Lương

(cũng là "Bến đò xóm Miễu")

Nguyễn Ngọc Tư

 

Lương chèo đò mướn năm mười hai tuổi. Nhà Lương nghèo, chỉ là cái chòi rách tả tơi, từ ngày đi theo đò. Lương ăn, ngủ trên bến đò, nên nhà đã bỏ hoang hẳn. Suốt ngày quần quật trên sông mà bộ mình đã khẳng khiu chỉ độc cái quần tà lỏn dính đầy nhựa trong của thời làm sai vặt ở các trại xuồng. Lương không cha, má chết sớm nên cái quần dãn dây thun không ai may lại, nó tuột luốt mỗi lần Lương thót bụng rướn người trên đôi chèo.

Bây giờ cũng còn vài người nhớ dai nhắc hoài cái tướng Lương hồi đó. Bây giờ Lương ba mươi hai tuổi. Anh đã chèo hết thảy chín xác đò. Bến đò Đậu Đỏ qua xóm Miễu sang đi nhượng lại qua tay bốn người chủ. Mà, Lương vẫn còn nghèo. Lương khoe, nghèo, cực nhưng vui lắm. Ngày trăm lượt chèo nát mặt sông từ bến xóm Miễu qua bến chợ, anh chứng kiến biết bao nhiêu thay đổi cuộc đời, người xóm Miễu già đi, những thằng con trai, đứa con gái lấy nhau sinh ra nhiều thiệt nhiều đứa trẻ. Và những đứa trẻ lớn lên…

Chỉ Lương là già câng già cấc, già cóc thùng thiếc rồi mà chưa lấy vợ. Hỏi Lương, Lương cười hì hịch: Tui xấu muốn chết, ai mà thèm ưng…”.  Lương xấu trai thiệt. Tướng Lương nhỏ xíu, teo héo.  Đầu to, tóc dày, cứng, cháy nắng.  Một bên mắt lé xẹ.  Ai cũng cười: Cái thằng, mầy chèo mà không ngó đằng trước, ngó đâu trật lất vậy?”. Lương không giận tựa như không biết giận. Cái thân nhỏ mồ côi mồ cút, nghèo xác xơ mà bày đặt giận cuộc đời thì làm sao sống nổi. Suốt ngày Lương hệch miệng ra cười, làm như vui, làm như không, khó nắm bắt. Trong Lương như một người trí não chậm phát triển.  Lương khoái cặp mắt mất đoàn kết của mình lắm, người ta nhìn anh biết, chứ anh mà nhìn lại, người ta tưởng anh ngó đâu đâu.

Bông cũng bị Lương nhìn như vậy. Nhà Bông cũng ở bên xóm Miễu, gần chòm mả Tiều. Lương biết Bông từ hồi Bông còn đi học. Bông mê đi đò, lần nào nó cũng năn nỉ Lương lén bà chủ bến cho nó ăn gian thêm mấy bận nữa. Nó ngồi đằng mũi xuồng, thò chân xuống nước quậy quậy chơi. Lương bảo dưới sông nhóc cá sấu, Bông tin liền. Sao mà Bông dễ tin vậy. Ngày nào, Bông cũng mặc chỉ một cái áo trắng bằng vải soa lông vịt, chiếc áo hơi ố vàng, rộng thùng thình. Tan học, Bông cùng một bầy em lít chít đi mót cây vụn ở các trại xuồng về nấu cơm. Má nó có một chiếc xuồng cũ, hai bên be bể như cá chốt rỉa, vớt bọc dưới sông. Ba nó đi nhậu, nhậu xong về đánh má con nó. Lớn lên, mỗi lần qua đò, Bông thôi vọc nước nhưng đăm đăm nhìn ra xa. Con sông Thủ đến ngã ba Vàm bỗng cuồn cuộn quặn đau khi hoà sông Gành Hào ra biển.

