Nghiêng thương

Tản văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Một tuần sau khi người ta đổi cờ trên nóc đồn Nhơn Thành, bà nội nấu bữa cơm mừng ngưng bom đạn. Hai mâm dọn dài trên bộ ván giữa nhà, linh đình như đám giỗ. Cơm này nấu đãi đằng con cháu tay chân lành lặn trở về, không phải dành riêng cho người thua kẻ thắng nào, nội nói với mấy ông con đang nằm lắc võng, hút thuốc gò. Thằng anh vừa hỏi em, “ê, giao nộp súng chưa ?”

Nhưng cái mùi thuốc súng trộn trong máu khô và tóc cháy vẫn lởn vởn trong bữa cơm, nhất là chú Tèo Anh bên sông bơi xuồng qua, trật lưng quần chìa cái thẹo rúm lại bằng nắm tay hỏi Hai Sang, “Ê, nhớ cái thẹo này không mậy ?

- Sao quên được. Tôi đâm chớ ai.

- Dì Ba nghe rồi đó - Tèo Anh kêu vói ra sau bếp - Thằng Sang nó nhận đâm tôi rồi nghen. Trước giờ dì toàn bênh nó.

Giọng chú chói như cái bữa bỏ dở cuộc càn, nằm trên cáng thương áo quần bê bết máu, tay vịn cái tô úp vô chỗ thủng cho ruột khỏi vọt ra, dừng trước nhà kêu, “bớ bà Ba Quyên thằng quý tử của bà đâm bể bụng tôi, anh em bạn dì ruột mà chơi vậy mà coi được ?”. Bà nội xé cái áo may bằng lãnh Mỹ A ra để buộc ngang bụng thằng cháu, một người cáng thương phân trần, “ông trời này không chịu băng, để về nằm vạ với dì”. Tự thấy giọng đã đủ quả quyết, bà nội nói, “không phải thằng Sang đâu, nó ở miết trong rừng, đâu mà ra tận Giồng Cỏ Xước đụng bây”. Nhưng chú Tèo Anh khăng khăng nói thằng Sang chớ ai, nó bật nắp hầm dọt lên, trắng như cục bột. Bà nội nghe tiếng mình đuối dần về cuối.

- Ờ, có khi thằng nhỏ quýnh quá đâm lầm.

Nhưng cuộc nhậu mừng chiến tranh sực tạnh, Hai Sang nói khi đó súng mình hết đạn, trong tay chỉ có cây dao mác, và tính trước sẽ đâm vào bụng Tèo Anh. Quãng đường từ cái hầm dưới bụi tre chạy tới mé kinh là mười hai bước, cái hỗn loạn của một người đổ xuống sẽ được tận dụng để chạy thoát.

- Sao lại nhắm vô thằng anh mày ?

- Thì anh đứng gần miệng hầm nhất. Và còn chỉa súng phía tôi.

- Biết là mày thì tao đâu bắn.

- Tụi đi cùng sẽ bắn. Chiến tranh mà. Nhưng anh có chết đâu sao cằn nhằn nhức xương quá.

Chú Tèo Anh gãi gãi cái sẹo, cười. Ờ hén, phải tay người khác, có khi họ đâm xoáy ngay tim, đâu chỉ gây vết thương hú họa vu vơ như vầy. 

Buổi đổi cờ như dấu chấm xuống dòng. Sau cái trống trải im ắng của khoảng trắng, chiến tranh lại miết lên giấy câu chuyện đắng cay dai nhách của nó. Hết lửa ngọn nhưng không biết chừng nào mới than mới chịu nguội đây, bà nội rên rẩm trong bụng, khua đũa leng keng miệng chén, kêu tụi bây ăn đi, cháo vịt nguội ngơ đông mỡ rồi kìa. 

Hồi còn bắn nhau, có hai thằng con trong bầy đi theo hai phía chiến tuyến, ông nội dặn cả nhà không được nghiêng theo bên nào, “Dân làm ruộng thì cắm đầu làm ruộng thôi, cảm tình riêng thì để bụng chớ nói ra”. Nhưng ông nội công khai chở lúa, gởi tiền vô rừng cho thằng con lớn. Thằng em hay được tỉnh queo, “có sao đâu, tía cưng anh Hai nào giờ ai cũng biết”, rồi lắc võng ngủ khò.

Đứa vắng mặt thì chỉ cái tên đi lại trên môi người ở lại. Thỉnh thoảng nhận được thơ viết tay, nó không xin áo mới thì cũng pin đèn, dầu. Lá thơ nào cũng bắt đầu bằng “Con tin thắng lợi đang tới gần rồi”, và lấy “tía má có khỏe không ?” làm kết thúc. Bà nội cứ lộn lá thơ hy vọng có dòng nào bí mật rơi ra, một câu hay một chữ hỏi tới chứng phong thấp của bà.

Đứa ở gần ngày nào cũng đảo qua nhà lục cơm cháy. Mùi rượu cuối chiều, tóc tai phủ gáy kêu hoài không chịu cắt, nửa đêm huýt sáo chọc chó sủa dậy, có cái áo mặc hoài hôi xì mà không chịu thay. Sự sống động đó, tùy tiện đó, bừa bãi đó khuấy động bà mẹ, khiến lòng bà trùng trình. Thương lén, thương bằng mắt, bằng cái điệu bộ đuổi xua, “cơm chánh phủ đâu sao không ăn, lảng vảng chi trong bếp dân thường”.

Sau cuộc bãi khóa, ông anh lớn bỏ học vào rừng, chú Quý cũng trở về Nhơn Thành, vét sạch hai bồ lúa mua chức xã trưởng. Ngày nào tân xã trưởng cũng ngồi trước hàng ba lau khẩu súng mới được cấp, đuổi dạt mấy người hay tới gặp ông nội hầm hè chuyện để con cái trong nhà trốn theo bên đỏ. Một tay ôm con gà nòi chiến, tay kia xỏ vô túi quần tây, xã trưởng thả tà tà dài xóm, lâu lâu thò đầu vô nhà ai đó hỏi, “Có nuôi chứa ai trong nhà không, thím hai ?”. Chẳng ai dại gì nói có, nhưng xã trưởng hết sức hài lòng, “Không hả ? Ờ được”. Rồi huýt sáo bỏ đi, những nốt nhạc của bài “nét buồn cuộc chiến” cứ rơi đằng sau gót. Bài hát như nhạc hiệu của xã trưởng, chưa thấy bóng Tư Quý đâu người ta đã nghe rười rượi “mắt em buồn cuộc chiến quê hương, tóc em buồn màu hỏa châu vương, từng đêm nghe súng nổ, con tim mình tan vỡ…”

Thằng con xã trưởng ở đầu gánh, cân bằng với một thằng con khác ở trong rừng, ông nội giữ tư thế người ở giữa, kệ chiến cuộc có nghiêng về bên nào. “Tụi này chỉ theo đám ruộng”, ông nội thường nói vậy mỗi khi hai bên tới rủ rê theo họ. Thuyết phục được ông điền chủ Năm Tánh, thì coi như giải quyết xong cả xóm Nhơn Thành. Hai bên đều nghĩ vậy, nên kẻ thì đẩy cỗng lúc ngày, người gõ vách lúc nửa đêm. Nước trong bình trà không quan tâm ai từ đâu tới, cứ đon đả chảy ra mỗi khi khách tới nhà.

Nhưng tình thương của bà nội đối với đám con thì khó lòng rạch ròi thế ở giữa. Như bữa mừng dứt chiến tranh, ăn uống xong lôi bộ bài tây ra đánh chơi, thấy chú Tư Quý thua xiểng liểng, bà nội lén dúi cho mấy chục cắc. Vớ mớ vốn đó chú Tư lội ngược dòng, vét sạch túi mấy ông anh. Tàn cuộc, chú phủi đít quần hốt vốc tiền bỏ vô túi người anh họ cũng vừa nộp súng xong.

- Đem về mua gạo cho sắp nhỏ, tụi mình phải đi xa dài ngày mà.

Người đàn ông nhẹ nhõm với thắng thua ấy, ngày về thành con người khác. Như thời gian ở trại cải tạo, người ta đã đánh thức chú giữa giấc ngủ, giữa bữa ăn, lúc đi tắm để dí ngón tay giữa trán, nhiếc móc “anh là kẻ thua cuộc”. Là kẻ thua cuộc. Kẻ thua cuộc. Thua cuộc. Như thể trong hai mươi lăm ngày lao động cải tạo, cây cuốc, cọng rau, và cỏ dại đều day đi day lại, nhét đầy những lằn rãnh những tia máu trong đầu chú, “đồ thua cuộc”

Cả tiếng đũa khua, hôm đầu tiên chú về, cũng rón rén, phập phồng. Cái thằng nhỏ ung dung, hay phẩy tay phớt đời của mình đâu rồi, bà nội nghĩ vậy lúc thắp cây đèn ngồi kế bên, gắp cá bống kho tiêu bỏ vào chén nó.

Một bữa sớm, Tư Quý đổ dầu máy cày, rồi lái thẳng ra đồng. Không bao giờ chú quay về nhà nữa. Người ta đã lần theo vết máy cày rằn trên đất, đi hết đồng Nhơn Thành đến Phong Điền, Trảng Gió, Mù Sương cho đến khi không còn nhận ra dấu hằn của chiếc máy cày Tư Quý với những chiếc máy cày miệt khác chạy ngang dọc trên đồng đất tháng Năm.

Bằng cách đi vào mịt mù, chú Tư Quý khiến bà nội nghiêng thương về phía mình, cho đến lúc tàn hơi, “Bữa thằng nhỏ đi chỉ đem theo có nắm cơm nếp đậu, nó có thể đi đâu chớ ?”.

 

Dùng bản Tư gởi
Lên trang này ngày 31-5-15