Những dấu hỏi phai…

 

Nguyễn Ngọc Tư

 

 

Cậu Ba nhắc, hồi nhỏ tao sợ chở con nhỏ này đi chơi. Nó hỏi bất tận làm tao trả lời muốn tắt thở.

 

Trong ký ức của cậu, cứ đặt con bé lên yên sau xe đạp, ngay lập tức nó sẽ thẻ thọt, cậu ơi, sao cái áo cậu có màu xanh vậy, sao mồ hôi cậu có mùi chua chua vậy. Cảm hứng từ cái lưng áo to bè phần phật trước mặt nó, những câu hỏi bắt đầu tuôn tràn. Nước ở đâu mà ông trời lấy làm mưa? Nếu cậu chở con đi tới mai thì có hết đường chưa? Tại sao con chuồn chuồn biết bay mà người ta không biết? tại sao con cá lội dưới nước không chết ngộp? Tại sao cậu cười với cái dì đẹp kia mà không cười với dì xấu xấu? Sao cậu không làm… con gái để thắt bím cho dễ thương?

 

Sau buổi đi dạo về thì cậu mệt đứt hơi. Bởi nó luôn luôn nảy ra câu hỏi mới sau khi cậu trả lời. Trả lời bừa bãi thì ân hận, quấy quá cho qua tất nhiên con bé không chịu, trẻ con thích khám phá tận cùng, đi đến tận cùng. Bởi trẻ con tin có tận cùng.

 

Con bé ám ảnh cậu bằng những câu hỏi miên man, hỏi bất tận, hỏi dai dẳng… giờ đã lớn, vẫn tin có tận cùng, nhưng không hay hỏi nữa. Lâu lâu nhìn lại trong mớ đồ lưu niệm, thấy cái chân dung mà cậu Ba từng vẽ nó trên cuốn tập học trò, cậu khoanh tròn vo, sau đó đánh dấu chấm hỏi ở giữa, nó tự hỏi, đây là mình hồi nhỏ?

 

Bây giờ vẽ nó còn đơn giản hơn nữa, chỉ bằng một nét chì khoanh tròn là xong. Những câu hỏi khum khum như cái lưỡi câu nó không còn mang theo bên mình. Mười hai tuổi hỏi cô giáo sao đáp án của em giống hệt của bạn mà em ít điểm hơn. Cô cười chát như lá sung, tại bạn có đi học thêm. Nó định hỏi nữa nhưng nụ cười chát ngấm của cô giáo làm nó tần ngần.

 

Con bé bắt đầu từ bỏ một khả năng thiên phú của mình, khả năng hỏi. Bởi càng lớn càng hoang mang trước cái gọi là tận cùng, hoặc không có tận cùng hoặc tận cùng là cái gì đó mơ hồ, nhưng buồn. Giống như bóc vỏ từng lớp vỏ của củ hành, để tìm ra cái chân lý nhỏ xíu ở trong, đôi khi, nó cũng héo quắt mất rồi, sau một hành trình cay xé chảy ròng nước mắt. Hồi mới đi làm cứ muốn hỏi cho bằng được, tại sao cái anh không biết chuyên môn gì hết mà ngồi vung vinh ở ghế trưởng phòng. Đồng nghiệp cười, vẽ một cái hình rộng trên đầu, hình dung như cái dù. Dấu chấm hỏi quăng ra bỗng như xóc ngược cái móc nhọn vào cổ, nghe rát.

 

Thôi không hỏi như trẻ con nữa. Người ta ai cũng vậy thôi, cũng lớn lên, cũng thôi ngây thơ hồn nhiên, cũng biết ít nhiều, cũng nín… hỏi. Cơ quan quy định mặc áo đỏ không còn ai hỏi, “tôi thích màu xanh, tôi có thể mặc áo xanh?”. Phường gọi nộp thuế thì nộp, chẳng thắc mắc, số tiền này năm ngoái các anh dùng làm những việc gì? Đọc tin sáng thấy nói chuyện chạy chức, câu hỏi cứ nhảy nhót trên trang báo, vậy thì cái chức đó mang lại cho người ta lời lãi bao nhiêu mà họ đầu tư hàng trăm triệu, hàng tỉ? Mà, vị công chức nọ thu vốn bằng cách nào, chứ tiền lương cộng lại sao đủ số tiền bỏ ra?

 

Hỏi, ít ra sẽ làm cho người ta giật mình, toát mồ hôi tìm câu trả lời. Nhưng ngay cả chị bán vải ngoài chợ không lên tiếng hỏi, con bé kỹ sư nín thinh, cậu Ba nuôi cá dưới quê chỉ chặc lưỡi cho qua... Không hỏi vì đã ngấm ngầm biết, hoặc từng hỏi mà không nhận được câu trả lời, hoặc nhận được câu trả lời xa xa sự thật, hoặc đã đi đến tận cùng sự thật mà không được nói ra…

 

Một cộng đồng cúc cung im lặng. Và những người lớn cứ viết trang đời mình bằng vài dấu hỏi ít ỏi, chỉ dấu chấm, dấu phẩy, chấm than và nhiều lắm những cái chấm lửng thẩn thơ trên giấy. Nghe trẻ con hỏi chuyện trăng sao  trên trời mà nửa sợ nửa thương. Trẻ con ơi, trước khi khôn lớn giùm ơn chia sẻ ban tặng tụi người lớn chúng tôi sự khát khao… hỏi.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

 

Lên trang này ngày 18-8-08
Dùng bản Tư gởi