Ngơ ngác mùa dưa

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Văn phòng của Ban quản lý Khu quy hoạch nằm giữa xóm đê.  Mỗi khi ông già nhìn về phía đó, đều bồn chồn, trời ơi, sao mình chạy đi đâu nó cũng rượt theo vậy cà. 

Đất nhà đã đô thị hóa, trơ hốc cát bụi với bê tông (nghe đâu chỗ đó người ta sẽ làm sân tennis, uổng quá, phải chi xây trường học, ông đỡ xót lòng).  Ngặt gió chướng không thương nên đến hẹn lại rập rờn qua cửa.  Ông chạy vào vạt đồng này thuê đất trồng dưa hấu.  Năm đầu tiên, ông đốt rạ lên, nghe khói trên đất-người-ta cay sè con mắt.  Lãng xẹt, ông tự cười, hai vạt đồng chỉ cách một con mương rộng, có xa đâu, mắc gì mà buồn.  Dù thế, tha thểu trên đất quê người cảm giác cứ xót xa. 

Năm nay, mảnh đất mà ông thuê cũng rục rịch quy hoạch.  Người chủ đất ngậm ngùi, "chắc là sau Tết tui giao giấy đỏ cho người ta, tìm phương kế khác làm ăn, ông cũng đừng có buồn... ".  Hôm vác dá ra ruộng để lên giồng, ông thấy giật mình vì đồng vắng tanh, vắng ngắt.  Cỏ mọc bít những lối mòn trên bờ ruộng, bông cỏ vượt lên đầu ngọn lúa xanh rờn.  Người trong xóm không còn tâm trạng để chăm chút đất đai, họ bồn chồn chạy qua chạy lại nhìn nhau, bồn chồn nói cười, bồn chồn ngó những ô xanh đỏ trên bản đồ quy hoạch, kìa, cái siêu thị đó nằm ngay trân đất nhà tui.

Chộn rộn, nôn nả trước cuộc đổi đời, đám bạn rẫy của ông quên cả mùa dưa hấu đang tới.  Cả ngọn gió chướng liêu xiêu cũng không đủ để nhắc nhớ.  Thành ra vạt đồng chỉ còn mình ông.  Với một mùa ròng rãi...  Tưới dưa xong, ông già ngồi hút thuốc ngó trời, nhớ thằng Bảy Trị, Ba Thám bây giờ người chạy xe ôm, người mở tiệm buôn bán nhỏ, tiệm bida, karaokê hay dạt đến một cánh đồng xa hơn, tiếp tục sống đời nông dân "ăn chắc, mặc bền". 

Tết này, giữa chợ, ông sẽ gặp lại bao nhiêu người trong số đó? Hay cả một vùng dưa Lý Văn Lâm nổi tiếng chỉ còn tum húm đống dưa của ông?

Năm ngoái, cũng cữ này, cũng trên cánh đồng này, cả bọn còn uống rượu cùng nhau, thấy thời tiết hanh hao, ngó những trái dưa thẫm xanh nằm lăn lóc trên giồng dây lá đém, bàn Tết nay chắc trúng lớn.  Dường như, ngay lúc ấy, chắc là đất dự cảm được sự chia lìa, nên dâng hết phù sa.  Dưa hấu được mùa, được giá, bọn ông được về nhà trước giao thừa (cái nghề của ông, về trước giao thừa là một niềm hạnh phúc lớn).  Phải biết là mùa cuối, thể nào ông cũng rủ cánh trồng dưa tụm lại nhậu một bữa, ca hát tưng bừng, để sau này có chuyện để mà nhắc nhớ. 

Bây giờ thì ông uống rượu một mình, nghe lạt nhách. Những người khác đã bị (hay được) bứt ra khỏi cánh đồng, như chưa từng vui, buồn, chưa từng đẫm mồ hôi, chưa từng rơi nước mắt...

