Mặt trời xa lắm Nguyễn Ngọc Tư - Nghe cấp trên tới đây gặp dân, tôi mừng húm. Vậy là mặt trời xuống gần dân rồi. Ông già nói câu đó trong không gian hầm hập hơi người, dưới nắng trưa nóng rẫy. Vài người cười ồ, ông già Bảy bữa nay nói chuyện bày đặt nói văn chương. Buổi tiếp xúc cử tri đang nặng nề như dãn ra. Có vẻ nhẹ nhõm, nhưng điều đó rõ ràng là ảo giác. Và tôi, một trong những “mặt trời” nghe sống lưng lạnh buốt, nuốt vội ngụm nước mà chực nghẹn, vì xấu hổ, vì cảm nhận trong lời ví von tếu táo của ông già có sự chua xót, đắng cay (*). Vì được chạm tay vào một sự thật, là người dân đã coi chúng tôi là những kẻ xa cách, như đây không phải là đại diện của mình, như chính quyền không phải của mình. Suốt những ngày gặp gỡ, đôi lúc tôi có cảm giác chúng tôi như những sứ giả đứng bên này sông, nom rất lạc lõng. Người dân thì ở bên kia sông, và chúng tôi nhoáng nhoàng bắc tạm một nhịp cầu, tạm cứu vãn và tạm níu lại, nói ba điều bốn chuyện. Để rồi lại mịt mù tăm cá. Nguyên nhân làm cho sự xa nhau đến nông nỗi này thì thấy ngời ngợi trước mắt. Đơn giản, là có nơi, có lúc đại diện của chính quyền không chịu (hay không muốn ?) đối thoại với dân, càng chẳng có văn hóa đối thoại. Bà con không được coi như chủ, như người thân, như anh em ruột thịt đã đành, tệ hơn, chẳng được đối đãi như... ông bạn nhậu. Không thân tình, nhưng ít ra, gặp giữa quán cũng ới một tiếng, uống với nhau ly rượu, trao đổi vài câu xã giao, lúc này làm ăn sao, vợ con sao? Chỉ khoảnh khắc nhỏ nhoi, vậy mà nhiều bà con hiếm khi có cơ hội. Ba ngày gặp bà con, tôi viết đầy mười tám trang giấy. Về đọc lại thấy buồn, thấy chuyến công tác của mình vừa rồi sao tuyệt vọng giống như đi vá tầng... ozone. Không phải, là đi đắp vá lòng dân đã thủng, đã đau nhiều chỗ. Những vụ tiêu cực lớn vỡ ra như nhọt, dân thấy sốc như bị một nhát chém, đã đành. Có lỗ thủng không đáng... Thí dụ, đất nhà dân, ông bưu điện không nói không rằng, nhào vô đào cái hào bằng sải tay, đặt đường cáp quang, cũng không thèm hé môi nửa lời, cắm cái bảng đỏ chót “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm...”. Gì kỳ vậy, dân phản ứng, đất của tui mà... Thí dụ, bà con làm hồ sơ chính sách người có công với cách mạng thiếu một vài thủ tục, chẳng ai hướng dẫn để đối tượng bổ sung, chờ không được, bà con lặn lội đi hỏi thăm thì chính sách ấy hết hạn giải quyết lâu rồi. Gì kỳ vậy, dân ngửa mặt lên trời, kêu thảng thốt (vậy chớ lỡ làng hết rồi, không kêu trời, biết kêu ai). Thí dụ, quy hoạch khu công nghiệp trên ngàn héc ta mà bà con đi mua đồ ở tiệm tạp hóa, lật tấm giấy báo gói củ cải muối ra mới biết, quy hoạch ngay trên đất mình. Tong tả lại đằng xã hỏi thì được trả lời, trên đài có đưa tin, bộ hỏng đón nghe sao? Dân ngẩn ngơ, gì kỳ vậy, không lẽ suốt ngày tui ôm cái ti vi để coi mấy ông nhà nước có nhắn gì không? Thí dụ, làm lộ nông thôn, có chỗ chia theo tỷ lệ Nhà nước 6, dân 4; ấp bên kia lại theo tỷ lệ 7/3, dân ấm ức, gì kỳ vậy, bộ bên kia là con ruột, tụi tui con ghẻ sao? Những việc như thế có kể tới Tết cũng chưa hết. Quyền lực tạo ra cảm giác, ta là người trên trước, cao quý, và ý nghĩ đó đẩy người dân vào thế yếu, chẳng được trọng thị như một đối tác ngang hàng. Cách biệt được đào thành hố, thành hào. Bắt đầu bằng những rạn nứt nhỏ, rồi lâu ngày, vết thương chảy máu từ những việc hết sức tủn mủn, nhỏ nhặt, đôi khi... lãng nhách. Bởi chính quyền chỉ cần bỏ ra chút thời gian, cử người giáp mặt với dân, trao đổi ngắn gọn, gút mắc sẽ được gỡ, mọi việc sẽ đơn giản, đầm ấm hơn nhiều. Văn hóa đối thoại đã bị bỏ quên vì một chút dùng dằng, tiếc thay. Nguy hiểm hơn, là cái cảm giác buộc làm theo lệnh của Nhà nước mà không được hiểu, không được nói, và cảm giác bị cai trị, rất gần. Không phải tự nhiên, không phải vì khái niệm địa lý mơ hồ mà bà con gọi lãnh đạo chính quyền là người “ở trển”. Nên ai đó đừng nghe vậy rồi mừng thầm, vô tư bảo, bữa nay chúng tôi “xuống” dân. Chuyện lên, xuống này sẽ làm mối quan hệ giữa chính quyền và dân trở nên lạt lẽo và xa cách. Mặt trời sẽ xa lắm, sợ ánh sáng không đủ để cây cỏ đơm bông. (*) Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là đại biểu Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư Thời báo Kinh Tế Sài Gòn 6-7-06
|