Ngày mai của những ngày mai...

Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Phải có đến hàng trăm lần, tôi nghe và nói cái câu nào đó tương tự như “hẹn mai mốt gặp”. Như một thói quen, như một câu chào, người ta tự nhiên nói mà không quan tâm điều đó có xảy ra hay không. Và cái câu hẹn mai mốt gặp trong tôi luôn mang ý nghĩa, chào nghen, tôi về.

Và cái buổi nắng lên trong vườn dừa hôm ấy, tôi cũng nghe lại câu này, “hẹn mai mốt gặp, mình nói chuyện nghề chơi”. Người “hẹn hò” tôi là một ông già gầy gò, kham khổ. Tôi không trả lời được, tôi thoáng nghẹn đi, vì cái cảm giác tiếc nuối do chia tay vội buốt ở đầu mắt, thì cuối mắt ông nhấp nhánh ánh lên sự hy vọng hồn nhiên. Mai mốt gặp.

Lưng bỗng đau khi day lại phía ông già. Chân bước đi cũng đau. Gáy tôi nhìn thấy cái tuổi tám mươi tư của ông già đứng im sững bên chái nhà, nơi đặt bộ bàn tiếp khách. Gáy tôi lạnh. Trời ơi, sao ở cái tuổi ấy người vẫn còn có thể thanh thản hẹn với một ngày mai?

Hơn ai hết, ông già biết ngày mai đó rất xa xôi. Bởi ông không còn sức để đi chỗ này, chỗ khác, không thích những chỗ xô bồ xô bộn, họp hội xinh xang. Chủ nhân (dù muốn hay không) của câu nói nổi tiếng ngang tàng ngạo nghễ, “đi chỗ khác chơi” đã chọn chơi với mảnh vườn yên tĩnh của mình. Con mương vườn rụng đầy những trái dừa chuột cắn, mấy cây bưởi ngoài sân trước. Hơn ai hết, ông biết đôi chân mình đã mỏi, lời đã mỏi nụ cười đã mỏi, chỉ ánh nhìn là vẫn lấp lánh sự tinh quái, làm tôi thót tim lại, hôm đầu gặp ông.

Cái nhìn soi thấu vào gan ruột người ta. Trong những cơ may gặp gỡ mà tôi có được, chỉ vài ba người làm tôi sợ, vì cái sự-đọc-được-người-khác của họ. Ông già cũng làm tôi sợ, ông thấu được một tôi nông cạn, hời hợt, dại dột. Cũng chẳng có gì nghiêm trọng, chỉ là cảm giác mất tự do, mình sống thế nào, mình che đậy thế nào, mình xoay bề nào ông già cũng ngoáy cái ánh mắt tinh quái, cái cười hóm hỉnh vào, chọc chọc. Đối mặt nhau qua cái bàn trà cũ kỷ, nhưng mỗi lần nghe ông già dùng trí nhớ mẫn tiệp của mình dẫn lại mấy câu văn dài ngoằng của Lỗ Tấn, một đoạn truyện cũng dài thườn thượt của Ernest Hemingway, tôi lại cảm giác ông già ở trên cao, và mình trong cái thế phải ngước lên, ông thầy giỏi mà kẻ học thì lơ ngơ, như vói hái trái ở một cành cây quá đầu, mỏi chân, mỏi cổ quá trời.

Nhưng tôi biết, cái cội cây già ấy sâu thẳm tự đáy lòng muốn trao trái cho đám trẻ như tôi. Cái cây vẫn còn quá nhiều trái trên cành mà thân đã dần cạn nhựa, cây không muốn trái cũng chết khô giữa trời. Trái kia, phải được hái khẽ khàng, để một hôm nào đó, sau mưa, hạt lại ươm mầm trên những mảnh đất mới và đầy sức sống.