Chỉ còn đồng đất đìu hiu cây cỏ dại.  Và ông.  Lâu lâu, có mấy người từ xóm đê chạy túa lên đồng, ông mừng húm, vừa hay mình thèm người.  Họ, cũng có vài thằng bạn rẫy của ông, xúm lại coi đá gà bị công an vây bắt, mới vọt ra ruộng thoát thân.  Gặp ông, họ bảo "Thấy mấy giồng dưa ngán ngược, nhớ hồi đó cực thấy mồ tổ, ham gì mà ngồi thù lù ở đây, anh Hai?" Ông cười, "Ở không buồn tay buồn chân quá, với lại... ".  Nhưng ông không biết diễn tả làm sao, mười bảy năm nay, ông quen đếm tuổi mình bằng một mùa dưa, đếm ngày qua bằng hai cử tưới, và nhìn những trái dưa hấu nằm cùi cụi, phổng phao trên giồng, ông biết năm sắp qua...  Có những cảm giác mà họ vô tình (hay cố tình?) quên, nỗi vui nhìn hạt nứt mầm, dây soãi bò đan nhau trên mặt đất, bông rơi từng cánh cho trái thò đầu ra đón nắng, rồi bằng trái chanh, trái cam, bằng trái bóng nhựa, rồi dưa căng mẫy, mọng nước trĩu trên tay...  Hay cái cảm giác đau nhói, rã rời nhìn dưa nứt như pháo nổ khi cận ngày cắt dây lại gặp trận mưa rào...  Họ quên rồi. 

Họ ngơ ngác sống những tháng ngày mới.  Cuộc đổi đời quá nhanh, đến choáng, đến chóng mặt.  Lần đầu tiên họ được cầm món tiền lớn (mà cả đời họ mơ ước).  Lớn đến nỗi đủ để người ta ngoay ngoắt với những ngày tháng đạm bạc cũ.  Nói đâu xa, thằng con cũng nổi quạu khi hay ông khăn gói lên đồng, “Tui chạy xe ôm nuôi ba má có đói ngày nào đâu mà ba lại rước cực vào thân cho mệt”.  Ông giận.  Rồi nguôi, vì cảm thông, tụi trẻ không yêu đất như mình. 

Cả đám bạn rẫy đang sống nhàn rỗi (một cách chông chênh) kia, cũng đáng thương.  Rủng rỉnh tiền, nhưng không biết ngày mai làm gì, sống bằng gì, tiền sẽ hết, bởi cũng phải ăn, phải tiêu xài.  Cái viễn cảnh cánh đồng trở thành đô thị với nhà máy, quán cà phê, quán nhậu, với những cửa hàng sáng choang...  còn xa.  Nghe đài báo đưa tin về quy hoạch “treo”, quy hoạch “ngâm” mà rầu.

Đồng đất vẫn trống trải, không thấy những chiếc xe tải chở gạch đá xuôi ngược trong bụi mịt mù, cũng chẳng nghe âm thanh nhịp nhàng của mấy chiếc máy đóng cọc...  Đô thị chắc còn rị mọ tận đằng xa.  Nhưng vùng dưa đã mất.  Dưa hấu miệt này không đặc sắc như xứ Cái Keo (ở đó người ta bón phân bằng phân tôm, nên dưa đỏ thắm, ngọt lịm, thanh thao), nhưng nhờ lợi thế trồng ở ngoại ô thành phố, tiện chuyên chở, sát Tết mới cắt dây nên giữ được lâu.  Cái câu "Dưa để hết Mùng vẫn ngon hết sãy", xưa rày vẫn giòn giả cửa miệng của những người bán dưa xứ này.

Bây giờ thì mỗi Tết về, người mua đã tin tưởng đã trông mong.  Nhưng vùng dưa sắp mai một mất rồi.  Chỉ còn những người tâm huyết với đất như ông, cố níu...

Mùa sau, có lẽ ông sẽ dạt đến một cánh đồng xa hơn, nơi mà đô thị chưa đuổi kịp.  Lại đốt rạ, lại nghe khói trên đồng xứ người cay sè con mắt.  Lại dè chừng một văn phòng Ban quản lý dự án nào đó bỗng hiện lên, giữa ruộng...

Nói cho cùng, cái văn phòng ấy không có tội. . . 

Đăng lần đầu trên Thời Báo Kinh Tế Saigon (1-12-05)
Lên trang này ngày 2-12-05
(Dùng bản NNT gởi trực tiếp)

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư