cô câm. Vì cái nồi mình hợp vung ấy sao, vì tật nguyền chỉ hợp với tật nguyền sao ? Buồn tình, cậu lần vô bếp nấu cơm, vặn to lửa cái bếp dầu, biết đâu có người cần cơm cháy... Tiên thích cơm cháy, hôm nào về cũng lỏn lẻn vào xin. Rồi vừa nhai chòm chọp nó vừa ríu ran, “Ý Hai ơi, Củ Ba à, bữa nay con gánh cho người ta nhóc đôi nước, với giặt nhiều đồ lắm. Con có nhiều tiền. Nhưng con còn thiếu ba mươi bảy ngàn năm trăm đồng chuối nướng chưa trả nổi. Bữa nay có ông kia đòi bóp vú con rồi ổng cho tiền, con hỏng chịu, vú thì phải dành cho chồng mình chớ, phải hôn ý?” Dì Hên với cậu May bật cười, nửa đêm tỉnh giấc nhớ tới, bắt tủm tỉm cười hoài. Nửa đêm tỉnh giấc, nghe gió thổi hiu hút trong mưa, cậu May trở mình, "Ở trong nhà mà lạnh như vầy, chắc ngoài sân chịu hỏng thấu, chế hen". Dì Hên lui cui mở cửa, biểu Tiên vào trong nhà với ngủ với bà, nó cười, thôi, con ngủ đây quen rồi. Thì đã mấy chục năm ngủ chái hiên, ngủ dạ cầu mà làm gì hỏng quen. Với lại, nằm chỗ này sẽ nghe được tiếng đàn ghitar vẳng ra từ căn nhà trọ bên kia con hẻm. Bên đó là nhà Sỹ. Anh dọn tới hẻm Cây Mận chưa đầy năm, xóm dân cư chuyên đạp xích lô, bán vé số và bắp luộc bỗng xuất hiện một chàng nhạc sỹ. Anh mướn căn buồng nhỏ, sống thanh tịnh và tao nhã, và giống như bông sen nở thoi loi giữa ao bèo, anh ít giao du bên ngoài, bảy tháng chưa tới được cuối hẻm. Cả ngày quanh quẩn ở nhà nghe nhạc giao hưởng, xem mấy tập thơ, chiều xuống tắm sạch sẽ (mấy đứa con nít nói anh tắm một lần chừng một giờ đồng hồ, cộng thêm nửa giờ để chải đầu), đốt một nén hương trầm cho khói thiêng thanh khiết, xong ngồi trước tập kẻ nhạc, ôm đàn, gò từng phím tỉnh tình tinh.. Anh viết nhiều bài ca nghe lạ lùng lắm, người xóm hẻm nói hay thiệt nhưng hiểu hỏng nổi, sao không viết mấy bài như "bẻ một nhành cây nhành cây trứng cá để đem vô trường chia trái cho em" cho dễ thuộc, viết làm chi "Em như mưa như sương như gió như khói như mây, tôi chết giấc lao đao chìm vào em đôi mắt dại khờ". Không biết có phải vì vậy mà Sỹ chưa nổi tiếng, anh phải sống bằng nghề tay trái: thảo đơn, đánh máy thuê. Xóm hẻm hồi nào giờ quen giải quyết mau thuẩn bằng việc đánh nhau nên Sỹ sống khá chật vật, may lắm mới trả được tiền nhà, ai cũng nói làm cái đơn thưa sao nghe vô vọng quá trời, ghét quá sao hỏng đập vô mặt tụi nó cho gọn… Dì Hên thương tình, biểu anh đi làm than đá, hay xin vô lò quay heo, việc không quá sức, lương ổn định, nhưng Sỹ lắc đầu, anh sợ những công việc lấm lem bụi đời, nhuốc nhơ trần tục ấy sẽ dìm chết cái tư chất nghệ sỹ cao quý mà anh đã nuôi dưỡng từ lâu. Nên nhiều đêm chàng nhạc sỹ ôm đàn sáng tác trong cái đói cồn cào… Người xóm hẻm bảo nhau, làm nghệ sỹ coi vậy mà cầu kỳ thiệt, khó thiệt, phức tạp thiệt. Tiên càng ngưỡng vọng anh càng đau thắt trong lòng, nó thấp thỏm xốn xang, chắc lưỡi tặc tặc, tội nghiệp quá, tội ảnh quá chừng. Nó cũng đã bị đói rồi nó biết, những bữa không ai kêu bửa củi, lau nhà, giặt đồ, gánh nước… nó ăn chuối nướng trừ cơm. Ăn chuối chắc bụng. Vậy mà nửa đêm là nghe đói sôi ruột, đói muốn ứa nước mắt ra… Thì đôi khi nước mắt ứa chơi vậy thôi, chứ Tiên vốn là một người vui vẻ. Hồi nhỏ, sau bốn năm ngủ li bì vì thuốc trên vai một bà mẹ mìn, tỉnh dậy đã bị đá đít ra bụi đời, hết còn nhớ nhà, nhớ tuổi, Tiên hoá