Nửa đời ngơ ngác Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư
Lúc rày mưa dữ quá, mưa nhâm nhi, rả rích cả tuần, đứa cháu nhỏ lật lịch, kêu lên, “Ui chao, tháng 7, hèn chi mưa liền tù tì, chắc là ông Ngưu Lang với Chức Nữ đang gặp nhau, dì Út ha?”. Nhỏ cháu lập luận ngây ngô, làm nó mắc cười, bởi nếu có Ngưu - Chức thật, thì lúc gặp lại họ cũng chẳng khóc lóc gì đâu. Xa bẵng nhau, mỗi năm gặp một lần, chỉ sợ ngượng ngập đến nỗi chỉ nói vài câu lạt lẻo, nhát gừng. Trong một năm rất dài đó, mỗi người gặp những biến cố khác nhau, làm những công việc khác nhau với những bạn bè khác nhau, có gì chung đâu mà nói. Yêu thương có cao như núi thì cũng bị mài mòn bởi thời gian, bởi những lo toan thường nhật. Nó vu vơ nghĩ thầm, suýt cất thành lời, nhưng nhìn vào đôi mắt trong vắt của đứa cháu, lại thôi. Ngước mặt nhìn mưa, bỗng nó có cảm giác bàng hoàng, ủa, tôi-trong-veo đã chết tự hồi nào ? Câu hỏi đó làm nó bần thần cả buổi. Thật khó chịu khi một thứ đã từng thuộc về mình, gắn bó với mình, nhưng rồi nó tan biến lúc nào mình không biết. May mà còn lại một vệt ký ức long lanh, không ngắn không dài, vừa đủ để nó nhớ rằng, mình đã từng có một quãng đời thơ ngây, mơ mộng, ngông cuồng. Mỗi khi nhớ lại, nó thường buột miệng kêu lên, thời điên. Có điên mới tin mưa tháng Bảy là nước mắt tương phùng; tin vào những truyện cổ tích có cô gái nghèo lấy chồng hoàng tử, hay nghĩ đơn giản nàng Kiều rốt cuộc hạnh phúc với người yêu. Buồn cười, là quãng ấy, nó tốn biết bao nhiêu nước mắt vì thương cho những thân phận người, những chuyện tình trái ngang, lận đận trong… phim. Tệ hơn, là nó tin có ngày Cổ Thiên Lạc sẽ… yêu mình. Vào năm hai mươi hai tuổi, nó còn làm một việc ngông cuồng khác, khi đặt tên cho quyển sách đầu tay là “Ngọn đèn không tắt”. Chắc nụi. Đáng ra phải là “Ngọn đèn chưa tắt” hay “Ngọn đèn sẽ tắt”, bởi chẳng có gì là miên viễn, là bất biến hết (đèn lại càng không). Dân gian có lý khi ghép từ “dại” đi ngay phía sau chữ “nhỏ”. Phải mất nhiều năm nó mới rút ra kết luận đó. Những cảm nhận của ngày xưa giờ đổi thay ngoay ngoắt. Như thể nó đã sống cuộc đời khác. Nó cười nhạo câu cuối cùng (hay xuất hiện) trong các truyện cổ tích, “hai người cùng nhau sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long”. Nó cảm nhận được cái cay đắng tủi buồn khi Kiều về với Kim Trọng, khi nàng đã lưu lạc trầm luân, đã yêu người khác thật lòng, đã tan nát vì chia biệt và đổ vỡ thì làm sao tỉnh bơ sống với chồng của đứa em, người mà mười lăm năm trước có gặp sơ sơ, nói nói cười cười, lấy nước mây ra hứa hẹn, cùng lắm là nắm tay nhau được… một lần. Nó nổi quạu khi nghe kể sau bao năm bị chồng cho người ta… mượn, Châu Long lại cười ngỏn ngoẻn trở về mà trái tim không hề lung lay, thương tổn. Nó nghi ngờ những mối tình xuyên qua kiếp này, kiếp sau, sau nữa, ai mà kiên nhẫn dữ vậy?! Nó nghĩ giá trị của những lời thề hẹn chỉ như chọi cục đá xuống ao bèo. Nó ngờ ngợ khi thấy đôi trai gái đi qua, không biết cuộc tình này được bao lâu, chưa chắc có đám cưới… Nó dửng dưng, nguội ngơ trước những khóc, cười của người đời, bởi cảm xúc vừa nhen nhóm đã tắt rụi bởi ý nghĩ, thấy ngoài mặt cười, khóc vậy, thân thiết vậy nhưng chưa biết lòng dạ làm sao à nghen. Tất cả
những thứ đó cho nó một cảm giác, mình khôn ra rồi. Có điều, cuộc
sống dạy chậm rãi quá, nhẩn nha quá. Tốn mười năm, nó chỉ học được
vài bài học thí dụ như “không có gì là mãi mãi”, như “đừng mù quáng
tin vào cảm xúc” hay “yêu phải để dành”. Nó rất nôn nóng được học
nhanh nữa, để chứng tỏ bản lĩnh, sự già dặn của mình. Nó bỗng thèm được như đứa cháu, nhìn mưa tháng Bảy nẫu nuột mà lòng vui, vì biết cữ này có đôi lứa gặp nhau, trên trời. Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư Lên trang này ngày 22-7-06 |