Nhịp cầu ảo...

 

Tạp văn


Nguyễn Ngọc Tư

 

Một phòng học loang lổ của ấp được phía xã trưng dụng làm nơi gặp gỡ. Phía trước là khoảng sân ngập nước. Mảng tường tróc lở. Khung cảnh gây lên một niềm phấn khích nhỏ trong lòng tôi, chuyến này coi bộ hay, được gặp bà con tận ấp. Chứ mấy lần trước đi tới xã là lủi vô, bà con phải lặn lội xa xôi, cũng mắc cỡ. Bây giờ thích hơn, bây giờ thì những đại biểu của dân đã gần dân hơn một chút.

 

Và mặc kệ cái loa phóng thanh lúc nói lúc nín, lúc rít lên chói gắt, lúc rột rẹt, không gian nóng hập, ngọ nguậy trong cái bàn dành cho trẻ con tiểu học, thấy lưng mình thừa ra nửa thước… tôi vẫn thấy vui. Cái ý nghĩ mình hiện diện ở cái chỗ chật hẹp, loang lổ này làm ve vuốt được nỗi khổ tâm mình kém cỏi, tôi sung sướng nghe, sung sướng ghi chép, sung sướng nhìn ngắm.

 

Bỗng dưng niềm phấn khích biến mất, bỗng dưng lại tuyệt vọng, bỗng dưng tắt ngấm lửa lòng. Như xem một bộ phim làm lại, chỉ thay đổi bối cảnh, câu chuyện giữ nguyên, diễn viên giữ nguyên, những gương mặt quen thuộc. Những gương mặt dầm sương dãi nắng mà tôi đã xao xuyến xốn xang khi gặp lần đầu. Và lần hai, lần ba. Tôi không cảm thấy nhàm chán khi nhìn ngắm họ, nhưng bất an.

 

Trong sổ tay của tôi có ghi câu danh ngôn này, “con người rất dễ cô đơn bởi họ thường chỉ lo xây tường, chứ không lo xây những nhịp cầu”, nên dù là người không thích hợp với nghị trường, tôi cũng tự nhủ, ừ, tốt thôi, mình làm cây cầu cho dân bớt cô đơn. Nhưng vào một bữa mưa lay phay, tôi hoang mang nhận ra, những nhịp cầu mà tôi bắc, cùng chừng ấy người đi thôi, bàn tay tôi đưa ra, cũng chỉ chừng ấy người nắm. Mà cây cầu có ý nghĩa gì khi chỉ dành cho một số người đi tới đi lui?

 

Kể lại cái cảm giác thất vọng này, ai đó nghe được, đùa, bảo vậy là gặp “cử tri chuyên nghiệp”, “cử tri chất lượng cao” rồi. Những cụm từ mà khi nghe lần đầu, tôi đã âm thầm đau. Nhưng không bất ngờ. Ai cũng biết những cuộc gặp gỡ được tổ chức với thành phần con người được chính quyền địa phương lựa chọn, mời (có kèm theo căn dặn miệng?!). Nên có nhiều chú, bác lần nào đến đây tôi cũng gặp. Nên không lạ gì, nếu như trong các cuộc tiếp xúc dân, bà con nói đi nói lại vụ dòng kinh cạn, nợ đọng ngân hàng, đến cây cầu gãy, con đường lở, ngôi trường sắp sập, chế độ cho người có công… nhưng rất hiếm khi nhận được ý kiến góp ý xây dựng chính quyền sở tại, càng hiếm hoi nghe bà con khen chê cung cách làm việc của những ông quan xã, những người trực tiếp thực hiện cụ thể hóa chủ trương chính sách, một văn phòng đại diện cho Đảng, cho nhà nước, họ tốt, dân biết là nhà nước tốt, họ xấu, dân cũng mất lòng tin vào bộ máy chính quyền. Họ là người có thể một tay che trời. Bà con biết, nhưng bà con không dám nói? Bà con dám nói nhưng chán chường không muốn nói?

 

Hay chính quyền thực sự làm tốt, tuyệt nhiên không để xảy ra sai sót trong điều hành, trong ứng xử với dân? Muốn biết giả thuyết này có phải là sự thật hay không, ta có thể tìm được câu trả lời ở thím bán quán hàng đằng góc chợ, ở những anh chạy đò dọc, ở những chị phụ nữ trên đường mua nước mắm về… nhưng tại sao ta không có câu trả lời ở cuộc gặp chính thức, đàng hoàng giữa dân và đại biểu của dân?

 

Thí dụ chính quyền địa phương có nhiều chỗ sai sót mà dân không nói, chỉ có ba khả năng, một là dân thấy cái sai đó như là chuyện bình thường, quen thuộc, hai là không tin đại biểu của họ, dân cho là một giuộc với nhau cả, quan lớn lớn bao che cho quan nhỏ, có méc cũng uổng công, có khi còn rước họa vào thân, ăn ở không yên trên cái đất này. Mà, nếu đại biểu như con Hà Há Ha này, thì nó có quyền lực, tài cán gì để ngăn chặn, diệt trừ cái xấu, bảo vệ dân? Chỉ quyền lực mới đối đầu với quyền lực, ngòi bút cũng chỉ là tiếng nói lẻ loi, không đấu với quyền lực được. Đó là một thứ nước xa nhưng lửa thì gần lắm. Khả năng thứ ba, bà con là những “cảm tình viên của chính quyền được lựa chọn đến đây.

 

Khả năng nào cũng làm tôi tức thở. Và cây cầu tôi dang dở, hiển nhiên. Hoặc nó chỉ là ảo tưởng, ngay từ đầu…

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

Lên trang này ngày 17-10-07
Dùng bản Tư gởi