Bông lớn mau lắm. Chuyện đó không biết có mắc mớ gì mà tự nhiên Lương khoái soi mình xuống sông, những khi vắng khách, Lương ngồi mằn mằn lấy cồi mấy hột mụn trên mặt. Lương than với bà Tư, chủ bến “Lúc này dì thấy tui đen không?”  Bà Tư cười,” Chà, hỏi kiểu này chắc biết làm điệu rồi. Muốn vợ hả? Mầy ráng dành dụm tiền, mai mốt có vợ rồi tao sang lại bến đò cho mà làm ăn”. Con mắt lé thờ ơ nhìn chỗ khác, nhưng con mắt còn lại thắp lửa lên. Mắc mớ gì Lương nghĩ tới Bông.

Bông thôi học. Bữa cuối tan trường, qua tới bờ xóm Miễu, Bông không chịu lên, nó biểu Lương cho nó đi thêm bận nữa, từ mai nó đã thôi học rồi. Từ mai, nó vẫn qua đò, nhưng nó đã khác, con Bông đã khác.

Con Bông đã khác. Buổi sáng, Bông mặc áo rách qua chợ, buổi chiều về. Trên mình là váy ngắn, áo yếm, vai quàng hờ hững hai cái dây nhỏ xíu có cũng vậy mà không có cũng vậy, vịn hờ cái áo khỏi tuột xuống. Bông hỏi Lương: “Thấy tui đẹp hôn?” Lương hệch miệng ra cười: Đẹp dữ dằn luôn.  Bông lườm một cái rồi hất mặt đi, Đẹp khỉ khô gì, tui đâu có ham”. Bông bước lên bờ, đạp đạp mũi đò ra.

Đám em Bông mặc áo mới tới trường. Má Bông sắm được chiếc xe đẩy bán bánh mì thịt dài dài qua các hẻm. Ba Bông đi nhậu về, đã ngủ rất say.

Người xóm qua đò xầm xì Bông đi bán bia bên cầu, quán “Đêm sầu”. Bốn giờ chiều, Lương đưa Bông qua chợ. Bông nói giờ đó quán chưa có khách đâu, nhưng con mẹ chủ bắt phải mặc quần lửng ngồi ngoài băng đá đằng trước quán. Một bầy con gái ra đó giả đò ngắm mây trôi, coi xe cộ qua lại chơi nhưng thật ra là để chào hàng. Bông trở về lúc hai ba giờ sáng, quần áo xốc xếch, tóc mai dính bết vào khuôn mặt đậm đà son phấn. Đôi mắt dại đi vì say, vì mất ngủ, người sềnh sệch mùi bia, đến nỗi Bông ngồi gần, Lương hít hơi men muốn xỉu luôn.

Lương ăn trên sông, ngủ trên sông nên không biết ở phía bờ, người ta đưa đẩy cuộc đời Bông như thế nào. Nhưng thế nào thì Bông chắc cũng giãy giụa, quặn đau như nước ở ngã ba Vàm vậy. Bởi vì Lương tin Bông, Lương hiểu Bông mà.

Dăm bữa, Bông rút trong áo ra một nắm tiền, xoè ra tròn như chiếc quạt, phơ phất mát mặt Lương, Bông cười,”tui giàu rồi”. Lương lắc đầu, Bông biểu Lương chèo đi, chèo hết đêm nay. Lương chèo trong những ánh đèn hắt ra từ hai bên bờ xóm chợ. Bông nhìn ra sông, cái nhìn vẫn buồn như lúc trước nhưng nó đã đanh đi, chai lì đi. Lương nhìn mà Bông đâu có hay. Lương hỏi Bông bộ tính làm như vầy hoài sao. Bông cười, chừng nào có người cưới tui. Lương hỏi, “Xấu xấu Bông chịu không?”. Bông cười, Thân tui gì còn kén chọn nữa, khùng?”.