Thiệt tình, đó là tất cả những gì tôi muốn khi bước chân qua cánh cỗng xiêu xiêu kia. Học. Tôi chỉ cần có vậy, học tất cả những gì ông già có, nhân cách sống, sự lịch lãm, ngạo đời, vốn kiến thức văn học giàu có, cái nhìn nghề khe khắt… Nhưng học ông già này hơi bị… khó, nên bước chân ra về lại rấm rức, sao mình không thể ở lâu hơn, mà tôi đoán phía bên kia cũng… ấm ức giống tôi. Đã nói gì được nhiều đâu, đã cho và nhận kịp đâu, nhìn thẳng ông già tôi còn không dám, nói gì tôi đã chạm được ông. Mà, tôi muốn chạm vào ông, muốn đọc chút xíu ông, muốn tự mình dệt nên một câu chuyện tếu táo gì đó về ông, lâu nay tôi toàn nghe giai thoại của người khác. Vậy nên cả hai không thỏa, vậy nên ông già ngó tôi mà rằng, “mai mốt mình gặp nói chuyện nghề chơi”.

Và tôi ngẩn ngơ. Tôi muốn gặp ông già lần nữa, lần nữa, gặp hoài nhưng tôi không bao giờ cất lời hẹn lần sau. Hơn ai hết, tôi biết mình lâu lắm mới sẽ trở lại nơi này, lâu lắm tôi mới lại qua sông Tiền, vì tôi ở xa, vì tôi là đứa ru rú xó nhà ít lang thang đây đó. Tôi tầm thường đến nỗi lên xe rồi, cứ nghĩ tới chuyện nhà không ai quét, con trai không ai nấu cơm cho ăn, và nghĩ tới cái gối ôm có hình mấy con thỏ thả bong bóng bay là tôi muốn quay lại cho rồi. Nhưng nếu muộn hơn, bạn bè tôi còn, những vườn dừa còn, nhưng ông già Nam Bộ ngạo đời ấy tôi không còn cơ hội gặp nữa, ý nghĩ đó đã đưa tôi đi, vượt lên những lười nhác. Gặp lần đầu, tôi vẫn không tin mình sẽ gặp ông lần hai, và gặp lần hai, tôi làm sao biết được có còn lần nữa.

Bởi những cuộc hẹn sẽ có ít nhiều đổ vỡ, bất trắc. Trên con đường đi đến đó, có khi tôi đau bụng nên quay lại, có khi tôi gặp bạn bè và say mèm ở dọc đường, có khi chiếc xe trở chứng xịch lụi chết máy. Tôi đến nơi thì người cũng vừa đi khuất. Mà bất trắc thì quá nhiều nhân dạng. Vượt qua khoảng cách địa lý, vượt qua những rào cản lặt vặt như… cái gối ôm để thực hiện cuộc gặp, nhiều khi lãng trân. Tôi không là tôi cũ, người không còn là người cũ, gặp nhau cũng như không. Ông già thì vững trân một nếp, nhưng tôi? Chưa chắc… Tôi đã có lần gặp bạn mừng chưa hết, thì nói câu gì đó đau lòng rồi cuộc hẹn tan mau.

Nhưng có một dạng bất trắc hơn cả mọi bất trắc mà tôi không bao giờ kịp quen. Đi đám giỗ, gặp nhỏ em họ cùng tuổi, hẹn nhau đám giỗ sau, nhưng nó đã bỏ đời đi sau một cơn buồn. Có người hôm trước gặp nhau còn cười hỏi, “ê khoẻ hôn, lâu quá không nhậu nghen, mai mốt rảnh rổi, anh gọi”, hôm sau thấy anh cười trên ti vi, nụ cười đã bất động, không thể tin, người cười đẹp vậy sao có thể thản nhiên ra đi giữa khuya vì đau tim được hả trời. Và bất trắc thì đôi khi không chờ giữa hai lần đám giỗ, không chờ qua một ngày, bất trắc chỉ trong tích tắc, một cô gái ngún nguẩy đuôi tóc, tung tăng bước qua đường vẫn trong tầm nhìn tôi, tôi vẫn chưa chớp mắt thì chiếc xe điên cuồng nào đó đã huỷ hoại cuộc sống của cô rồi, chỉ một phần trăm của giây. Trong những câu chuyện thường ngày quanh ly rượu, chén trà, sau tiếng thở dài, người ta chép miệng, “mới hôm qua…”, “mới cái độp đây mà…”. Bất trắc nhanh đến nỗi khiến người ở lại phải hoang mang giữa tuyệt vọng và hy vọng, giữa có nghĩa và vô nghĩa, bởi rõ ràng thân xác đã nguội rồi, rồi, nhưng cảm giác về người cũng còn nguyên vẹn. Trong veo. Rực rỡ. Tôi sợ…