thành người hiền hậu, đơn giản. Không phải bận lòng đến quá khứ tương lai làm chi, nó sống thanh thản, không tính toán. Nó sẵn sàng lau một căn nhà ba tầng với mười bảy cái cửa kiếng, bốn mươi hai bậc cầu thang chỉ với mười ngàn tiền công. Nó gánh chục đôi nước vòng vèo qua hai ba con hẻm có khi chỉ được đãi một bữa cơm canh. Nó nghĩ như vầy, thí dụ như mình cho người bằng ấy, người lại trả ta cũng bằng ấy thì huề rồi, thì làm sao cảm thấy duyên dẻ, nợ nần mà gắn bó với nhau. Nên Tiên không ngẩm ngợi đắn đo khi tối tối ở chợ lao động về nó ghé mua cho Sỹ khi thì tô hủ tiếu, khi hộp cơm, khi gói xôi gà… Chỉ người xóm hẻm là xôn xao, hỏi nhau, hay gì chưa, nhỏ Tiên với thằng cha Sỹ tù ti tú tí với nhau. Giỡn hoài, con Tiên thấy ghê làm gì xáp được với nghệ sỹ người ta… Nhưng Sỹ nhìn thấy một vẻ đẹp từ Tiên ngay cái hôm đầu nó bước vào căn phòng đó. Đâu có gì lạ lùng, nếu trong một đêm mưa rơi rỉ rả, ta nhìn bản nhạc sáng tác giữa chừng thì bí rị, nghĩ tới con đường đời dài trước mặt, thèm một tô hủ tiếu nóng hổi, trên đó có mấy lát thịt, hai khúc giò heo cùng mùi tỏi sấy thơm phức thì bất ngờ em xuất hiện ở cửa nhà ta, tóc bết mồ hôi, thở hào hển, tay bưng tô hủ tiếu nghi ngút khói, em cười (nụ cười hệt của mẹ ta, ngoại ta vốn đã vắng bóng lâu rồi), bảo, "Tui chạy từ ngoài đầu hẻm vô đó, đi chậm sợ nó nguội, hỏng ngon. Ăn đi, tui cho. Ăn no mới làm được bài hát đẹp". Ta đứng sững trong nỗi xúc động vui sướng bất giờ, ta dè dặt, "thôi, cảm ơn cô, tôi mới ăn cơm xong" (thì cũng phải tự trọng chứ). Nhưng em quýnh quáng, rối rít, " Chê hả ? Ngon lắm mà. Tui mua hết sáu ngàn đó, tui có đòi tiền đâu. Tui cho mà… Không lấy, tui buồn ráng chịu nghe." Ta phì cười mà trong lòng rưng rưng, có khi ta nghĩ đây là thần tiên giáng thế không chừng. Thần tiên bắt đầu lang thang nhiều hơn để tìm việc, kiếm tiền. Nhà dì Hên hơi buồn đi một chút vì tối tối, Tiên phải sang nhà Sỹ, quét dọn, lau chùi (đến dề cơm cháy cậu May chừa nó còn không kịp ăn). Anh sống sạch sẽ và kỹ tính lắm, bận lòng đến cả tí bụi trên bàn. Nó thấy đời này kiếp này mình phải có nhiệm vụ che chở, bảo bọc cho anh, chứ anh mảnh khảnh, nho nhã thế kia sao để lấm lem bụi đời và mưa và nắng được. Sỹ đi tắm, nó mang khăn tới, nghe vừa ngưng tiếng xối nước, nó ra đầu hẻm mua thức ăn, để lúc anh tắm xong, có thể ăn ngay cho nóng. Lúc Sỹ bắt đầu đốt trầm lên cũng là lúc Tiên rón rén đi ra, đứng dựa chỗ hàng rào, nghe Sỹ khe khẽ hát một đoạn trong bài mới, "Vai em gầy, yếu đuối mỏng manh như từng gân lá, anh che chở cho em, anh vuốt ve và hôn lấy vai em, nép đầu vào mùi vai hát hù hú hù hu hù hu… ". Nghe xa xăm, lạ lẫm mà thiệt ngọt ngào. Về bên nhà dì Hên, Tiên còn tần ngần ngồi vui mãi. Thấy dì, nó đon đả khoe ngay, "Ý Hai ơi, hồi nãy ý có nghe bài đó hôn, ảnh nói ảnh làm bài đó là tặng cho con". Dì Hên cười buồn, nghĩ, cái vai nọ có phải là của con đâu, khờ ơi, vai bây chai cứng vì gánh nước tảo tần. Mà thật, trong bài hát của Sỹ tuyệt không thấy bóng dáng Tiên, anh chỉ toàn dùng những từ trắng trong, chân thon gót nhỏ, mong manh yếu đuối… (Nhưng viết đôi bàn tay em thối móng vì giặt nhiều đồ, làn da em sạm đen dưới nắng, mái tóc em cháy xác xơ… thì còn gì là nghệ thuật nữa). Dì Hên dĩ nhiên là không biết điều đó, nên nửa đêm buồn bực trong bụng, dì kêu cậu May thức dậy, cằn nhằn, "Con Tiên chiều thằng nọ như chiều vong, mà thằng nọ hỏng làm gì cho nó hết". Cậu May gắt, "Thây kệ người ta". Dì chưng hửng, "coi ngộ hôn, làm gì quạo ?". Cậu làu bàu, "Tui đang ngủ ngon…". Dì ngờ ngợ, nó có ngủ đâu, nó trở mình hoài mà. Bên kia hẻm, người nhạc sỹ vẫn miệt mài đàn tỉnh tình tinh… Rồi công sức lao động của anh cũng được đền đáp, Sỹ gởi một vài bài hát lên Đài Truyền hình, được một ca sỹ khá nổi tiếng chọn hát trong chương trình "Sao đậu xuống đời". Bài hát ấy nhanh chóng được yêu thích, ai cũng khen lời lẽ thiệt là cao sang quá sức, nghe hiểu chưa được mà đã thấy hay rồi, thấy mình rời xa thực tế trần trụi này để phiêu linh ở chỗ mơ hồ nào đó. Nhà Sỹ bắt đầu có người đẹp và sang lui tới, tất nhiên là cô nhà báo tới trước. Cô coi bài Sỹ sáng tác hồi mười sáu tuổi xong(bài này nói về một đám mây trên trời), tấm tắc khen bài này hé lộ một thiên tài. Bởi ai cũng thấy đám mây bay qua nhưng không viết được những câu như vầy “Mây hôn phớt vào mặt ta như nụ hôn em đắng cay dịu ngọt the. Ta xiết mây vào lòng nghe cả trời thương tiếc nhớ…” Nhiều quản lý của ca sỹ cũng chạy tới lên tiếng đề nghị mua bản quyền bài hát, Sỹ ý thức được giá trị của mình nên còn chần chừ. Tiên biết chuyện, sướng quá, lẽo đẽo đi theo, hỏi "Bán được trăm ngàn hôn anh ? Trời ơi, trăm ngàn mua được nhiều đồ ăn lắm". Sỹ nhìn sững vào Tiên nghe cơn lạnh chạy tê cả sống lưng.
Sỹ thấy tuyệt vọng khi biết rằng mình với vị thần tiên này không thể đi tới tận cuối cuộc đời với nhau. Nghệ thuật của anh cao quý là vậy mà em đòi đánh đổi bằng tiền, bằng những tô hủ tiếu, bún riêu... Anh không cần tiền, một nghệ sỹ chân chính thì không cần những đồng tiền hạ thấp nhân phẩm mình. Em không hiểu rồi, thần tiên của ta ơi, nên đã xúc phạm tới cái đạo mà ta tôn thờ. Tối đó, nhạc sỹ cầm tay Tiên lại, ghì chặt Tiên vào lòng, biểu Tiên đừng đi. Anh phải trả ơn em, phải đáp tạ tấm chân tình của em. Tiên nghe mấy từ không hiểu lắm nhưng sướng đến ngây ra, nó móm mém cười hoài, hồi nào giờ anh không gần gủi nó như vầy. Rồi anh trịnh trọng hát cái bài anh vừa viết riêng để tặng Tiên "Em tặng cho ta đoá hồng mong manh trong suốt trinh nguyên, một lần cuối, rồi em yếu đuối tan vào gió mưa gửi lại…". Nghe thiệt buồn, buồn mà vẫn sang trọng (Nhưng hồi nào giờ Tiên có biết cầm cái bông cái hoa gì tặng anh đâu, nó toàn bưng thức ăn đến). Tiên về
nhà lúc gần sáng, cậu May nghe nó nằm xuống bộ vạc thật khẽ khàng,
nhẹ tênh như thể nó tan đi, đã cháy thành tro vì hạnh phúc. Cậu tự
bảo mình, thôi, ngủ đi. Mà, ngủ gì được, sớm mai rồi. Tiên bỏ
hẻm Cây Mận ra đi khi mưa chỉ mới nửa mùa. Hồi tới, hồi đi đều lặng
lẽ, sẽ sàng như cái lá me rơi. Tối ra nhìn cái hàng ba lặng ngắt, dì
Hên thấy buồn muốn chết. Đã vậy rồi, lúc đem chục cái võng giao
ngoài sạp còn bị trả lại bốn cái vì cậu May thắt đầy lỗi, rối nùi
(hồi nào giờ cậu đâu có vậy). Nhớ, nhớ chớ. Quên sao được cái người đã ngủ trước hàng ba nhà mình gần hết một mùa mưa mà không ai xì xào đồn đãi bậy bạ dùm cho một tiếng, không ai chọc ghẹo cáp đôi chuyện gái chiếc trai đơn. Không ai nghĩ mù cũng biết thương nhớ, biết ngóng chờ (trong nỗi tuyệt vọng), rằng cái người đó, mùa mưa này liệu đã mỏi chân mà trở lại không ? Lên mạng ngày 9-8-04 |