Lương mà khùng ? Hỏng dám đâu. Lương ngồi gãy tay, gãi đầu hỏi bà Tư coi bà còn nhớ lời hứa hồi trước không, bà cười,”Nhớ, nhớ chớ sao không? Tiền mày gởi tao, dư sức qua cầu rồi”. Nhưng bà không biết đâu, Lương còn nhiều dự tính nữa, anh muốn cất lại căn nhà đã bỏ hoang lâu rồi. Lương muốn đóng một chiếc đò mới, cẩn vỏ xe quanh be, lấp dầu trong, cho từng sớ gỗ đỏ au au.

Lương đi xin cây vụn về để sẵn dưới sạp, rảnh rảnh, anh lấy ra, cưa đẽo đóng một cái hộp đựng tiền nho nhỏ, nhiều ngăn. Ngăn đựng giấy bạc hai trăm, năm trăm, ngăn đựng giấy bạc một ngàn. Lương mua giấy nhám về đánh cho nó bóng lên, rờ tay cho mát rượi. Lương giấu nó đi để khỏi ai trông thấy, sợ người ta hỏi tới hoài. Lương nói thiệt, người ta cười, bảo Lương cầu cao … Mắc cỡ lắm.  Mà, anh còn chưa nói với Bông.

Nhưng Bông đã nói trước, Bông khoe, “Chắc tui bỏ nghề, tui lấy chồng”. Lương rà mái chèo cho đò cặp bến, Lương hỏi Bông lấy ai? Bông cười: Cái ông hồi nãy đưa tui về”. Lương muốn sụm bộ giò, lặng người mà miệng vẫn cười hịch hạc, “Sướng nghen”.

Ông già vẫn thường đưa Bông về xóm Miễu. Người ta nói, con Bông ham giàu nên ráng kêu ông ngoại đó bằng anh. Bông giẫm cái cười của cuộc đời lên đôi giày cao hai tấc, đường kính gót một phân. Bông chờ ngày lấy chồng.

Nhưng bà già, vợ ông già không chịu, bà lùa bầy con qua nhà, rọc nham nhở mái tóc dài của Bông, xé quần áo, lột sạch những món đồ trang sức Bông đang đeo. Chuyến về, đám người đó qua sông. Lương trừ trừ chờ canô chạy qua rồi nương theo sóng lớn nhận chìm đò luôn.  Bà già suýt chết đuối, may nhờ Lương ngoi ngóp kéo lên bờ. Bà vừa níu Lương vừa chửi: Đồ không có văn hoá, đồ thất học”. Lương cười hề hề, sao bà chửi câu nào trúng câu đó vậy.

Bông biết chuyện, Bông nói trong ngân ngấn nước mắt “Làm chuyện đó chi vậy, Lương? Của người ta thì trả lại cho người ta đi. Sao mà tui dễ tin người quá vậy không biết”. Lần đầu tiên, Bông gọi Lương theo đúng tên của anh chứ không kêu “khùng”, kêu “đò” nữa.  Lương sướng tê người đi. Bông ngồi chỏi tay ra ngoài sau, ngẩng mặt lên nhìn Lương như chị Hai nhìn thằng Út, như con chó Vá nhìn đống thóc.

- Tui biết anh thương tui mà, Lương.

Lương cười. Khuya đó về, sông vắng. Lâu lâu mới có một chiếc xe chở cát, chở dầu tạch tạch đi qua, ánh đèn đỏ lòm xa xa như ánh nến. Bông biểu có thương Bông thì ngồi lại gần Bông đi. Nước đứng rồi, đò có trôi đi đâu mà sợ. Hai đứa ngồi một bên be xuồng, nó nghiêng nghiêng lơ lửng. Bông biểu Lương nắm tay nó đi, Lương không dám, hai đứa cách nhau chừng bốn gang rưỡi. Lương nín khe hồi lâu rồi thở ra:

- Gió mát thiệt, hen?

- Lương!

- Gì?

- Ôm tui đi.

- Ý trời, người ta dòm.