Ông già thì đã tám mươi tư…

Nhưng ông già đã hẹn tôi, ông không thèm nhìn cái tuổi tám mươi tư của ông, mà sao tôi cứ nhìn mãi, thấy mãi. Xe tôi khuất qua những thôn xóm, qua trùng trùng muôn muôn những vườn cây trái, những dòng sông, hàng trăm cây số, về đến nhà, đóng chặt cửa, nhắm mắt lại tôi vẫn nhìn thấy mái tóc ông bạc, lưa thưa, giọng nói đã hơi run khi vượt thoát khỏi đôi môi, và gầy đến chiếc áo của ông cũng ngẩn ngơ như nó đã đánh mất da thịt của ông rồi.

Nhưng ông già đã hẹn tôi. Ông không thấy cái tuổi tám mươi tư của mình, bởi vì ông không có tuổi, chẳng bất trắc nào đánh gục được ông, ông sống hàng trăm tuổi ấy, với những gì ông để lại. Một nhân cách hơi kỳ lạ, cô đơn sâu nhói, đeo đuổi sự tự trọng đến cuối đời. Những trang văn đau, sâu sắc, tinh tế, mà sang trọng, lịch lãm. Ông “đi chỗ khác chơi”, không “bẹo hình bẹo dạng” nữa, nhưng nhiều người vẫn gặp ông khi qua căn gác cũ, con đường cũ, quán cũ, trang sách cũ… Bao giờ còn những khoảnh khắc mà các hạt bụi như tôi bỗng nhớ đến non-ông, nhớ cái cây cổ thụ già ấy thì ông vẫn còn nguyên trân đó, dù cái áo xưa đã xếp lại, hết chỗ cho nó phất phơ rồi.

Hóa ra, cái hình ảnh tám mươi tư tuổi của ông già chỉ là tôi mượn để nói tránh về một tôi già nua, chỉ tôi là nhìn thấy tuổi, nhìn người, nhớ người, hẹn người bằng tuổi. Tuổi không phải là biểu tượng của đời đâu, nhỏ ơi. Ông già chắc không biết là câu nói hẹn gặp lại bị tôi suy diễn xa dữ vậy.

Đơn giản, chỉ là ông kêu có dịp thì gặp nhau, nói chuyện văn chương vô tận chơi thôi. Đơn giản là tuổi già của ông bị cô đơn ăn hiếp quá, dồn đuổi quá, lâu lâu có đứa nhỏ buồn mà cà chớn như tôi đến chơi thì vui chớ sao. Thì muốn còn tập tiếp theo chớ sao. Dù ngày mai, mốt đó là của những ngày mai, mốt khác. Nó xa, nhưng mà gần, cứ kêu lên, ngày mai, chẳng phải qua đêm nay là tới sao? Những hẹn hò có khi mãi mãi là hẹn hò, nhưng nhờ nó, người ta mới chịu khó ngồi nuôi dưỡng niềm tin. Tôi mới chịu khó sống và viết, tôi mà tệ quá, ông già không chịu tiếp, thì chết.

Tôi vẫn còn muốn hái thật nhiều trái chín của cái cây cổ thụ tuyệt đẹp có sức sống mãnh liệt đó. Tôi tham quá trời đi.

Mai mốt gặp, dạ, mai mốt gặp.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư 

Lên trang này ngày 3-7-07
Dùng bản Tư gởi