- Thây kệ họ. Ôm tui đi

- Thôi

Bất thần, Bông xô Lương té ngửa xuống nước. Đợi Lương vẹt đám rác trôi lều bều, trồi đầu lên, Bông hét:

- Chê thân tui dơ dáy, nhơ nhớp nên không dám động vô tui chớ gì. Vậy mà thương tui sao ? Đồ xấu xí, đồ khùng.

Lương vịn một tay vô be xuồng, một tay vuốt nước trên mặt. Trong lòng anh nghĩ rất nhiều mà không nói được lời nào. Anh khờ khạo không có năng khiếu nói, lâu rày anh chỉ biết cười. Lương mà khùng? Lương chỉ không muốn mình giống như bao thằng đàn ông khác, nhìn Bông như nhìn một món đồ chơi. Bông là Bông, là con gái, là người.

Sau nầy, Bông dửng dưng qua đò như chưa hề có cái đêm hôm đó. Bông đi với một thằng con trai mới. Thằng nầy để tóc năm năm nên Lương kêu nó bằng “Năm-năm”. Năm-năm”trẻ măng, quần áo thơm, đầu tóc thơm, chiếc xe phân khối lớn nổ tè tè ra đám khói cũng thơm.  Bốn giờ, Năm-năm” đón Bông ở đầu bến đò. Nó hất mặt hỏi Lương có biết Hồng không? Lương nói Lương chỉ biết Bông thôi. Lòng anh nghĩ, dù là Hồng, là Mai, là Cúc thì vẫn là Bông. Năm-năm” cười sùi sụt: Ông nội này cù lần thiệt”. Bông qua sông đi rồi. Mấy bà già đi chợ về nguýt muốn rách đuôi con mắt:

- Con gái con đứa gì mà ngồi vểnh phao câu, thấy ghét.

Lương lặng lẽ cười. Anh đưa Bông đi rồi chở Bông về. Kỳ cục, Lương không biết rằng mỗi lần thấy Lương dại miệng kéo răng ra cười là lòng Bông quặn đau. Bông muốn nhìn thấy anh buồn, thấy trong mắt anh lộ ra một cái nhìn ghen tức. Nhưng Lương không được thông minh lắm, Lương không hiểu. Lương khùng.

Lương không ngờ. Chiều đó anh đưa Bông tươi hồng qua sông, sáng hôm sau má Bông với đám em qua đò, mếu máo:

- Con Bông nó bị tai nạn.

Nghe nói Bông bị thương trong lúc đua xe cùng “Năm-năm”.

Nghe nói cột sống Bông bị tổn thương nặng. Một nửa chi dưới đã bất toại.

Lương chỉ nghe người xóm Miễu qua đò nói lại. Lương không bỏ đi đâu được đôi chèo. Lương không rành cái gì ngoài cái bến, dòng sông, đất đai xóm Miễu. Lương ngồi tưởng tượng ở trong bệnh viện chắc Bông buồn lắm. Lương chờ Bông về.

Bến đò xóm Miễu thay đổi chủ. Lương vẫn mãi miết chèo qua chèo lại, càn lên dòng chảy, lên sóng nước mà đi. Bông ngồi trên bến thu tiền. Nó vuốt phẳng phiu từng tờ giấy bạc lẻ nhàu vào từng ô của chiếc hộp Lương đóng ngày xưa. Người không biết qua bến nhìn Bông xinh đẹp tươi hồng rồi nhìn vẻ mặt già háp của Lương mà lòng tiếc hùi hụi, tiếc đôi đũa mốc với cái mâm son, tiếc bông lài trắng với bãi cứt trâu xanh. Người biết chuyện cười Lương khùng, cưu mang một đứa con gái lỡ lầm còn thêm chuyện không còn khả năng làm vợ.

Nên bên kia chợ người ta gọi bến này là bến Đậu Đỏ, bên này bờ xóm Miễu, người ta kêu bến “Lương khùng”.

Nguồn: Giao Thừa, NXB Trẻ, tái bản lần 2, 5/2004

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư